Khu du lịch Tam Chúc
Tam Chúc là một khu du lịch quốc gia ở Việt Nam, ở đây có chùa Tam Chúc là chùa được nhiều báo chí Việt Nam coi là chùa lớn nhất thế giới.[1] Toàn khu vực rộng 5.100 ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở phường Ba Sao và xã Khả Phong, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chủ đầu tư là doanh nghiệp Xuân Trường của ông Nguyễn Văn Trường ở Ninh Bình với chi phí là 11 ngàn tỷ đồng.[2]
Vị trí
[sửa | sửa mã nguồn]Từ thành phố Phủ Lý, theo đường quốc lộ 21 đi khoảng 12 km thì đến hồ Tam Chúc với diện tích tới 545ha. Đi từ Hà Nội đi Quốc lộ 1 hoặc theo tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (hiện được nâng cấp thành quốc lộ 21C) đến khu du lịch khoảng 60 km. Cách chùa Hương khoảng 8 km.
Tổng quan
[sửa | sửa mã nguồn]Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao và 3 thôn Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khu du lịch sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.[3]
Nơi đây là vùng ngập nước núi đá vôi, trong khu vực và lân cận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: động Vòng, chùa Bà Đanh, đền Trúc, miếu Trung, chùa Đặng Xá, đền Bạch Mã, miếu Bóng Bà, Động Thủy, động Lim, động Chùa, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng.[4]
Khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí đặc biệt là gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước.
Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Bái Đính (Ninh Bình) là ý tưởng đã được Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện. Một con đường thẳng nối từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đi thẳng đến chùa Bái Đính đã được quy hoạch xây dựng, chỉ dài có hơn 20 km đồng thời sẽ biến chùa Hương - Tam Chúc - chùa Bái Đính trở thành tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Tại làm việc về công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 vào ngày 5/12/2018, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam)-Chùa Hương (Hà Nội)-Vân Long (Ninh Bình)-Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.[5]
Các điểm du lịch
[sửa | sửa mã nguồn]Đình Tam Chúc
[sửa | sửa mã nguồn]Đình Tam Chúc hiện nay là một công trình kiến trúc được phục dựng giữa lòng hồ Tam Chúc. Đình làng Tam Chúc nằm trên một hòn đảo nhỏ với một lối đi vào bằng đường bộ. Đình Tam Chúc nhỏ, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ. Đình làng Tam Chúc xưa thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã. Sự tích cho biết rằng khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, tích trữ lương thảo đã tiến đến đền thần Linh Lang Bạch Mã cầu đảo. Khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã.[6][7]
Theo Ngọc phả làng Đặng Xá, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thì khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem tướng sĩ về Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt đi dẹp loạn 12 sứ quân. Ngài đã được vợ chồng vị hào trưởng Dương Đỉnh và vợ tên là Đặng Thị Kính (vốn người Đặng Xá, Kim Bảng) gả con gái tên là Dương Thị Nguyệt về làm vợ và đã sinh ra con gái Đinh Thị Ngọc. Đinh Bộ Lĩnh đã về Kim Bảng lập đồn trại và truyền hịch Cần Vương dẹp giặc và đã có trên 600 người ứng mộ cùng với 180 tráng đinh thuộc các xã Văn Xá, Đồng Hóa, Khả Phong, Ba Sao. Bình được 12 sứ quân thống nhất đất nước, đón Dương Nguyệt Nương về kinh đô Hoa Lư lập làm Hoàng hậu. Bà Hoàng hậu quê Hà Nam cũng chính là người đã truyền dạy trò Xuân Phả hiện còn lưu giữ đến ngày nay ở Thanh Hóa.[8] Tại di tích Nghè Xuân Phả ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt cũng được người Việt đúc tượng thờ cùng Đại Hải Long Vương với vai trò là người truyền dạy trò Xuân Phả cho dân làng.[9]
Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt cùng công chúa Ngọc Nương đã trở về quê hương Đặng Xá giúp dân Kim Bảng dựng chùa, trồng cấy và ổn định cuộc sống. Sau này khi Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đã truyền chỉ cho thiên hạ cứ nơi nào vua Đinh Tiên Hoàng đã lập đồn trại… thì đều được rước sắc về lập đền thờ cúng. Riêng tại Hà Nam có đền Lăng ở Thanh Liêm, miếu Thượng ở Đồng Lạc, đình Lạc Nhuế ở xã Đồng Hóa, đền Đặng Xá ở xã Văn Xá, Kim Bảng, đền Ung Liêm ở Phủ Lý, đình Yến ở xã Thanh Hà,... là những di tích thờ Vua Đinh.
Chùa Tam Chúc
[sửa | sửa mã nguồn]Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết "Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh".[10] Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể lại cả bảy ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi "Thất Tinh" và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa "Thất Tinh". Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa "Thất Tinh" sau này được đổi thành chùa "Ba Sao" và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.[11] Chùa Tam Chúc thờ những vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư Tổ Đạt ma[12]; Thiền sư Khuông Việt; thiền sư Đỗ Pháp Thuận; Thiền sư Nguyễn Minh Không; Hòa thượng Thích Thanh Tứ.
Theo thượng toạ Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng TƯ GHPGVN: "Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Lý (1066-1141) đi theo men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân độ thế. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa bái Phật. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng doanh nghiệp Xuân Trường đã xây dựng tuyến du lịch tâm linh Con đường Phật giáo dài hơn 100km bằng việc kết nối 3 quần thể di tích và danh lam thắng cảnh chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính theo con đường hành hương của Quốc sư Nguyễn Minh Không".[13] Dưới thời Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã về Hà Nam mở rộng chùa Tam Chúc và hành đạo cứu người.
Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và Tháp Ngọc.[14] Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.
- Điện Tam Thế là tòa lớn nhất. Bước qua hàng cửa gỗ chạm lộng tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn.
- Điện Pháp Chủ nằm dưới điện Tam Thế. Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn.
- Điện Quan Âm thờ Phật nghìn tay nghìn mắt, là một kho tàng phong phú với những tích chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật, thể hiện qua các lần ứng thân trải qua vô số kiếp luân hồi.
- Chùa Ngọc có chiều cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn. Tại Chùa Ngọc, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường còn dự định sẽ đặt tại đây 7 viên đá thiên thạch mà ông vừa đấu giá mua được.
- Vườn cột kinh nằm ngay sau cổng Tam quan, đây là là những cột kinh nguyên phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Giữa khoảng sân từ Tam quan tới điện Quan Âm có 32 cột kinh được bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đấu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức.[15]
Đền Tứ Ân
[sửa | sửa mã nguồn]Đền Tứ Ân là nơi thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên, tức bà Phạm Thị Lan, sinh năm 1961, mất năm 2018. Bà là người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Công ty Xây dựng Xuân Trường, Chủ đầu tư khu du lịch tâm linh Tam Chúc.[16] ngôi đền được xây hoành tráng chếch bên phải Điện Tam Thế, tâm điểm của chùa Tam Chúc. Đền Tứ Ân được xây dựng với lối kiến trúc không giống như bất kỳ ngôi đền nào tại Việt Nam. Ngôi đền này gồm hai tầng, tầng 1 là nơi tiếp các đoàn khách, ở giữa đặt bức tượng phật. Theo lời giới thiệu của nhà đền, bà là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), để được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014 và là người có công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc, chùa Am Tiên, các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa,…[17]
Tuy nhiên, từ việc chùa Tam Chúc thờ bà Phạm Thị Lan trong đền Tứ Ân, PGS.TS Trần Lâm Biền chỉ ra một hiện trạng khi xã hội phát triển thì càng chịu sự chi phối của đồng tiền, điều đó thấy rõ nhất trong vấn đề văn hóa tâm linh. Vì thế, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam PGS-TS Trần Lâm Biền khẳng định, chùa Tam Chúc không nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam mà thực chất đây chỉ là công trình xây dựng do cá nhân tạo ra nên việc xây như nào, thờ ai trong đó là do người bỏ tiền ra quyết định chứ không ảnh hưởng đến văn hóa dân gian của người Việt, cũng không thể coi đây là ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt Nam.[18]
Ý kiến trái chiều của chuyên gia
[sửa | sửa mã nguồn]- PGS.TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nêu ý kiến:
"Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng, sòng bài."[19]
- Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến:
"Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào? Song, tới nay vẫn chưa có sự công khai minh bạch về các dự án này.
Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi doanh nghiệp các nước khác đổ tiền vào đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, thì doanh nghiệp của chúng ta lại đổ xô đầu tư vào tâm linh vào đền chùa. Chính phủ và chính quyền địa phương có thái độ như thế nào về hoạt động đầu tư này?
Việc cấp tới 5.000ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho Nhà nước."[19]
- Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa nêu ý kiến: "Đối với doanh nghiệp như Xuân Trường hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác cũng phải xem xét lại, cần thiết phải chấm dứt việc giao đất cho những doanh nghiệp này làm khu du lịch tâm linh. Bởi thực tế, giao đất là nhà nước thu không được bao nhiêu tiền, nhưng khi vào tay doanh nghiệp họ lại làm đủ thứ từ du lịch tâm linh, bất động sản nghỉ dưỡng… Trong câu chuyện giao đất chỉ doanh nghiệp hưởng lợi còn ngân sách, người dân bị thiệt hại nặng.
Cần xem lại việc giao hàng ngàn héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch tâm linh có đúng quy định pháp luật hay không? Nếu đó là đất của nhà nước phải đấu giá sòng phẳng theo thị trường. Còn đất của người dân muốn giao doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân. Giá đất cũng phải tương đương với giá thị trường, tránh việc lấy danh nghĩa nhà nước để áp đặt mức giá rẻ bèo buộc người dân phải giao đất cho doanh nghiệp.
Giao cho doanh nghiệp nhiều ngàn héc-ta đất một cách vô tội vạ để doanh nghiệp tự tung tự tác để họ xây dựng đủ thứ làm phá vỡ cảnh quan, môi trường… là không thể chấp nhận được. Nhu cầu tâm linh của người dân là có, nhưng việc quảng bá nhưng khu du lịch tâm linh như hiện nay là vấn đề rất đáng báo động. Đó không phải là tín ngưỡng mà là sự mê tín thái quá."[20]
- Theo Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội): "Phát biểu của chủ Doanh nghiệp Xuân Trường rằng "Chúng tôi không sử dụng một đồng ngân sách Nhà nước" nghe thì có vẻ rất hay nhưng không đúng, dễ lập lờ khiến dư luận hiểu lầm. Để đầu tư một siêu dự án khu du lịch tâm linh thì phần xây chùa chiền, dịch vụ một vài nghìn tỷ đồng vẫn là rất nhỏ so với tổng thể đầu tư cho hạ tầng, giải phóng mặt bằng."[21]
- Phó giáo sư-TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho biết: "Ngay từ khi doanh nghiệp đề xuất chủ trương thì Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam có tổ chức hội thảo mời phản biện, lúc đó mới ngớ người ra không phải Xuân Trường làm hết. Việc lập đồ án không ổn tí nào, doanh nghiệp nói sẽ đầu tư tới khoảng 15.000 tỷ đồng nhưng thực chất Nhà nước phải bỏ ra hơn 14.000 tỷ đồng."[21]
- Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Việt Nam còn nghèo. Tôi có cảm tưởng công trình càng khoe độ hoành tráng, đạt nhiều kỷ lục bao nhiêu càng làm lộ ra sự nghèo khó của người dân bấy nhiêu. Bây giờ, nhiều người chỉ chạy đua xây dựng chùa chiền, đền đài... hoành tráng mà thiếu lo lắng đối với sự nghèo khổ, tụt hậu của đất nước.
Cho nên, tôi không đồng tình với chuyện chạy theo các công trình bề thế, hoành tráng". Thực tế, ở Việt Nam có không ít nơi chưa có trạm y tế khám bệnh, thiếu trường học cho trẻ em. Vẫn còn đó những cây cầu mà mỗi khi đi qua là chấp nhận đánh đu với tử thần. Những con đường quanh năm lầy lội. Những trẻ em dân tộc thiếu cơm, thiếu áo trong mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Còn biết bao những mảnh đời bất hạnh do bệnh tật không có thuốc chữa đành nằm chờ chết. Những người già cô thế cô thân không nơi nương tựa...[22]
- Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) - chuyên gia nghiên cứu Phật giáo phân tích: "Từ mộ đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần. Niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Một không gian làng xã mà có một ngôi chùa to quá thì nguồn thu lớn, chính quyền có kiểm soát được không? Niềm tin không thể kiểm soát, kinh tế cũng không thể kiểm soát. Chùa chiền thì không có cơ chế quản lý về kinh tế, không bị kiểm toán. Vậy tiền thu được hàng năm có công khai, minh bạch hay không?"[22]
- Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội băn khoăn, lo lắng cho việc bất hợp lý trong việc sử dụng vốn nhà nước trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nếu chi hàng nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng - rồi để cho doanh nghiệp xây chùa, các khu dịch vụ để thu tiền là bất hợp lý.[21]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ https://znews.vn/ngoi-chua-lon-nhat-the-gioi-o-viet-nam-post1187267.html
- ^ Chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam thu lời thế nào? Lưu trữ 2019-05-12 tại Wayback Machine, Zing 11.2.209
- ^ “Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4.000 ha khu du lịch Tam Chúc”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2018.
- ^ “Trục du lịch tâm linh "hội tụ kỷ lục"”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2014.
- ^ Thủ tướng chủ trì họp về công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2019
- ^ Thăm miền đất địa linh Tam Chúc
- ^ Đại gia chay trường và những siêu dự án tâm linh
- ^ Vãn cảnh chùa Tam Chúc - Ba Sao, Hà Nam
- ^ Độc đáo Quần thể danh thắng Tam Chúc
- ^ Chùa Tam Chúc sở hữu thiên thạch Mặt Trăng giá hơn 600.000 USD nổi tiếng thế nào?
- ^ Hà Nam: Khu du lịch Tam Chúc - nơi mệnh danh là vịnh Hạ Long trên cạn
- ^ Bồ-đề-đạt-ma (zh. 菩提達磨, sa. bodhidharma, ja. bodai daruma), dịch nghĩa là Giác Pháp (zh. 覺法), người Ấn Độ, ~470-543. Ông được coi là người truyền bá và sáng lập ra Thiền học và Võ thuật tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. Ông cũng là cha đẻ của Thiền Phật giáo Trung Quốc.
- ^ Con đường Phật giáo chùa Bái Đính - chùa Tam Chúc - chùa Hương
- ^ BTV Tỉnh ủy nghe báo cáo tiến độ xây dựng Khu Du lịch Tam Chúc
- ^ Khu tâm linh Tam Chúc - Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới
- ^ “Tỷ phú Xuân Trường đúc tượng đồng vợ trong chùa Tam Chúc cho dân khấn vái: Nhố nhăng!”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2020.
- ^ Điều ít biết về ngôi đền thờ vợ đại gia Xuân Trường trong quần thể chùa Tam Chúc
- ^ “Xây đền thờ vợ trong chùa Tam Chúc: Quyền của doanh nghiệp...”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2020.
- ^ a b Tại sao chùa Tam Chúc của đại gia Xuân Trường được ưu đãi thuế và sử dụng vốn Nhà nước?
- ^ Đại biểu Quốc hội chỉ ra sự bất thường ở dự án gắn mác tâm linh của Xuân Trường
- ^ a b c Doanh nghiệp Xuân Trường làm các dự án du lịch tâm linh: Nhà nước đầu tư ngàn tỷ, vẫn nói "không dùng một đồng ngân sách"
- ^ a b http://m.baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/khong-can-chua-to-phat-lon-ma-can-tam-long-nhan-ai-440105.html Không cần Chùa to, Phật lớn mà cần tấm lòng nhân ái