Ngày 14 tháng 10 năm 2001
Kính thưa Bà Chủ tịch Hạ Nghị Viện, các thành viên danh dự của Quốc hội, thưa quý bà, quý ông!
Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi được phát biểu tại Nghị viện châu Âu này. Tôi tin rằng Liên minh châu Âu là một tấm gương đầy cảm hứng về sự hợp tác và hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc khác nhau; và truyền cảm hứng sâu sắc cho những người giống như bản thân tôi, những người tin tưởng mạnh mẽ vào nhu cầu của sự hiểu biết tốt hơn, hợp tác chặt chẽ hơn và tôn trọng nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Tôi xin cảm ơn về lời mời này. Tôi coi đó là một cử chỉ đáng khích lệ của sự cảm thông và quan tâm chân thành đối với số phận bi thảm của người dân Tây Tạng. Tôi nói với các bạn hôm nay với tư cách là một tu sĩ Phật giáo đơn giản, được giáo dục và đào tạo theo cách truyền thống cổ xưa của chúng tôi. Tôi không phải là chuyên gia về khoa học chính trị. Tuy nhiên, sự nghiên cứu và thực hành lâu dài của tôi về Phật giáo; trách nhiệm và sự tham gia của tôi trong cuộc đấu tranh cho tự do bất bạo lực của người Tây Tạng đã cho tôi một số kinh nghiệm và suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Rõ ràng là cộng đồng nhân loại đã đạt đến một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nó. Thế giới ngày nay yêu cầu chúng ta nên chấp nhận sự hợp nhất của nhân loại. Trong quá khứ, những cộng đồng có thể đủ khả năng để nghĩ về nhau như những cá thể tách biệt cơ bản. Nhưng ngày nay, khi chúng ta học hỏi từ những sự kiện bi thảm gần đây tại Hoa Kỳ, bất cứ điều gì xảy ra ở một khu vực nào đó, cuối cùng cũng ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác. Thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn. Trong bối cảnh của sự phụ thuộc lẫn nhau mới này, lợi ích cá nhân rõ ràng nằm trong việc xem xét đến lợi ích của người khác. Nếu không có sự trau giồi và phát huy ý thức trách nhiệm chung, tương lai của chúng ta sẽ đang gặp nguy hiểm.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta phải lưu tâm về việc phát triển một ý thức lớn hơn về trách nhiệm toàn cầu. Chúng ta phải học cách làm việc không chỉ cho chính cá nhân, gia đình hay quốc gia của mình mà còn vì lợi ích của tất cả nhân loại. Trách nhiệm chung là nền tảng tốt nhất cho hạnh phúc cá nhân của chúng ta và cho hòa bình thế giới, sử dụng cân đối nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, và thông qua mối quan tâm cho các thế hệ tương lai, sự quan tâm chăm sóc thích hợp cho môi trường.
Nhiều vấn đề rắc rối và mâu thuẫn của thế giới đã phát sinh bởi vì chúng ta đã mất đi cái nhìn về nhân loại cơ bản - điều mà đã liên kết tất cả chúng ta lại với nhau như một gia đình nhân loại. Chúng ta có xu hướng quên rằng, mặc dù đa dạng chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, ý thức hệ và vân vân, mọi người đều bình đẳng như nhau trong sự mong muốn cơ bản của họ về hòa bình và hạnh phúc: tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Chúng tôi cố gắng thực hiện những mong muốn này tốt nhất trong khả năng có thể. Tuy nhiên, dù chúng ta có ca ngợi về thuyết đa dạng bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng thật không may, chúng ta thường không tôn trọng nó trong việc thực hành. Trên thực tế, do sự không có khả năng nắm bắt được tính đa dạng của chúng ta cho nên đã trở thành một nguồn xung đột chính giữa các dân tộc.
Một thực tế đáng buồn của lịch sử nhân loại là xung đột đã phát sinh dưới danh nghĩa của tôn giáo. Thậm chí ngày nay, các cá nhân bị giết, cộng đồng của họ bị phá hủy; và xã hội bất ổn do hậu quả của việc lạm dụng tôn giáo và khuyến khích sự cố chấp và hận thù tôn giáo. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, cách tốt nhất để vượt qua những trở ngại đối với sự hòa hợp giữa các tôn giáo và mang lại sự hiểu biết là thông qua đối thoại với các thành viên của các truyền thống đức tin khác. Điều này tôi thấy xảy ra trong một số cách khác nhau. Trong trường hợp của riêng tôi, ví dụ, các cuộc gặp gỡ của tôi với Thomas Merton, một Tu Sĩ Trappist, cuối những năm 60, đã truyền cảm hứng sâu sắc. Họ đã giúp tôi phát triển một sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với các giáo lý của Kitô giáo. Tôi cũng cảm thấy rằng các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau; và sự tham gia cùng nhau để cầu nguyện từ một nền tảng chung là vô cùng mạnh mẽ, như trường hợp trong năm 1986 trong cuộc họp tại Assisi ở Ý. Hội nghị thượng đỉnh tôn giáo và lãnh đạo tinh thần thiên niên kỷ của Liên hợp quốc gần đây tổ chức năm ngoái cũng là một bước đáng khen ngợi. Tuy nhiên, thường xuyên cần có thêm những sáng kiến này. Về phần tôi, để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với các truyền thống tôn giáo khác, tôi đã đi hành hương đến Giê-ru-sa-lem, một địa danh thiêng liêng cho ba tôn giáo lớn của thế giới. Tôi đã đến thăm nhiều đền thờ Hindu, Hồi giáo, Kitô giáo, Kỳ Na Giáo và Đạo Sikh ở cả Ấn Độ và nước ngoài. Trong ba thập kỷ qua, tôi đã gặp nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo của các truyền thống khác nhau; và đã thảo luận về sự hài hòa và hiểu biết liên tôn giáo. Khi những trao đổi như thế này xảy ra, những tín đồ của một truyền thống sẽ thấy rằng, giống như trong trường hợp của riêng họ, giáo lý của các tín ngưỡng khác là nguồn cảm hứng tâm linh và cũng như hướng dẫn đạo đức cho những người theo họ. Nó cũng sẽ trở nên rõ ràng rằng, dù cho có sự khác biệt về giáo lý và những khác biệt khác, tất cả các tôn giáo chính trên thế giới đều giúp chuyển hoá các cá nhân trở thành những con người tốt. Tất cả đều chú trọng nhấn mạnh về tình yêu thương, lòng từ bi, hạnh kiên nhẫn, sự khoan dung, tâm tha thứ, đức khiêm nhường, tự kỷ luật và vân vân.
Do đó chúng ta phải nắm lấy khái niệm đa dạng trong lĩnh vực tôn giáo.
Trong bối cảnh cộng đồng toàn cầu mới hiện khởi của chúng ta, tất cả các hình thức bạo lực - kể cả chiến tranh - là phương tiện hoàn toàn không phù hợp để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Bạo lực và chiến tranh luôn là một phần của lịch sử nhân loại, và trong thời cổ đại đã có những người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Tuy nhiên, sẽ không có người chiến thắng nào nếu một cuộc xung đột toàn cầu khác xảy ra hôm nay. Do đó, chúng ta phải có can đảm và tầm nhìn để kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân và quân đội quốc gia về lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng khiếp tại Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế phải cố gắng thật sự để sử dụng kinh nghiệm đã từng trải về sự khủng khiếp và gây sốc - để phát triển ý thức trách nhiệm toàn cầu, nơi mà văn hóa đối thoại và phi bạo lực được sử dụng để giải quyết những sự khác biệt.
Đối thoại là cách duy nhất thông minh và nhạy cảm để giải quyết sự khác biệt và xung đột lợi ích - cho dù ở cấp độ giữa các cá nhân hay quốc gia. Việc quảng bá văn hóa đối thoại và phi bạo lực cho tương lai của nhân loại là một nhiệm vụ hấp dẫn của cộng đồng quốc tế. Sẽ không đủ để các chính phủ xác nhận nguyên tắc không bạo lực mà không có bất kỳ hành động thích hợp nào để hỗ trợ và thúc đẩy nó. Nếu không bạo lực là để chiếm ưu thế, thì các phong trào không bạo lực phải được thực hiện hiệu quả và thành công. Một số người coi thế kỷ 20 là một thế chiến của chiến tranh và đổ máu. Tôi tin rằng thách thức trước mắt của chúng ta là làm cho thế kỷ mới trở thành một thế kỷ của đối thoại và phi bạo lực.
Hơn nữa, trong việc đối phó với các cuộc xung đột quá thường xuyên, chúng ta thường bị thiếu phán đoán và can đảm. Chúng ta không chú ý đầy đủ đến các tình huống xung đột tiềm năng khi chúng đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu. Một khi tất cả các tình huống đã tiến tới một trạng thái mà cảm xúc của người dân hoặc cộng đồng tham gia vào các tranh chấp - đã trào dâng, thì sẽ vô cùng khó khăn - nếu không phải là không thể - để ngăn chặn một tình huống nguy hiểm bùng nổ. Chúng ta thấy tình trạng bi thảm này đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy, chúng ta phải học cách phát hiện ra các dấu hiệu sớm của sự xung đột và có can đảm để giải quyết vấn đề trước khi nó đạt đến điểm sôi sục của nó.
Tôi vẫn tin rằng hầu hết các xung đột của con người có thể được giải quyết thông qua đối thoại đích thực được thực hiện với tinh thần cởi mở và hoà giải. Do đó, tôi luôn tìm cách giải quyết vấn đề Tây Tạng thông qua phi bạo lực và đối thoại. Ngay từ đầu cuộc xâm lược của Tây Tạng, tôi đã cố gắng làm việc với các nhà chức trách Trung Quốc để đi đến một sự tồn tại chung sống hòa bình, có thể chấp nhận được. Ngay cả khi cái gọi là Hiệp định Mười bảy điểm cho Giải phóng Hòa bình Tây Tạng cũng đã ép buộc người Tây tạng chúng tôi, tôi đã cố gắng để làm việc với chính quyền Trung Quốc. Xét cho cùng, theo thỏa thuận đó, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra sự khác biệt và quyền tự trị của Tây Tạng; và cam kết không áp đặt hệ thống của họ lên Tây Tạng chống lại mong muốn của chúng tôi. Tuy nhiên, khi vi phạm thỏa thuận này, chính quyền Trung Quốc đã ép buộc người Tây Tạng bằng hệ tư tưởng cứng nhắc và xa lạ của họ; và đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tôn giáo, nền văn hóa độc đáo và lối sống của người Tây Tạng. Trong tuyệt vọng, nhân dân Tây Tạng đã nổi dậy chống lại người Trung Quốc. Cuối cùng vào năm 1959, tôi phải trốn khỏi Tây Tạng để tôi có thể tiếp tục phục vụ cho nhân dân Tây Tạng.
Trong suốt hơn bốn thập kỷ qua kể từ khi tôi trốn thoát, Tây Tạng đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự tàn phá khủng khiếp và đau khổ mà họ đã gây ra cho người dân Tây Tạng ngày nay ai cũng biết; và tôi không muốn dừng lại ở những sự kiện buồn khổ và đau đớn này. Bản kiến nghị 70.000 ký tự của Ngài Ban Thiền Lạt Ma quá cố - đối với chính phủ Trung Quốc - đóng vai trò như một tài liệu lịch sử kể về các chính sách và hành động của người Trung Quốc ở Tây Tạng. Tây Tạng ngày nay tiếp tục là một đất nước bị chiếm đóng, bị đàn áp bởi vũ lực và bị hằn sâu vết sẹo bởi khổ đau. Mặc dù có sự phát triển và tiến bộ về kinh tế, nhưng Tây Tạng vẫn tiếp tục đối mặt với những vấn đề cơ bản của sự sống còn. Những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền lan rộng khắp Tây Tạng và thường là kết quả của các chính sách phân biệt chủng tộc và văn hóa. Tuy nhiên, chúng chỉ là những triệu chứng và hậu quả của một vấn đề sâu sắc hơn. Chính quyền Trung Quốc xem văn hóa và tôn giáo riêng biệt của Tây Tạng như là nguồn gốc của mối đe dọa về sự ly khai. Do đó, là hậu quả của các chính sách có tính toán mưu mô, toàn bộ nhân dân Tây tạng với nền văn hóa và bản sắc độc đáo của họ đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tôi đã lãnh đạo cuộc đấu tranh tự do cho Tây Tạng trên con đường bất bạo lực và luôn tìm những giải pháp thích hợp cho cả hai để giải quyết vấn đề Tây Tạng thông qua các cuộc đàm phán trong tinh thần hòa giải và thỏa hiệp với Trung Quốc. Với tinh thần này, vào năm 1988 ở Strasbourg tại Quốc hội này, tôi đã trình bày một đề xuất chính thức cho các cuộc đàm phán, mà chúng tôi hy vọng sẽ là cơ sở để giải quyết vấn đề Tây Tạng. Tôi đã cố ý chọn Nghị viện châu Âu là một địa điểm để trình bày suy nghĩ của mình về một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán nhằm nhấn mạnh rằng, một sự thống nhất thực sự chỉ có thể tự nguyện khi có những lợi ích thỏa đáng cho tất cả các bên liên quan. Liên minh châu Âu là một tấm gương rõ ràng và đầy cảm hứng về điều này. Mặt khác, ngay cả một quốc gia hoặc cộng đồng có thể bị phân rả ra thành hai hoặc nhiều thực thể khi họ thiếu sự tin tưởng và không có quyền lợi, và khi vũ lực được sử dụng làm để phương tiện cho sự thống trị.
Đề xuất của tôi mà sau này được gọi là "Phương pháp Trung đạo" hoặc "Đề xuất Strasbourg" dự tính rằng, Tây Tạng sẽ được hưởng quyền tự chủ thực sự trong khuôn khổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, không phải là quyền tự chủ trên giấy tờ như đã áp đặt cho chúng tôi 50 năm trước trong Hiệp định 17 điểm; mà là một khu Tây Tạng tự trị, thực sự tự trị, với người Tây Tạng hoàn toàn chịu trách nhiệm về các vấn đề trong đất nước của họ, bao gồm cả giáo dục con cái của họ, các vấn đề tôn giáo, văn hóa, sự chăm sóc dành cho môi trường quý giá và tinh tế của họ, và nền kinh tế địa phương. Bắc Kinh sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về hành vi của các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Giải pháp này sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và góp phần vào sự ổn định và thống nhất của Trung quốc – hai vấn đề ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh - trong khi đồng thời người Tây Tạng cũng sẽ được đảm bảo quyền và tự do cơ bản để bảo tồn nền văn minh của riêng họ và bảo vệ môi trường tinh tế của cao nguyên Tây Tạng.
Kể từ đó mối quan hệ của chúng tôi với chính phủ Trung Quốc đã diễn ra rất nhiều lần thay đổi. Thật không may, tôi phải buồn bã thông báo với các bạn rằng, việc thiếu thiện chí chính trị trên một phần của lãnh đạo Trung Quốc để giải quyết vấn đề Tây Tạng một cách nghiêm túc, đã thất bại trong việc tạo ra bất kỳ sự tiến triển nào. Các sáng kiến và lời đề nghị của tôi trong những năm qua để tham gia với lãnh đạo Trung Quốc trong sự đối thoại vẫn chưa được đáp lại. Tháng 9 năm ngoái, tôi đã thông báo qua Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi, mong muốn gửi một phái đoàn đến Bắc Kinh để cung cấp một bản ghi điều khoản chi tiết phác thảo những suy nghĩ của tôi về vấn đề Tây Tạng; và giải thích, thảo luận các điểm nêu trong bản điều khoản.
Tôi đã truyền đạt rằng, thông qua các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt, chúng tôi sẽ thành công trong việc làm rõ những sự hiểu lầm và khắc phục những sự ngờ vực. Tôi bày tỏ niềm tin mạnh mẽ rằng, một khi điều này đã đạt được, thì sau đó một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai - có thể được tìm thấy mà không gặp khó khăn nhiều. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã từ chối chấp nhận phái đoàn của tôi cho đến ngày nay. Rõ ràng là thái độ của Bắc Kinh đã quá bảo thủ so với thập niên tám mươi khi sáu đại biểu Tây Tạng lưu vong đã được chấp nhận. Bất cứ điều giải thích nào mà Bắc Kinh có thể quan tâm đến sự giao tiếp giữa chính phủ Trung Quốc và bản thân tôi, tôi phải nói ở đây một cách rõ ràng rằng, chính phủ Trung Quốc đang từ chối nói chuyện với những đại diện mà tôi đã chỉ định cho nhiệm vụ này.
Sự thất bại của lãnh đạo Trung Quốc trong sự phản ứng tích cực đối với Phương pháp Trung Đạo của tôi đã tái khẳng định sự nghi ngờ của người Tây Tạng rằng, chính phủ Trung Quốc không có hứng thú với bất kỳ hình thức đồng tồn tại hòa bình nào. Nhiều người Tây Tạng tin rằng Trung Quốc đang có khuynh hướng đồng hóa mạnh mẽ hoàn toàn Tây Tạng vào Trung Quốc. Họ kêu gọi sự độc lập của Tây Tạng và chỉ trích “Phương pháp Trung Đạo” của tôi. Những người khác đang ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Tây Tạng. Họ lập luận rằng, nếu các điều kiện bên trong Tây Tạng là giống như các nhà chức trách Trung Quốc đã miêu tả nó, và nếu người Tây Tạng thực sự hạnh phúc, thì sẽ không có khó khăn gì khi cầm một lá phiếu ở Tây Tạng. Tôi cũng luôn luôn duy trì rằng, cuối cùng người Tây Tạng phải có khả năng quyết định về tương lai của Tây Tạng như Pandit Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ - đã nêu lên trong Quốc hội Ấn Độ ngày 7 tháng 12 năm 1950 rằng: “… tiếng nói cuối cùng liên quan đến Tây Tạng phải là tiếng nói của người dân Tây Tạng chứ không thể là của bất cứ ai khác.”
Trong khi tôi kiên quyết từ chối việc sử dụng bạo lực như một phương tiện trong cuộc đấu tranh tự do của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn có quyền khám phá tất cả các lựa chọn chính trị khác dành sẵn cho chúng tôi. Tôi là một người tin tưởng kiên định vào sự tự do và dân chủ; và do đó đã khuyến khích người Tây Tạng lưu vong theo đuổi tiến trình dân chủ. Ngày nay, những người tị nạn Tây Tạng có thể nằm trong số ít cộng đồng lưu vong đã thiết lập tất cả ba trụ cột của nền dân chủ: cơ quan lập pháp, tư pháp và điều hành. Năm nay, chúng tôi đã thực hiện một bước tiến lớn trong quá trình dân chủ hóa bằng cách có chủ tịch của Nội các Tây Tạng được bầu bởi phiếu bầu của quần chúng. Chủ tịch được bầu của Nội các và quốc hội được bầu sẽ gánh vác trách nhiệm điều hành các vấn đề Tây Tạng như là đại diện hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, tôi thấy mình có bổn phận về mặt đạo đức đối với sáu triệu người Tây Tạng để tiếp tục giải quyết vấn đề Tây Tạng với lãnh đạo Trung Quốc; và hành động như người phát ngôn tự do của nhân dân Tây Tạng cho đến khi đạt được giải pháp.
Do không có bất kỳ phản ứng tích cực nào từ phía chính phủ Trung Quốc đối với những đề nghị của tôi trong những năm qua, tôi không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi các thành viên của cộng đồng quốc tế. Rõ ràng bây giờ chỉ có những nỗ lực tăng cường, hòa hợp và thống nhất quốc tế mới thuyết phục Bắc Kinh thay đổi chính sách của mình đối với Tây Tạng. Mặc dù các phản ứng ngay lập tức từ phía Trung Quốc sẽ có lẽ là tiêu cực nhất, tuy nhiên, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, các biểu hiện quan tâm và hỗ trợ quốc tế là điều cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết ôn hòa về vấn đề Tây Tạng. Về phần tôi, tôi vẫn cam kết với quá trình đối thoại. Niềm tin vững chắc của tôi là, đối thoại và sự sẵn sàng nhìn thẳng thắn và trung thực với thực tế Tây Tạng có thể đưa chúng tôi đến một giải pháp mang lại lợi ích, góp phần vào sự ổn định và đoàn kết của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bảo đảm quyền cho nhân dân Tây Tạng sống trong nhân phẩm, tự do, và hòa bình.
Kính thưa Bà Chủ tịch Hạ Nghị Viện, các thành viên danh dự của Quốc hội, các anh chị em của Nghị viện Âu Châu! Tôi coi bản thân mình là người phát ngôn tự do cho những người nông dân và phụ nữ bị giam giữ của tôi. Nhiệm vụ của tôi là thay mặt họ nói lên tiếng nói của họ. Tôi nói không phải với cảm giác tức giận hay hận thù đối với những người chịu trách nhiệm cho sự đau khổ khủng khiếp của nhân dân chúng tôi, và sự phá hủy đất đai, nhà cửa, đền chùa, tu viện và văn hóa của chúng tôi. Họ cũng là những con người đấu tranh để kiếm tìm hạnh phúc, và xứng đáng với lòng từ bi của chúng tôi. Tôi nói để thông báo cho các bạn về tình trạng đau buồn ở đất nước chúng tôi ngày hôm nay, và nguyện vọng của nhân dân tôi, bởi vì trong cuộc đấu tranh cho tự do, “sự thật” là vũ khí duy nhất mà chúng tôi có. Ngày nay, nhân dân chúng tôi, di sản văn hóa phong phú đặc biệt và bản sắc dân tộc của chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn để tồn tại như một nền văn hóa và như một dân tộc.
Khi nhìn vào tình hình bên trong Tây Tạng, dường như vô vọng khi đối mặt với sự đàn áp ngày càng gia tăng, sự phá hủy môi trường liên tục, và sự phá hoại hệ thống và bản sắc của Tây Tạng. Tuy nhiên, tôi tin rằng, cho dù Trung Quốc có to lớn và mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, thì Trung quốc cũng vẫn chỉ là một phần của thế giới. Xu hướng toàn cầu ngày nay hướng đến sự cởi mở, tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Sớm hay muộn gì thì Trung Quốc cũng sẽ phải theo xu hướng của thế giới; và về lâu dài không có cách nào mà Trung Quốc có thể thoát khỏi sự thật, công lý và tự do. Vì vấn đề Tây Tạng liên quan chặt chẽ với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, tôi tin rằng tôi có lý do và nền tảng để hy vọng. Sự tham gia nhất quán và nguyên tắc của Nghị viện châu Âu đối với Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi này đã diễn ra ở Trung Quốc. Tôi muốn cảm ơn Nghị viện châu Âu đã thể hiện mối quan tâm và ủng hộ nhất quán dành cho cuộc đấu tranh tự do bất bạo lực của Tây Tạng. Sự thông cảm và hỗ trợ của các bạn luôn là nguồn cảm hứng và niềm khích lệ sâu xa đối với nhân dân Tây Tạng cả bên trong lẫn bên ngoài Tây Tạng. Nhiều nghị quyết của Nghị viện châu Âu về vấn đề Tây Tạng đã giúp ích rất nhiều để làm nổi bật hoàn cảnh của người Tây Tạng và nâng cao nhận thức của công chúng và các chính phủ ở châu Âu và trên khắp thế giới về vấn đề Tây Tạng.
Tôi đặc biệt được khuyến khích bởi nghị quyết của Quốc hội Châu Âu kêu gọi bổ nhiệm một đại diện đặc biệt của EU cho Tây Tạng. Tôi tin tưởng rằng, việc thực hiện nghị quyết này sẽ giúp Liên minh châu Âu không chỉ giúp thúc đẩy giải pháp hòa bình của vấn đề Tây Tạng thông qua các cuộc đàm phán một cách nhất quán, hiệu quả và sáng tạo hơn - mà còn hỗ trợ cho các nhu cầu hợp pháp khác của nhân dân Tây Tạng, bao gồm các cách thức và phương tiện để bảo vệ danh tính bản sắc của chúng tôi. Sáng kiến này cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng, Liên minh châu Âu nghiêm túc trong việc khuyến khích và thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Tây Tạng. Tôi chắc chắn rằng, những sự thể hiện liên tục của các bạn về mối quan tâm và hỗ trợ dành cho Tây Tạng sẽ có tác động lâu dài một cách tích cực và giúp tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề Tây Tạng. Tôi yêu cầu các bạn tiếp tục hỗ trợ trong thời gian quan trọng này trong lịch sử đất nước của chúng tôi. Xin cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội được chia sẻ những suy nghĩ của tôi với các bạn.
Xin cảm ơn!