Bước tới nội dung

McDonnell F-101 Voodoo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
F-101 Voodoo
Một chiếc McDonnell F-101B Voodoo hai chỗ ngồi
KiểuMáy bay tiêm kích
Hãng sản xuấtMcDonnell Aircraft
Chuyến bay đầu tiên29 tháng 9 năm 1954
Được giới thiệutháng 5 năm 1957
Khách hàng chínhKhông quân Hoa Kỳ
Không lực vệ binh Quốc gia
Không quân Hoàng gia Canada
Số lượng sản xuất885
Chi phí máy bay1.276.145 Đô la Mỹ (RF-101C)[1]
1.754.066 Đô la Mỹ (F-101B)
Được phát triển từXF-88 Voodoo

Chiếc McDonnell F-101 Voodoo là một kiểu máy bay tiêm kích siêu thanh được sử dụng trong Không quân Hoa KỳKhông quân Hoàng gia Canada. Ban đầu được thiết kế như là một máy bay tiêm kích hộ tống tầm xa (được biết đến như là máy bay tiêm kích xâm nhập) dành cho Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược, chiếc Voodoo phục vụ trong nhiều vai trò khác, bao gồm máy bay tiêm kích-ném bom, máy bay tiêm kích đánh chặn hoạt động trong mọi thời tiết và máy bay trinh sát hình ảnh. Kiểu máy bay Voodoo trinh sát hình ảnh là phương tiện được sử dụng trong Sự kiện tên lửa Cuba và được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam, khởi đầu trong Sự kiện Pueblo.[2]

Thiết kế và phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Những thiết kế ban đầu sau này sẽ trở thành chiếc Voodoo được khởi sự ngay sau khi kết thúc Thế Chiến II nhằm đáp ứng một gói thầu cạnh tranh của Không lực Lục quân Hoa Kỳ về chương trình Máy bay Tiêm kích Xâm nhập năm 1946 để làm một máy bay tiêm kích tầm xa tính năng cao để hộ tống máy bay ném bom, có chức năng giống như chiếc P-51 Mustang đang thực hiện lúc đó. Sau khi thắng được hợp đồng (AC-14582), McDonnell đã chế tạo hai chiếc nguyên mẫu đặt tên là XF-88. Chiếc nguyên mẫu đầu tiên (số hiệu 46-6525), trang bị hai động cơ phản lực Westinghouse XJ-34-WE-13, công suất 3000 mã lực (2240 kW) cất cánh lần đầu tiên tại Muroc vào ngày 20 tháng 10 năm 1948. Những thử nghiệm sơ khởi cho thấy chiếc máy bay đạt được tốc độ tối đa đáng thất vọng chỉ đặt được 1.030 km/h (640 mph) ở mặt nước biển. Sau khi được gắn thêm bộ đốt sau động cơ do McDonnell thiết kế, lực đẩy được gia tăng thêm 30% giúp cải thiện tính năng bay về tốc độ tối đa, tốc độ lên cao và rút ngắn quãng đường băng cất cánh.

Cho dù chiếc XF-88 đã chiến thắng trong cuộc bay loại cạnh tranh cùng các kiểu Lockheed XF-90North American XF-93, Không quân Hoa Kỳ (thành lập năm 1947) đã đánh giá lại nhu cầu về một kiểu máy bay hộ tống ném bom và kết thúc chương trình Máy bay Tiêm kích Xâm nhập năm 1950. Tuy nhiên, việc phân tích những phi vụ trong Chiến tranh Triều Tiên, cho thấy những máy bay ném bom chiến lược hiện đại của Không quân Hoa Kỳ vẫn tỏ ra mong manh trước những máy bay tiêm kích đánh chặn. Năm 1951, Không quân Hoa Kỳ công bố một yêu cầu mới về một kiểu máy bay tiêm kích hộ tống cho mọi hãng sản xuất máy bay Mỹ chủ yếu. Thiết kế của McDonnell là một phiên bản XF-88 to và mạnh hơn, và chiến thắng gói thầu vào tháng 5 năm 1951. Chiếc F-88 được đặt lại tên là F-101 Voodoo vào tháng 11 năm 1951.

Chiếc máy bay có kích thước to hơn đáng kể, chứa một lượng nhiên liệu nhiều hơn gấp ba lần so với trước, và được thiết kế chung quanh kiểu động cơ J57 turbo phản lực to hơn, mạnh mẽ hơn. Kích thước to hơn của những động cơ J57 đòi hỏi phải cải tạo khoang động cơ cũng như các cửa hút gió để cho có thể hút một lượng khí nhiều hơn vào động cơ. Cửa hút gió mới cũng được thiết kế để có hiệu quả hơn ở tốc độ Mach cao. Thiết kế được chấp nhận, và một đơn đặt hàng 39 chiếc F-101A được đưa ra vào tháng 5 năm 1953 mà không có chiếc nguyên mẫu nào được chế tạo.

Chiếc F-101A số hiệu 53-2418 tại Bảo tàng Hàng không Pueblo Weisbrod, Pueblo, Colorado.

Chiếc F-101A số hiệu 53-2418 là máy bay đầu tiên thuộc phiên bản A được giao đến Căn cứ Không quân Edwards vào tháng 8 năm 1954. Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 29 tháng 9 năm 1954, do phi công thử nghiệm của McDonnell là Robert C. Little điều khiển. Kết quả bay thử nghiệm đạt được tốc độ Mach 0,9 ở độ cao 35.000 feet, và tốc độ tối đa đạt được là Mach 1,4[3]. Chiếc máy bay này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Pueblo Weisbrod, sân bay Pueblo Memorial, Pueblo, Colorado.

Việc chấm dứt chiến sự tại Triều Tiên và việc phát triển kiểu máy bay ném bom chiến lược B-52 đã phủ định nhu cầu cần có một kiểu máy bay tiêm kích hộ tốngBộ chỉ huy Không quân Chiến lược đã rút lui khỏi chương trình. Chiếc máy bay được sử dụng chủ yếu như là máy bay tiêm kích đánh chặn hai chỗ ngồi dùng trong phòng không (F-101B), máy bay tiêm kích-ném bom nguyên tử (F-101A/F-101C) và nền tảng trinh sát hình ảnh (RF-101A/RF-101C) được sử dụng tại CubaViệt Nam.

Chiếc Voodoo được thay thế trong vai trò máy bay tiêm kích-ném bom bởi chiếc McDonnell Douglas F-4 Phantom II. Trong khi chiếc Voodoo có được một thành công vừa phải, nó có vai trò quan trọng hơn như là một bước tiến hoá đến kiểu Phantom II, một trong những thiết kế máy bay tiêm kích Phương Tây thành công nhất trong những năm 1960. Chiếc Phantom II đã giữ lại thiết kế hai động cơ, đội bay hai người cho những nhiệm vụ đánh chặn, và một thiết kế đuôi bên trên và đàng sau những ống xả động cơ phản lực. Cả hai chiếc máy bay đều chịu ảnh hưởng của thiết kế chiếc F-3 Demon thuộc cùng công ty, một máy bay tiêm kích đánh chặn hoạt động trên tàu sân bay phục vụ trong những năm 1950 và đầu những năm 1960.

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

F-101A / RF-101G

[sửa | sửa mã nguồn]
Chiếc F-101A Voodoo

Dù cho không còn sự quan tâm của Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược, chiếc máy bay vẫn thu hút được sự quan tâm của Bộ chỉ huy Không quân Chiến thuật, và chiếc F-101 được cấu hình lại thành một kiểu máy bay tiêm kích-ném bom, được dự định để mang một vũ khí nguyên tử duy nhất để sử dụng chống lại các mục tiêu trên chiến trường như các sân bay. Dưới sự hỗ trợ của Bộ chỉ huy Không quân Chiến thuật, việc thử nghiệm được tái tục bắt đầu vào đầu năm 1955. Một số vấn đề được nhận ra trong khi phát triển, và nhiều trong số đó được khắc phục. Chiếc máy bay có một xu hướng nguy hiểm sẽ bị ngóc mũi nặng ở góc tấn lớn mà chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Có khoảng 2.300 cải tiến đã được đưa ra trong khoảng thời gian giữa những năm 1955 - 1956 trước khi việc sản xuất hằng loạt được bắt đầu vào tháng 11 năm 1956.

Chiếc F-101A đầu tiên được giao vào tháng 5 năm 1957 đến Phi đoàn Tiêm kích Chiến lược 27, thay thế những chiếc F-84F Thunderstreak. Chiếc F-101A, được trang bị hai động cơ turbo phản lực P&W J57-P-13 cho phép có gia tốc và tốc độ lên cao tốt, dễ dàng vượt tốc độ âm thanh khi bay ngang, và đạt đến tốc độ tối đa Mach 2,25. Trữ lượng nhiên liệu bên trong của chiếc F-101 lớn nên cho phép có tầm bay xa đến khoảng 3.000 dặm không nghỉ. Chiếc máy bay được trang bị một radar kiểm soát hỏa lực MA-7 sử dụng cho cả không-đối-không và không-đối-đất, được bổ sung bởi một Hệ thống ném bom tầm thấp (LABS) MA-2 để phóng vũ khí nguyên tử, và được thiết kế để mang một bom nguyên tử Mk 28. Trong khi trên lý thuyết nó có thể mang bom thông thường hay rocket, chiếc Voodoo chưa bao giờ sử dụng vũ khí này trong hoạt động. Nó được trang bị bốn khẩu pháo M39 20 mm, và một khẩu thường được tháo bỏ khi phục vụ để lấy chỗ cho một bộ cảm biến tín hiệu dẫn đường TACAN.

Chiếc F-101 đã đạt được một số kỷ lục về tốc độ, bao gồm: một chiếc JF-101A đã lập kỷ lục tốc độ thế giới 1.942 km/h (1.207 dặm mỗi giờ) vào ngày 12 tháng 12 năm 1957, phá kỷ lục cũ của Fairey Delta 2 trước đây, một chiếc RF-101A bay chuyến bay khứ hồi Los Angeles-New York-Los Angeles trong vòng 6 giờ 46 phút, và một chiếc F-101A bay từ Carswell, Texas đến Bermuda không tiếp thêm nhiên liệu.

Có tổng cộng 77 chiếc F-101A được chế tạo. Chúng được dần dần rút khỏi phục vụ bắt đầu từ năm 1966. Hai mươi chín chiếc còn lại được cải biến thành tiêu chuẩn RF-101G, với mũi máy bay được cải tiến chứa các máy ảnh trinh sát thay chỗ cho các khẩu súng máy và radar. Những chiếc này phục vụ cho Không lực Vệ binh Quốc gia cho đến năm 1972.

Vào tháng 10 năm 1953, Không quân Hoa Kỳ yêu cầu hai chiếc F-101A được chế tạo như là chiếc nguyên mẫu cho kiểu máy bay trinh sát chiến thuật YRF-101A. Những chiếc này được tiếp nối bởi 35 chiếc RF-101A sản xuất hằng loạt. Chiếc RF-101A vẫn chia sẻ cùng kiểu khung máy bay của chiếc F-101A, bao gồm giới hạn gia tốc G 6,33 (62 m/s²), nhưng thay thế radar và pháo bằng sáu máy ảnh trong mũi máy bay được thiết kế lại. Nó thật bất thường khi được trang bị cả hai kiểu tiếp nhiên liệu trên không kiểu "ống bay" và kiểu "vòi và phểu". Nó được đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 1957, thay thế chiếc RB-57 Canberra. Những chiếc RF-101A của Không quân Hoa Kỳ thuộc Phi đoàn Trinh sát Chiến thuật 363 đã thực hiện những phi vụ trinh sát bên trên lãnh thổ Cuba trong Sự kiện tên lửa Cuba vào tháng 10 năm 1962.[2] Vào tháng 10 năm 1959, tám chiếc RF-101A đã được chuyển cho Đài Loan, và đã được sử dụng trong những chuyến bay bên trên lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có hai chiếc đã bị bắn rơi.

F-101B / CF-101B / EF-101B

[sửa | sửa mã nguồn]
Chiếc CF-101 Voodoo số hiệu 101060 thuộc Phi đội 409 "Nighthawk" Không quân Hoàng gia Canada tại Căn cứ Moose Jaw vào mùa Xuân năm 1982.

Vào cuối những năm 1940, Không quân đã bắt đầu một đề án nghiên cứu về một kiểu máy bay tiêm kích đánh chặn trong tương lai mà sau đó tiến triển thành gói thầu được biết dưới tên gọi Đề án máy bay tiêm kích đánh chặn 1954. Hợp đồng của gói thầu này đã lựa chọn kiểu máy bay F-102 Delta Dagger, nhưng đến năm 1952 điều hiển nhiên là không có phần nào trong đề án này ngoại trừ khung máy bay có thể kịp sẵn sàng vào năm 1954: động cơ, vũ khí và hệ thống kiểm soát hỏa lực đều còn phải mất rất lâu trước khi có thể đưa vào sử dụng. Một nỗ lực được bắt đầu thực hiện nhằm nhanh chóng sản xuất một máy bay tiêm kích siêu thanh trung gian nhằm thay thế nhiều kiểu máy bay tiêm kích đánh chặn dưới tốc độ âm thanh đang hoạt động, và khung của chiếc F-101 đã được lựa chọn làm điểm xuất phát.

Cho dù McDonnell đề nghị tên gọi F-109 cho chiếc máy bay mới (là kiểu phát triển mới hơn dựa trên căn bản của chiếc Voodoo), Không quân Mỹ chỉ gọi nó là F-101B. Chiếc Voodoo mới có buồng lái được cải tiến mang một đội bay gồm hai người, phần thân trước to và tròn hơn để mang một radar kiểm soát hỏa lực Hughes MG-13. Nó được trang bị bộ thu phát nối với hệ thống SAGE (Semi-Automatic Ground Environment, hệ thống môi trường mặt đất bán tự động), cho phép các kiểm soát viên trên mặt đất lái chiếc máy bay hướng đến mục tiêu bằng cách hiệu chỉnh hệ thống lái tự động của máy bay. Chiếc F-101B được trang bị động cơ P & W J57-P-55 mạnh mẽ hơn, khiến nó là phiên bản Voodoo duy nhất không sử dụng kiểu động cơ J57-P-13. Động cơ mới có bộ đốt sau dài hơn so với kiểu J57-P-13, và để tránh phải thiết kế lại toàn diện, bộ đốt sau kéo dài được đơn giản cho nhô ra khỏi thân một khoảng gần 2,4 m (8 ft). Động cơ mạnh mẽ hơn và các tinh chỉnh khí động học cho phép gia tăng tốc độ tối đa lên đến Mach 2,4.

Khoang vũ khí trên chiếc F-101B nơi gắn tên lửa không-đối-không AIM-4 Falcon.

Chiếc F-101B không được trang bị pháo; thay vào đó nó mang bốn tên lửa không-đối-không Falcon bố trí thành cặp trên một kệ xoay (pallet xoay) bên trong khoang vũ khí. Cấu hình ban đầu thường trang bị là hai tên lửa dẫn đường bằng radar GAR-1 (AIM-4A) và hai tên lửa tầm nhiệt GAR-2 (AIM-4D) với mỗi chiếc được mang trên một phía của kệ xoay. Sau khi hai tên lửa đầu tiên đã được phóng, cửa khoang sẽ lật ra để lộ diện cặp thứ hai. Trong thực tế, tên lửa kiểu này thường được bắn kết hợp một cặp tên lửa radar/hồng ngoại để tăng xác suất bắn trúng. Những kiểu sản xuất sau này được trang bị để mang hai tên lửa hạt nhân MB-1/AIR-2 Genie mạnh 1,7 kiloton thay cho hai tên lửa Falcon, và Kế hoạch "Kitty Car" nâng cấp đa số những chiếc F-101B trước đó lên tiêu chuẩn này bắt đầu từ năm 1961. Từ năm 1961 đến năm 1966, những chiếc F-101B được nâng cấp trong Kế hoạch "Bright Horizon" trang bị hệ thống quan sát và dẫn đường hồng ngoại FLIR (IRST) trước mũi thay cho vòi tiếp nhiên liệu trên không tiêu chuẩn.

Phiên bản F-101B được chế tạo với số lượng nhiều hơn phiên bản F-101A, với tổng cộng 479 chiếc được giao cho đến khi việc sản xuất kết thúc vào năm 1961. Đa số chúng được giao cho Bộ chỉ huy Phòng không (ADC) bắt đầu từ tháng 1 năm 1959. Khách hàng nước ngoài duy nhất sử dụng phiên bản F-101B là Canada dưới phiên bản có tên gọi CF-101 Voodoo. Chiếc F-101B được rút khỏi hoạt động thường trực của Bộ chỉ huy Phòng không từ năm 1969 đến năm 1972. Những chiếc máy bay còn lại được chuyển cho Không lực Vệ binh Quốc gia, nơi chúng phục vụ cho đến năm 1982.

TF-101B / F-101F / CF-101F

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số chiếc F-101B được chế tạo với bộ điều khiển kép dùng làm máy bay huấn luyện được đặt tên là TF-101B, nhưng sau đó được đổi tên thành F-101F. Có 79 chiếc F-101F được chế tạo mới và 152 chiếc máy bay có sẵn được cải biến trang bị bộ điều khiển kép. Có mười chiếc được cung cấp cho Canada dưới tên gọi CF-101F. Những chiếc này sau đó được thay thế bằng mười chiếc máy bay nâng cấp vào năm 1971.

Vào đầu những năm 1970, một lô 22 chiếc CF-101B nguyên của Không quân Hoàng gia Canada được trả về cho Không quân Hoa Kỳ và được cải biến thành kiểu máy bay trinh sát RF-101B với radar và khoang vũ khí được thay thế bằng một gói gồm ba máy ảnh KS-87B và hai máy ảnh AXQ-2 TV. Nó được trang bị thêm một trạm tiếp nhận kiểu "cần bay" của hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Những máy bay này đã phục vụ trong Phi đội Trinh sát Chiến thuật 192 thuộc Không lực Vệ binh Quốc gia cho đến năm 1975. Việc sử dụng và bảo trì chúng khá tốn kém và chúng chỉ có thời gian phục vụ ngắn ngủi.

F-101C / RF-101H

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếc máy bay tiêm kích-ném bom F-101A được đưa vào phục vụ cùng Bộ chỉ huy Không quân Chiến thuật cho dù có một số vấn đề. Một trong số đó là khung máy bay chỉ có thể chịu đựng được gia tốc tối đa khi cơ động là 6,33 G (62 m/s²) so với dự kiến 7,33 G (72 m/s²). Phiên bản cải tiến F-101C được giới thiệu vào năm 1957. Nó có cấu trúc khung nặng hơn 500 lb (227 kg) cho phép cơ động với gia tốc 7,33 G như dự kiến, cũng như thay đổi hệ thống nhiên liệu để gia tăng thời gian bay tối đa cùng bộ đốt sau. Không có khác biệt gì giữa hai phiên bản F-101A và F-101C ở bên ngoài ngoại trừ số hiệu. Đã có 47 chiếc được sản xuất.

Ban đầu phục vụ với Không đoàn Tiêm kích Chiến thuật 27 tại Căn cứ Không quân BergstromTexas, chiếc máy bay được chuyển cho Không đoàn Tiêm kích Chiến thuật 1 vào năm 1958 vốn có ba phi đội hoạt động tại hai căn cứ của Không quân Hoàng gia AnhBentwatersWoodbridge. Phi đội Tiêm kích Chiến thuật 78 đặt căn cứ tại Woodbridge, trong khi các phi đội 91 và 92 trú đóng tại Bentwaters. Phi đội 81 hoạt động như là lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược, với tầm hoạt động xa của chiếc Voodoo có khả năng với đến tất cả những mục tiêu của những nước trong Khối Vác-xa-va, và những mục tiêu trong phạm vi 500 dặm trong lãnh thổ Liên Xô trong tầm ngắm.

Những máy bay thuộc cả phiên bản A và C được bố trí đến Phi đoàn Tiêm kích Chiến thuật 81, và được sử dụng thay thế lẫn nhau trong ba phi đội. Những chiếc F-101A/C hoạt động được nâng cấp trong phục vụ với các thiết bị Hệ thống ném bom cản góc thấp (LADD) và Hệ thống ném bom tầm thấp (LABS) nhằm cho vai trò chủ yếu mang vũ khí nguyên tử ở tầm rất thấp. Phi công được huấn luyện để thực hiện những phi vụ xâm nhập tốc độ cao tầm rất thấp vào lãnh thổ Xô Viết hay khối Đông Âu, với các mục tiêu chính là các sân bay. Cho dù không được đề cập đến như là phi vụ một chiều (không có đường về), đó là điều được mọi người liên quan giả định vì cơ hội dành cho phi công quay trở về sau khi ném bom hầu như không có.

Chiếc F-101C chưa từng tham gia chiến đấu và được thay thế vào năm 1966 bằng chiếc F-4C Phantom II. Có 32 máy bay sau đó được cải biến thành phiên bản trinh sát hình ảnh không vũ trang dưới tên gọi RF-101H. Chúng phục vụ cho các đơn vị thuộc Không lực Vệ binh Quốc gia cho đến năm 1972.

Các kỹ thuật viên mặt đất của Không quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị một chiếc McDonald RF-101 Voodoo cho một phi vụ trinh sát hình ảnh.

Sử dụng khung máy bay F-101C được gia cố chắc chắn hơn, chiếc RF-101C đã bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 12 tháng 7 năm 1957 và được đưa vào hoạt động từ năm 1958. Giống như chiếc RF-101A, chiếc RF-101C cũng có sáu máy ảnh gắn ở vị trí của radar và pháo trong mũi được cải tiến. Không như chiếc RF-101A, chiếc RF-101C giữ lại khả năng mang một vũ khí nguyên tử dưới đế giữa thân. Có 166 chiếc phiên bản RF-101C được chế tạo, bao gồm 96 chiếc ban đầu được dự định chế tạo thành phiên bản F-101C tiêm kích-ném bom. Chương trình Toy Tiger năm 1964 trang bị cho một số chiếc RF-101C gói máy ảnh mới và một cụm giữa thân mang vỏ pháo sáng chụp ảnh. Một số còn được tiếp tục nâng cấp theo chương trình Mod 1181 để kiểm soát tự động các máy ảnh.

Chiếc RF-101C đã tham gia phục vụ trong Sự kiện tên lửa Cuba và đã được gửi sang Việt Nam vào năm 1961, trở thành máy bay phản lực đầu tiên của Không quân Hoa Kỳ phục vụ tại đây. RF-101C đã phục vụ rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam, và đã bị thiệt hại chiếc máy bay F-101 đầu tiên vào tháng11 năm 1964 do hỏa lực từ mặt đất. Từ năm 1965 cho đến tháng 11 năm 1970, vai trò của nó dần dần được thay thế bởi chiếc RF-4C Phantom II. Trong khoảng 35.000 phi vụ đã thực hiện, đã có 44 máy bay bị mất: 31 chiếc do hỏa lực pháo phòng không, năm chiếc do tên lửa SAM, một chiếc do phi trường bị tấn công, sáu chiếc do tai nạn khi hoạt động, và một chiếc bị máy bay tiêm kích MiG-21 bắn rơi vào tháng 9 năm 1967. Tốc độ của chiếc RF-101C làm cho nó hầu như không thể bị máy bay MiG đánh chặn. Vào tháng 4 năm 1967, một cụm phản công điện tử (ECM) ALQ-71 được trang bị nhằm giúp bảo vệ chống lại tên lửa SAM. Cho dù chiếc Voodoo lại có được khả năng hoạt động ở độ cao tầm trung, lực cản gia tăng đã làm giảm tốc độ của chiếc RF-101 đến mức nó trở nên mong manh trước các máy bay MiG và cần có máy bay tiêm kích theo hộ tống. Sau khi được rút khỏi Việt Nam, chiếc RF-101C tiếp tục phục vụ với các đơn vị Không quân Hoa Kỳ cho đến tận năm 1979. Trong phục vụ, chiếc RF-101C được mang biệt danh "Long Bird", và nó là kiểu Voodoo duy nhất tham gia chiến đấu.

Các phiên bản

[sửa | sửa mã nguồn]
Chiếc RF-101C-55-MC (số hiệu 56-0220), được phân bổ cho Phi đội 18 thuộc Phi đoàn Trinh sát Chiến thuật 460. Chiếc máy bay này bị tên lửa đất-đối-không SAM bắn rơi tại Bắc Việt Nam vào ngày 7 tháng 3 năm 1966, làm phi công thiệt mạng.

Nguồn: Baugher's F-101 Voodoo Aircraft Lưu trữ 2007-12-21 tại Wayback Machine

F-101A
Phiên bản sản xuất máy bay tiêm kích-ném bom. Có 77 chiếc được chế tạo.
NF-101A
Một chiếc F-101A được General Electric sử dụng để thử nghiệm động cơ General Electric J79.
YRF-101A
Hai chiếc F-101A được chế tạo như chiếc nguyên mẫu của.
RF-101A
Phiên bản trinh sát hình ảnh đầu tiên. Có 35 chiếc được chế tạo.
F-101B
Phiên bản máy bay tiêm kích đánh chặn hai chỗ ngồi. Có 479 chiếc được chế tạo.
CF-101B
Phiên bản F-101B chế tạo cho Không quân Hoàng gia Canada (RCAF). Có 112 chiếc được chế tạo.
RF-101B
22 chiếc CF-101B cũ của Không quân Hoàng gia Canada được cải biến thành máy bay trinh sát.
TF-101B
Phiên bản F-101B huấn luyện có bộ điều khiển bay kép, được đặt lại tên là F-101F. Có 79 chiếc được chế tạo.
EF-101B
Một chiếc F-101B được cải biến để dùng làm mục tiêu radar và cho Canada thuê.
NF-101B
Chiếc nguyên mẫu F-101B dựa trên khung máy bay F-101A; chiếc nguyên mẫu thứ hai được chế tạo với kiểu mũi khác biệt.
F-101C
Phiên bản máy bay tiêm kích-ném bom cải tiến. Có 47 chiếc được chế tạo.
RF-101C
Phiên bản máy bay trinh sát hình ảnh dựa trên khung máy bay F-101C. Có 166 chiếc được chế tạo.
F-101D
Phiên bản được đề nghị trang bị động cơ General Electric J79, không được chế tạo.
F-101E
Một phiên bản được đề nghị khác trang bị động cơ J79, không được chế tạo.
F-101F
Phiên bản F-101B huấn luyện có bộ điều khiển bay kép. Có 79 chiếc TF-101B được đặt lại tên và 152 chiếc F-101B được cải biến.
CF-101F
20 chiếc phiên bản huấn luyện TF-101B/F-101F có bộ điều khiển bay kép dành cho Không quân Hoàng gia Canada.
TF-101F
24 chiếc phiên bản huấn luyện F-101B có bộ điều khiển bay kép, được đặt lại tên là F-101F (bao gồm trong tổng số phiên bản F).
RF-101G
29 chiếc phiên bản F-101A được cải biến làm máy bay trinh sát cho Không lực Vệ binh Quốc gia.
RF-101H
32 chiếc phiên bản F-101C được cải biến làm máy bay trinh sát.

Các nước sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]
 Canada
 Đài Loan
 Hoa Kỳ

Đặc điểm kỹ thuật (F-101B)

[sửa | sửa mã nguồn]
McDonnell F-101B thuộc Phi đội Tiêm kích đánh chặn 18, Căn cứ Không quân Grand Forks, North Dakota

Tham khảo: The Great Book of Fighters[4]

Đặc điểm kỹ thuật (P-40E)

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc tính chung

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đội bay: 02 người
  • Chiều dài: 20,55 m (67 ft 5 in)
  • Sải cánh: 12,09 m (39 ft 8 in)
  • Chiều cao: 5,49 m (18 ft 0 in)
  • Diện tích bề mặt cánh: 34,20 m² (368 ft²)
  • Kiểu cánh: NACA 65A007 mod root, 65A006 mod tip
  • Lực nâng của cánh: 607 kg/m² (124 lb/ft²)
  • Trọng lượng không tải: 12.925 kg (28.495 lb)
  • Trọng lượng có tải: 20.715 kg (45.665 lb)
  • Trọng lượng cất cánh tối đa: 23.770 kg (52.400 lb)
  • Trữ lượng nhiên liệu bên trong: 7.771 L (2.053 US gal); 11.178 L (2.953 US gal) với hai thùng nhiên liệu phụ bên ngoài.
  • Động cơ: 2 x động cơ Pratt & Whitney J57-P-55 turbo phản lực có đốt sau, lực đẩy 11.990 lbf (53,3 kN), lực đẩy có đốt sau 16.900 lbf (75,2 kN) mỗi động cơ.

Đặc tính bay

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiết bị điện tử

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hệ thống kiểm soát hỏa lực Hughes MG-13

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Knaack 1978
  2. ^ a b Global's RF-101 History
  3. ^ “Joe Baugher's F-101A Voodoo History”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2007.
  4. ^ Green and Swanborough 2001

  • Francillon, Réne J. "It's Witchcraft: McDonnell's F-101 Voodoo." Airpower: Vol. 10, no. 3. tháng 5 năm 1980.
  • Green, William and Swanborough, Gordon. The Great Book of Fighters. St. Paul, Minnesota: MBI Publishing, 2001. ISBN 0-7603-1194-3.
  • Hobson, Chris. Vietnam Air Losses: United States Air Force, Navy and Marine Corps Fixed-Wing Aircraft Losses in Southeast Asia, 1961-73. North Branch, Minnesota: Specialty Press, 2002. ISBN 1-85780-115-6.
  • Knaack, Marcelle Size. Encyclopedia of US Air Force Aircraft and Missile Systems: Volume 1 Post-World War II Fighters 1945-1973. Washington, DC: Office of Air Force History, 1978. ISBN 0-912799-59-5.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Máy bay liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Máy bay tương tự

[sửa | sửa mã nguồn]

Trình tự thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]