Bước tới nội dung

State of Grace (bài hát)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
"State of Grace"
Ảnh bìa của "State of Grace": Swift đứng ở đồng cỏ, quay lưng về phía máy ảnh, cầm cây đàn guitar ngược lên trên
Đĩa đơn quảng bá của Taylor Swift
từ album Red
Phát hành16 tháng 10 năm 2012 (2012-10-16)
Phòng thuBlackbird (Nashville)
Thể loạiArena rock
Thời lượng4:55
Hãng đĩaBig Machine
Sáng tácTaylor Swift
Sản xuất

"State of Grace" là một bài hát của nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác người Mỹ Taylor Swift nằm trong album phòng thu thứ tư của cô, Red (2012). Hãng thu âm Big Machine Records phát hành bài hát dưới dạng đĩa đơn quảng bá vào ngày 16 tháng 10 năm 2012. Swift sản xuất "State of Grace" với Nathan Chapman. Đây là một bài hát arena rock sử dụng tiếng guitar vang vọng và tiếng trống dồn dập. Là bài hát mở đầu của album, nhạc phẩm có nội dung kể về những cảm xúc xao xuyến trong tình yêu được gợi lên bởi những cái nhìn đầu tiên. Một phiên bản acoustic được phát hành dưới dạng bài hát bổ sung trong phiên bản Deluxe Edition của album Red.

Các nhà phê bình âm nhạc đánh giá tích cực chất nhạc arena rock của "State of Grace". Họ nhận xét rằng đây là một bài hát tiêu biểu cho thấy Swift đã mở rộng tính nghệ thuật trong âm nhạc pop đồng quê trước đây của cô. Các cây viết còn ca ngợi phần hòa âm phối khí, giọng hát truyền cảm và đưa "State of Grace" vào danh sách những bài hát hay nhất của Swift. Bài hát lọt vào top 50 trên bảng xếp hạng ở Úc, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh, đồng thời đạt vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng Canadian Hot 100 và vị trí thứ 13 trên Billboard Hot 100. Ca khúc nhận được chứng nhận đĩa Vàng từ Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA).

Swift từng trình diễn "State of Grace" ở The Red Tour (2013–2014) và trong một số dịp ở những chương trình lưu diễn sau này của cô. Sau cuộc tranh chấp công khai năm 2019 giữa Swift và quản lý Scooter Braun, nữ ca sĩ phát hành phiên bản thu âm lại của "State of Grace", lấy tên "State of Grace (Taylor's Version)", nằm trong album tái thu âm mang tên Red (Taylor's Version) (2021). Bản thu âm lại lọt vào top 10 trên bảng xếp hạng ở Ireland, Canada và Singapore; và top 25 ở Úc, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Bối cảnh và thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 10 năm 2010, nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát Taylor Swift phát hành album phòng thu thứ ba Speak Now do cô tự viết toàn bộ.[1] Công tác sản xuất album do cô đảm nhiệm cùng với Nathan Chapman – nhà sản xuất của cả hai album trước của cô.[2] Speak Now tiếp tục đi theo dòng nhạc pop đồng quê trong các đĩa nhạc trước đây của Swift, với phần sản xuất theo hướng nhạc pop thân thiện với sóng phát thanh cùng với âm hưởng từ nhiều thể loại nhạc rock khác nhau của thập niên 1970 và 1980.[3] Trong album tiếp theo lấy tựa đề Red, Swift muốn thử nghiệm với những âm thanh vượt ra ngoài khuôn khổ nhạc pop đồng quê cũng như được làm việc với nhiều nhà sản xuất khác.[1] Chapman vẫn là cộng sự chủ chốt của Red – anh và Swift cùng nhau sản xuất tám bài hát, trong đó có "State of Grace".[4] Đây là một trong những bài hát đầu tiên cô viết ở Nashville, Tennessee trước khi đến Los Angeles để cộng tác với các nhà sản xuất khác.[1] Các kỹ sư âm thanh Brian David Willis, Chad Carlson và Matt Rausch giúp đỡ Swift trong việc thu âm "State of Grace" và Justin Niebank đảm nhiệm công tác phối trộn âm thanh tại phòng thu Blackbird Studios, Nashville.[4] Hank Williams thực hiện việc master bản nhạc tại phòng thu MasterMix ở Nashville.[4]

Từ ngày 24 tháng 9 năm 2012, để quảng bá cho Red, hãng Big Machine Records lên kế hoạch phát hành một bài hát mỗi tuần trên iTunes Store trong bốn tuần liên tiếp cho đến ngày phát hành album vào 22 tháng 10.[5] "State of Grace" được phát hành làm đĩa đơn quảng bá thứ tư của Red vào ngày 16 tháng 10.[6][7] Một phiên bản acoustic – cũng do Swift và Chapman sản xuất – được phát hành dưới dạng bài hát bổ sung trong phiên bản Deluxe Edition của album.[8][9] "State of Grace" lọt vào bảng xếp hạng ở nhiều quốc gia khác nhau và lọt vào top 50 ở New Zealand (20),[10] Vương quốc Anh (36),[11] Ireland (43)[12] và Úc (44).[13] Bài hát đạt vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng Canadian Hot 100[14] và vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ.[15] Tháng 6 năm 2017, bài hát nhận được chứng nhận đĩa Vàng từ Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), biểu thị 500.000 đơn vị bài hát tương đương dựa trên số liệu về doanh số bán hàng và lượng phát trực tuyến theo yêu cầu.[16]

Nhạc và lời

[sửa | sửa mã nguồn]

"State of Grace" dài 4 phút 55 giây.[4] Đây là một bài hát theo thể loại arena rock, vốn mở rộng phong cách rock mà Swift đã từng khám phá trước đó trong Speak Now[17][18] với phần sản xuất được các nhà phê bình miêu tả là "hoành tráng"[19] và "đồ sộ".[20] Bài hát sử dụng tiếng guitar vang vọng và tiếng trống dồn dập.[a] Ở bản thu âm lại, tiếng trống được thể hiện rõ ràng hơn.[23] Swift hát to, rõ ràng với các âm tiết được kéo dài.[6] Các nhà phê bình cho biết phong cách sản xuất của "State of Grace" mang hơi hướng rock khác hoàn toàn với âm hưởng pop đồng quê trong các album trước đó của cô và cho rằng bài hát có thể chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của ban nhạc rock Ireland U2.[24] Theo nhà âm nhạc học James E. Perone, "State of Grace" mang lại cảm giác hoài niệm của phong cách college rock những năm 1980, với âm thanh guitar gợi lên phong cách của nghệ sĩ The Edge trong U2 và chất lượng giai điệu gợi nhớ đến ban nhạc rock Úc Men at Work – cụ thể bài hát "Who Can It Be Now?" của ban nhạc.[25] Một số nhà báo so sánh phong cách của bài hát với phong cách trong album The Joshua Tree (1987) của U2.[b]

Lời bài hát nói về những khả năng một mối tình có thể tiến triển và những cảm xúc khó đoán được gợi từ những dấu hiệu đầu tiên của tình yêu.[22][27] Là ca khúc mở đầu của Red, "State of Grace" tạo tông nền cho album về những mối quan hệ tan vỡ và những cảm xúc mâu thuẫn xảy ra sau đó.[28][29] Bài hát bắt đầu bằng tiếng trống dồn dập và những ca từ mơ hồ về nỗi đau khổ: "We fall in love 'til it hurts or bleeds / or fades in time".[c][30] Ở đoạn phân khúc thứ hai, nhịp dừng lại và Swift hát: "We are alone, just you and me / Up in your room and our slates are clean / Just twin fire signs / four blue eyes".[d][27][31] Sau đoạn phân khúc thứ hai, nhịp trống nhanh hơn và tiếng guitar lớn hơn vang lên trong nền nhạc.[30] Người kể chuyện thừa nhận người yêu mình không phải một "vị thánh" và cô đã "yêu sai lầm",[28] đồng thời trong đoạn điệp khúc cô cũng thừa nhận: "And I never saw you coming/ And I'll never be the same".[e][32] Bài hát kết thúc với nhận thức "Love is a ruthless game unless you play it good and right".[f][25] Phiên bản hát mộc Acoustic Version được thể hiện trên tiếng guitar nhẹ nhàng và tiếng trống tinh tế để làm nổi bật giọng hát của Swift – một điều mà Saloni Gajjar của The A.V. Club miêu tả là "mượt mà".[33]

Một số nhà phê bình nhấn mạnh sự trưởng thành trong sáng tác của Swift. Trong Spin, Marc Hogan cảm thấy lời bài hát mang đậm tính tích cực vì Swift không hề tìm cách trả thù một mối quan hệ không thành – điều này được thể hiện qua phần lời "And I never saw you coming / And I'll never be the same".[e][19] Trong một bài đánh giá cho The Atlantic, Brad Nelson nhận định Swift đã đưa vào câu chuyện nhiều sắc thái hơn so với những bản tình ca trước đây; sau phần ca từ "sáo rỗng" ở đoạn đầu, nữ ca sĩ đưa vào nhiều "chất văn" hơn ở đoạn phân khúc thứ hai khi sử dụng "kiểu chi tiết tách ra khỏi câu chuyện và trải dài như những đám mây", khiến nhà phê bình nhớ lại về các tác phẩm của Walter BeckerDonald Fagen từ ban nhạc Steely Dan.[30]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi phát hành, "State of Grace" nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình cho sự tự tin và hiệu quả trong bài hát.[24] Nhiều nhà phê bình cho rằng chất arena rock tạo tác động mạnh mẽ, mang đến một khía cạnh mới cho chất nghệ sĩ của Swift.[g] Trong các bài đánh giá về album Red, một số nhà phê bình đưa "State of Grace" làm điểm nhấn[34] cho một sản phẩm có phần sản xuất đầy thuyết phục và được truyền đạt đầy tự tin.[h] Mặc dù một số cây viết, chẳng hạn như Bernard Perusse từ Edmonton Journal[37] và Randall Roberts từ Los Angeles Times,[26] khen ngợi "State of Grace" là một thử nghiệm đáng giá, thì Ben Rayner của Toronto Star lại chỉ trích bài hát vì đã "bắt chước U2 một cách vô liêm sỉ để được các đài nhạc rock phát thanh".[38] Jonathan Keefe từ Slant Magazine và Sean Daly của Tampa Bay Times cảm thấy phần khí nhạc khiến chất lượng sáng tác của Swift bị giảm sút,[39] dù vậy Daly vẫn nhận định đây là một bài hát "táo bạo".[40]

Các bài đánh giá sau này về "State of Grace" vẫn giữ góc nhìn tích cực và một số nhà phê bình chọn bài hát này làm ví dụ về tính linh hoạt trong nghệ thuật của Swift và là điểm nhấn trong Red.[i] Jordan Sargent của Spin miêu tả phần sản xuất của bài hát là một "[sáng tác] âm nhạc hoàn hảo về mặt chủ đề, chậm rãi như muốn ướp vào từng thời khắc hiện tại nhưng cũng khá sử thi".[18] Trên bảng xếp hạng của các nhà phê bình trong toàn bộ danh mục của Swift, bài hát được xếp hạng trong top 10 bởi đội ngũ nhân sự của Billboard,[44] Hannah Mylrea của NME,[20] Jane Song của Paste,[45] và Nate Jones của Vulture, tất cả đều ca ngợi âm thanh arena rock mà sau này Swift chưa hề sử dụng lại.[46] Jason Lipshutz từ Billboard thì ngưỡng mộ đoạn hook ngắn gọn và phần sản xuất đầy sảng khoái, đồng thời cây viết này cũng tuyên bố "State of Grace" là một trong những bài hát không phải đĩa đơn tồn tại bền bỉ nhất của Swift.[47] Bài hát nằm trong danh sách "100 bản cắt hay nhất của các ngôi sao nhạc pop thế kỷ 21" của Billboard năm 2017, và biên tập viên Andrew Unterberger của tờ báo này cũng ca ngợi phần điệp khúc của bài hát khi "[nói] mọi thứ cần nói chỉ bằng rất ít từ ngữ".[32]

Biểu diễn trực tiếp

[sửa | sửa mã nguồn]
Taylor Swift wearing a brimmed hat and a laced white shirt smiling
Swift trong chuyến lưu diễn The Red Tour (2013), nơi cô lựa chọn "State of Grace" làm tiết mục trình diễn mở màn

Swift biểu diễn trực tiếp "State of Grace" lần đầu vào ngày 15 tháng 11 năm 2012, trong mùa thứ hai của chương trình The X Factor phiên bản Hoa Kỳ.[48] Cô cũng đưa bài hát vào danh sách biểu diễn cho sự kiện Z100 Jingle Ball tại Madison Square Garden, Thành phố New York vào ngày 7 tháng 12 năm 2012.[49] Đây cũng là bài hát mở màn trong danh sách trình diễn của Swift tại chuyến lưu diễn The Red Tour (2013–2014).[50] Tại buổi hòa nhạc ngày 10 tháng 7 năm 2018 ở Landover, Maryland, trong khuôn khổ chuyến lưu diễn Reputation Stadium Tour, cô lựa chọn "State of Grace" để biểu diễn ở tiết mục "bài hát bất ngờ".[51] Swift một lần nữa biểu diễn phiên bản piano-ballad của bài hát tại buổi biểu diễn ngày 18 tháng 3 năm 2023 ở Glendale, Arizona của chuyến lưu diễn The Eras Tour.[52] Cô tiếp tục trình diễn "State of Grace" thêm hai lần tại chuyến lưu diễn này, một lần ở Dublin ngày 28 tháng 6 năm 2024 mashup với "You're on Your Own, Kid" (2022), và một lần ở Toronto ngày 21 tháng 11 năm 2024 mashup với "Labyrinth" (2022).[53]

Đội ngũ thực hiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần ghi công được lấy từ ghi chú album Red[4]

  • Taylor Swift – giọng hát, sáng tác, sản xuất
  • Nathan Chapman – sản xuất, guitar
  • Justin Niebank – trộn âm
  • Brian David Willis – kỹ thuật âm thanh
  • Chad Carlson – kỹ thuật âm thanh
  • Matt Rausch – kỹ thuật âm thanh
  • Hank Williams – kỹ thuật âm thanh
  • Drew Bollman – trợ lý trộn âm
  • Leland Elliott – trợ lý kỹ thuật thu âm
  • Nick Buda – trống
  • Eric Darken – nhạc cụ gõ

Bảng xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]
Bảng xếp hạng của "State of Grace"
Bảng xếp hạng (2012) Thứ hạng
cao nhất
Úc (ARIA)[13] 44
Canada (Canadian Hot 100)[14] 9
Ireland (IRMA)[12] 43
New Zealand (Recorded Music NZ)[10] 20
Anh Quốc (OCC)[11] 36
Hoa Kỳ Billboard Hot 100[15] 13

Chứng nhận

[sửa | sửa mã nguồn]
Chứng nhận của "State of Grace"
Quốc gia Chứng nhận Số đơn vị/doanh số chứng nhận
Úc (ARIA)[54] Vàng 35.000
Hoa Kỳ (RIAA)[16] Vàng 500.000

Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ và phát trực tuyến.

"State of Grace (Taylor's Version)"

[sửa | sửa mã nguồn]
"State of Grace (Taylor's Version)"
Bài hát của Taylor Swift
từ album Red (Taylor's Version)
Phát hành12 tháng 11 năm 2021 (2021-11-12)
Phòng thuBlackbird (Nashville)
Thời lượng4:55
Hãng đĩaRepublic
Sáng tácTaylor Swift
Sản xuất
Video lời bài hát
"State of Grace (Taylor's Version)" trên YouTube

Sau khi ký hợp đồng mới với Republic Records, kể từ tháng 11 năm 2020, Swift bắt đầu quá trình thu âm lại sáu album phòng thu đầu tiên của mình.[55] Quyết định được đưa ra sau một cuộc tranh chấp công khai năm 2019 giữa Swift và quản lý Scooter Braun – người đã mua lại Big Machine Records và cả quyền sở hữu các album của Swift mà hãng đã phát hành.[56][57] Bằng cách thu âm lại các album, Swift có toàn quyền sở hữu các bản gốc mới, bao gồm cả việc cấp phép bản quyền các bài hát của cô – điều này làm giảm giá trị các bài hát gốc thuộc sở hữu của Big Machine Records.[58]

Bản thu âm lại của "State of Grace" và phiên bản acoustic – cả hai đều có phụ chú "(Taylor's Version)" – được phát hành trong phiên bản thu âm lại của RedRed (Taylor's Version) vào ngày 12 tháng 11 năm 2021.[59] Cả "State of Grace (Taylor's Version)" và "State of Grace (Acoustic Version) (Taylor's Version)" đều do Swift cùng cộng sự Christopher Rowe hợp tác sản xuất, và được David Payne xử lý thu âm tại phòng thu Blackbird Studios, Nashville. Rowe thu âm phần giọng hát của Swift tại phòng thu Kitty Commission Studio ở Belfast, Bắc Ireland, và Serban Ghenea đảm nhiệm vai trò trộn âm thanh cho cả hai bài hát tại phòng thu MixStar Studios ở Virginia Beach, Virginia.[60]

Trong bài đánh giá về Red (Taylor's Version) trên Slant Magazine, cây viết Jonathan Keefe đánh giá cao cách phần khí nhạc mới đã mang lại cho ca khúc sự cộng hưởng mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc.[61] Hannah Mylrea từ NME thì nhận định đoạn âm thanh bộ gõ mở đầu "State of Grace (Taylor's Version)" nghe sắc nét hơn bản gốc.[62] Viết cho Screen Rant, nhà phê bình Fawzia Khan cho rằng ca khúc hay hơn bản cũ nhờ vào "lời bài hát hoành tráng về tiềm năng kỳ diệu của tình yêu, phần âm nhạc sôi động và giai điệu mở đầu album phù hợp".[63] Mary Siroky từ trang Consequence cho biết "State of Grace (Taylor's Version)" chứng minh "khả năng thanh nhạc của Swift đã tiến bộ hơn trong suốt thập kỷ qua, cùng với kỹ năng sáng tác hay chất thơ trong cái tôi cá nhân." Nữ nhà báo còn ca ngợi phiên bản acoustic của bài hát.[64] Rob Sheffield của Rolling Stone cho rằng bản phối acoustic của "State of Grace (Taylor's Version)" đã "đem lại nhiều xúc cảm mùa thu hơn",[65] còn với Ana Clara Ribeiro của trang PopMatters, trong khi album làm lại vẫn giữ nguyên bản phối gốc thì ca khúc acoustic lại mang nhiều điểm khác biệt.[66]

"State of Grace (Taylor's Version)" bước vào bảng xếp hạng của một số quốc gia như lọt vào top 25 của Ireland (7),[67] Canada (9),[14] Singapore (10),[68] New Zealand (12),[69] Vương quốc Anh (18),[70] Hoa Kỳ (18),[15] Úc (25),[71] và xa hơn nữa là Nam Phi (77)[72] và Bồ Đào Nha (89).[73] "State of Grace (Taylor's Version)" đứng ở vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng Billboard Global 200.[74]

Đội ngũ thực hiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần ghi danh được lấy từ ghi chú album Red (Taylor's Version)[60]

  • Taylor Swift – hát chính, hát bè, sáng tác, sản xuất
  • Christopher Rowe – sản xuất, kỹ thuật giọng hát
  • David Payne – kỹ sư thu âm
  • Dan Burns – kỹ thuật bổ sung
  • Austin Brown – trợ lý kỹ thuật, trợ lý biên tập
  • Bryce Bordone – kỹ thuật âm thanh
  • Derek Garten – kỹ thuật âm thanh, biên tập
  • Serban Ghenea – trộn âm
  • Amos Heller – guitar bass
  • Matt Billingslea – trống, nhạc cụ gõ, vibraphone
  • Max Bernstein – guitar điện
  • Mike Meadows – guitar điện, synthesizer
  • Paul Sidoti – guitar điện
  • Jonathan Yudkin – nhạc cụ dây

Bảng xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]
Bảng xếp hạng của "State of Grace (Taylor's Version)"[j]
Bảng xếp hạng (2021) Thứ hạng
cao nhất
Úc (ARIA)[71] 25
Canada (Canadian Hot 100)[14] 9
Global 200 (Billboard)[74] 12
Ireland (IRMA)[67] 7
New Zealand (Recorded Music NZ)[69] 12
Bồ Đào Nha (AFP)[73] 89
Singapore (RIAS)[68] 10
Nam Phi (RISA)[72] 77
Anh Quốc (OCC)[70] 18
Hoa Kỳ Billboard Hot 100[15] 18

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo miêu tả của Marc Hogan của Spin,[19] Entertainment Weekly's Grady Smith,[21] và Jason Lipshutz của Billboard[22]
  2. ^ Theo miêu tả của Hogan[19] và Randall Roberts của Los Angeles Times.[26]
  3. ^ Tạm dịch: "Ta rơi vào trò chơi tình ái cho đến khi con tim rỉ máu / hoặc phai nhạt dần theo dòng chảy của thời gian"
  4. ^ Tạm dịch: "Chúng ta bên nhau, anh và em / Ở trong phòng của anh và hai ta đều như tờ giấy trắng / Một đôi cung lửa / hai đôi mắt xanh"
  5. ^ a b Tạm dịch: "Và rồi anh sẽ chẳng đến gặp em nữa / Và rồi em sẽ chẳng còn được như xưa"
  6. ^ Tạm dịch: "Tình yêu là một trò chơi tàn nhẫn trừ khi anh chơi một cách đúng đắn và tử tế"
  7. ^ Theo miêu tả của Hogan,[19] Lipshutz,[22] Smith,[21] August Brown của Los Angeles Times,[6] và Adam Graham của The Detroit News[31]
  8. ^ Theo miêu tả của Michael Robbins của Spin,[35] và Craig S. Semon của Telegram & Gazette[36]
  9. ^ Theo miêu tả của Brad Nelson của Pitchfork,[27] Kate Solomon của i,[41] Alex Hopper của American Songwriter,[42] và Kelsey Barnes của Alternative Press[43]
  10. ^ Thống kê tổng hợp cho cả "State of Grace (Taylor's Version)" và "State of Grace (Acoustic Version) (Taylor's Version)".

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Bernstein, Jonathan (ngày 18 tháng 11 năm 2020). “500 Greatest Albums: Taylor Swift Looks Back on Her 'Only True Breakup Album' Red [500 album hay nhất: Taylor Swift nhìn lại "album thất tình duy nhất" Red]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2023.
  2. ^ Tingen, Paul (tháng 2 năm 2011). “Taylor Swift Speak Now. Sound on Sound (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2023.
  3. ^ Perone 2017, tr. 29, 42.
  4. ^ a b c d e Taylor Swift (2012). Red (lời giới thiệu trong CD). Big Machine Records.
  5. ^ Bernstein, Alyssa (ngày 21 tháng 9 năm 2013). “Taylor Swift Launches Red Album Release With 4-Week Song Preview Countdown” [Taylor Swift ra mắt album Red với mỗi bài hát đếm ngược trong 4 tuần] (bằng tiếng Anh). ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2013.
  6. ^ a b c Brown, August (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift releases 'State of Grace' single” [Taylor Swift phát hành đĩa đơn "State of Grace"]. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012.
  7. ^ Montgomery, James (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift's 'State of Grace' goes straight to #1 on iTunes” ["State of Grace" của Taylor Swift tiến thẳng lên vị trí số 1 trên iTunes] (bằng tiếng Anh). MTV News. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021.
  8. ^ Taylor Swift (2012). Red (Deluxe Edition) (lời giới thiệu album 2-CD). Big Machine Records. BMR310450A.
  9. ^ Spencer 2013, tr. 128.
  10. ^ a b "Charts.nz – Taylor Swift – State of Grace" (bằng tiếng Anh). Top 40 Singles. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2012.
  11. ^ a b "Official Singles Chart Top 100" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2012.
  12. ^ a b "Chart Track: Week 42, 2012" (bằng tiếng Anh). Irish Singles Chart. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2012.
  13. ^ a b "Australian-charts.com – Taylor Swift – State of Grace" (bằng tiếng Anh). ARIA Top 50 Singles. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2012.
  14. ^ a b c d "Taylor Swift Chart History (Canadian Hot 100)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2012.
  15. ^ a b c d "Taylor Swift Chart History (Hot 100)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2012.
  16. ^ a b “Chứng nhận đĩa đơn Hoa Kỳ – Taylor Swift – State of Grace” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2017.
  17. ^ Barnes, Kelsey (ngày 21 tháng 2 năm 2023). “Every Taylor Swift album ranked” [Xếp hạng mỗi album của Taylor Swift]. Alternative Press (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2023.
  18. ^ a b Sargent, Jordan (ngày 16 tháng 6 năm 2017). “Listen to Taylor Swift's Red, One of the Best Pop Albums of Our Time” [Nghe Red của Taylor Swift, một trong những album nhạc pop hay nhất thời đại chúng ta]. Spin (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021.
  19. ^ a b c d e Hogan, Marc (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift Reaches 'State of Grace' on Feedback-Streaked Rock Anthem” [Taylor Swift đạt đến "State of Grace" trong bài hát rock]. Spin (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012.
  20. ^ a b Mylrea, Hannah (ngày 8 tháng 9 năm 2020). “Every Taylor Swift song ranked in order of greatness”. NME. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2020.
  21. ^ a b Smith, Grady (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift channels U2 on new track 'State of Grace': Hear it here”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012.
  22. ^ a b c Lipshutz, Jason (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift Finds 'State of Grace' on New Red Track: Listen” [Taylor Swift tìm thấy "State of Grace" trong ca khúc Red mới: Lắng nghe]. Billboard (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2021.
  23. ^ Mylrea, Hannah (ngày 12 tháng 11 năm 2021). “Taylor Swift – Red (Taylor's Version) review: a retread of heartbreak” [Đánh giá về Taylor Swift – Red (Taylor's Version): Tái hiện lại nỗi đau]. NME (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  24. ^ a b Lansky, Sam (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift's 'State of Grace': Review Revue”. Idolator. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2018.
  25. ^ a b Perone 2017, tr. 46.
  26. ^ a b Roberts, Randall (ngày 22 tháng 10 năm 2012). “Album review: Taylor Swift's Red burns with confidence”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021.
  27. ^ a b c Nelson, Brad (ngày 19 tháng 8 năm 2019). “Taylor Swift: Red Album Review” [Taylor Swift: Đánh giá album Red]. Pitchfork (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2019.
  28. ^ a b “Ranking the Songs on Taylor Swift's Red [Xếp hạng các ca khúc trong Red của Taylor Swift]. Time (bằng tiếng Anh). ngày 11 tháng 11 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  29. ^ Perone 2017, tr. 42.
  30. ^ a b c Nelson, Brad (ngày 1 tháng 11 năm 2012). “If You Listen Closely, Taylor Swift Is Kind of Like Leonard Cohen” [Nếu bạn nghe kỹ, Taylor Swift có vẻ giống Leonard Cohen]. The Atlantic (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2024.
  31. ^ a b Graham, Adam (ngày 16 tháng 10 năm 2012). “Listen: Taylor Swift swings for the fences with 'State of Grace' [Lắng nghe: Taylor Swift vượt qua rào cản với "State of Grace"]. The Detroit News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012.
  32. ^ a b “The 100 Best Deep Cuts by 21st Century Pop Stars: Critics' Picks” [100 bản cắt hay nhất của các ngôi sao nhạc pop thế kỷ 21: Lựa chọn của các nhà phê bình]. Billboard (bằng tiếng Anh). ngày 21 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2019.
  33. ^ Gajjar, Saloni; Carr, Mary Kate (ngày 21 tháng 11 năm 2022). “20 underrated Taylor Swift songs that prove her lyrical prowess” [20 bài hát bị đánh giá thấp của Taylor Swift chứng tỏ khả năng về ca từ của cô]. The A.V. Club (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2023.
  34. ^ Clayton-Lea, Tony (ngày 2 tháng 11 năm 2012). “Album reviews”. The Irish Times. tr. 14. ProQuest 1125343503.
  35. ^ Robbins, Michael (ngày 25 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift, Red (Big Machine)”. Spin. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2012.
  36. ^ Semon, Craig S. (ngày 29 tháng 11 năm 2012). “Taylor Swift seeing Red on new album”. Telegram & Gazette. tr. 12. ProQuest 1220768531.
  37. ^ Perusse, Bernard (23 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift's tabloid tales lack sharp musical edge” [Câu chuyện về Taylor Swift thú vị, nhưng âm nhạc thiếu sắc bén]. Edmonton Journal (bằng tiếng Anh). tr. C3. ProQuest 1115147198.
  38. ^ Rayner, Ben (ngày 23 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift: Red (Universal)”. Toronto Star. tr. E3. ProQuest 1114330580.
  39. ^ Keefe, Jonathan (ngày 22 tháng 10 năm 2012). “Taylor Swift: Red. Slant Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2012.
  40. ^ Daly, Sean (ngày 23 tháng 10 năm 2012). “A Whole New Hue”. Tampa Bay Times. tr. B2. ProQuest 1114332884.
  41. ^ Solomon, Kate (ngày 12 tháng 11 năm 2021). Red (Taylor's Version) proves how brilliant Swift is when her heart is in tatters”. i. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  42. ^ Hopper, Alex (ngày 29 tháng 9 năm 2022). “While We Wait for Midnights, Here Are All of Taylor Swift's Albums Ranked”. American Songwriter. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  43. ^ Barnes, Kelsey (ngày 21 tháng 2 năm 2023). “Every Taylor Swift album ranked”. Alternative Press. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  44. ^ “The 100 Best Taylor Swift Songs: Staff Picks”. Billboard. ngày 16 tháng 3 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2023.
  45. ^ “All 158 Taylor Swift Songs, ranked” [Tất cả 158 bài hát của Taylor Swift, được xếp hạng]. Paste (bằng tiếng Anh). ngày 11 tháng 2 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2020.
  46. ^ Jones, Nate (ngày 13 tháng 8 năm 2020). “Taylor Swift Songs, Ranked from Worst to Best” [Các bài hát của Taylor Swift xếp hạng từ tệ nhất đến hay nhất]. New York (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2020.
  47. ^ Lipshutz, Jason (ngày 1 tháng 8 năm 2017). “Taylor Swift's 15 Best Songs: Critic's Picks” [15 bài hát hay nhất của Taylor Swift: Lựa chọn của nhà phê bình]. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2023.
  48. ^ Kroll, Katy (ngày 16 tháng 11 năm 2012). “Taylor Swift Debuts 'State of Grace' During X Factor Double Elimination” [Taylor Swift ra mắt "State of Grace" trong vòng loại kép của X Factor]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2021.
  49. ^ Hampp, Andrew (ngày 8 tháng 12 năm 2012). “Justin Bieber, Taylor Swift, One Direction and More Light Up NYC at Z100 Jingle Ball” [Justin Bieber, Taylor Swift, One Direction và các ca sĩ khác đã thắp sáng Thành phố New York tại Z100 Jingle Ball]. Billboard (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2013.
  50. ^ Sheffield, Rob (ngày 28 tháng 3 năm 2013). “Taylor Swift's 'Red' Tour: Her Amps Go Up to 22” [Tour diễn 'Red' của Taylor Swift's: Vô cùng sôi động và mạnh mẽ]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2017.
  51. ^ Iasimone, Ashley. “All the Surprise Songs Taylor Swift Has Performed On Her Reputation Stadium Tour B-Stage (So Far)” [Tất cả những bài hát bất ngờ mà Taylor Swift đã biểu diễn ở sân khấu B của chuyến lưu diễn Reputation Stadium Tour (cho đến nay)]. Billboard (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2018.
  52. ^ Iasimone, Ashley (ngày 25 tháng 3 năm 2023). “All the Surprise Songs Taylor Swift Has Performed on The Eras Tour (So Far)” [Tất cả những bài hát bất ngờ mà Taylor Swift đã biểu diễn trong The Eras Tour (cho đến nay)]. Billboard (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2023.
  53. ^ Smith, Katie Louise (ngày 24 tháng 11 năm 2024). “Every Surprise Song Performed on Taylor Swift's Eras Tour So Far” [Mỗi bài hát bất ngờ xuất hiện trong Eras Tour của Taylor Swift cho đến nay] (bằng tiếng Anh). Capital FM. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2024.
  54. ^ “ARIA Charts – Accreditations – 2024 Singles” (PDF) (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2024.
  55. ^ Melas, Chloe (ngày 16 tháng 11 năm 2020). “Taylor Swift Speaks Out about Sale of Her Masters” [Taylor Swift lên tiếng về việc bán bản quyền âm nhạc] (bằng tiếng Anh). CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2020.
  56. ^ “Taylor Swift Wants to Re-record Her Old Hits” [Taylor Swift muốn thu âm lại những bài hát cũ của mình]. BBC News (bằng tiếng Anh). ngày 22 tháng 8 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2019.
  57. ^ Finnis, Alex (ngày 17 tháng 11 năm 2020). “Taylor Swift Masters: The Controversy around Scooter Braun Selling the Rights to Her Old Music Explained” [Quyền sở hữu tác phẩm của Taylor Swift: Tranh cãi xung quanh việc Scooter Braun bán bản quyền âm nhạc cũ của cô đã được giải thích]. i (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2021.
  58. ^ Shah, Neil (ngày 9 tháng 4 năm 2021). “Taylor Swift Releases New Fearless Album, Reclaiming Her Back Catalog”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2022.
  59. ^ Sager, Jessica (ngày 12 tháng 11 năm 2021). “Taylor Swift's Red (Taylor's Version) Is Here—Get All the Details On the Re-Release, Vault Tracks and More” [Đã có Red (Taylor's Version) của Taylor Swift – Nhận tất cả thông tin chi tiết về bản phát hành lại, các bản nhạc "From the Vault" và hơn thế nữa]. Parade (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2023.
  60. ^ a b Taylor Swift (2021). Red (Taylor's Version) (ghi chú đĩa than). Republic Records.
  61. ^ Keefe, Jonathan (ngày 17 tháng 11 năm 2021). “Taylor Swift Red (Taylor's Version) Review: A Refinement of Pop Instincts” [Đánh giá Red (Taylor's Version) của Taylor Swift: Sự hoàn thiện bản năng nhạc pop]. Slant Magazine (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  62. ^ Mylrea, Hannah (ngày 12 tháng 11 năm 2021). “Taylor Swift – 'Red (Taylor's Version)' review: a retread of heartbreak” [Taylor Swift – Đánh giá album 'Red (Taylor's Version)': một sự lặp lại của nỗi đau khổ]. NME (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
  63. ^ Khan, Fawzia (ngày 13 tháng 11 năm 2021). “10 Songs From Red (Taylor's Version) That Are Better Than The Original” [10 bài hát từ Red (Taylor's Version) hay còn hơn bản gốc]. Screen Rant (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
  64. ^ Siroky, Mary (ngày 12 tháng 11 năm 2021). “Red Like We Never Knew: Taylor Swift Finishes the Story on Her Terms” [Màu đỏ như chúng ta chưa từng được biết: Taylor Swift kết thúc câu chuyện bằng ca từ của cô ấy]. Consequence (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
  65. ^ Sheffield, Rob (ngày 12 tháng 11 năm 2021). 'Red (Taylor's Version)' Makes a Classic Even Better” ['Red (Taylor’s Version)' đưa một tác phẩm kinh điển trở nên tốt hơn trước]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
  66. ^ Ribeiro, Ana Clara (ngày 16 tháng 12 năm 2021). “Taylor Swift Re-Immortalizes Classic 'Red (Taylor's Version)' [Taylor Swift bất tử hóa album kinh điển 'Red (Taylor's Version)']. PopMatters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
  67. ^ a b "Official Irish Singles Chart Top 50" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.
  68. ^ a b “RIAS Top Charts Week 46 (12 – 18 Nov 2021)”. ngày 23 tháng 11 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  69. ^ a b “NZ Top 40 Singles Chart”. Recorded Music NZ. ngày 22 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
  70. ^ a b "Official Singles Chart Top 100" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.
  71. ^ a b “ARIA Top 50 Singles Chart”. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc. ngày 22 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.
  72. ^ a b “Local & International Streaming Chart Top 100: Week 46”. The Official South African Charts. Recording Industry of South Africa. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  73. ^ a b "Portuguesecharts.com – Taylor Swift – State of Grace" (bằng tiếng Anh). AFP Top 100 Singles. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2022.
  74. ^ a b "Taylor Swift Chart History (Global 200)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.

Nguồn sách

[sửa | sửa mã nguồn]