Bước tới nội dung

North American A-5 Vigilante

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
A-5 (A3J) Vigilante
KiểuMáy bay ném bom tấn công hạt nhân
Máy bay trinh sát
Hãng sản xuấtNorth American Aviation
Chuyến bay đầu tiên31 tháng 8 năm 1958
Được giới thiệutháng 6 năm 1961
Khách hàng chínhHải quân Hoa Kỳ
Được chế tạo1956-1963
1968-1970
Số lượng sản xuất158

Chiếc North American A-5 Vigilante là một kiểu máy bay ném bom siêu thanh mạnh mẽ, tiên tiến hoạt động trên tàu sân bay được thiết kế cho Hải quân Hoa Kỳ. Nó phục vụ trong vai trò máy bay tấn công hạt nhân để thay thế chiếc A-3 Skywarrior trong thời gian rất ngắn. Dưới phiên bản RA-5C, nó phục vụ rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam trong vai trò máy bay trinh sát hình ảnh. Trước khi Hệ thống định danh máy bay Thống nhất các binh chủng Hoa Kỳ (1962) được áp dụng, kiểu máy bay này có tên là A3J Vigilante.

Thiết kế và phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào năm 1953, North American Aviation bắt đầu một nghiên cứu riêng về một kiểu máy bay ném bom tầm xa hoạt động trong mọi thời tiết đặt căn cứ trên tàu sân bay, có khả năng phóng vũ khí nguyên tử ở tốc độ siêu thanh. Đề nghị này, khái niệm về một chiếc NAGPAW [1], được Hải quân Hoa Kỳ chấp nhận với một số sửa đổi, vào năm 1955. Một hợp đồng phát triển được ký vào ngày 29 tháng 8 năm 1956. Chuyến bay đầu tiên của kiểu máy bay này diễn ra hai năm sau đó vào ngày 31 tháng 8 năm 1958 tại Columbus, Ohio.

Vào lúc được giới thiệu, Vigilante là một trong những máy bay lớn nhất và phức tạp nhất từng hoạt động trên một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ. Nó có thiết kế kiểu cánh xuôi gắn cao cùng các cánh nắp phụ điều khiển được nhằm cải thiện lực nâng ở tốc độ thấp, sử dụng hợp kim nhôm-lithium che phủ bề mặt cánh và titanium cho những kết cấu quan trọng. Nó được trang bị hai động cơ turbo phản lực General Electric J79 (tương tự như được sử dụng trên chiếc máy bay tiêm kích F-4 Phantom II) đặt cách xa nhau, và một cánh đuôi đứng lớn. Cánh, đuôi, và mũi radar của chiếc máy bay có thể xếp được để chứa trên tàu sân bay. Chiếc Vigilante có một đội bay gồm hai người, phi công và sĩ quan ném bom/hoa tiêu (BN), sau này là sĩ quan trinh sát/hoa tiêu tấn công (RAN) trên các phiên bản trinh sát, được bố trí kiểu trước-sau trên những ghế phóng riêng biệt. Nó có đặc tính bay nhanh nhẹn đáng ngạc nhiên cho một chiếc máy bay to và nặng như thế. Khi không có các lực cản do bom hay tên lửa, ngay cả các phi công tiêm kích hộ tống cũng thấy rằng kiểu dáng khung máy bay suôn và động cơ mạnh mẽ giúp cho chiếc Vigilante có tốc độ rất nhanh ở tầm cao. Tuy nhiên, tốc độ hạ cánh cao làm cho việc quay về tàu sân bay đúng là một thử thách cho những phi công không có kinh nghiệm hay cẩu thả.

Chiếc Vigilante có một hệ thống điện tử cực kỳ tiên tiến và phức tạp. Nó được trang bị một trong những hệ thống bay bằng dây dẫn (fly-by-wire) đầu tiên trên một máy bay hoạt động (cùng với hệ thống dự phòng bằng cơ khí/thủy lực) và một hệ thống máy tính dẫn đường/tấn công AN/ASB-12 tích hợp một hệ thống hiển thị thông tin trước mặt (HUD: head-up display), radar đa chế độ, hệ thống dẫn đường quán tính trang bị Radar (REINS, dựa trên kỹ thuật được phát triển cho tên lửa Navaho), camera CCD TV dưới mũi, và một máy tính kỹ thuật số đời đầu được gọi là VERDAN (Phân tích Kỹ thuật số Linh hoạt) để điều khiển chúng. Cho dù hệ thống này cực kỳ tinh vi, kỹ thuật của nó vẫn còn ấu trĩ, và độ tin cậy rất kém. Khi hoạt động tại các phi đội, hệ thống có chỉ số MTBF (thời gian trung bình giữa hai lần hỏng hóc) chỉ được có 15 phút. Mặc dù một số lỗi đã được sửa, chiếc máy bay vẫn là một cơn ác mộng khi bảo trì trong suốt vòng đời hoạt động của nó.

Chiếc Vigilante nguyên thủy có hai đế cánh, được dự định chủ yếu dành cho các thùng nhiên liệu phụ vứt được. Vũ khí chính của nó được mang trong một "khoang bom dọc bên trong" mới hình trụ giữa hai động cơ, mang một "tàu chứa" gồm hai thùng nhiên liệu vứt được gắn với một vũ khí nguyên tử, thường là một trái bom nguyên tử Mk 28. Ý tưởng áp dụng là nhiên liệu trong các thùng chứa này sẽ được dùng hết trong quá trình bay đến mục tiêu, rồi sau đó chúng được vứt bỏ như là một phần của trái bom bằng chất nổ trong súng hình phểu. Trong thực hành, hệ thống trên chưa bao giờ có độ tin cậy và thường gây nguy hiểm. "Tàu chứa" này đôi khi bị rơi ra trong lúc máy bay đang được phóng lên, bỏ lại vũ khí và các thùng nhiên liệu trên sàn đáp. Nó cũng có xu hướng bị "kéo lê" đàng sau chiếc máy bay khi đang bay. Ngay cả trong quá trình phục vụ của chiếc Vigilante sau này, khi khoang này chỉ được dùng để chứa nhiên liệu, kiểu sắp xếp như vậy cũng có nhiều sự cố.

Phiên bản Vigilante thứ hai, chiếc A3J-2 (A-5B) bổ sung thêm các cánh nắp phụ trên mép trước cánh, bộ càng đáp nặng hơn, và một "gù lưng" dễ nhận thấy chứa các thùng nhiên liệu để bổ sung thêm 460 gallon nhiên liệu. Có thêm hai đế cánh được bổ sung thành tổng cộng bốn đế, cho dù trong thực tế chúng hiếm khi được sử dụng đến.

Phiên bản trinh sát của chiếc Vigilante, kiểu RA-5C, có diện tích cánh hơi lớn hơn và thêm một cụm dạng tàu ca nô dài bên dưới thân dành cho gói trinh sát đa cảm biến. Nó bổ sung thêm một radar SLAR APD-7, bộ quét hồng ngoại AAS-21, và các gói máy ảnh cũng như bộ phản công điện tử (ECM) được cải tiến. Nó cũng có thể mang một bộ tình báo điện tử AN/ALQ-61. Chiếc RA-5C vẫn giữ lại hệ thống ném bom AN/ASB-12, nên về mặt lý thuyết nó có thể mang vũ khí, cho dù nó chưa bao giờ sử dụng trong thực tế. Những chiếc RA-5C được chế tạo sau này được trang bị động cơ mạnh hơn J79-10 với lực đẩy có đốt sau là 17.900 lbf (80 kN). Phiên bản Vigilante trinh sát nặng hơn gần năm tấn so với phiên bản tấn công với cùng một lực đẩy và diện tích cánh chỉ hơi lớn hơn. Những thay đổi này đã làm giảm gia tốc và tốc độ lên cao, cho dù nó vẫn còn nhanh khi bay ngang.

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]
Hình ảnh một chiếc máy bay RA-5C Vigilante đang bay nhìn từ bên trên.

Được đặt tên là A3J-1, chiếc Vigilante được đưa vào hoạt động cùng Phi đội VAH-3 vào tháng 6 năm 1961, thay thế chiếc A-3 Skywarrior trong vai trò máy bay tấn công hạng nặng. Mọi phiên bản của chiếc Vigilante đều được chế tạo tại xưởng của North American Aviation tại sân bay Port Columbus ở Columbus, Ohio, cùng chung với những chiếc T-2 BuckeyeOV-10 Bronco. Theo Hệ thống Định danh máy bay Thống nhất các binh chủng Hoa Kỳ (1962) do Robert McNamara đưa ra vào tháng 9 năm 1962, chiếc Vigilante được đặt lại tên là A-5, với phiên bản ban đầu A3J-1 trở thành A-5A và phiên bản nâng cấp A3J-2 trở thành A-5B. Phiên bản trinh sát hình ảnh tiếp nối, nguyên là chiếc AJ3-3P, trở thành RA-5C.

Các hoạt động ban đầu của chiếc Vigilante gặp nhiều trục trặc, nhiều vấn đề nhỏ cho các hệ thống trang bị tiên tiến của nó. Nó lại được đưa ra sử dụng vào một thời điểm có sự thay đổi về chính sách chủ yếu của các lực lượng chiến lược trong Hải quân, vốn chuyển sang nhấn mạnh đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hơn là máy bay ném bom có người lái. Do đó, đến năm 1963 việc mua sắm chiếc A-5 bị chấm dứt và kiểu máy bay này được chuyển sang vai trò máy bay trinh sát tốc độ cao. Chiếc RA-5C đầu tiên được giao vào tháng 7 năm 1963, và các phi đội Vigilante được đổi tên thành RVAH.

Tám phi đội RA-5C Vigilante đã hoạt động rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ tháng 8 năm 1964 phục vụ cho Lực lượng Đặc nhiệm 77, thực hiện nhiều phi vụ trinh sát tầm trung nguy hiểm. Cho dù nó có tốc độ cao và nhanh nhẹn, 18 chiếc đã bị mất trong chiến đấu: 14 chiếc do hỏa lực súng phòng không, ba chiếc do tên lửa đất-đối-không, và một chiếc bị MiG-21 bắn rơi trong Chiến dịch Linebacker II. Thêm chín chiếc nữa bị mất trong các tai nạn trong chiến đấu. Có 36 chiếc máy bay được chế tạo bổ sung trong các năm 1968 - 1970 nhằm thay thế sự hao hụt.

Cho dù chiếc Vigilante phục vụ hữu ích, nó khá đắt tiền và phức tạp để hoạt động, và nó bị loại ra sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Việc giải thể các phi đội RVAH bắt đầu từ năm 1974, và chiếc Vigilante cuối cùng kết thúc hoạt động vào tháng 9 năm 1979.

Chiếc Vigilante đã không làm kết thúc vai trò của chiếc Skywarrior, vốn được tiếp tục sử dụng làm nền tảng tiếp dầu và chiến tranh điện tử. Những chiếc máy bay tiêm kích được trang bị các cụm trinh sát sẽ thay thế chiếc RA-5C. Tiếp nối cho đến ngày nay, trọng lượng của những chiếc máy bay tiêm kích ngày nay như chiếc F/A-18E/F Super Hornet đã tiến triển đến hạng 62.950 lb tương đương như chiếc Vigilante. Chiếc máy bay tiêm kích Super Hornet cũng được hoạch định để bao trùm các vai trò tấn công, trinh sát, tiếp dầu và chiến tranh điện tử như những chiếc máy bay ném bom cũ.

Cho dù chiếc Vigilante phục vụ trong vai trò máy bay tấn công và máy bay trinh sát, thiết kế và cấu hình của nó được tin là đã có một ảnh hưởng lớn trên một trong những chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn sau chiến tranh nổi tiếng nhất của thế giới: chiếc MiG-25 'Foxbat' của Xô Viết rõ ràng đã chịu ảnh hưởng lớn của thiết kế chiếc A-5.[2] Những máy bay phương Tây khác như chiếc F-15 Eagle cũng sử dụng kiểu cánh cao và cửa ống hút gió dạng nêm.

Kỷ lục

[sửa | sửa mã nguồn]
Chiếc RA-5C Vigilante, số hiệu 156608, thuộc Phi đội Trinh sát Tấn công 7 (RVAH-7) đang bay một trong những chuyến bay cuối cùng vào năm 1979.

Vào ngày 13 tháng 12 năm 1960, Trung tá Leroy Heath (phi công) và Đại úy Larry Monroe (hoa tiêu/ném bom) đã lập kỷ lục thế giới mới về độ cao là 27.874,2 m (91.450,8 ft) trên một chiếc A3J Vigilante mang tải trọng chiến đấu 1.000 kg, phá kỷ lục cũ đến hơn 4 dặm. Kỷ lục mới này đã tồn tại đến hơn 13 năm.

Các phiên bản

[sửa | sửa mã nguồn]
YA3J-1
Kiểu nguyên mẫu, có hai chiếc được chế tạo.
A3J-1 (A-5A)
Có 59 chiếc được chế tạo.
A3J-2 (A-5B)
Có sáu chiếc được chế tạo.
A3J-3P (RA-5C)
Phiên bản trinh sát hình ảnh. Có 91 chiếc được chế tạo mới và 43 chiếc A-5A được cải biến.

Các nước sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]
 Hoa Kỳ

Đặc điểm kỹ thuật (A-5A Vigilante)

[sửa | sửa mã nguồn]
Orthographically projected diagram of the A-5A Vigilante.
Orthographically projected diagram of the A-5A Vigilante.

Đặc tính chung

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc tính bay

[sửa | sửa mã nguồn]
  • 1 × bom nguyên tử B28 hay B43 trong khoang chứa vũ khí bên trong
  • 2 × bom B43, Mark 83 hay Mark 84 trên hai đế cánh

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ NAGPAW: North American General Purpose Attack Weapon; Vũ khí Tấn công Đa dụng của North American
  2. ^ Chiếc MiG-25 còn có thể trông giống hơn nữa nếu như chiếc Vigilante giữ lại kiểu cánh đuôi kép trên chiếc nguyên mẫu; mặc dù ban đầu North American thiết kế cánh đuôi kép như chiếc Foxbat sau này, phần thiết kế này bị Hải quân phủ quyết để chọn cánh đuôi đơn xếp được.
  • Donald, David and Lake, Jon, eds. Encyclopedia of World Military Aircraft. London: AIRtime Publishing, 1996. ISBN 1-880588-24-2.
  • Taylor, John W.R. "North American A-5 Vigilante." Combat Aircraft of the World from 1909 to the Present. New York: G.P. Putnam's Sons, 1969. ISBN 0-425-03633-2.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Máy bay liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Máy bay tương tự

[sửa | sửa mã nguồn]

Trình tự thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trình tự Hải quân (trước năm 1962): AJ - A2J - A3J
  • Trình tự thống nhất các binh chủng (sau năm 1962): A-2 - A-3 - A-4 - A-5 - A-6 - A-7 - AV-8

Danh sách liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]