Bước tới nội dung

Nhật Bản đầu hàng

35°21′17″B 139°45′36″Đ / 35,35472°B 139,76°Đ / 35.35472; 139.76000 (World War II Surrender of Japan)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bộ trưởng Ngoại giao Shigemitsu Mamoru ký vào Văn kiện đầu hàng của Nhật Bản trên tàu USS Missouri trong khi Tướng Richard K. Sutherland của Hoa Kỳ quan sát, 2 tháng 9 năm 1945.
Các đại biểu của Đế quốc Nhật Bản đứng trên tàu USS Missouri trước khi ký kết Văn kiện đầu hàng.
Sau khi Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng đầu hàng vào ngày 15/8/1945, đến ngày 2/9, dưới sự giám sát của Tướng Douglas MacArthur, Yoshijiro Umezu đã ký “Văn bản đầu hàng” trên chiến hạm USS Missouri neo đậu ở Vịnh Tokyo. tuyên bố sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện.

Thiên hoàng Hirohito tuyên bố Đế quốc Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 15 tháng 8, và đế quốc này chính thức ký văn kiện đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, kết thúc hành động chiến tranh. Đến cuối tháng 7 năm 1945, Hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN) đã không còn khả năng tiến hành các hoạt động lớn và Phe Đồng Minh sắp xâm chiếm chính quốc Nhật Bản. Trong Tuyên bố Potsdam vào ngày 26 tháng 7 năm 1945, Hoa Kỳ cùng với AnhTrung Quốc yêu cầu các lực lượng vũ trang Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện hoặc lựa chọn thay thế là bị hủy diệt tức thì và hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản công khai tuyên bố ý định chiến đấu đến cùng, tuy nhiên Viện Tham nghị Quân sự đã bí mật đưa ra những lời cầu khẩn đến Liên Xô (đang công khai trung lập) để họ làm trung gian dàn xếp hòa bình theo những điều kiện thuận lợi hơn cho phía Nhật Bản. Liên Xô duy trì mức độ can dự ngoại giao vừa đủ với người Nhật để tạo cho họ ấn tượng rằng Liên Xô có thể sẵn sàng làm trung gian, nhưng nước này ngấm ngầm chuẩn bị tấn công các lực lượng Nhật Bản tại Mãn ChâuTriều Tiên (cùng với Nam Sakhalinquần đảo Kuril) để thực hiện những hứa hẹn mà họ đã bí mật đưa ra với Hoa Kỳ và Anh trong các hội nghị tại TehranYalta.

Đến ngày 6 tháng 8 năm 1945 theo giờ địa phương, Hoa Kỳ cho nổ một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman sau đó một lần nữa yêu cầu Nhật Bản đầu hàng, cảnh báo họ về một cơn mưa hủy diệt từ trên không. Đến tối ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, điều này phù hợp với các hiệp định Yalta, nhưng vi phạm Hiệp ước trung lập Xô-Nhật. Sau nửa đêm vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tấn công nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc do Nhật Bản lập ra. Vài giờ sau, Hoa Kỳ thả một quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Sau các sự kiện này, Thiên hoàng Hirohito can thiệp và hạ lệnh cho Viện Tham nghị Quân sự chấp thuận các điều kiện của phe Đồng Minh được ghi trong Tuyên bố Potsdam về việc kết thúc chiến tranh. Sau nhiều ngày đàm phán trong hậu trường và một cuộc đảo chính thất bại, Thiên hoàng Hirohito cho phát sóng một bài phát biểu được ghi âm trước đến khắp Đế quốc vào ngày 15 tháng 8, tuyên bố Nhật Bản đầu hàng trước phe Đồng minh.

Đến ngày 28 tháng 8, thời kỳ Chiếm đóng Nhật Bản bắt đầu, dưới quyền Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh. Buổi lễ đầu hàng được tổ chức vào ngày 2 tháng 9, trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Hoa Kỳ, khi đó các quan chức của chính phủ Nhật Bản ký vào văn kiện Nhật Bản đầu hàng, do đó chấm dứt chiến sự. Thường dân và quân nhân ăn mừng ngày kết thúc chiến tranh; tuy nhiên một số binh sĩ và nhân viên bị cô lập trong các lực lượng xa xôi của Nhật Bản trên khắp châu Á và Thái Bình Dương từ chối đầu hàng trong nhiều tháng và nhiều năm sau đó. Vai trò của các vụ đánh bom nguyên tử trong việc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, và tính đạo đức của hai cuộc tấn công vẫn còn có tranh luận. Tình trạng chiến tranh chính thức kết thúc khi Hiệp ước San Francisco có hiệu lực vào ngày 28 tháng 4 năm 1952. Nhật Bản và Liên Xô ký Tuyên bố chung Xô-Nhật năm 1956, chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa họ.

Bối cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Các cuộc đổ bộ của quân Đồng minh tại Mặt trận Thái Bình Dương, tháng 8 năm 1942 đến tháng 8 năm 1945

Cho đến năm 1945, Nhật Bản đã phải chịu một chuỗi thất bại trong gần hai năm tại Tây Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ, quần đảo MarianaPhilippines. Trong tháng 7 năm 1944, sau khi thất thủ Saipan, Tướng Kuniaki Koiso thay thế Tướng Hideki Tōjō làm thủ tướng, và ông tuyên bố rằng Philippines sẽ là nơi diễn ra trận chiến quyết định.[1] Sau khi Nhật Bản để mất Philippines, Koiso bị Đô đốc Kantarō Suzuki thay thế. Phe Đồng minh chiếm lĩnh các đảo lân cận Iwo JimaOkinawa vào nửa đầu năm 1945. Okinawa từng là một khu vực tập hợp cho Chiến dịch Downfall, tức chiến dịch phe Đồng minh xâm chiếm quần đảo chính quốc Nhật Bản.[2] Sau khi Đức chiến bại, Liên Xô bắt đầu lặng lẽ tái triển khai lực lượng thiện chiến của mình từ mặt trận châu Âu sang Viễn Đông, bổ sung cho khoảng 40 sư đoàn đã đồn trú trong khu vực kể từ năm 1941, đối trọng với Đạo quân Quan Đông hùng mạnh có cả triệu người của Nhật Bản.[3]

Chiến dịch tàu ngầm của phe Đồng minh và hành động rải thủy lôi trên vùng biển ven bờ Nhật Bản đã tiêu diệt phần lớn đội tàu buôn Nhật Bản. Nhật Bản có ít tài nguyên tự nhiên và phải phụ thuộc vào nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ, nhập khẩu từ Mãn Châu hay các nơi khác tại Đông Á lục địa, cũng như từ lãnh thổ Đông Ấn Hà Lan mới chinh phục được.[4] Nền kinh tế chiến tranh của Nhật Bản bị phá hủy khi đội tàu buôn của họ bị tiêu diệt còn ngành công nghiệp thì bị ném bom một cách chiến lược. Sản lượng than đá, sắt, thép, cao su và các vật tư quan trọng khác chỉ bằng một phần nhỏ so với trước chiến tranh.[5][6]

Tàu chiến-tuần dương Haruna bị chìm tại nơi neo đậu trong căn cứ hải quân tại Kure vào ngày 24 tháng 7 nằm trong một chuỗi vụ đánh bom.

Do chịu nhiều tổn thất, Hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN) không còn là một lực lượng chiến đấu hiệu quả. Sau một loạt cuộc tấn công vào xưởng tàu tại Kure, các tàu chiến lớn duy nhất còn lại một phần khả năng chiến đấu là sáu tàu sân bay, bốn tàu tuần dương và một tàu thiết giáp, trong đó nhiều chiếc bị hư hỏng nặng và không chiếc nào có thể tiếp nhiên liệu đầy đủ được. Mặc dù 19 tàu khu trục và 38 tàu ngầm vẫn hoạt động nhưng việc sử dụng chúng cũng bị hạn chế do thiếu nhiên liệu.[7][8]

Chuẩn bị phòng thủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối mặt trước viễn cảnh quần đảo chính quốc Nhật Bản bị xâm chiếm bắt đầu từ đảo Kyūshū, và viễn cảnh Liên Xô xâm chiếm Mãn Châu—nguồn tài nguyên tự nhiên cuối cùng của Nhật Bản—Tạp chí Chiến tranh của Đại bản doanh Đế quốc kết luận vào năm 1944:

Chúng ta không còn có thể điều khiển cuộc chiến với bất kỳ hy vọng thành công nào nữa. Con đường duy nhất còn lại là 100 triệu dân Nhật Bản hy sinh mạng sống bằng cách tấn công kẻ địch để khiến chúng mất ý chí chiến đấu.[9]

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Đồng minh, Đại bản doanh Đế quốc Nhật Bản đã lên kế hoạch phòng thủ toàn diện Kyūshū với mật danh Chiến dịch Ketsugō.[10] Đây là một sự khác biệt căn bản so với kế hoạch phòng thủ theo chiều sâu được sử dụng khi phòng thủ Đồng minh xâm chiếm Peleliu, Iwo JimaOkinawa. Thay vào đó, mọi thứ đều được đặt cược vào đầu cầu đổ bộ; hơn 3.000 máy bay cảm tử kamikaze sẽ được cử đi tấn công các tàu vận tải đổ bộ trước khi quân đội và hàng hóa của chúng được đổ lên bãi biển.[8]

Nếu điều này không đẩy lui được quân Đồng minh, họ dự định gửi thêm 3.500 kamikaze cùng với 5.000 xuồng máy cảm tử Shin'yō cùng các tàu khu trục và tàu ngầm còn lại đến bãi biển. Nếu Đồng minh vượt qua được chúng và đổ bộ thành công lên Kyūshū, thì 3.000 máy bay sẽ được giữ lại để phòng thủ các đảo còn lại, mặc dù Kyūshū vẫn sẽ bất chấp được "bảo vệ đến cùng".[8] Chiến lược lập chốt chặn cuối cùng tại Kyūshū dựa trên giả định Liên Xô tiếp tục trung lập.[11]

Viện Tham nghị Quân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc hoạch định chính sách của Nhật Bản tập trung vào Viện Tham nghị Quân sự (do Thủ tướng Kuniaki Koiso thành lập vào năm 1944), gồm sáu quan chức cấp cao là thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng lục quân, bộ trưởng hải quân, tổng tham mưu trưởng lục quân, tổng tham mưu trưởng hải quân.[12] Khi chính phủ Suzuki được thành lập vào tháng 4 năm 1945, thành viên của hội đồng bao gồm:

Nội các Suzuki vào tháng 6 năm 1945

Tất cả các chức vụ này đều do Thiên hoàng bổ nhiệm trên danh nghĩa, và những người nắm giữ chức vụ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước ông. Trên thực tế, Lục quân và Hải quân Nhật Bản có quyền hợp pháp về đề cử (hoặc từ chối đề cử) các bộ trưởng tương ứng của họ, cùng với quyền ra lệnh cho các bộ trưởng của họ từ chức.

Quy ước hiến pháp quy định nghiêm ngặt (về mặt kỹ thuật vẫn còn áp dụng đến nay) rằng một thủ tướng tiềm năng sẽ không thể đảm nhận chức vụ này, và thủ tướng đương nhiệm cũng không thể tại vị, nếu ông không thể bổ nhiệm đủ tất cả các chức vụ trong nội các. Do đó, Lục quân và Hải quân có thể ngăn chặn việc thành lập các chính phủ mà họ không mong muốn, hoặc dùng cách từ chức để khiến chính phủ hiện tại sụp đổ.[13][14]

Theo ý nguyện của Thiên hoàng Hirohito, ông và Nội đại thần Kōichi Kido cũng có mặt trong một số cuộc họp.[15] Theo tường thuật của Iris Chang, "... người Nhật đã cố tình tiêu hủy, giấu kín hoặc làm giả hầu hết các tài liệu bí mật thời chiến của họ trước khi Tướng MacArthur đến."[16][17]

Ban lãnh đạo Nhật Bản chia phe

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần lớn nội các do quân đội thống trị của Suzuki ủng hộ việc tiếp tục chiến tranh. Đối với người Nhật, đầu hàng là điều không thể tưởng tượng được – Nhật Bản chưa bao giờ bị xâm chiếm thành công hay bị thua cuộc chiến nào trong lịch sử của mình.[18] Chỉ có Bộ trưởng Hải quân Mitsumasa Yonai được cho là mong muốn chiến tranh kết thúc sớm.[19] Theo lời sử gia Richard B. Frank:

Mặc dù Suzuki thực sự có thể nhìn nhận hòa bình là một mục tiêu xa, nhưng ông không có ý định đạt được nó trong bất kỳ khoảng thời gian trước mắt nào hoặc theo những điều kiện Đồng minh chấp nhận được. Những bình luận của ông trong hội nghị các chính khách cấp cao không hề cho thấy rằng ông ủng hộ việc sớm đình chiến... Những vị trí quan trọng nhất trong nội các do Suzuki lựa chọn cũng không phải là người ủng hộ hòa bình, trừ một ngoại lệ.[20]

Sau chiến tranh, Suzuki và những người khác trong chính phủ của ông cùng những người biện hộ cho họ tuyên bố rằng họ lúc này đang bí mật nỗ lực hướng tới hòa bình, và không thể công khai ủng hộ điều đó. Họ trích dẫn khái niệm haragei—"nghệ thuật của kỹ thuật ẩn giấu và vô hình" của người Nhật —để biện minh cho sự bất đồng giữa các hành động công khai của họ và thứ được cho là công việc trong hậu trường. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học bác bỏ điều này. Robert J. C. Butow đã viết:

Bởi vì sự rất mơ hồ của nó, lời biện hộ về haragei khơi dậy sự nghi ngờ rằng trong các vấn đề chính trị và ngoại giao, việc tin cậy một cách có ý thức vào 'nghệ thuật lừa bịp' này có thể đã cấu thành một sự lừa dối có chủ đích dựa trên mong muốn làm cho hai phe đối nghịch kình chống nhau để có lợi cho mình. Mặc dù nhận định này không phù hợp với tính cách được ca ngợi nhiều của Đô đốc Suzuki, nhưng sự thật vẫn là từ thời điểm ông trở thành Thủ tướng cho đến ngày ông từ chức, không ai có thể chắc chắn về những gì Suzuki sẽ làm hoặc nói tiếp theo.[21]

Với tư cách là thủ tướng, Đô đốc Kantarō Suzuki đứng đầu chính phủ Nhật Bản trong những tháng cuối cùng của chiến tranh.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản luôn hình dung một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến. Kế hoạch trước chiến tranh của họ là mong đợi đạt được bành trướng và củng cố nhanh chóng, một cuộc xung đột chung cuộc với Hoa Kỳ, và cuối cùng là đạt được dàn xếp với kết quả là họ ít nhất cũng có thể giữ lại một số lãnh thổ mà họ mới chinh phục được.[22] Đến năm 1945, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhất trí rằng chiến tranh đang tiến triển tồi tệ, nhưng họ bất đồng về phương thức tốt nhất để đàm phán kết thúc chiến tranh. Họ có hai phe: Phe được gọi là "hòa bình" ủng hộ một sáng kiến ngoại giao là thuyết phục nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin làm trung gian cho một giải pháp giữa Đồng minh và Nhật Bản; và những người theo đường lối cứng rắn ủng hộ việc đánh một trận chiến "quyết định" cuối cùng, điều này sẽ gây ra nhiều thương vong cho quân Đồng minh đến mức họ phải sẵn sàng đưa ra những điều khoản khoan dung hơn.[1] Cả hai cách tiếp cận đều dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật vào 40 năm trước đó, bao gồm một loạt trận đánh hao tổn nhưng phần lớn là không dứt khoát, tiếp theo là trận hải chiến Tsushima có tính quyết định.[23]

Vào tháng 2 năm 1945, Công tước Fumimaro Konoe trình lên Thiên hoàng Hirohito một bản ghi nhớ phân tích tình hình và nói với ông rằng nếu chiến tranh tiếp tục, mối nguy lớn hơn đối với hoàng gia có thể là từ một cuộc cách mạng nội bộ thay vì từ việc chiến bại.[24] Theo nhật ký của Thị tòng trưởng Hisanori Fujita, Thiên hoàng mong đợi một trận chiến quyết định (tennōzan), trả lời rằng còn sớm để tìm kiếm hòa bình "trừ khi chúng ta đạt được thêm một lợi ích quân sự nữa".[25] Cũng trong tháng 2, ban hiệp ước của Nhật Bản đã viết về các chính sách của Đồng minh đối với Nhật Bản về "đầu hàng vô điều kiện, chiếm đóng, giải trừ vũ khí, xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, cải cách dân chủ, trừng phạt tội phạm chiến tranh và địa vị của thiên hoàng."[26] Việc Đồng minh áp đặt giải trừ vũ khí, Đồng minh trừng phạt tội phạm chiến tranh Nhật Bản, và đặc biệt là việc chiếm đóng và phế truất Thiên hoàng, là những điều không chấp nhận được đối với giới lãnh đạo Nhật Bản.[27][28]

Vào ngày 5 tháng 4, Liên Xô đưa ra thông báo trước 12 tháng theo đúng thời hạn quy định rằng họ sẽ không gia hạn Hiệp ước trung lập Xô-Nhật có thời hạn 5 năm.[29] (được ký vào năm 1941 sau sự kiện Nomonhan).[30] Nhật Bản không biết rằng trong Hội nghị Tehran vào tháng 11–12 năm 1943, Đồng minh đạt được đồng thuận rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản sau khi Đức bị đánh bại. Trong Hội nghị Yalta vào tháng 2 năm 1945, Hoa Kỳ đã có những nhượng bộ đáng kể đối với Liên Xô để đảm bảo lời hứa rằng nước này sẽ tuyên chiến với Nhật Bản trong vòng ba tháng kể từ khi Đức đầu hàng. Mặc dù Hiệp ước Trung lập kéo dài 5 năm sẽ chỉ hết hiệu lực sau ngày 5 tháng 4 năm 1946, nhưng thông báo này khiến Nhật Bản hết sức lo ngại, vì Nhật Bản tập trung lực lượng ở miền Nam để đẩy lùi cuộc tấn công không thể tránh khỏi của Hoa Kỳ, do đó khiến các hòn đảo phía Bắc của nước này dễ bị Liên Xô xâm chiếm.[31][32] Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov tại Moskva, và đại sứ Liên Xô Ykov Malik tại Tokyo nỗ lực hết sức để đảm bảo với người Nhật rằng "thời hạn hiệu lực của Hiệp ước vẫn chưa kết thúc".[33]

Trong một loạt cuộc họp cấp cao vào tháng 5, Viện Tham nghị Quân sự lần đầu tiên thảo luận nghiêm túc về việc kết thúc chiến tranh, nhưng không có cuộc họp nào trong số đó dựa trên những điều khoản mà Đồng minh chấp nhận được. Bởi vì có nguy cơ là các sĩ quan quân đội nhiệt huyết sẽ ám sát bất kỳ ai công khai ủng hộ Nhật Bản đầu hàng, nên các cuộc họp chỉ cho sáu người trong Viện, Hoàng đế và Thị tòng trưởng tham gia. Không có sĩ quan cấp hai hoặc cấp ba nào có thể tham dự.[34] Trong các cuộc họp này, bất chấp các công văn từ đại sứ Nhật Bản Satō tại Moskva, chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Tōgō nhận ra rằng Roosevelt và Churchill có thể đã nhượng bộ Stalin để đưa Liên Xô vào cuộc chiến chống Nhật Bản.[35] Tōgō đã thẳng thắn về việc kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng.[36]:628 Một trong các kết quả của những cuộc họp này là ông được ủy quyền tiếp cận Liên Xô, tìm cách duy trì tính trung lập của nước này hoặc (mặc dù khả năng rất thấp) để thành lập một liên minh.[37]

Bộ trưởng Ngoại giao Shigenori Tōgō

Phù hợp với thông lệ khi một chính phủ mới tuyên bố mục tiêu của mình, sau các cuộc họp tháng 5, quân đội ban hành một văn kiện "Chính sách cơ bản cần tuân thủ từ nay về việc tiến hành chiến tranh", trong đó tuyên bố rằng nhân dân Nhật Bản sẽ chiến đấu đến cùng thay vì đầu hàng. Chính sách này được Viện Tham nghị Quân sự thông qua vào ngày 6 tháng 6. (Tōgō phản đối, trong khi năm người còn lại ủng hộ nó.)[38] Các tài liệu do Suzuki đệ trình trong cùng cuộc họp cho thấy rằng, trong các đám phán ngoại giao với Liên Xô, Nhật Bản áp dụng cách tiếp cận sau:

Cần phải làm rõ với Nga rằng họ chiến thắng trước Đức là nhờ Nhật Bản, vì chúng ta vẫn duy trì trung lập, và sẽ có lợi cho Liên Xô nếu họ giúp Nhật Bản duy trì vị thế quốc tế, vì họ có một kẻ thù trong tương lai là Hoa Kỳ.[39]

Vào ngày 9 tháng 6, vị hầu tước thân tín của Thiên hoàng là Kōichi Kido viết "Dự thảo Kế hoạch kiểm soát tình hình khủng hoảng", cảnh báo rằng đến cuối năm khả năng tiến hành chiến tranh hiện đại của Nhật Bản sẽ tiêu tan và chính phủ sẽ không thể kiềm chế tình trạng bất ổn dân sự. "... Chúng ta không thể chắc chắn rằng mình sẽ không chịu chung số phận với nước Đức, và rơi vào hoàn cảnh bất lợi đến mức chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu tối cao là bảo vệ Hoàng gia và giữ gìn chính thể quốc gia."[40] Kido đề xuất Thiên hoàng hành động bằng cách đề nghị chấm dứt chiến tranh với "những điều kiện rất hào phóng". Kido đề xuất Nhật Bản rút khỏi các thuộc địa cũ của châu Âu mà họ đã chiếm đóng với điều kiện các nơi này được trao độc lập, và cũng đề xuất Nhật Bản công nhận nền độc lập của Philippines, là nơi Nhật Bản gần như đã mất quyền kiểm soát và người ta cũng biết rõ rằng Hoa Kỳ đã có kế hoạch trao trả độc lập từ lâu. Cuối cùng, Kido đề xuất rằng Nhật Bản giải giáp vũ khí với điều kiện điều này không xảy ra dưới sự giám sát của Đồng minh, và Nhật Bản trong một thời gian sẽ "bằng lòng với khả năng phòng thủ tối thiểu". Đề xuất của Kido không dự tính đến việc Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản, truy tố tội phạm chiến tranh hay thay đổi đáng kể trong hệ thống chính quyền Nhật Bản, Kido cũng không đề xuất rằng Nhật Bản có thể sẵn sàng xem xét việc từ bỏ các lãnh thổ giành được trước năm 1937, bao gồm Đài Loan, Karafuto, Triều Tiên, các đảo cũ của Đức tại Thái Bình Dương và thậm chí cả Mãn Châu Quốc. Được Thiên hoàng cho phép, Kido tiếp cận một số thành viên của Viện Tham nghị Quân sự. Tōgō rất ủng hộ. Suzuki và Bộ trưởng Hải quân Mitsumasa Yonai đều ủng hộ một cách thận trọng; họ đều băn khoăn người khác nghĩ gì. Bộ trưởng Lục quân Korechika Anami tỏ ra mâu thuẫn, khăng khăng rằng ngoại giao phải đợi cho đến "sau khi Hoa Kỳ chịu tổn thất nặng nề" trong Chiến dịch Ketsugō.[41]

Vào tháng 6, Thiên hoàng mất niềm tin vào cơ hội đạt được chiến thắng quân sự. Nhật Bản thất bại trong Trận Okinawa, và ông biết được điểm yếu của quân đội Nhật Bản tại Trung Quốc, của Đạo quân Quan Đông tại Mãn Châu, và của hải quân và lục quân bảo vệ quần đảo chính quốc Nhật Bản. Thiên hoàng nhận được một báo cáo của Thân vương Naruhiko, từ đó ông kết luận rằng "không chỉ là phòng thủ bờ biển; các sư đoàn được dành để tham gia trận chiến quyết định cũng không có đủ số lượng vũ khí."[42] Theo lời Thiên hoàng:

Tôi được kể lại rằng sắt từ mảnh bom địch thả xuống được dùng làm xẻng. Điều này khẳng định quan điểm của tôi rằng chúng ta không còn ở thế có thể tiếp tục chiến tranh nữa.[42]

Vào ngày 22 tháng 6, Thiên hoàng triệu tập sáu người của Viện Tham nghị Quân sự đến họp. Trong một động thái bất thường, ông nói trước: "Tôi mong muốn rằng các kế hoạch cụ thể để chấm dứt chiến tranh, không bị cản trở bởi chính sách hiện tại, sẽ được nhanh chóng nghiên cứu, và cần thực hiện các nỗ lực để triển khai chúng."[43] Cuộc họp đồng ý khẩn nài Liên Xô giúp đỡ kết thúc chiến tranh. Các quốc gia trung lập khác, chẳng hạn như Thụy Sĩ, Thụy ĐiểnThành Vatican được biết là sẵn sàng đóng vai trò kiến tạo hòa bình, nhưng họ quá nhỏ nên người ta cho rằng họ không thể làm được điều gì nhiều, nhiều nhất chỉ là chuyển giao các điều khoản đầu hàng của Đồng minh và sự chấp nhận hoặc từ chối của Nhật Bản. Người Nhật hy vọng có thể thuyết phục được Liên Xô làm đại diện cho Nhật Bản trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và Anh.[44]

Dự án Manhattan

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau nhiều năm nghiên cứu sơ bộ, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt cho phép khởi động một dự án lớn, tuyệt mật để chế tạo bom nguyên tử vào năm 1942. Dự án Manhattan nằm dưới quyền chỉ đạo của Thiếu tướng Leslie R. Groves Jr.[45] đã tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân Mỹ tại hàng chục cơ sở bí mật trên khắp đất nước, và đến ngày 16 tháng 7 năm 1945, vũ khí nguyên mẫu đầu tiên đã được kích nổ trong vụ thử nghiệm hạt nhân Trinity.[46]

Khi dự án gần kết thúc, các nhà lập kế hoạch Mỹ bắt đầu cân nhắc việc sử dụng bom. Do chiến lược tổng thể của Đồng minh là đảm bảo chiến thắng cuối cùng trước tiên tại châu Âu, ban đầu người ta cho rằng vũ khí nguyên tử đầu tiên sẽ được phân bổ để sử dụng chống lại Đức. Tuy nhiên, đến lúc này tình thế ngày càng rõ ràng rằng Đức sẽ bị đánh bại trước khi có sẵn quả bom để sử dụng. Groves thành lập một ủy ban họp vào tháng 4 và tháng 5 năm 1945 để lập danh sách các mục tiêu. Một trong những tiêu chí hàng đầu là các thành phố mục tiêu chưa chịu hư hại do ném bom thông thường. Điều này sẽ cho phép đánh giá chính xác thiệt hại do bom nguyên tử gây ra.[47] Danh sách của ủy ban bao gồm 18 thành phố của Nhật Bản. Đứng đầu danh sách là Kyoto, Hiroshima, Yokohama, KokuraNiigata.[48][49] Cuối cùng, Kyoto bị xóa khỏi danh sách theo yêu cầu của Bộ trưởng Chiến tranh Henry L. Stimson, ông từng đến thăm thành phố trong tuần trăng mật và biết tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử của nơi này.[50]

Mặc dù cựu Phó Tổng thống Henry A. Wallace tham gia vào Dự án Manhattan ngay từ đầu,[51] người kế nhiệm ông là Harry S. Truman không được Stimson thông báo tóm tắt về dự án cho đến ngày 23 tháng 4 năm 1945, tức 11 ngày sau khi ông trở thành tổng thống do cái chết của Roosevelt.[52] Vào ngày 2 tháng 5 năm 1945, Truman phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Lâm thời, một nhóm cố vấn sẽ báo cáo về bom nguyên tử.[49][52] Uỷ ban bao gồm Stimson, James F. Byrnes, George L. Harrison, Vannevar Bush, James Bryant Conant, Karl Taylor Compton, William L. ClaytonRalph Austin Bard, được tư vấn bởi Hội đồng khoa học bao gồm Robert Oppenheimer, Enrico Fermi, Ernest LawrenceArthur Compton.[53] Trong một báo cáo ngày 1 tháng 6, Ủy ban kết luận rằng quả bom nên được sử dụng càng sớm càng tốt để chống lại một nhà máy phục vụ chiến tranh có nhà của công nhân nằm bao quanh, và không nên thực hiện cảnh báo hay thao diễn nào.[54]

Nhiệm vụ của ủy ban không bao gồm việc sử dụng quả bom—việc sử dụng nó sau khi hoàn thành là quá tự tin.[55] Sau sự phản đối của các nhà khoa học tham gia dự án, dưới hình thức Báo cáo Franck, Ủy ban đã kiểm tra lại việc sử dụng quả bom, đặt câu hỏi cho Hội đồng khoa học về việc liệu có nên tiến hành "thao diễn" quả bom trước khi triển khai thực tế trên chiến trường. Trong cuộc họp ngày 21 tháng 6, Hội đồng khoa học khẳng định không có giải pháp thay thế nào.[56]

Truman đóng vai trò rất nhỏ trong các cuộc thảo luận này. Tại Potsdam, ông bị mê hoặc bởi báo cáo về vụ thử nghiệm Trinity thành công, và những người xung quanh nhận thấy sự thay đổi tích cực trong thái độ của ông, tin rằng quả bom đã mang lại cho ông đòn bẩy với cả Nhật Bản và Liên Xô.[57] Ngoài việc ủng hộ Stimson loại bỏ Kyoto khỏi danh sách mục tiêu (trong khi quân đội tiếp tục thúc đẩy để nơi này làm mục tiêu), ông không tham gia vào bất kỳ việc ra quyết định nào liên quan đến quả bom, trái ngược với những câu chuyện được kể lại sau này (bao gồm cả phần thêm vào của chính Truman).[58]

Đề xuất xâm chiếm

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 18 tháng 6 năm 1945, Truman gặp Tổng Tham mưu trưởng Lục quân George Marshall, Tướng Không quân Henry Arnold, Tham mưu trưởng Đô đốc William Leahy và Đô đốc Ernest King, Bộ trưởng Hải quân James Forrestal, Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson và Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh John McCloy để thảo luận về Chiến dịch Olympic, một phần trong kế hoạch xâm chiếm quần đảo chính quốc Nhật Bản. Tướng Marshall ủng hộ để Hồng quân tham chiến, tin rằng làm như vậy sẽ khiến Nhật Bản đầu hàng. McCloy nói với Stimson rằng sẽ không còn thành phố nào của Nhật Bản bị ném bom nữa và muốn khám phá các phương án khác để khiến nước này đầu hàng. Ông đề xuất một giải pháp chính trị và yêu cầu về việc cảnh báo bom nguyên tử với người Nhật. James Byrnes, người sẽ trở thành Ngoại trưởng mới vào ngày 3 tháng 7, muốn sử dụng nó càng nhanh càng tốt mà không cảnh báo và không cho Liên Xô biết trước.[36]:630–631

Nỗ lực đàm phán với Liên Xô

[sửa | sửa mã nguồn]
Đại sứ Nhật Bản tại Liên Xô Naotake Satō

Vào ngày 30 tháng 6, Tōgō nói với đại sứ Nhật Bản tại Moskva là Naotake Satō rằng hãy cố gắng thiết lập "mối quan hệ hữu nghị vững chắc và lâu dài." Satō sẽ thảo luận về tình trạng của Mãn Châu và "bất kỳ vấn đề nào mà người Nga muốn đưa ra."[59] Nhận thức rõ về tình hình chung và ý thức được những lời hứa của mình với Đồng minh, Liên Xô đáp lại bằng chiến thuật trì hoãn nhằm động viên người Nhật mà không hứa hẹn điều gì. Satō cuối cùng gặp Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov vào ngày 11 tháng 7, nhưng không có kết quả. Vào ngày 12 tháng 7, Tōgō chỉ đạo Satō nói với Liên Xô rằng:

Thiên hoàng Bệ hạ lo lắng đến thực tế rằng cuộc chiến hiện nay đang ngày càng mang đến nhiều tội ác và hy sinh hơn cho nhân dân của tất cả các cường quốc tham chiến, nên trong thâm tâm mình Ngài mong muốn rằng cuộc chiến này có thể nhanh chóng kết thúc. Nhưng chừng nào Anh và Hoa Kỳ còn khăng khăng về đầu hàng vô điều kiện, thì Đế quốc Nhật Bản không còn cách nào khác ngoài việc phải chiến đấu hết sức mình vì danh dự và sự tồn tại của Tổ quốc.[60]

Thiên hoàng đề xuất cử Thân vương Konoe làm đặc phái viên, mặc dù ông sẽ không thể đến Moskva trước Hội nghị Potsdam.

Satō khuyến nghị Tōgō rằng trên thực tế, "đầu hàng vô điều kiện hoặc thuật ngữ tương đương chặt chẽ với nó" là tất cả những gì Nhật Bản có thể mong đợi. Hơn nữa, trước yêu cầu của Molotov về những đề xuất cụ thể, Satō cho rằng thông điệp của Tōgō không "rõ ràng về quan điểm của Chính phủ và Quân đội liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh", do đó nghi ngờ liệu sáng kiến của Tōgō có được các thành phần chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của Nhật Bản ủng hộ hay không.[61]

Vào ngày 17 tháng 7, Tōgō trả lời:

Mặc dù các cơ quan chỉ đạo và cả chính phủ đều tin rằng sức mạnh chiến tranh của chúng ta vẫn có thể giáng những đòn đáng kể vào kẻ thù, nhưng chúng ta không thể bảo đảm an tâm tuyệt đối ... Tuy nhiên, xin đặc biệt lưu tâm rằng chúng ta không tìm kiếm ở người Nga sự dàn xếp cho bất cứ điều gì giống như là đầu hàng vô điều kiện.[62]

Đáp lại, Satō làm rõ:

Quá rõ ràng rằng trong thông điệp trước đó tôi kêu gọi đầu hàng vô điều kiện hoặc các thuật ngữ tương đương gần gũi, tôi đã đưa ra một ngoại lệ đối với vấn đề bảo tồn [hoàng gia].[63]

Vào ngày 21 tháng 7, phát biểu nhân danh nội các, Tōgō lặp lại:

Về việc đầu hàng vô điều kiện, chúng ta không thể đồng ý trong bất kỳ hoàn cảnh nào. ... Để tránh tình trạng như vậy, chúng ta đang tìm kiếm hòa bình, ... thông qua sự giúp đỡ của Nga. ... từ quan điểm cân nhắc đến bên ngoài và bên trong, cũng sẽ bất lợi và không khả thi nếu đưa ra tuyên bố ngay lập tức về các điều khoản cụ thể.[64]

Các nhà mật mã học người Mỹ đã phá vỡ hầu hết các mật mã của Nhật Bản, bao gồm cả Mật mã Tím được Bộ Ngoại giao Nhật Bản sử dụng để mã hóa thư từ ngoại giao cấp cao. Kết quả là, tin nhắn giữa Tokyo và các đại sứ quán Nhật Bản được cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Đồng minh gần như nhanh đến mức cùng thời điểm với những người dự kiến sẽ nhận được.[65] Lo ngại thương vong nặng nề, Đồng minh mong muốn Liên Xô tham gia Chiến tranh Thái Bình Dương vào thời điểm sớm nhất có thể. Roosevelt đạt được lời hứa của Stalin tại Cairo, lời hứa này được tái khẳng định tại Yalta. Kết quả này là một nỗi lo sợ lớn tại Nhật Bản.[36]:629

Ý định của Liên Xô

[sửa | sửa mã nguồn]

Mối lo ngại về an ninh chi phối các quyết định của Liên Xô khi liên quan đến Viễn Đông.[66] Đứng đầu trong số này là quyền tiếp cận không hạn chế vào Thái Bình Dương. Các khu vực không có băng quanh năm trên bờ biển Thái Bình Dương của Liên Xô—đặc biệt là Vladivostok—có thể bị phong tỏa bằng đường hàng không và đường biển từ đảo Sakhalinquần đảo Kuril. Việc giành được những vùng lãnh thổ này là mục tiêu chính của họ, nhờ đó đảm bảo quyền tự do tiếp cận eo biển Soya.[67] Mục tiêu thứ yếu là được thuê Đường sắt Đông Thanh, Đường sắt Nam Mãn Châu, các cảng Đại LiênLữ Thuận.[68]

Để đạt được mục tiêu này, Stalin và Molotov tiến hành các cuộc đàm phán với người Nhật, mang lại cho họ niềm hy vọng hão huyền về một giải pháp hòa bình do Liên Xô làm trung gian.[69] Đồng thời, trong quan hệ với Hoa Kỳ và Anh, Liên Xô nhất quyết tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố Cairo, được tái khẳng định tại Hội nghị Yalta, rằng Đồng minh sẽ không chấp nhận hòa bình riêng biệt hoặc có điều kiện với Nhật Bản. Người Nhật sẽ phải đầu hàng vô điều kiện trước toàn thể Đồng minh. Để kéo dài chiến tranh, Liên Xô phản đối mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu yêu cầu này.[69] Điều này sẽ giúp Liên Xô có thời gian hoàn thành việc chuyển quân từ Mặt trận phía Tây sang Viễn Đông và chinh phục Mãn Châu, Nội Mông, miền bắc Triều Tiên, Nam Sakhalin, Kuril, và có thể cả Hokkaidō[70] (bắt đầu bằng việc đổ bộ tại Rumoi).[71]

Các sự kiện tại Potsdam

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà lãnh đạo của các cường quốc Đồng minh gặp nhau trong Hội nghị Potsdam từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945. Những bên tham gia là Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ, người đại diện lần lượt là Stalin, Winston Churchill (sau này là Clement Attlee) và Truman.

Đàm phán

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù Hội nghị Potsdam chủ yếu quan tâm đến các vấn đề châu Âu nhưng cuộc chiến chống Nhật Bản cũng được thảo luận chi tiết. Truman biết về cuộc thử nghiệm Trinity thành công ngay từ đầu hội nghị và chia sẻ thông tin này với phái đoàn Anh. Cuộc thử nghiệm thành công khiến phái đoàn Mỹ phải xem xét lại tính cần thiết và khôn ngoan của việc để Liên Xô tham chiến, là điều Hoa Kỳ từng vận động mạnh mẽ tại TehranHội nghị Yalta.[72] Ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ là rút ngắn chiến tranh và giảm thương vong cho người Mỹ—sự can thiệp của Liên Xô dường như có thể làm được cả hai điều đó, nhưng với cái giá phải trả là có thể phải cho phép Liên Xô chiếm lĩnh lãnh thổ ngoài phạm vi đã hứa cho họ tại Tehran và Yalta, và khiến Nhật Bản bị phân chia sau chiến tranh tương tự như điều đã xảy ra ở Đức.[73]

Khi đối phó với Stalin, Truman quyết định cung cấp cho nhà lãnh đạo Liên Xô những gợi ý mơ hồ về sự tồn tại của một loại vũ khí mới mạnh mẽ mà không đi sâu vào chi tiết. Tuy nhiên, các đồng minh khác không biết rằng tình báo Liên Xô đã thâm nhập vào Dự án Manhattan ngay từ giai đoạn đầu, vì vậy Stalin đã biết về sự tồn tại của bom nguyên tử nhưng không tỏ ra ấn tượng trước tiềm năng của nó.[74]

Tuyên bố Potsdam

[sửa | sửa mã nguồn]

Đồng minh quyết định đưa ra một tuyên bố, gọi là Tuyên bố Potsdam, định nghĩa "Đầu hàng vô điều kiện" và làm rõ ý nghĩa của nó đối với địa vị của Thiên hoàng và cá nhân Hirohito. Chính phủ Hoa Kỳ và Anh bất đồng mạnh mẽ về điểm này - Hoa Kỳ muốn bãi bỏ chế độ quân chủ, nếu không thì buộc Thiên hoàng rời khỏi ngôi vị và có thể xét xử ông trong vai trò tội phạm chiến tranh, trong khi người Anh muốn giữ địa vị của hoàng gia, có lẽ là để Hirohito vẫn trị vì. Hơn nữa, mặc dù ban đầu họ không phải là một bên tham gia tuyên bố, nhưng chính phủ Liên Xô cũng phải được tham vấn vì họ được dự kiến sẽ xác nhận tuyên bố này khi tham chiến. Việc đảm bảo Thiên hoàng được giữ lại sẽ thay đổi chính sách của Đồng minh về việc đầu hàng vô điều kiện và cần có sự đồng ý của Stalin. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes muốn giữ Liên Xô tránh xa cuộc chiến ở Thái Bình Dương càng nhiều càng tốt và thuyết phục Truman xóa bỏ bất kỳ đảm bảo nào như vậy.[36]:631 Tuyên bố Potsdam đã trải qua nhiều bản dự thảo cho đến khi tìm được một phiên bản được tất cả mọi người chấp nhận.[75]

Vào ngày 26 tháng 7, Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đưa ra Tuyên bố Potsdam công bố các điều kiện về việc Nhật Bản đầu hàng, với lời cảnh báo, "Chúng tôi sẽ không đi chệch hướng với chúng. Không có lựa chọn thay thế nào. Chúng tôi sẽ không cho phép trì hoãn." Đối với Nhật Bản, các điều khoản của tuyên bố nêu rõ:

  • Loại bỏ "vĩnh viễn quyền lực và ảnh hưởng của những kẻ đã lừa dối và làm lạc lối người dân Nhật Bản khiến họ tham muốn chinh phục thế giới"
  • Chiếm đóng "các điểm trên lãnh thổ Nhật Bản do Đồng minh xác định"
  • rằng "chủ quyền của Nhật Bản sẽ được giới hạn trong các đảo Honshū, Hokkaidō, Kyūshū, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định." Như đã được công bố trong Tuyên bố Cairo vào năm 1943, Nhật Bản sẽ bị thu hẹp về lãnh thổ của họ trước năm 1894 và bị tước bỏ phần đế quốc trước chiến tranh bao gồm Triều TiênĐài Loan, cũng như tất cả những cuộc chinh phục gần đây của nước này.
  • rằng "các lực lượng quân sự Nhật Bản, sau khi được giải giáp hoàn toàn, sẽ được phép trở về nhà của họ với cơ hội có một cuộc sống hòa bình và sản xuất."
  • rằng "chúng tôi không có ý định nô dịch dân tộc Nhật Bản hoặc tiêu diệt quốc gia này, nhưng công lý nghiêm khắc sẽ áp dụng cho tất cả tội phạm chiến tranh, kể cả những người đã hành hạ tù nhân của chúng tôi một cách tàn ác."
Một phiên họp của Hội nghị Potsdam – những người trong hình bao gồm Clement Attlee, Ernest Bevin, Vyacheslav Molotov, Joseph Stalin, William D. Leahy , James F. ByrnesHarry S. Truman.

Mặt khác, tuyên bố nêu rõ:

  • "Chính phủ Nhật Bản sẽ loại bỏ mọi trở ngại đối với việc khôi phục và củng cố các khuynh hướng dân chủ trong nhân dân Nhật Bản. Tự do ngôn luận, tôn giáotư tưởng, cũng như tôn trọng nhân quyền cơ bản sẽ được thiết lập."
  • "Nhật Bản sẽ được phép duy trì những ngành công nghiệp để giúp duy trì nền kinh tế của mình và để cho phép chi trả bồi thường bằng hiện vật, chứ không phải những ngành cho phép Nhật Bản tái vũ trang cho chiến tranh. Vì mục đích này, việc tiếp cận nguyên liệu thô sẽ được cho phép, trừ nguyên liệu bị kiểm soát. Sau cùng sẽ cho phép Nhật Bản tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế."
  • "Các lực lượng chiếm đóng của Đồng minh sẽ rút khỏi Nhật Bản ngay sau khi các mục tiêu này đã được hoàn thành, và một chính phủ có khuynh hướng hòa bình và có trách nhiệm đã được thiết lập, phù hợp với ý chí tự do bày tỏ của nhân dân Nhật Bản."

Thuật ngữ "đầu hàng vô điều kiện" xuất hiện lần duy nhất ở cuối tuyên bố:

  • "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nhật Bản ngay bây giờ tuyên bố tất cả các lực lượng vũ trang Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và đưa ra những đảm bảo đúng đắn và đầy đủ về thiện chí của họ trong hành động đó. Lựa chọn thay thế cho Nhật Bản là hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn."

Trái ngược với những gì dự kiến ban đầu, Tuyên bố không hề đề cập đến Thiên hoàng. Ngoại trưởng lâm thời giữ chức trong thời gian ngắn Joseph Grew chủ trương giữ lại Thiên hoàng làm quân chủ lập hiến. Ông hy vọng rằng việc bảo tồn vai trò trung tâm của Hirohito có thể tạo điều kiện cho toàn bộ quân đội Nhật Bản đầu hàng có trật tự trên mặt trận Thái Bình Dương. Nếu không có điều này, việc đạt được sự đầu hàng có thể khó khăn. Bộ trưởng Hải quân James Forrestal và các quan chức khác chia sẻ quan điểm này.[36]:630 Ý định của Đồng minh về các vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản, bao gồm cả việc liệu Hirohito có bị cho là một trong những kẻ đã "lừa dối nhân dân Nhật Bản" hay thậm chí là tội phạm chiến tranh hay không, hay nói cách khác, liệu Hoàng đế có thể trở thành một phần của một "chính phủ có khuynh hướng hòa bình và có trách nhiệm" do đó không được nêu rõ.

Điều khoản "hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn" được hiểu là một lời cảnh báo ngầm về việc Hoa Kỳ sở hữu bom nguyên tử (đã được thử nghiệm thành công vào ngày đầu tiên của hội nghị).[76] Mặt khác, tuyên bố cũng đề cập cụ thể đến sự tàn phá đã gây ra cho Đức trong giai đoạn cuối của Chiến tranh châu Âu. Đối với độc giả đương thời của cả hai bên, những người chưa biết đến sự tồn tại của bom nguyên tử, có thể dễ dàng hiểu tuyên bố đơn giản là lời đe dọa mang lại sự hủy diệt tương tự cho Nhật Bản bằng vũ khí thông thường.

Phản ứng của Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 27 tháng 7, chính phủ Nhật Bản cân nhắc cách ứng phó với Tuyên bố. Bốn thành viên quân sự của Viện Tham nghị Quân sự muốn bác bỏ nó, nhưng Tōgō do có ấn tượng sai lầm rằng chính phủ Liên Xô không biết trước về nội dung của văn kiện nên đã thuyết phục nội các không làm như vậy cho đến khi ông có thể nhận được phản ứng từ Moskva. Nội các quyết định công bố tuyên bố mà không bình luận vào thời điểm hiện tại.[36]:632 Trong một bức điện, đại sứ Nhật Bản tại Thụy Sĩ là Shun'ichi Kase nhận xét rằng "đầu hàng vô điều kiện" chỉ áp dụng cho quân đội chứ không phải cho chính phủ hay người dân, và ông cho rằng cần phải hiểu rằng ngôn ngữ thận trọng của Potsdam có vẻ "đã gây ra rất nhiều cân nhắc" từ phía các chính phủ ký kết— "dường như họ đã cố giữ thể diện cho chúng ta trong nhiều điểm khác nhau."[77] Ngày hôm sau, các tờ báo Nhật Bản đưa tin rằng tuyên bố này bị bác bỏ, nội dung của nó đã được Đồng minh phát đi và thả tờ rơi vào Nhật Bản. Trong nỗ lực nhằm quản lý nhận thức của công chúng, Thủ tướng Suzuki đã gặp gỡ báo chí và tuyên bố:

Tôi xem Tuyên bố chung là lời nhắc lại Tuyên bố tại Hội nghị Cairo. Đối với Chính phủ, nó không gắn theo bất kỳ giá trị quan trọng nào cả. Điều duy nhất cần làm là giết trong sự im lặng (mokusatsu). Chúng ta sẽ không làm gì khác ngoài việc kiên trì tới kết cục cay đắng để cuộc chiến kết thúc thành công.[78]

Thư ký trưởng Nội các Hisatsune Sakomizu đã khuyến nghị Suzuki nên sử dụng cách diễn đạt mokusatsu (黙殺 mokusatsu?, nghĩa là "giết trong im lặng").[36]:632 Ý nghĩa của nó rất mơ hồ và có thể dao động từ "từ chối bình luận" đến "phớt lờ (bằng cách giữ im lặng)".[79] Những gì Suzuki dự định là một chủ đề còn có tranh luận.[80] Tōgō sau đó nói rằng việc đưa ra tuyên bố như vậy đã vi phạm quyết định từ chối bình luận của nội các.[36]:632

Vào ngày 30 tháng 7, Đại sứ Satō viết rằng Stalin có lẽ đang nói chuyện với Roosevelt và Churchill về việc đối phó với Nhật Bản, và ông viết: "Không có lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức nếu chúng ta muốn ngăn cản Nga tham chiến."[81] Vào ngày 2 tháng 8, Tōgō viết cho Satō: "không khó để ông nhận ra rằng ... chúng ta có thời gian hạn chế trong việc tiến hành dàn xếp để kết thúc chiến tranh trước khi kẻ thù đổ bộ lên đại lục Nhật Bản, mặt khác thật khó để quyết định các điều kiện hòa bình cụ thể ở quê hương cùng một lúc."[82]

Hiroshima, Mãn Châu và Nagasaki

[sửa | sửa mã nguồn]

6 tháng 8: Hiroshima

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 6 tháng 8, lúc 8:15 sáng giờ địa phương, máy bay Enola Gay thuộc dòng Boeing B-29 Superfortress do Thượng tá Paul Tibbets điều khiển tiến hành thả một quả bom nguyên tử (Hoa Kỳ đặt mã là Little Boy) xuống thành phố Hiroshima ở phần tây nam đảo Honshū.[83] Trong suốt cả ngày, các báo cáo nhầm lẫn được gửi đến Tokyo rằng Hiroshima là mục tiêu của một cuộc không kích, nó đã san bằng thành phố bằng một "tia sáng chói mắt và vụ nổ dữ dội". Cũng trong ngày hôm đó, họ tiếp nhận tuyên bố được phát sóng của Tổng thống Mỹ Truman về việc sử dụng bom nguyên tử lần đầu tiên, với hứa hẹn:

Bây giờ chúng tôi đã chuẩn bị để xóa sổ nhanh chóng và hoàn toàn hơn mọi doanh nghiệp sản xuất mà người Nhật có trên thực địa ở bất kỳ thành phố nào. Chúng ta sẽ phá hủy bến cảng, nhà máy và hệ thống thông tin liên lạc của họ. Đừng để có sai lầm; chúng ta sẽ tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh gây chiến của Nhật Bản. Để cứu nhân dân Nhật khỏi bị hủy diệt hoàn toàn, tối hậu thư ngày 26 tháng 7 đã được ban hành tại Potsdam. Các nhà lãnh đạo của họ đã nhanh chóng bác bỏ tối hậu thư đó. Nếu bây giờ họ không chấp nhận các điều khoản của chúng ta, họ có thể chờ đợi một trận mưa hủy diệt từ trên không, điều tương tự chưa từng thấy trên trái đất này. ...[84]

Lục quân và Hải quân Nhật Bản có chương trình bom nguyên tử độc lập của riêng họ và do đó người Nhật đủ hiểu biết rằng việc chế tạo nó sẽ khó khăn như thế nào. Vì vậy, nhiều người Nhật và đặc biệt là các thành viên quân đội trong chính phủ từ chối tin rằng Hoa Kỳ đã chế tạo được bom nguyên tử, và quân đội Nhật Bản đã ra lệnh tiến hành các cuộc thử nghiệm độc lập của riêng họ để xác định nguyên nhân dẫn đến sự tàn phá ở Hiroshima.[85] Tổng Tham mưu trưởng Hải quân là Đô đốc Soemu Toyoda lập luận rằng ngay cả khi Hoa Kỳ có chế tạo được một quả, họ cũng không thể có thêm nhiều quả nữa.[86] Các chiến lược gia Mỹ đoán trước được kiểu phản ứng giống như của Toyoda, do vậy họ lên kế hoạch thả quả bom thứ hai ngay sau quả bom đầu tiên để thuyết phục người Nhật rằng Mỹ có nguồn cung lớn.[49][87]

9 tháng 8: Liên Xô tấn công và Nagasaki

[sửa | sửa mã nguồn]
Vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki

Lúc 04:00 ngày 9 tháng 8, có tin đến Tokyo rằng Liên Xô đã phá bỏ Hiệp ước trung lập,[88][89][90] tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản,[91] ký vào Tuyên bố Potsdam và phát động xâm chiếm Mãn Châu.[92]

Khi người Nga xâm chiếm Mãn Châu, họ đã cắt xuyên qua thứ từng là một đội quân tinh nhuệ và nhiều đơn vị Nga chỉ dừng lại khi hết nhiên liệu. Tập đoàn quân 16 của Liên Xô—100.000 quân hùng mạnh—tiến hành cuộc tấn công vào nửa phía nam của đảo Sakhalin. Mệnh lệnh của họ là quét sạch sự kháng cự của quân Nhật ở đó, và trong vòng 10 đến 14 ngày sau đó – chuẩn bị xâm chiếm Hokkaido, đảo cực bắc của quần đảo chính quốc Nhật Bản. Lực lượng Nhật Bản được giao nhiệm vụ bảo vệ Hokkaido là Phương diện quân 5, có sức mạnh gồm hai sư đoàn và hai lữ đoàn, đóng tại các vị trí kiên cố ở phía đông của đảo. Kế hoạch tấn công của Liên Xô dự tính xâm chiếm Hokkaido từ phía tây. Lời tuyên chiến của Liên Xô cũng thay đổi cách tính toán thời gian còn lại để điều động quân sự. Tình báo Nhật Bản dự đoán rằng lực lượng Hoa Kỳ có thể sẽ không xâm chiếm trong nhiều tháng. Mặt khác, lực lượng Liên Xô có thể có mặt ở chính quốc Nhật Bản chỉ trong vòng 10 ngày. Sự việc Liên Xô xâm chiếm khiến quyết định về kết thúc chiến tranh cực kỳ nhạy cảm về mặt thời gian.

— Ward Wilson, Foreign Policy[93]

"Cú sốc kép" này—vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Liên Xô tham chiếm—đã ngay lập tức ảnh hưởng sâu sắc đến Thủ tướng Kantarō Suzuki và Bộ trưởng Ngoại giao Shigenori Tōgō, họ đồng tình rằng chính phủ phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức.[94] Tuy nhiên, giới lãnh đạo cấp cao của Lục quân Nhật Bản đã đón nhận tin tức một cách bình tĩnh, đánh giá quá thấp quy mô của cuộc tấn công. Được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami, họ bắt đầu chuẩn bị áp đặt thiết quân luật lên quốc gia, để ngăn chặn bất kỳ ai cố gắng kiến thiết hòa bình.[95] Hirohito yêu cầu Kido "nhanh chóng kiểm soát tình hình" vì "Liên Xô đã tuyên chiến và hôm nay bắt đầu hành động thù địch chống lại chúng ta."[96]

Viện Tham nghị Quân sự họp vào lúc 10:30. Suzuki mới họp với Thiên hoàng về và cho biết không thể tiếp tục chiến tranh. Tōgō nói rằng họ có thể chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam, nhưng họ cần sự đảm bảo về địa vị của Thiên hoàng. Bộ trưởng Hải quân Yonai nói rằng họ phải đưa ra một số đề xuất ngoại giao - họ không thể chờ đợi hoàn cảnh tốt hơn nữa.

Vào giữa cuộc họp, ngay sau 11 giờ, có tin tức truyền đến rằng Nagasaki trên bờ biển phía tây Kyūshū đã bị trúng quả bom nguyên tử thứ hai (được Hoa Kỳ gọi là "Fat Man"). Vào thời điểm cuộc họp kết thúc, hội đồng bị chia đôi 3–3 khi Suzuki, Tōgō và Đô đốc Yonai ủng hộ một điều kiện bổ sung của Tōgō đối với Tuyên bố Potsdam, trong khi Tướng Anami, Tướng Umezu và Đô đốc Toyoda khăng khăng sửa đổi thêm ba điều khoản nữa trong Tuyên bố Potsdam: rằng Nhật Bản tự giải quyết vấn đề giải giáp vũ khí của mình, rằng Nhật Bản giải quyết bất kỳ tội phạm chiến tranh nào của Nhật Bản, và Nhật Bản không chịu sự chiếm đóng nào.[97]

Sau vụ đánh bom nguyên tử tại Nagasaki, Truman đưa ra một tuyên bố khác:

Chính phủ Anh, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cảnh báo đầy đủ cho nhân dân Nhật Bản về những gì sắp xảy ra với họ. Chúng tôi đã đặt ra những điều khoản chung để họ có thể đầu hàng. Lời cảnh báo của chúng tôi đã không được chú ý; các điều khoản của chúng tôi đã bị từ chối. Kể từ đó người Nhật đã thấy bom nguyên tử của chúng ta có thể làm được những gì. Họ có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Thế giới sẽ lưu ý rằng quả bom nguyên tử đầu tiên đã được thả xuống Hiroshima, là một căn cứ quân sự. Đó là bởi vì chúng ta mong muốn trong cuộc tấn công đầu tiên này tránh được việc giết hại dân thường trong chừng mực có thể. Nhưng cuộc tấn công đó chỉ là lời cảnh báo về những điều sắp xảy ra. Nếu Nhật Bản không đầu hàng, cac quả bom sẽ phải được ném xuống các ngành công nghiệp chiến tranh của nước này và thật không may khi hàng nghìn thường dân sẽ thiệt mạng. Tôi kêu gọi nhân dân Nhật Bản rời khỏi các thành phố công nghiệp ngay lập tức và tự cứu mình khỏi bị hủy diệt.

Tôi nhận ra tầm quan trọng bi thảm của bom nguyên tử.

Việc sản xuất và sử dụng nó không được Chính phủ này thực hiện một cách nhẹ nhàng. Nhưng chúng tôi biết rằng kẻ thù của chúng ta đang nghiên cứu nó. Bây giờ chúng ta biết họ đã tiến gần đến việc tìm ra chúng đến mức nào. Và chúng ta biết thảm họa sẽ đến với Quốc gia này, và với tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình, với toàn bộ nền văn minh, nếu họ tìm ra chúng trước.

Đó là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy buộc phải thực hiện công việc khám phá và sản xuất vốn dĩ kéo dài, không chắc chắn và tốn kém.

Chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc đua khám phá trước người Đức.

Sau khi tìm ra loại bom, chúng tôi đã sử dụng nó. Chúng tôi đã sử dụng nó để chống lại những kẻ tấn công chúng tôi mà không cảnh báo tại Trân Châu Cảng, chống lại những kẻ đã bỏ đói, đánh đập và hành quyết các tù nhân chiến tranh người Mỹ, chống lại những kẻ đã từ bỏ mọi sự giả vờ tuân theo luật chiến tranh quốc tế. Chúng tôi đã sử dụng nó để rút ngắn sự đau thương của chiến tranh, để giữ mạng sống của hàng nghìn, hàng nghìn thanh niên Mỹ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng nó cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn khả năng gây chiến của Nhật Bản. Chỉ có sự đầu hàng của Nhật Bản mới có thể khiến chúng tôi dừng lại.[98]

Thảo luận về đầu hàng

[sửa | sửa mã nguồn]
Bộ trưởng Chiến tranh Korechika Anami

Toàn bộ nội các Nhật Bản họp vào lúc 14:30 ngày 9 tháng 8, và dành phần lớn thời gian trong ngày để tranh luận về việc đầu hàng. Giống như trong Viện Tham nghị Quân sự, nội các bị chia rẽ, quan điểm của Tōgō và Anami đều không thu hút được thế đa số.[99] Anami nói với các bộ trưởng nội các khác rằng khi bị tra tấn, một phi công chiến đấu cơ P-51 Mustang người Mỹ bị bắt mang tên Marcus McDilda đã khai với những người thẩm vấn rằng Hoa Kỳ sở hữu một kho dự trữ 100 quả bom nguyên tử và rằng Tokyo và Kyoto sẽ bị phá hủy " trong vài ngày tới".[100]

Trên thực tế, Hoa Kỳ sẽ không có sẵn quả bom thứ ba để sử dụng cho đến khoảng ngày 19 tháng 8 và quả bom thứ tư vào tháng 9.[101] Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nhật Bản không có cách nào biết được quy mô kho dự trữ của Hoa Kỳ và lo ngại Hoa Kỳ có thể có khả năng không chỉ tàn phá các thành phố riêng lẻ mà còn triệt hạ dân tộc và quốc gia Nhật Bản. Thật vậy, Anami bày tỏ mong muốn về kết quả này hơn là đầu hàng, hỏi rằng liệu "việc cả dân tộc này bị tiêu diệt giống như một bông hoa xinh đẹp có phải là điều kỳ lạ hay không".[102]

Cuộc họp nội các kết thúc lúc 17h30 mà không có sự đồng thuận. Cuộc họp thứ hai kéo dài từ 18h đến 22h cũng kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận. Sau cuộc gặp thứ hai này, Suzuki và Tōgō gặp Thiên hoàng, và Suzuki đề xuất một Hội nghị Ngự tiền bất thường, bắt đầu ngay trước nửa đêm ngày 9–10 tháng 8.[103] Suzuki trình bày đề xuất bốn điều kiện của Anami với tư cách là quan điểm đồng thuận của Viện Tham nghị Quân sự. Các thành viên khác của hội đồng này phát biểu, và Nghị trưởng Xu mật viện Kiichirō Hiranuma cũng phát biểu và nêu ra sự bất lực của Nhật Bản trong việc tự vệ và cũng mô tả các vấn đề nội bộ của đất nước, chẳng hạn như tình trạng thiếu lương thực. Nội các tranh luận nhưng một lần nữa không đạt được đồng thuận nào. Đến khoảng 02:00 (10 tháng 8), Suzuki cuối cùng nói chuyện với Thiên hoàng Hirohito, yêu cầu ông quyết định giữa hai quan điểm. Những người tham gia sau đó nhớ lại rằng Thiên hoàng đã tuyên bố:

Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về tình hình hiện nay trong và ngoài nước và có kết luận rằng tiếp tục chiến tranh chỉ có nghĩa là hủy diệt dân tộc và kéo dài sự đổ máu và tàn ác trên thế giới. Tôi không thể chịu nổi khi nhìn thấy những người dân vô tội của mình phải chịu đựng thêm nữa. ...

Những người ủng hộ việc tiếp tục chiến sự cho tôi biết rằng đến tháng 6, các sư đoàn mới sẽ được bố trí tại các vị trí kiên cố [trên Bãi biển Kujūkuri, phía đông Tokyo] sẵn sàng đối phó với kẻ xâm lược khi chúng tìm cách đổ bộ. Bây giờ đã là tháng 8 mà công sự vẫn chưa hoàn thành. ...

Có người cho rằng mấu chốt sự sống còn của dân tộc nằm ở trận chiến quyết định tại quê hương. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy luôn có sự khác biệt giữa kế hoạch và hiệu quả thực hiện. Tôi không tin rằng sự khác biệt trong trường hợp của Kujūkuri có thể được khắc phục. Vì đây cũng là dấu hiệu của vấn đề, làm sao chúng ta có thể đẩy lui được kẻ xâm lược? [Sau đó ông ấy đưa ra một số tài liệu tham khảo cụ thể về sức tàn phá ngày càng tăng của bom nguyên tử.]

Không cần phải nói cũng biết rằng tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến những chiến binh dũng cảm và trung thành của Nhật Bản bị giải giáp vũ khí. Điều cũng không thể chịu đựng được tương tự là những người khác từng tận tình phục vụ tôi giờ lại bị trừng phạt trong thân phận những kẻ xúi giục chiến tranh. Tuy nhiên, đã đến lúc phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng. ...

Tôi nuốt nước mắt và phê chuẩn đề xuất chấp nhận tuyên bố của Đồng minh trên cơ sở do Bộ trưởng Ngoại giao [Tōgō] nêu ra.[104]

Theo Tướng Sumihisa Ikeda và Đô đốc Zenshirō Hoshina, Nghị trưởng Xu mật viện Hiranuma sau đó quay sang Thiên hoàng và hỏi ông: "Bệ hạ, Người cũng phải chịu trách nhiệm (sekinin) cho thất bại này. Người định đưa ra lời tạ tội nào trước anh linh hoàng tổ hoàng tông của Người?"[105]

Sau khi Thiên hoàng rời đi, Suzuki thúc giục nội các chấp nhận ý nguyện của Thiên hoàng và điều này được thực hiện. Sáng sớm hôm đó (10 tháng 8), Bộ Ngoại giao gửi điện tín cho quân Đồng minh (thông qua Max Grässli tại Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ) tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ chấp nhận Tuyên bố Potsdam, nhưng sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện hòa bình nào có thể "làm phương hại đến đặc quyền" của Thiên hoàng. Điều này thực tế có nghĩa là không có sự thay đổi nào trong hình thức chính phủ của Nhật Bản – đó là Thiên hoàng Nhật Bản sẽ vẫn giữ một địa vị có thực quyền.[106]

12 tháng 8

[sửa | sửa mã nguồn]

Phản ứng của đồng minh đối với việc Nhật Bản chấp nhận tuyên bố Potsdam được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James F. Byrnes soạn thảo và được chính phủ Anh, Trung Quốc và Liên Xô chấp thuận, mặc dù Liên Xô chỉ đồng ý một cách miễn cưỡng. Đồng minh gửi phản hồi của họ (thông qua Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ) vào ngày 12 tháng 8. Về vấn đề tình trạng của Thiên hoàng, phản hồi viết:

Kể từ thời điểm đầu hàng, quyền lực cai trị nhà nước của Thiên hoàng và chính phủ Nhật Bản sẽ thuộc về Tư lệnh tối cao của các cường quốc Đồng minh, người này sẽ thực hiện các bước mà ông ấy cho là phù hợp để thực hiện các điều khoản đầu hàng. ... Theo Tuyên bố Potsdam, hình thức chính phủ cuối cùng của Nhật Bản sẽ được thiết lập dựa theo ý chí tự do bày tỏ của nhân dân Nhật Bản.[107]

Tổng thống Truman ra chỉ thị rằng không được phép thả thêm vũ khí nguyên tử xuống Nhật Bản nếu không có lệnh của tổng thống,[108] nhưng cho phép các hoạt động quân sự (bao gồm cả bom cháy B-29) tiếp tục cho đến khi nhận được lời đầu hàng chính thức của Nhật Bản. Tuy nhiên, các phóng viên tin tức đã diễn giải sai một bình luận của Tướng Carl Spaatz, tư lệnh của Không lực Chiến lược Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, rằng B-29 không triển khai vào ngày 11 tháng 8 (vì thời tiết xấu) thành một tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực. Để tránh tạo cho người Nhật ấn tượng rằng Đồng minh đã từ bỏ các nỗ lực hòa bình và tiếp tục ném bom, Truman sau đó ra lệnh ngừng tất cả các cuộc ném bom tiếp theo.[109][110]

Nội các Nhật Bản cân nhắc phản ứng của Đồng minh, và Suzuki lập luận rằng họ phải bác bỏ nó và nhất định yêu cầu một sự đảm bảo rõ ràng cho hệ thống đế quốc. Anami quay trở lại quan điểm của mình rằng Nhật Bản sẽ không bị chiếm đóng. Sau đó, Tōgō nói với Suzuki rằng không có hy vọng đạt được những điều khoản tốt hơn, và Kido truyền đạt ý nguyện của Thiên hoàng rằng Nhật Bản phải đầu hàng. Trong cuộc gặp với Thiên hoàng, Yonai nói về mối lo ngại của mình về tình trạng bất ổn dân sự ngày càng gia tăng:

Tôi nghĩ ngôn ngữ này không phù hợp, nhưng bom nguyên tử và việc Liên Xô tham chiến, theo một nghĩa nào đó, là những món quà tuyệt diệu. Nhờ đó chúng ta không phải nói rằng chúng ta từ bỏ chiến tranh vì hoàn cảnh trong nước.[111]

Ngày hôm đó, Hirohito thông báo cho hoàng gia về quyết định đầu hàng của mình. Một người chú dượng của ông là Thân vương Asaka, sau đó hỏi liệu chiến tranh có tiếp tục hay không nếu kokutai (thể chế quốc gia) không thể được bảo tồn. Thiên hoàng chỉ đơn giản trả lời "đương nhiên."[112][113]

13–14 tháng 8

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo đề xuất của các chuyên gia hoạt động tâm lý Mỹ, các máy bay B-29 đã dành ngày 13 tháng 8 để thả truyền đơn xuống Nhật Bản, mô tả lời đề nghị đầu hàng của Nhật Bản và phản ứng của Đồng minh.[114] Một số tờ rơi còn rơi xuống Hoàng cung khi Thiên hoàng và các cố vấn của ông họp, các tờ rơi này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình ra quyết định của Nhật Bản. Rõ ràng là việc chấp nhận hoàn toàn và toàn bộ các điều khoản của Đồng minh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là giải tán chính phủ Nhật Bản dưới dạng đang tồn tại, là cách khả thi duy nhất để đạt được hòa bình.[114] Viện Tham nghị Quân sự và nội các tranh luận về hồi đáp của họ trước phản hồi của Đồng minh đến đêm khuya, nhưng vẫn bế tắc. Trong khi đó, Đồng minh ngày càng nghi ngờ, và chờ đợi phản ứng của người Nhật. Người Nhật được hướng dẫn rằng họ có thể truyền đi lời chấp nhận không bảo lưu dưới dạng văn bản thô, nhưng thay vào đó, họ gửi các thông điệp được mã hóa về các vấn đề không liên quan đến cuộc đàm phán đầu hàng. Đồng minh cho rằng phản hồi được mã hóa này là không chấp nhận các điều khoản.[114]

Tờ rơi được thả xuống Nhật Bản sau vụ đánh bom tại Hirosima. Tờ rơi có đoạn viết: Nhân dân Nhật Bản đang đối mặt với một mùa thu vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo quân sự của các bạn đã được liên minh ba nước của chúng tôi trao cho mười ba điều khoản đầu hàng nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh vô ích này. Đề xuất này đã bị các nhà lãnh đạo quân đội của bạn phớt lờ... Hoa Kỳ đã phát triển một quả bom nguyên tử, điều mà trước đây chưa có quốc gia nào thực hiện được. Quả bom đáng sợ này đã được quyết định sử dụng. Một quả bom nguyên tử có sức công phá bằng 2000 B-29.

Thông qua việc chặn mã Ultra, Đồng minh cũng phát hiện ra sự gia tăng lưu lượng truyền nhận thông tin ngoại giao và quân sự, được cho là bằng chứng cho thấy người Nhật đang chuẩn bị một cuộc "tấn công "vạn tuế" tổng lực."[114] Tổng thống Truman ra lệnh nối lại các cuộc tấn công chống lại Nhật Bản với cường độ tối đa "để tạo ấn tượng với các quan chức Nhật Bản rằng chúng ta thực sự có ý định và nghiêm túc trong việc khiến họ chấp nhận các đề xuất hòa bình của chúng ta ngay lập tức."[114] Trong cuộc tập kích ném bom lớn nhất và dài nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương, hơn 400 chiếc B-29 tấn công Nhật Bản vào ban ngày ngày 14 tháng 8 và có hơn 300 chiếc vào tối hôm đó.[115][116] Tổng cộng 1.014 máy bay được sử dụng và không có tổn thất nào.[117] Những chiếc B-29 từ 315 Bombardment Wing bay 6.100 km (3.800 mi) đến phá hủy nhà máy lọc dầu của Công ty Nippon Oil tại Tsuchizaki ở mũi phía bắc của đảo Honshū. Đây là nhà máy lọc dầu cuối cùng còn hoạt động tại quần đảo chính quốc Nhật Bản và sản xuất 67% lượng dầu của đất nước.[118] Các cuộc tấn công tiếp tục cho đến khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng và thậm chí còn kéo dài một thời gian sau đó.[119]

Truman ra lệnh ngừng ném bom nguyên tử vào ngày 10 tháng 8, khi nhận được tin rằng sẽ có sẵn một quả bom khác để sử dụng chống lại Nhật Bản trong khoảng một tuần nữa. Ông nói với nội các của mình rằng ông không thể chịu đựng được ý nghĩ giết "tất cả những đứa trẻ đó".[108] Tuy nhiên, đến ngày 14 tháng 8, Truman nhận xét "một cách đáng buồn" với đại sứ Anh rằng "giờ ông ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh thả một quả bom nguyên tử xuống Tokyo,"[120] giống như một số quan chức quân sự của ông tán thành.[121]

Trong ngày 14 tháng 8, Suzuki, Kido và Thiên hoàng nhận ra rằng ngày này sẽ kết thúc bằng việc chấp nhận các điều khoản của Hoa Kỳ hoặc xảy ra một cuộc đảo chính quân sự.[122] Thiên hoàng gặp gỡ các sĩ quan cao cấp nhất của Lục quân và Hải quân. Trong khi một số người lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục chiến đấu thì Nguyên soái Shunroku Hata lại không. Với tư cách là chỉ huy của Tổng quân 2 có trụ sở chính đặt tại Hiroshima, Hata chỉ huy toàn bộ quân đội bảo vệ miền nam Nhật Bản—đội quân chuẩn bị đánh "trận chiến quyết định". Hata cho biết ông không tin tưởng vào việc đánh bại cuộc xâm chiếm và không phản đối quyết định của Thiên hoàng. Thiên hoàng yêu cầu các tướng lĩnh quân sự hợp tác với mình để chấm dứt chiến tranh.[122]

Trong một cuộc họp với nội các và các ủy viên hội đồng khác, Anami, Toyoda và Umezu một lần nữa đưa ra quan điểm của mình về việc tiếp tục chiến đấu, sau đó hoàng đế nói:

Tôi đã lắng nghe cẩn thận từng lập luận được đưa ra để phản đối quan điểm cho rằng Nhật Bản nên chấp nhận phản hồi của Đồng minh như hiện tại và không cần làm rõ hay sửa đổi thêm, nhưng suy nghĩ của riêng tôi không có bất kỳ thay đổi nào. ... Để nhân dân biết được quyết định của tôi, tôi yêu cầu các ngài chuẩn bị ngay một bản chiếu thư để tôi có thể truyền đi khắp cả nước. Cuối cùng, tôi kêu gọi mỗi người trong số các ngài hãy nỗ lực hết mình để chúng ta có thể đương đầu với những ngày thử thách phía trước.[123]

Nội các ngay lập tức triệu tập và nhất trí thông qua ý nguyện của Thiên hoàng. Họ cũng quyết định tiêu hủy một lượng lớn tài liệu liên quan đến các tội ác chiến tranh và trách nhiệm chiến tranh của các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.[124] Ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao đã truyền lệnh tới các đại sứ quán của họ tại Thụy Sĩ và Thụy Điển để chấp nhận các điều khoản đầu hàng của Đồng minh. Những lệnh này bị bắt được và nhận tại Washington lúc 02:49, ngày 14 tháng 8.[123]

Khó khăn với các chỉ huy cấp cao trên các mặt trận chiến tranh xa xôi đã được dự đoán trước. Ba thân vương của hoàng gia nắm giữ các ủy ban quân sự đã được phái đi vào ngày 14 tháng 8 để đích thân đưa tin. Thân vương Tsuneyoshi Takeda đến Triều Tiên và Mãn Châu, Thân vương Yasuhiko Asaka đến chỗ Quân phái khiển Trung Quốc và Hạm đội phương diện Trung Quốc của Nhật Bản, và Thân vương Kan'in Haruhito đến Thượng Hải, Hoa Nam, Đông Dương và Singapore.[125][126]

Văn bản chiếu thư của triều đình về việc đầu hàng đã được hoàn thiện trước 19 giờ ngày 14 tháng 8, được nhà thư pháp chính thức của triều đình chép lại, và mang đến nội các để lấy chữ ký. Khoảng 23:00, với giúp đỡ từ đội ghi âm NHK, Thiên hoàng đã tạo bản ghi âm chính mình đọc chiếu thư.[127] Bản ghi được trao cho quan thị tòng Yoshihiro Tokugawa, người này giấu nó trong một tủ khoá trong văn phòng của thư ký của Hoàng hậu Kōjun.[128]

Nỗ lực đảo chính (12–15 tháng 8)

[sửa | sửa mã nguồn]
Kenji Hatanaka, thủ lĩnh đảo chính

Vào đêm muộn ngày 12 tháng 8 năm 1945, Thiếu tá Kenji Hatanaka, các Trung tá Masataka Ida, Masahiko Takeshita (em rể của Anami) và Inaba Masao, và Đại tá Okikatsu Arao tiếp cận Bộ trưởng Lục quân Anami, họ yêu cầu ông làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn việc chấp nhận Tuyên bố Potsdam. Anami từ chối cho biết liệu ông có giúp đỡ các sĩ quan trẻ mưu phản hay không.[129] Dù rất cần sự hỗ trợ của ông, Hatanaka và những người mưu phản khác quyết định rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục lên kế hoạch và tự mình thực hiện một cuộc đảo chính. Hatanaka dành phần lớn thời gian từ ngày 13 tháng 8 đến sáng ngày 14 tháng 8 để tập hợp đồng minh, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cấp trên trong Bộ và hoàn thiện âm mưu của mình.[130]

Ngay sau Hội nghị Ngự tiền vào đêm 13–14 tháng 8, là nơi có quyết định cuối cùng về việc đầu hàng, một nhóm sĩ quan lục quân cấp cao bao gồm cả Anami đã tập trung tại một căn phòng gần đó. Tất cả những người có mặt đều lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính để ngăn chặn việc đầu hàng — một số người có mặt thậm chí có thể đã cân nhắc việc phát động một cuộc đảo chính. Sau một lúc im lặng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lục quân là Tướng Torashirō Kawabe đề nghị tất cả các sĩ quan cấp cao có mặt ký một thỏa thuận thực hiện lệnh đầu hàng của Thiên hoàng—"Lục quân sẽ hành động đến cùng theo quyết định của đế quốc." Tất cả các sĩ quan quan trọng nhất có mặt đều ký kết. Những người ký tên là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Umezu, tư lệnh của Tổng quân 1 là Nguyên soái Hajime Sugiyama, tư lệnh của Tổng quân 2 là Nguyên soái Shunroku Hata và Tổng giám giáo dục Kenji Doihara. Khi Umezu lên tiếng lo ngại về việc các đơn vị không lực gây rối, Thứ trưởng Bộ Chiến tranh Tadaichi Wakamatsu đã mang tài liệu đến Bộ tư lệnh Tổng quân Hàng không nằm ngay cạnh, tại đó tư lệnh Masakazu Kawabe (anh trai của Torashirō) cũng ký kết. Thỏa thuận thành văn này được ký bởi các sĩ quan cấp cao nhất trong Lục quân, đóng vai trò giống như một đai trắng phòng lửa mạnh mẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm kích động một cuộc đảo chính tại Tokyo.[131]

Đến khoảng 21:30 ngày 14 tháng 8, quân mưu phản Hatanaka bắt đầu thực hiện kế hoạch của họ. Trung đoàn 2 của Sư đoàn 1 Cận vệ đã tiến vào khuôn viên cung điện, tăng gấp đôi sức mạnh của tiểu đoàn đã đóng quân tại đây, có lẽ là để tăng cường phòng vệ trước cuộc mưu phản của Hatanaka. Tuy nhiên Hatanaka cùng với Trung tá Jirō Shiizaki thuyết phục tư lệnh của Trung đoàn 2 Sư đoàn 1 Cận vệ là Đại tá Toyojirō Haga về phe với họ, bằng cách nói (sai) với ông ta rằng các Tướng Anami và Umezu, cùng các tư lệnh của Quân quản khu Đông bộ và các Sư đoàn Cận vệ đều nằm trong kế hoạch. Hatanaka cũng đến văn phòng của tư lệnh Quân quản khu Đông bộ là Shizuichi Tanaka, để cố gắng thuyết phục người này tham gia cuộc đảo chính. Tanaka từ chối và ra lệnh cho Hatanaka về nhà. Hatanaka phớt lờ mệnh lệnh.[128]

Ban đầu, Hatanaka hy vọng rằng chỉ cần chiếm giữ cung điện và thể hiện nguyên do của một cuộc nổi loạn thì sẽ truyền cảm hứng cho phần còn lại trong Lục quân đứng lên chống lại động thái đầu hàng. Ý niệm này đã dẫn đường cho ông vượt qua phần lớn những ngày giờ cuối cùng, và mang lại cho ông sự lạc quan mù quáng để tiếp tục thực hiện kế hoạch, dẫu cho nhận được rất ít hỗ trợ từ cấp trên. Sau khi sắp xếp mọi thứ, Hatanaka và các đồng mưu quyết định rằng Cận vệ sẽ tiếp quản cung điện vào lúc 02:00. Thời gian cho đến lúc đó được dành để tiếp tục nỗ lực thuyết phục cấp trên trong Lục quân tham gia cuộc đảo chính. Cùng lúc đó, Tướng Anami thực hiện seppuku (mổ bụng), để lại lời nhắn rằng "Tôi - với cái chết của mình - khiêm nhường tạ tội với Thiên hoàng vì đã phạm đại tội."[132] Vẫn chưa rõ là tội liên quan đến thất bại trong chiến tranh hay là đảo chính.[133]

Vào một thời điểm sau 01:00, Hatanaka và quân của ông bao vây cung điện. Hatanaka, Shiizaki, Ida và Đại úy Shigetarō Uehara (thuộc Trường Sĩ quan Hàng không) đến văn phòng của Trung tướng Takeshi Mori để yêu cầu ông tham gia đảo chính. Mori lúc này đang họp với em rể Michinori Shiraishi. Sự hợp tác của Mori là rất quan trọng, với tư cách là tư lệnh của Sư đoàn 1 Cận vệ. Khi Mori từ chối đứng về phía Hatanaka, Hatanaka đã giết ông ta vì sợ Mori sẽ ra lệnh cho Cận vệ ngăn chặn cuộc mưu phản.[134] Trong khi đó, Uehara giết Shiraishi. Đây là hai vụ giết người duy nhất trong đêm. Hatanaka sau đó sử dụng con dấu chính thức của Tướng Mori để đóng vào Lệnh chiến lược số 584 của Sư đoàn Cận vệ, một bộ mệnh lệnh giả do những người đồng mưu với ông tạo ra, điều này sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh của các lực lượng chiếm giữ Hoàng cungCung nội phủ, và "bảo vệ" Thiên hoàng.[135]

Cuộc đảo chính sụp đổ sau khi Shizuichi Tanaka thuyết phục các sĩ quan mưu phản về nhà. Tanaka tự sát chín ngày sau đó.

Cảnh sát cung điện bị tước vũ khí và mọi lối vào bị chặn.[127] Trong suốt đêm, phản quân Hatanaka đã bắt và giam giữ 18 người, bao gồm cả các nhân viên của Cung nội phủ và các công nhân NHK được cử đến để ghi âm bài phát biểu đầu hàng.[127]

Phản quân do Hatanaka lãnh đạo mất nhiều giờ tiếp theo để tìm kiếm Cung nội đại thần Sōtarō Ishiwata, Nội đại thần Kōichi Kido, và các đoạn ghi âm bài phát biểu đầu hàng nhưng không có kết quả. Hai người này trốn trong "hầm ngân hàng", là một căn phòng lớn bên dưới Hoàng cung.[136][137] Việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn do điện bị cắt để ứng phó các cuộc ném bom của Đồng minh, cũng như bởi cách tổ chức và bố trí cổ xưa trong Cung nội phủ. Phản quân không thể nhận ra được nhiều tên của các căn phòng. Quân nổi dậy đã tìm thấy Thị tòng trưởng Yoshihiro Tokugawa. Mặc dù bị Hatanaka đe dọa mổ bụng bằng kiếm samurai, Tokugawa đã nói dối và nói với họ rằng ông không biết đoạn ghi âm hay người ở đâu.[138][139]

Cùng lúc đó, một nhóm phản quân khác của Hatanaka do Đại úy Takeo Sasaki dẫn đầu đã đến văn phòng của Thủ tướng Suzuki với ý định giết ông. Khi thấy văn phòng trống rỗng, họ dùng súng máy bắn vào nó và đốt cháy tòa nhà, sau đó đi đến nhà ông. Trưởng thư ký nội các của Suzuki là Hisatsune Sakomizu đã cảnh báo Suzuki, và ông trốn thoát vài phút trước khi những sát thủ sắp đến. Sau khi đốt nhà của Suzuki, họ đến dinh thự của Kiichirō Hiranuma để ám sát người này. Hiranuma trốn thoát qua một cổng phụ và cũng bị phản quân đốt nhà. Suzuki được cảnh sát bảo vệ trong phần còn lại của tháng 8, mỗi đêm ngủ trên một chiếc giường khác nhau.[138][140]

Khoảng 03:00, Hatanaka được Trung tá Masataka Ida thông báo rằng Quân quản khu Đông bộ đang trên đường đến Hoàng cung để ngăn chặn mình, và ông nên bỏ cuộc.[141][142] Cuối cùng, khi thấy kế hoạch của mình đang sụp đổ, Hatanaka đã cầu xin Tham mưu trưởng Quân quản khu Đông bộ là Tatsuhiko Takashima, cho phép có ít nhất mười phút trên sóng phát thanh NHK để giải thích cho nhân dân Nhật Bản những gì ông đang cố đạt tới và lý do, nhưng bị từ chối.[143] Tư lệnh Trung đoàn 2 của Sư đoàn 1 Cận vệ là Đại tá Haga phát hiện ra rằng Lục quân không ủng hộ cuộc mưu phản này, nên ra lệnh cho Hatanaka rời khỏi khuôn viên cung điện.

Ngay trước 05:00, trong khi phản quân của mình tiếp tục truy lùng, Thiếu tá Hatanaka đã đến trường quay NHK và vung một khẩu súng lục, cố gắng hết sức để có được một khoảng thời gian phát sóng nhằm giải thích hành động của mình.[144] Hơn một giờ sau, sau khi nhận được cuộc điện thoại từ Quân quản khu Đông bộ, Hatanaka cuối cùng phải bỏ cuộc. Ông tập hợp các sĩ quan của mình và bước ra khỏi trường quay NHK.[145]

Lúc bình minh, Tanaka được tin cung điện đã bị xâm chiếm. Ông đến đó và đối đầu với các sĩ quan nổi loạn, mắng mỏ họ vì hành động trái với tinh thần của Lục quân Nhật Bản. Ông thuyết phục họ quay trở lại doanh trại.[138][146] Đến 08:00, cuộc mưu phản đã bị dập tắt hoàn toàn, dù họ trấn giữ được khuôn viên cung điện suốt đêm nhưng không tìm thấy đoạn ghi âm.[147]

Hatanaka trên một chiếc mô tô, và Shiizaki trên lưng ngựa, họ đi trên đường phố và rải truyền đơn giải thích cho động cơ và hành động của mình. Trong vòng một giờ trước khi phát sóng lời của Thiên hoàng, vào khoảng 11 giờ ngày 15 tháng 8, Hatanaka đặt súng lên trán và tự bắn mình. Shiizaki dùng dao găm đâm vào mình rồi tự bắn mình. Trong túi của Hatanaka là thơ tuyệt mệnh của ông: "Bây giờ tôi không còn gì phải hối tiếc khi những đám mây đen đã biến mất khỏi triều đại của Thiên hoàng."[140]

Đầu hàng

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiên hoàng Hirohito đưa ra những lý do khác nhau cho công chúng và quân đội về việc đầu hàng: Khi phát biểu trước công chúng, ông nói, "kẻ thù đã bắt đầu sử dụng một loại bom mới và tàn khốc nhất, sức mạnh gây thiệt hại của nó quả thực là không thể đo lường được  .... Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, điều đó không chỉ dẫn đến sự sụp đổ và xóa sổ cuối cùng của dân tộc Nhật Bản, mà còn dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn của nền văn minh nhân loại."[148] Khi phát biểu với quân đội, ông không đề cập đến "quả bom mới và tàn khốc nhất" mà nói rằng "Liên Xô đã tham gia cuộc chiến chống lại chúng ta, và để tiếp tục cuộc chiến ... sẽ gây nguy hiểm cho chính nền tảng tồn tại của Đế quốc."[148]

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, bài phát biểu đầu hàng trước công chúng Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào lúc 12:00 trưa giờ chuẩn Nhật Bản ngày 15 tháng 8, bài phát biểu được ghi âm của Thiên hoàng với quốc dân được phát sóng, là bản đọc Chiếu thư kết thúc chiến tranh:

Chúng tôi nhận thức sâu sắc về xu hướng chung của thế giới và hiện trạng của đế quốc. Chúng tôi đã quyết định thực hiện giải pháp cho tình hình hiện tại bằng cách sử dụng một biện pháp phi thường.

Chúng tôi đã ra lệnh cho Chính phủ Đế quốc thông báo với Chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô rằng Đế quốc của chúng tôi chấp nhận các điều khoản trong Tuyên bố chung của họ.

Phấn đấu vì sự thịnh vượng và hạnh phúc chung của tất cả các quốc gia, cũng như an ninh và hạnh phúc của thần dân Đế quốc là nghĩa vụ trang nghiêm đã được Hoàng tổ hoàng tông của Chúng tôi truyền lại và nằm trong trái tim Chúng tôi.

Quả thực, Chúng tôi đã tuyên chiến với Hoa Kỳ và Anh vì mong muốn chân thành của Chúng tôi là đảm bảo sự tự bảo tồn của Nhật Bản và sự an định của Đông Á, Chúng tôi không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác hoặc dấn mình vào việc mở rộng lãnh thổ.

Nhưng giao chiến đến nay đã gần 4 năm. Bất chấp những điều tốt đẹp nhất mà mọi người đã làm - cuộc chiến đấu dũng cảm của các tướng binh lục quân và hải quân, sự siêng năng và kiên trì của các công chức Nhà nước của Chúng tôi, và công sức phụng sự tận tình của một trăm triệu dân chúng của Chúng tôi - chiến cục đã phát triển không tất yếu theo hướng có lợi cho Nhật Bản, trong khi xu hướng chung của thế giới đều quay lưng lại với lợi ích của đất nước này.

Hơn nữa, kẻ địch đã bắt đầu sử dụng một loại bom mới và tàn ác nhất, sức sát thương của nó thực sự là khôn lường, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Nếu chúng ta tiếp tục giao chiến, điều đó không chỉ dẫn đến sự sụp đổ và xóa sổ cuối cùng của dân tộc Nhật Bản mà còn dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn của nền văn minh nhân loại.

Trong trường hợp đó, làm thế nào Chúng ta có thể cứu được hàng triệu thần dân của Chúng ta, hoặc tạ lỗi trước thần linh của Hoàng tổ hoàng tông của Chúng ta? Đây là lý do tại sao Chúng tôi đã ra lệnh chấp nhận các điều khoản trong Tuyên bố chung của các cường quốc...

Những gian khổ, đau khổ mà đất nước ta sau này phải gánh chịu chắc chắn sẽ không tầm thường. Chúng tôi nhận thức sâu sắc những tình cảm sâu sắc nhất của các thần dân của Chúng tôi. Tuy nhiên, theo tiếng gọi của thời vận mà Chúng tôi đã quyết tâm mở đường cho thái bình của tất cả các thế hệ mai sau bằng cách chịu đựng những điều không thể chịu đựng được và nhẫn nhịn những điều không thể nhẫn nhịn được.[148]

Chất lượng ghi âm thấp, kết hợp với t kiểu tiếng Nhật cổ văn được Thiên hoàng sử dụng trong Chiếu thư, khiến hầu hết người nghe rất khó hiểu bản ghi âm.[149][150] Ngoài ra, Thiên hoàng không đề cập rõ ràng đến việc đầu hàng trong bài phát biểu của mình. Để tránh nhầm lẫn, ngay sau bài ghi âm này có phần làm rõ rằng Nhật Bản thực sự đã đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.[151]

Phản ứng của công chúng đối với bài phát biểu của Thiên hoàng rất đa dạng - nhiều người Nhật Bản chỉ đơn giản lắng nghe nó, sau đó tiếp tục cuộc sống của họ một cách tốt nhất có thể, trong khi một số sĩ quan Lục quân và Hải quân chọn cách tự sát thay vì đầu hàng. Một đám đông nhỏ tụ tập trước Hoàng cung tại Tokyo và than khóc, nhưng như tác giả John Dower lưu ý, những giọt nước mắt họ rơi "phản ánh vô số cảm xúc... đau khổ, hối hận, mất mát và tức giận vì bị lừa dối, sự trống rỗng đột ngột và mất mục đích".[152]

Vào ngày 17 tháng 8, chức thủ tướng của Suzuki được chuyển cho người chú của Thiên hoàng là Thân vương Naruhiko, có lẽ để ngăn chặn bất kỳ cuộc đảo chính hoặc âm mưu ám sát nào nữa.[153]

Lực lượng Nhật Bản vẫn đang chiến đấu chống lại Liên Xô cũng như Trung Quốc trên lục địa châu Á, và việc quản lý lệnh ngừng bắn và đầu hàng của họ rất khó khăn. Trận không chiến cuối cùng của máy bay chiến đấu Nhật Bản là chống lại máy bay ném bom trinh sát Mỹ diễn ra vào ngày 18 tháng 8.[154] Liên Xô tiếp tục chiến đấu cho đến đầu tháng 9, chiếm lấy quần đảo Kuril.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, bài phát biểu đầu hàng của quân đội Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Hai ngày sau khi bài phát biểu đầu hàng của Thiên hoàng Hirohito trước dân chúng được phát sóng, ông có bài phát biểu ngắn hơn "Gửi các tướng binh của hoàng quân". Ông nói, "Ba năm tám tháng đã trôi qua kể từ khi chúng ta tuyên chiến với Hoa Kỳ và Anh. Trong thời gian này những binh lính lục quân và hải quân yêu quý của chúng ta đã hy sinh mạng sống và chiến đấu anh dũng ..., và về điều này chúng tôi vô cùng tri ân. Bây giờ Liên Xô đã tham chiến chống lại chúng ta, tiếp tục cuộc chiến trong điều kiện bên trong và bên ngoài như hiện tại sẽ chỉ làm tăng thêm một cách không cần thiết thêm sự tàn phá của chiến tranh, cuối cùng đến mức gây nguy hiểm cho chính nền tảng tồn tại của Đế quốc. Với tâm trí đó và mặc dù tinh thần chiến đấu của Lục quân và Hải quân Đế quốc vẫn cao như mọi khi, nhưng với quan điểm duy trì và bảo vệ chính sách dân tộc cao quý của mình, chúng ta sắp kiến tạo hòa bình với Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trùng Khánh. ... Chúng tôi tin tưởng rằng các tướng lĩnh và binh lính của Hoàng quân sẽ tuân theo ý định của chúng tôi và sẽ ... chịu đựng những điều không thể chịu đựng được và để lại nền tảng trường tồn cho dân tộc."[155]

Chiếm đóng và lễ đầu hàng

[sửa | sửa mã nguồn]
MacArthur tại lễ đầu hàng.

Tin tức về việc Nhật Bản chấp nhận các điều khoản đầu hàng được thông báo với công chúng Hoa Kỳ qua sóng phát thanh vào lúc 7 giờ tối ngày 14 tháng 8, châm ngòi cho những buổi kỷ niệm lớn. Dân chúng và quân nhân Đồng minh khắp nơi vui mừng trước tin chiến tranh kết thúc. Một bức ảnh có tên V-J Day in Times Square (Ngày Chiến thắng Nhật Bản trên Quảng trường Times) chụp một thủy thủ Mỹ hôn một phụ nữ tại New York, và một đoạn phim tin tức về Dancing Man tại Sydney đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của những buổi kỷ niệm ngay lập tức này. Ngày 14 và 15 tháng 8 được kỷ niệm là Ngày Chiến thắng Nhật Bản tại nhiều nước Đồng minh.[156]

Sự việc Nhật Bản đột nhiên đầu hàng sau khi vũ khí nguyên tử bất ngờ được sử dụng khiến hầu hết các chính phủ ngoài Mỹ và Anh ngạc nhiên.[157] Liên Xô có một số ý định chiếm về đóng Hokkaidō.[158] Tuy nhiên, không giống như việc Liên Xô chiếm đóng miền đông nước Đứcmiền bắc Triều Tiên, những kế hoạch này bị thất bại vì Tổng thống Truman phản đối.[158]

Sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, các máy bay ném bom B-32 Dominator của Hoa Kỳ đóng tại Okinawa bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên khắp Nhật Bản nhằm giám sát việc Nhật Bản tuân thủ lệnh ngừng bắn, thu thập thông tin để tạo điều kiện tốt hơn cho việc thiết lập chiếm đóng, và kiểm tra tính trung thực của người Nhật, vì người ta sợ rằng người Nhật đang lên kế hoạch tấn công lực lượng chiếm đóng. Trong nhiệm vụ trinh sát B-32 đầu tiên như vậy, máy bay ném bom đã bị radar Nhật Bản theo dõi nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ mà không bị can thiệp. Vào ngày 18 tháng 8, một nhóm bốn chiếc B-32 bay qua Tokyo đã bị máy bay chiến đấu của hải quân Nhật Bản tấn công từ căn cứ Hàng không Hải quân Atsugi và sân bay Hải quân Yokosuka. Các phi công Nhật Bản đã hành động mà không có sự cho phép của chính phủ Nhật Bản. Họ phản đối lệnh ngừng bắn hoặc tin rằng không phận Nhật Bản phải được duy trì tính bất khả xâm phạm cho đến khi ký kết văn bản đầu hàng chính thức. Họ chỉ gây ra thiệt hại nhỏ và bị các xạ thủ B-32 cầm chân. Vụ việc khiến các tư lệnh Hoa Kỳ ngạc nhiên và thúc đẩy họ phái thêm các chuyến bay trinh sát để xác định xem liệu đây có phải là một cuộc tấn công đơn lẻ của những kẻ ngoan cố hành động độc lập hay Nhật Bản có ý định tiếp tục chiến đấu. Ngày hôm sau, hai chiếc B-32 đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời Tokyo đã bị máy bay chiến đấu Nhật Bản tấn công bên ngoài sân bay Hải quân Yokosuka, và lần này các phi công lại tự mình hành động, làm hư hại một máy bay ném bom. Một thành viên phi hành đoàn của máy bay ném bom đã thiệt mạng và hai người khác bị thương. Đó là cuộc giao tranh trên không cuối cùng của cuộc chiến. Ngày hôm sau, theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, các cánh quạt đã bị loại bỏ khỏi tất cả các máy bay Nhật Bản và các chuyến bay trinh sát tiếp theo của Đồng minh qua Nhật Bản đã diễn ra mà không bị cản trở.[159]

Các quan chức Nhật Bản đến Manila vào ngày 19 tháng 8 để gặp Tư lệnh tối cao quân Đồng minh Douglas MacArthur, và để nhận được thông báo tóm tắt về kế hoạch chiếm đóng của ông. Vào ngày 28 tháng 8, 150 quân nhân Hoa Kỳ bay tới Atsugi thuộc tỉnh Kanagawa, và bắt đầu thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản. Theo sau đó là USS Missouri, các tàu hộ tống chiến hạm này đưa Trung đoàn Thủy quân lục chiến 4 đổ bộ lên bờ biển phía nam Kanagawa. Sư đoàn Hàng không 11 được không vận từ Okinawa đến sân bay Atsugi, cách Tokyo 50 km (30 mi). Các quân nhân Đồng minh khác tiến vào sau đó.

MacArthur đến Tokyo vào ngày 30 tháng 8 và ngay lập tức ban hành một số luật: Không nhân viên Đồng minh nào được tấn công nhân dân Nhật Bản. Không có nhân viên Đồng minh nào được ăn thực phẩm khan hiếm của Nhật Bản. Việc treo cờ Hinomaru hoặc "Húc Nhật kỳ" bị hạn chế nghiêm ngặt.[160]

Việc đầu hàng chính thức diễn ra vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, khoảng 9 giờ sáng giờ Tokyo, khi các đại biểu của Đế quốc Nhật Bản ký vào Văn kiện đầu hàng của Nhật Bản tại Vịnh Tokyo trên tàu USS Missouri, chiến hạm này được hộ tống bởi khoảng 250 tàu Đồng minh khác, bao gồm các tàu hải quân của Anh và Úc và một tàu bệnh viện của Hà Lan.[161] Các quan chức hoặc đại biểu từ khắp nơi trên thế giới được sắp xếp cẩn thận để lên tàu USS Missouri.[162] Ngoại trưởng Nhật Bản Shigemitsu ký đại diện cho chính phủ Nhật Bản, trong khi Tướng Umezu ký đại diện cho lực lượng vũ trang Nhật Bản.[163]

Lễ đầu hàng được lên kế hoạch cẩn thận trên tàu USS Missouri, sắp xếp chi tiết về vị trí chỗ ngồi của tất cả các đại biểu Lục quân, Hải quân và Đồng minh.[164] George F. Kosco quay phim màu buổi lễ, nhưng đoạn phim chỉ được phát hành công khai vào năm 2010.[165]

Mỗi người ký tên ngồi trước một chiếc bàn ăn thông thường trên boong tàu được phủ nỉ màu xanh lá cây, và ký vào hai Văn kiện đầu hàng vô điều kiện - một phiên bản bìa da dành cho lực lượng Đồng minh và một phiên bản đóng gáy bằng vải bạt dành cho Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Mamoru Shigemitsu đại diện Chính phủ Nhật Bản ký kết, theo sau là Tướng mặc quân phục Yoshijiro Umezu, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân. MacArthur đại diện các quốc gia Đồng minh ký kết, theo sau là Đô đốc Hạm đội Chester W. Nimitz với tư cách là đại biểu của Hoa Kỳ. Đại biểu của tám quốc gia Đồng minh khác do đại biểu của Trung Quốc là Thượng tướng Hứa Vĩnh Xương dẫn đầu, ký sau Nimitz. Các nhân vật tham gia ký kết đáng chú ý khác bao gồm Đô đốc Bruce Fraser là đại biểu của Anh, và Đại tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque là đại biểu của Pháp.[166]

Một phần của đoàn máy bay diễu hành vào ngày 2 tháng 9, phía trên Missouri (trái)

Trên Missouri ngày hôm đó có lá cờ Mỹ từng được Phó đề đốc Matthew C. Perry treo vào năm 1853 trên USS Powhatan trong chuyến viễn chinh đầu tiên của ông đến Nhật Bản. Các cuộc viễn chinh của Perry dẫn đến Công ước Kanagawa, buộc Nhật Bản phải mở cửa đất nước để giao dịch với Hoa Kỳ.[167][168] Trong buổi lễ, các tàu sân bay và máy bay Mỹ tuần tra ngoài khơi vì lo ngại các phi công Nhật Bản thực hiện tấn công cảm tử. Trong sự kiện này, không có cuộc tấn công nào như vậy. Buổi lễ kết thúc với màn bay diễu hành của hơn 800 máy bay quân sự Hoa Kỳ, cả từ các tàu sân bay và 462 chiếc B-29 Superfortress đặt trên đất liền.[161]

Sau khi chính thức đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 trên tàu Missouri, các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Nhật Bản nhanh chóng bắt đầu. Nhiều thành viên của hoàng tộc, như các em của Thiên hoàng là Thân vương Yasuhito, Thân vương NobuhitoThân vương Takahito, và chú của ông là Thân vương Naruhiko gây áp lực buộc Thiên hoàng phải thoái vị để một trong các thân vương có thể giữ chức nhiếp chính cho đến khi Thái tử Akihito trưởng thành.[169] Tuy nhiên, trong một cuộc họp với Thiên hoàng vào cuối tháng 9, Tướng MacArthur đảm bảo với ông rằng mình cần sự giúp đỡ của ông để cai trị Nhật Bản, và vì vậy Hirohito không bao giờ bị xét xử. Thủ tục pháp lý của Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông được ban hành vào ngày 19 tháng 1 năm 1946, và không có thành viên nào trong hoàng tộc bị truy tố.[170]

Ngoài ngày 14 và 15 tháng 8, ngày 2 tháng 9 năm 1945 cũng được gọi là Ngày Chiến thắng Nhật Bản.[171] Tổng thống Truman tuyên bố ngày 2 tháng 9 là Ngày V-J (Chiến thắng Nhật Bản), nhưng lưu ý rằng "Đây vẫn chưa phải là ngày tuyên bố chính thức về việc kết thúc chiến tranh cũng như chấm dứt chiến sự."[172] Tại Nhật Bản, ngày 15 tháng 8 thường được gọi là Shūsen-kinenbi (終戦記念日), nghĩa là 'ngày Kỉ niệm kết thúc chiến tranh', nhưng tên của chính phủ cho ngày này (không phải là ngày lễ quốc gia) là Senbotsusha o tsuitō shi heiwa o kinen suru hi (戦没者を追悼し平和を祈念する日, 'ngày truy điệu người mất vì chiến tranh và cầu tụng cho hoà bình').[173]

Tiếp tục đầu hàng và kháng cự

[sửa | sửa mã nguồn]

Một buổi lễ đầu hàng gần như đồng thời được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 trên tàu USS Portland tại rạn san hô vòng Truk, Phó Đô đốc George D. Murray chấp nhận Quần đảo Caroline đầu hàng từ các quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Nhật Bản.

Vào ngày 9 tháng 9 năm 1945, tại Nam Kinh gần một triệu quân Nhật triển khai tại Trung Quốc tuyên bố đầu hàng Tưởng Giới Thạch, thống soái tối cao của Đồng minh tại chiến khu Trung Quốc. Lúc 9 giờ sáng ngày 9 tháng 9, Tổng tư lệnh Lục quân Trung Quốc Hà Ứng Khâm chủ trì lễ đầu hàng tại tổng bộ Lục quân Nam Kinh (trước đây là Trường quân sự Hoàng Phố). Tổng tư lệnh Quân phái khiển Trung Quốc của Nhật Bản là Đại tướng Yasuji Okamura ký vào thư đầu hàng.[174][175][176] Thanh kiếm của Yasuji Okamura được Tướng Hà Ứng Khâm tiếp nhận và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc quân của Trung Hoa Dân Quốc. Thanh kiếm này được làm bằng thép rèn thủ công, có tổng cộng 5 đầu sư tử được khắc trên tay cầm và lưỡi kiếm.[177] Okamura Yasuji đồng thời tiếp nhận Mệnh lệnh số 1 của Thống soái tối cao Chiến khu Trung Quốc, xác nhận toàn bộ lục quân, hải quân và không quân cùng phụ trợ tại Đài Loan đầu hàng vô điều kiện Tưởng Giới Thạch và tuân theo chỉ huy của Tưởng và Hà Ứng Khâm.[178]

Nhiều lễ đầu hàng tiếp theo diễn ra trên khắp các vùng lãnh thổ còn lại của Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Lực lượng Nhật Bản tại Đông Nam Á đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Penang, ngày 10 tháng 9 tại Labuan, ngày 11 tháng 9 tại Vương quốc Sarawak và ngày 12 tháng 9 tại Singapore.[179][180] Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản quyền quản lý Đài Loan vào ngày 25 tháng 10.[181][182] Cho đến năm 1947, tất cả tù binh do Hoa Kỳ và Anh giam giữ đều được hồi hương. Tính đến tháng 4 năm 1949, Trung Quốc vẫn giam giữ hơn 60.000 tù binh Nhật Bản.[183] Một số người như Shozo Tominaga đến cuối thập niên 1950 mới được hồi hương.[184] Hàng nghìn thành viên quân đội và di dân Nhật Bản trở thành bộ đội của quân phiệt Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây sau một thỏa thuận bí mật.[185][186][187] Ngoài ra, Quân đội Cộng sản Trung Quốc cũng tiếp nhận tù binh chiến tranh Nhật Bản và bắt họ gia nhập Bát lộ quânQuân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.[188]

Các yêu cầu hậu cần phục vụ cho việc đầu hàng là rất khó khăn. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, hơn 5.400.000 binh sĩ Nhật Bản và 1.800.000 thủy thủ Nhật Bản bị Đồng minh bắt làm tù binh.[189][190] Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của Nhật Bản, kết hợp với nạn đói nghiêm trọng năm 1946, càng làm phức tạp thêm nỗ lực của Đồng minh trong việc cung cấp lương thực cho tù binh và thường dân Nhật Bản.[191][192]

Tình trạng chiến tranh giữa hầu hết các quốc gia Đồng minh và Nhật Bản chính thức kết thúc khi Hiệp ước San Francisco có hiệu lực vào ngày 28 tháng 4 năm 1952. Cùng ngày hiệp ước này có hiệu lực, Nhật Bản chính thức thiết lập hòa bình với Trung Hoa Dân Quốc với việc ký kết Hiệp ước Đài Bắc. Nhật Bản và Liên Xô chính thức thiết lập hòa bình bốn năm sau đó, khi họ ký kết Tuyên bố chung Xô–Nhật 1956.[193] Đến năm 1972, Trung Quốc và Nhật Bản mới khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường, và ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung–Nhật vào năm 1978.

Một số tàn binh Nhật Bản không chịu đầu hàng, đặc biệt là trên các đảo nhỏ tại Thái Bình Dương, (tin rằng tuyên bố đầu hàng đó là tuyên truyền hoặc cho việc đầu hàng là trái với đạo lý của họ). Một số người có thể chưa bao giờ nghe nói về chúng. Teruo Nakamura là tàn binh cuối cùng được biết đến, ông xuất hiện từ nơi ẩn náu của mình tại khu vực nay là Indonesia độc lập vào tháng 12 năm 1974, trong khi hai người lính Nhật Bản khác đã gia nhập du kích cộng sản vào cuối chiến tranh và chiến đấu tại miền nam Thái Lan cho đến năm 1990.[194] Ngược lại với tin này, một tường thuật cho thấy họ chiến đấu cho đến năm 1991.[195]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Frank 1999, tr. 90
  2. ^ Skates 1994, tr. 158, 195.
  3. ^ Bellamy 2007, tr. 676.
  4. ^ Frank 1999, tr. 87–88.
  5. ^ Frank 1999, tr. 81.
  6. ^ Pape 1993.
  7. ^ Feifer 2001, tr. 418.
  8. ^ a b c Reynolds 1968, tr. 363.
  9. ^ Frank 1999, tr. 89, citing Daikichi Irokawa, The Age of Hirohito: In Search of Modern Japan (New York: Free Press, 1995; ISBN 978-0-02-915665-0). Japan consistently overstated its population as 100 million, when in fact the 1944 census counted 72 million.
  10. ^ Skates 1994, tr. 100–15.
  11. ^ Hasegawa 2005, tr. 295–96.
  12. ^ Frank 1999, tr. 87.
  13. ^ Frank 1999, tr. 86.
  14. ^ Spector 1985, tr. 33.
  15. ^ Vai trò chính xác của Thiên hoàng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận lịch sử. Theo các sắc lệnh của Thủ tướng Suzuki, nhiều bằng chứng quan trọng đã bị tiêu hủy trong thời gian từ khi Nhật Bản đầu hàng cho đến khi quân Đồng minh bắt đầu chiếm đóng. Bắt đầu từ năm 1946, sau khi thành lập tòa án Tokyo, hoàng gia bắt đầu tranh luận rằng Hirohito là một nhân vật bù nhìn bất lực, một số nhà sử học chấp nhận quan điểm này. Những người khác như Herbert Bix, John W. Dower, Akira FujiwaraYoshiaki Yoshimi cho rằng ông tích cực cai trị từ phía sau hậu trường. Theo Frank 1999, tr. 87, "Cả hai quan điểm cực đoan này đều không chính xác" và sự thật dường như nằm ở đâu đó giữa chúng.
  16. ^ Chang 1997, tr. 177.
  17. ^ Để biết thêm chi tiết về những gì đã bị phá hủy, xem Wilson 2009, tr. 63.
  18. ^ Booth 1996, tr. 67.
  19. ^ Frank 1999, tr. 92.
  20. ^ Frank 1999, tr. 91–92.
  21. ^ Butow 1954, tr. 70–71.
  22. ^ Spector 1985, tr. 44–45.
  23. ^ Frank 1999, tr. 89.
  24. ^ Bix 2001, tr. 488–489.
  25. ^ Hogan 1996, tr. 86.
  26. ^ Hasegawa 2005, tr. 39.
  27. ^ Hasegawa 2005, tr. 39, 68.
  28. ^ Frank 1999, tr. 291.
  29. ^ Soviet-Japanese Neutrality Pact, 13 April 1941. (Avalon Project at Yale University)
    Declaration Regarding Mongolia, 13 April 1941. (Avalon Project at Yale University)
  30. ^ Soviet Denunciation of the Pact with Japan. Avalon Project, Yale Law School. Text from United States Department of State Bulletin Vol. XII, No. 305, 29 April 1945. Retrieved 22 February 2009.
  31. ^ "Molotov's note was neither a declaration of war nor, necessarily, of intent to go to war. Legally, the treaty still had a year to run after the notice of cancellation. But the Foreign Commissar's tone suggested that this technicality might be brushed aside at Russia's convenience." "So Sorry, Mr. Sato". Time, 16 April 1945.
  32. ^ Russia and Japan Lưu trữ 13 tháng 9 năm 2011 tại Wayback Machine, declassified CIA report from April 1945.
  33. ^ Slavinskiĭ, trích từ nhật ký của molotov, kể lại cuộc trò chuyện giữa Molotov và đại sứ Nhật Bản tại Moskva Satō: Sau khi Molotov đọc tuyên bố, Satō "cho phép mình hỏi Molotov để làm rõ một số điều", nói rằng ông nghĩ rằng chính phủ của mình kỳ vọng rằng trong năm từ 25 tháng 4 năm 1945 - 25 tháng 4 năm 1946, chính phủ Liên Xô sẽ duy trì mối quan hệ tương tự với Nhật Bản mà họ đã duy trì cho đến nay, "lưu ý rằng Hiệp ước vẫn còn hiệu lực". Molotov trả lời rằng "trên thực tế, mối quan hệ Xô-Nhật trở lại tình trạng như trước khi ký kết hiệp ước". Satō nhận xét rằng trong trường hợp đó chính phủ Liên Xô và Nhật Bản diễn giải vấn đề theo cách khác nhau. Molotov trả lời rằng "có một số hiểu lầm" và giải thích rằng "khi hết thời hạn 5 năm ... quan hệ Xô-Nhật rõ ràng sẽ trở lại nguyên trạng trước khi ký kết hiệp ước". Sau khi thảo luận thêm, Molotov tuyên bố: "Thời hạn hiệu lực của Hiệp ước vẫn chưa kết thúc". (Slavinskiĭ 2004, tr. 153–154.)
    Slavinskiĭ tóm tắt thêm chuỗi sự kiện:
    • "Ngay cả sau khi Đức rút khỏi chiến tranh, Moscow vẫn tiếp tục nói rằng Hiệp ước vẫn có hiệu lực và Nhật Bản không có lý do gì phải lo lắng về tương lai của quan hệ Xô-Nhật."
    • 21 tháng 5 năm 1945: Malik (đại sứ Liên Xô tại Tokyo) nói với Sukeatsu Tanakamura, đại diện cho lợi ích ngư nghiệp của Nhật Bản tại vùng biển Liên Xô, rằng hiệp ước vẫn tiếp tục có hiệu lực.
    • 29 tháng 5 năm 1945: Molotov nói với Satō: "chúng ta chưa hủy bỏ hiệp ước".
    • 24 tháng 6 năm 1945: Malik nói với Kōki Hirota rằng Hiệp ước trung lập ... sẽ tiếp tục ... cho đến khi nó hết hạn.
    Tuy nhiên, lưu ý rằng Malik không biết (chưa được thông báo) rằng Liên Xô đang chuẩn bị tấn công. (Slavinskiĭ 2004, tr. 184.)
  34. ^ Frank 1999, tr. 93.
  35. ^ Frank 1999, tr. 95.
  36. ^ a b c d e f g h Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên {{{1}}}
  37. ^ Frank 1999, tr. 93–94.
  38. ^ Frank 1999, tr. 96.
  39. ^ Toland, John. The Rising Sun. Modern Library, 2003. ISBN 978-0-8129-6858-3. p. 923.
  40. ^ Frank 1999, tr. 97, quoting The Diary of Marquis Kido, 1931–45: Selected Translations into English, pp. 435–436.
  41. ^ Frank 1999, tr. 97–99.
  42. ^ a b Frank 1999, tr. 100, quoting Terasaki, 136–137.
  43. ^ Frank 1999, tr. 102.
  44. ^ Frank 1999, tr. 94.
  45. ^ Hewlett & Anderson 1962, tr. 81–83.
  46. ^ Hewlett & Anderson 1962, tr. 376–380.
  47. ^ United States Army Corps of Engineers, Manhattan Engineer District (1946). “The atomic bombings of Hiroshima and Nagasaki”. OCLC 77648098. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2011.
  48. ^ Frank 1999, tr. 254–255.
  49. ^ a b c Hasegawa 2005, tr. 67.
  50. ^ Schmitz 2001, tr. 182.
  51. ^ Hewlett & Anderson 1962, tr. 19.
  52. ^ a b Hewlett & Anderson 1962, tr. 340–342.
  53. ^ Hewlett & Anderson 1962, tr. 344–345.
  54. ^ Hasegawa 2005, tr. 90.
  55. ^ Frank 1999, tr. 256.
  56. ^ Frank 1999, tr. 260.
  57. ^ Hasegawa 2005, tr. 149.
  58. ^ Hasegawa 2005, tr. 150–152. "Truman did not issue any order to drop the bomb. In fact, he was not involved in this decision but merely let the military proceed without his interference."
  59. ^ Frank 1999, tr. 221, citing Magic Diplomatic Summary No. 1201.
  60. ^ Frank 1999, tr. 222–23, citing Magic Diplomatic Summary No. 1205, 2 (PDF).
  61. ^ Frank 1999, tr. 226, citing Magic Diplomatic Summary No. 1208, 10–12.
  62. ^ Frank 1999, tr. 227, citing Magic Diplomatic Summary No. 1209.
  63. ^ Frank 1999, tr. 229, citing Magic Diplomatic Summary No. 1212.
  64. ^ Frank 1999, tr. 230, citing Magic Diplomatic Summary No. 1214, 2–3 (PDF).
  65. ^ "Some messages were deciphered and translated the same day and most within a week; a few in cases of key change took longer"—The Oxford Guide to World War II, ed. I.C.B. Dear. Oxford: Oxford University Press, 2007. ISBN 978-0-19-534096-9 S.v. "MAGIC".
  66. ^ Hasegawa 2005, tr. 60.
  67. ^ Hasegawa 2005, tr. 19, 25.
  68. ^ Hasegawa 2005, tr. 32.
  69. ^ a b Hasegawa 2005, tr. 86.
  70. ^ Hasegawa 2005, tr. 115–16.
  71. ^ Frank 1999, tr. 279.
  72. ^ Hasegawa 2005, tr. 152–53.
  73. ^ "American officials meeting in Washington on August 10, 1945 ... decided that a useful dividing line between the U.S. and Soviet administrative occupation zones would be the 38th parallel across the midsection of the [Korean] peninsula, thereby leaving Korea's central city, Seoul, within the U.S. zone. This arrangement was suggested to the Soviet side shortly after the USSR entered both the Pacific War and the Korean peninsula. The Soviets accepted that dividing line, even though their attempt to obtain a corresponding northern Japan occupation zone on the island of Hokkaido was rejected by Washington." – Edward A. Olsen. Korea, the Divided Nation. Greenwood Publishing Group, 2005. ISBN 978-0-275-98307-9. Page 62.
  74. ^ Rhodes 1986, tr. 690.
  75. ^ Hasegawa 2005, tr. 145–48.
  76. ^ Hasegawa 2005, tr. 118–19.
  77. ^ Weintraub 1995, tr. 288.
  78. ^ Frank 1999, tr. 234.
  79. ^ Kenkyusha. 2004. Kenkyusha's New Japanese-English Dictionary 5th ed. ISBN 978-4-7674-2016-5
  80. ^ Zanettin, Federico (2016). 'The deadliest error': Translation, international relations and the news media”. The Translator. 22 (3): 303–318. doi:10.1080/13556509.2016.1149754. S2CID 148299383.
  81. ^ Frank 1999, tr. 236, citing Magic Diplomatic Summary No. 1224.
  82. ^ Frank 1999, tr. 236, citing Magic Diplomatic Summary No. 1225, 2 (PDF).
  83. ^ Tucker, Spencer. A Global Chronology of Conflict: From the Ancient World to the Modern Middle East: From the Ancient World to the Modern Middle East, p. 2086 (ABC-CLIO, 2009).
  84. ^ White House Press Release Announcing the Bombing of Hiroshima, August 6, 1945. The American Experience: Truman. PBS.org. Sourced to The Harry S. Truman Library, "Army press notes," box 4, Papers of Eben A. Ayers.
  85. ^ Frank 1999, tr. 270–71. "Trong khi các sĩ quan cấp cao của Nhật Bản không tranh cãi về khả năng trên lý thuyết của những loại vũ khí như vậy, họ từ chối thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã vượt qua những khó khăn to lớn trong thực tiễn để chế tạo bom nguyên tử." Vào ngày 7 tháng 8, Bộ Tham mưu Hoàng gia đưa ra một thông báo nói rằng Hiroshima đã bị một loại bom mới tấn công. Một nhóm do Trung tướng Seizō Arisue lãnh đạo được cử đến Hiroshima vào ngày 8 tháng 8 để điều tra giữa một số giả thuyết về nguyên nhân vụ nổ, bao gồm cả việc Hiroshima bị tấn công bởi một quả bom magie hoặc oxy lỏng.
  86. ^ Frank 1999, tr. 270–71.
  87. ^ Frank 1999, tr. 283–84.
  88. ^ Nikolaevich, Boris (2004). The Japanese-Soviet neutrality pact : a diplomatic history, 1941–1945 in SearchWorks catalog. searchworks.stanford.edu (bằng tiếng Anh). Psychology Press. ISBN 9780415322928. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2018.
  89. ^ Hasegawa, Tsuyoshi Hasegawa. “THE SOVIET FACTOR IN ENDING THE PACIFIC WAR: From the Hirota-Malik Negotiations to Soviet Entry into the War” (PDF). University Center for International Studies. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2018.
  90. ^ Tertitskiy, Fyodor (8 tháng 8 năm 2018). “The Soviet-Japanese War: the brief conflict that created North Korea”. NK News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2018.
  91. ^ Soviet Declaration of War on Japan, 8 August 1945. (Avalon Project at Yale University)
  92. ^ Butow 1954, tr. 154–64; Hoyt 1986, tr. 401. Liên Xô đưa ra lời tuyên chiến với Đại sứ Nhật Bản Satō tại Moskva hai giờ trước khi xâm chiếm Mãn Châu. Tuy nhiên, bất chấp những đảm bảo ngược lại, Liên Xô đã không cho chuyển bức điện của Satō báo tuyên bố này về Tokyo, và cắt đường dây điện thoại của đại sứ quán. Đây là sự trả thù cho cuộc tấn công lén lút vào cảng Lữ Thuận của Nhật Bản 40 năm trước. Người Nhật biết về vụ tấn công này qua sóng phát thanh từ Moskva.
  93. ^ Wilson, Ward (30 tháng 5 năm 2013). “The Bomb Didn't Beat Japan... Stalin Did”. foreignpolicy.com. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2016.
  94. ^ Asada 1998.
  95. ^ Frank 1999, tr. 288–89.
  96. ^ Diary of Kōichi Kido, 1966, p. 1223.
  97. ^ Frank 1999, tr. 290–91.
  98. ^ Truman, Harry S.. "Radio Report to the American People on the Potsdam Conference" (August 9, 1945).. Delivered from the White House at 10 p.m, 9 August 1945
  99. ^ Hasegawa 2005, tr. 207–08.
  100. ^ Phi công Marcus McDilda đã nói dối. McDilda bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nhật Bản hai ngày sau vụ đánh bom tại Hiroshima, không biết gì về Dự án Manhattan và chỉ nói với những người thẩm vấn của mình những gì anh ta nghĩ họ muốn nghe sau khi một trong số họ rút một thanh kiếm samurai và kề nó vào cổ họng anh ta. Lời nói dối khiến McDilda bị xếp vào loại tù nhân ưu tiên cao có lẽ đã cứu anh ta khỏi bị chặt đầu. Hagen 1996, tr. 159–62.
  101. ^ Hasegawa 2005, tr. 298.
  102. ^ Coffey 1970, tr. 349.
  103. ^ Hasegawa 2005, tr. 209.
  104. ^ Frank 1999, tr. 295–96.
  105. ^ Bix 2001, tr. 517, citing Yoshida, Nihonjin no sensôkan, 42–43.
  106. ^ Hoyt 1986, tr. 405.
  107. ^ Frank 1999, tr. 302.
  108. ^ a b "Truman said he had given orders to stop atomic bombing. He said the thought of wiping out another 100,000 was too horrible. He didn't like the idea of killing, as he said, 'all those kids.'" Diary of Commerce Secretary Henry Wallace, 10 August 1945 National Security Archives. Retrieved 5 December 2017.
    "It is not to be released over Japan without express authority from the President." – Reply written on memo from General Groves, head of the Manhattan Project, to General Marshall, USA chief of staff regarding the preparations for a third atomic strike. 10 August 1945 National Security Archives. Retrieved 5 December 2017.
  109. ^ Frank 1999, tr. 303.
  110. ^ Trong khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Spaatz đã đưa ra một quyết định quan trọng. Dựa trên bằng chứng từ Đoàn Khảo sát ném bom chiến lược châu Âu, ông ra lệnh việc ném bom chiến lược tái tập trung nỗ lực ra khỏi việc ném bom các thành phố của Nhật Bản, để tập trung vào việc xóa sổ cơ sở hạ tầng giao thông và dầu mỏ của Nhật Bản. Frank 1999, tr. 303–07.
  111. ^ Frank 1999, tr. 310.
  112. ^ Terasaki 1991, tr. 129.
  113. ^ Bix 2001, tr. 129.
  114. ^ a b c d e Frank 1999, tr. 313.
  115. ^ Smith & McConnell 2002, tr. 183.
  116. ^ Smith & McConnell 2002, tr. 188.
  117. ^ Wesley F. Craven and James L. Cate, The Army Air Forces in World War II, Vol. 5, pp. 732–33. (Catalog entry, U Washington.)
  118. ^ Smith & McConnell 2002, tr. 187.
  119. ^ Sau chiến tranh, các cuộc ném bom được biện minh là chúng đang được tiến hành khi nhận được tin Nhật Bản đầu hàng, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Smith, 187–88 lưu ý rằng mặc dù máy bay ném bom đã tấn công Nhật Bản vào ban ngày, nhưng máy bay ném bom vào ban đêm vẫn chưa cất cánh khi nhận được thông báo đầu hàng qua sóng vô tuyến. Smith cũng lưu ý rằng, bất chấp những nỗ lực đáng kể, ông không tìm thấy tài liệu lịch sử nào liên quan đến việc Spaatz ra lệnh tiếp tục cuộc tấn công.
  120. ^ Vài giờ trước khi tin Nhật Bản đầu hàng được công bố, Truman đã thảo luận với John Balfour (đại sứ Anh tại Mỹ). Theo Balfour, Truman "buồn bã nhận xét rằng giờ đây ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh ném một quả bom nguyên tử xuống Tokyo." – Frank 1999, tr. 327, citing Bernstein, Eclipsed by Hiroshima and Nagasaki, p 167.
  121. ^ Cụ thể, Tướng Carl Spaatz, người đứng đầu Không lực Chiến lược Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và Tướng Lauris Norstad, trợ lý Tham mưu trưởng Không lực về Kế hoạch được ghi nhận là ủng hộ lựa chọn này. Spaatz gần nhất là vào ngày 10 tháng 8 từng xin phép tiến hành một cuộc tấn công nguyên tử vào Tokyo ngay khi có vũ khí khác. – Wesley F. Craven and James L. Cate, The Army Air Forces in World War II, Vol. 5, pp. 730 and Ch. 23 ref. 85. (Catalog entry, U Washington.)
  122. ^ a b Frank 1999, tr. 314.
  123. ^ a b Frank 1999, tr. 315.
  124. ^ Bix 2001, tr. 558.
  125. ^ MacArthur, Douglas. “Reports of General MacArthur Vol II – Part II”. US Army Center of Military History. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2016. On the same day that the Rescript to the armed forces was issued, three Imperial Princes left Tokyo by air as personal representatives of the Emperor to urge compliance with the surrender decision upon the major overseas commands. The envoys chosen all held military rank as officers of the Army, and they had been guaranteed safety of movement by General MacArthur's headquarters. General Prince Yasuhiko Asaka was dispatched as envoy to the headquarters of the expeditionary forces in China, Maj. Gen. Prince Haruhiko Kanin to the Southern Army, and Lt. Col. Prince Tsuneyoshi Takeda to the Kwantung Army in Manchuria.
  126. ^ Fuller, Richard Shokan: Hirohito's Samurai 1992 p.290 ISBN 1-85409-151-4
  127. ^ a b c Hasegawa 2005, tr. 244.
  128. ^ a b Hoyt 1986, tr. 409.
  129. ^ Frank 1999, tr. 318.
  130. ^ Hoyt 1986, tr. 407–08.
  131. ^ Frank 1999, tr. 317.
  132. ^ Frank 1999, tr. 319.
  133. ^ Butow 1954, tr. 220.
  134. ^ Hoyt 1986, tr. 409–10.
  135. ^ The Pacific War Research Society, 227.
  136. ^ The Pacific War Research Society, 309.
  137. ^ Butow 1954, tr. 216.
  138. ^ a b c Hoyt 1986, tr. 410.
  139. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 279.
  140. ^ a b Wainstock 1996, tr. 115.
  141. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 246.
  142. ^ Hasegawa 2005, tr. 247.
  143. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 283.
  144. ^ Hoyt 1986, tr. 411.
  145. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 303.
  146. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 290.
  147. ^ The Pacific War Research Society 1968, tr. 311.
  148. ^ a b c “Text of Hirohito's Radio Rescript”. The New York Times. 15 tháng 8 năm 1945. tr. 3. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2015.
  149. ^ Dower 1999, tr. 34.
  150. ^ “The Emperor's Speech: 67 Years Ago, Hirohito Transformed Japan Forever”. The Atlantic. 15 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2013.
  151. ^ “History – 1945”. The 1945 Project. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2020.
  152. ^ Dower 1999, tr. 38–39.
  153. ^ Spector 1985, tr. 558. Spector xác định nhầm Higashikuni là em trai của Thiên hoàng.
  154. ^ The Last to Die | Military Aviation | Air & Space Magazine. Airspacemag.com. Retrieved on 5 August 2010.
  155. ^ Hirohito (17 tháng 8 năm 1945), To the officers and men of the imperial forces (bằng tiếng Anh), Taiwan Documents Project, Wikidata Q108108292
  156. ^ Ngày họ kỷ niệm ngày Chiến thắng Nhật Bản tùy thuộc vào giờ địa phương khi họ nhận được tin Nhật Bản đầu hàng. Các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung Anh tổ chức vào ngày 15, trong khi Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 14.
  157. ^ Wood, James. “The Australian Military Contribution to the Occupation of Japan, 1945–1952” (PDF). Australian War Museum. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2012.
  158. ^ a b Hasegawa 2005, tr. 271ff.
  159. ^ “The Last to die”.
  160. ^ Các cá nhân và văn phòng cấp tỉnh có thể nộp đơn xin phép treo nó. Lệnh hạn chế được dỡ bỏ một phần vào năm 1948 và được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm sau đó.
  161. ^ a b “Celebrating the End of the War”. National Air and Space Museum. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2023.
  162. ^ “Order of Dignitaries – World War 2 Surrender Collection”. World War 2 Surrender Collection. 9 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2018.
  163. ^ “1945 Japan surrenders”. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2015.
  164. ^ “Original Copy of Surrender Ceremony Documents on USS Missouri – World War 2 Surrender Collection”. World War 2 Surrender Collection (bằng tiếng Anh). 8 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2018.
  165. ^ Patrick, Neil (10 tháng 5 năm 2016). “This footage shows the Japanese surrender from 1945 in color”. The Vintage News. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2022.
  166. ^ "Nimitz at Ease", Capt. Michael A. Lilly, USN (ret), Stairway Press, 2019
  167. ^ “Surrender of Japan, Tokyo Bay, 2 September 1945”. Photographic Collections – NARA Series (Photograph). Naval History and Heritage Command. USA C-2716. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2021. Framed flag in upper left is that flown by Commodore Matthew C. Perry's flagship when she entered Tokyo Bay in 1853. It was borrowed from the U.S. Naval Academy Museum for the occasion.
  168. ^ Dower 1999, tr. 41.
  169. ^ Bix 2001, tr. 571–73.
  170. ^ The Tokyo War Crimes Trials (1946–1948). The American Experience: MacArthur. PBS. Retrieved 25 February 2009.
  171. ^ "1945: Japan signs unconditional surrender" On This Day: 2 September, BBC.
  172. ^ "Radio Address to the American People after the Signing of the Terms of Unconditional Surrender by Japan," Lưu trữ 11 tháng 2 năm 2012 tại Wayback Machine Harry S. Truman Library and Museum (1 September 1945).
  173. ^ 厚生労働省:全国戦没者追悼式について (bằng tiếng Nhật). Ministry of Health, Labour and Welfare. 8 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2008.
  174. ^ “紀念抗日戰爭勝利暨臺灣光復65週年特展專輯-光榮勝利時刻”. 臺灣省政府. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |deadurl= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  175. ^ “侵華日軍簽降書文物首次在南京亮相”. 人民網. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |dead-url= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  176. ^ “參、光復新生”. 台灣省諮議會. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |dead-url= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  177. ^ “國軍歷史文物館 » 常設展覽 » 國軍兵器室”. 中華民國國防部. 12 tháng 10 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |deadurl= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  178. ^ 研究員 馬有成. “從投降到受降—撼動歷史的26天”. 國家發展委員會檔案管理局. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |dead-url= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  179. ^ “WW2 People's War – Operation Jurist and the end of the War”. www.bbc.co.uk. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2017.
  180. ^ “The Japanese Formally Surrender”. National Library Board, Singapore. 12 tháng 9 năm 1945. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2016.
  181. ^ Ng Yuzin Chiautong (1972). Historical and Legal Aspects of the International Status of Taiwan (Formosa). World United Formosans for Independence (Tokyo). Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2010.
  182. ^ “Taiwan's retrocession procedurally clear: Ma”. The China Post. CNA. 26 tháng 10 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2015.
  183. ^ Dower 1999, tr. 51.
  184. ^ Cook & Cook 1992, tr. 40, 468.
  185. ^ 孔繁芝和尤晋鸣 (2011年). “二战后侵华日军"山西残留" (PDF) (bằng tiếng Trung). 《抗日戰爭研究》. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2012. Đã bỏ qua tham số không rõ |dead-url= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  186. ^ 池谷薰 (2007年7月). 《蟻之部隊:2600名日本兵遺留於山西省的真相》(蟻の兵隊―日本兵2600人山西省残留の真相) (bằng tiếng Nhật). 日本矢來町: 新潮社. ISBN 978-4103051312. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  187. ^ 米濱泰英 (2008年6月). 日本軍「山西残留」―国共内戦に翻弄された山下少尉の戦後 (bằng tiếng Nhật). ISBN 978-4434119545. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  188. ^ 山口盈文 (1994). 僕は八路軍の少年兵だった (bằng tiếng Nhật). 日本新宿: 草思社. ISBN 978-4794205445.
  189. ^ Weinberg 1999, tr. 892.
  190. ^ Cook & Cook 1992, tr. 403 đưa ra tổng số quân nhân Nhật Bản là 4.335.500 người tại Nhật Bản vào ngày đầu hàng, cộng thêm 3.527.000 ở nước ngoài.
  191. ^ Frank 1999, tr. 350–52.
  192. ^ Cook & Cook 1992 có một cuộc phỏng vấn với Iitoyo Shogo về trải nghiệm của ông khi là tù binh của Anh tại đảo Galang—được các tù nhân gọi là "Đảo đói khát".
  193. ^ “Preface”. Ministry of Foreign Affairs of Japan.
  194. ^ Brunnstrom, David (11 tháng 1 năm 1990). “Two Japanese Who Fought for 40 years With Malaysian Communists Head Home”. AP NEWS. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  195. ^ Wilmott, Cross & Messenger 2004, tr. 293: The authors seem to have made an error about the year of surrender.

Nguồn trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]