Bước tới nội dung

Khamtai Siphandon

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đây là một tên người Lào; họ tên được viết theo thứ tự tên trước, họ sau: họ là Siphandon.
Khamtai Siphandone
ຄຳໄຕ ສີພັນດອນ
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
Nhiệm kỳ
24 tháng 11 năm 1992 – 21 tháng 3 năm 2006
13 năm, 117 ngày
Tiền nhiệmKaysone Phomvihane
Kế nhiệmChoummaly Sayasone
Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Nhiệm kỳ
24 tháng 2 năm 1998 – 8 tháng 6 năm 2006
8 năm, 104 ngày
Tiền nhiệmNouhak Phoumsavanh
Kế nhiệmChoummaly Sayasone
Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Nhiệm kỳ
15 tháng 8 năm 1991 – 24 tháng 2 năm 1998
6 năm, 193 ngày
Tiền nhiệmKaysone Phomvihane
Kế nhiệmSisavath Keobounphanh
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ của Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước
Nhiệm kỳ
15 tháng 8 năm 1991 – 27 tháng 3 năm 2001
9 năm, 224 ngày
Tiền nhiệmPhoumi Vongvichit
Kế nhiệmSisavath Keobounphanh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào
Phó Thủ tướng Chính phủ Lào
Nhiệm kỳ
8 tháng 12 năm 1975 – 15 tháng 8 năm 1991
15 năm, 250 ngày
Tiền nhiệmChức vụ thành lập
Kế nhiệmChoummaly Sayasone
Thông tin cá nhân
Sinh8 tháng 2, 1924 (100 tuổi)
Lào
Đảng chính trịĐảng Nhân dân Cách mạng Lào

Đại tướng Khamtai Siphandon (tiếng Lào: ຄຳໄຕ ສີພັນດອນ, phiên âm: Khăm-tai Xỉ-phăn-đon; sinh ngày 8 tháng 2 năm 1924) là cựu Chủ tịch Lào. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này từ ngày 24 tháng 2 năm 1998 đến 8 tháng 6 năm 2006. Khamtai cũng đã là chủ tịch của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ ngày 24 tháng 11 năm 1992 đến 21 tháng 3 năm 2006.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại tỉnh Champasack, phía Nam Lào, tại một trong những hòn đảo của quần đảo Si Phan Don trên sông Mê Kông. Thời trẻ ông làm nghề đưa thư. Đầu năm 1946, ông tham gia phong trào dân tộc Lào Issara, phong trào chống lại sự khôi phục chế độ thực dân Pháp ở Lào.

Khamtai Siphandon tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân ở Savannakhet và trên cao nguyên Boloven. Ông được biết tới với phong cách hành động mạnh mẽ và mạo hiểm. Trước khi quân cách mạng rút lui, Siphandon đã tìm cách đánh chiếm kho bạc tỉnh Savannakhet và cướp được 150.000 Đồng Đông Dương. Ông là một trong những cộng sự của thủ lĩnh quân cách mạng Sithon Kommadam. Giống như Kommadam, Siphandon có chí hướng chính trị là hợp tác với Việt NamHồ Chí Minh. Dưới ảnh hưởng này, ông chuyển sang vị trí cộng sản. Từ năm 1950 là thành viên của Pathet Lào.

Trong Pathet Lào

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Lào độc lập khỏi Pháp, Khamtai Siphandon phản đối chế độ quân chủ. Ông từng là chính ủy ở quân khu phía nam Pathet Lào, là căn cứ chính của lực lượng cộng sản của Lào. Ông là thành viên của Ủy ban quốc tế giám sát việc thực hiện các Hiệp định Genève năm 1954.

Năm 1954, Khamtai Siphandon gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập năm 1955, ông trở thành thành viên của đảng. Ông là một trong những cộng sự thân cận của người sáng lập đảng, Kaysone Phomvihane. Ông có định hướng chính trị nghiêng về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô, về mặt tư tưởng, ông nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin chính thống. Từ năm 1957, Khamtai Siphandon trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trong lãnh đạo đảng, Siphandon liên tục nắm giữ vị trí thứ hai hoặc thứ ba - sau Kaysone Phomvihane, cùng với Nouhak Phoumsavanh. Ông giám sát các cấu trúc quyền lực, an ninh và tuyên truyền trong đảng.

Năm 1960, cuộc nội chiến ở Lào bắt đầu. Khamtai Siphandon đảm nhận chức Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Pathet Lào. Ông lãnh đạo các hoạt động quân sự chống lại quân đội hoàng gia và quân đội người Mông của Vàng Pao. Ông đã hành động trong sự hợp tác chính trị và hoạt động quân sự liên tục với quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Đại hội Đảng khóa II năm 1972, Khamtai Siphandon chính thức trở thành ủy viên của cơ quan cao nhất của đảng - Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Lãnh đạo Đảng và nhà nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc nội chiến Lào kết thúc năm 1975 với chiến thắng của lực lượng Cộng sản. Vào ngày 3 tháng 12 năm 1975, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được tuyên bố thành lập. Chính phủ Lào đã được lãnh đạo bởi Kaysone Phomvihane. Khamtai Siphandon, với tư cách là một thành viên lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đã trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là người đầu tiên được phong quân hàm Đại tướng Quân Giải phóng Nhân dân Lào.

Năm 1982, Kaysone Phomvihane tổ chức lại cơ cấu chính phủ. Khamtai Siphandon bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Quốc phòng và An ninh kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong giai đoạn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông đã tiêu diệt thành công lực lượng phiến quân H' Mông chống chính quyền.

Vào tháng 8 năm 1991, Kaysone Phomvihane kế nhiệm Souphanouvong làm Chủ tịch nước, đồng thời chức vụ Tổng Bí thư được đổi thành Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Khamtai Siphandon trở thành Thủ tướng. Vào thời điểm đó, Lào đang tiến hành một cuộc cải cách kinh tế tương tự đổi mới của Việt Nam.

Nguyên thủ quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Kaysone Phomvihane qua đời vào tháng 11 năm 1992. Khamtai Siphandon kế nhiệm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Vào tháng 2 năm 1998, Siphandon kế nhiệm chức Chủ tịch nước thay cho Nouhak Phoumsavanh. Ông trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước Lào sau Kaysone Phomvihane.

Trong giai đoạn Khamtai Siphandon cầm quyền Lào đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong nước. Quyền hạn của các cơ quan đại diện đã mở rộng phần nào. Các tổ chức dân sự độc lập chính thức được thành lập - chủ yếu là các hiệp hội chính quyền địa phương và các tổ chức Phật giáo.

Nghỉ hưu

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Đại hội Đảng toàn quốc khóa VIII năm 2006, ông đã xin từ chức. Choummaly Sayasone đã được bầu thay thế ông.

Sau khi nghỉ hưu ông vẫn đảm nhiệm chức vụ Cố vấn Trung ương Đảng.

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông có con trai là Sonexay Siphandone, hiện đang giữ chức Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và con gái là Viengthong Siphandone

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
Tiền nhiệm:
Nouhak Phoumsavanh
Chủ tịch Lào
1998-2006
Kế nhiệm:
Choummaly Sayasone