Kinh điển Phật giáo
Bài này có liệt kê các nguồn tham khảo và/hoặc liên kết ngoài, nhưng nội dung trong thân bài cần được dẫn nguồn đầy đủ bằng các chú thích trong hàng để người khác có thể kiểm chứng. (tháng 6 năm 2024) |
Kinh điển Phật giáo |
Kinh điển Phật giáo có số lượng cực kỳ lớn, thậm chí xưa lấy 84.000 để ước chừng tượng trưng về số lượng pháp uẩn.[1] Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết ở trên giấy mực được chia theo nội dung làm ba loại là Kinh, Luật và Luận. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Họ cho rằng các bộ kinh, luận có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và giữ thái độ khác nhau đối với kinh điển: từ tôn kính một loại kinh văn nhất định cho đến bác bỏ, xem thường một vài kinh văn nào đó, cho là ngụy tạo. Thế nên, các bộ kinh, luận khó có thể được gọi là Thánh kinh (Sacred scripture) với nghĩa được hiểu như thánh kinh của Kitô giáo hoặc các tôn giáo khác.
Kinh văn Phật giáo có thể chia ra hai loại dựa trên nguồn gốc hình thành kinh như loại tiêu chuẩn (hoặc chủ yếu, canonical) và loại ngoài tiêu chuẩn (hoặc thứ yếu, non-canonical). Thuộc về kinh văn tiêu chuẩn là các bài Kinh (經, sa. sūtra, pi. sutta), nguồn gốc tiếng Phạn, được chép lại lời dạy của chính vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni - "Phật lịch sử" ở đây được hiểu một cách chính xác hoặc như một ẩn dụ. Thuộc loại ngoài tiêu chuẩn là các bài luận giải những bộ kinh hoặc luận, cũng như những văn bản trích dẫn kinh, lịch sử hình thành kinh, văn phạm,... của các Đại sư, Luận sư.
Tuy nhiên cũng nên hiểu là cách chia loại như thế có phần tùy tiện và một vài kinh văn có thể được xếp vào một trong hai loại nêu trên, hoặc có thể được xếp vào nhiều hơn một trong những loại được kể bên dưới.
Kinh điển loại tiêu chuẩn
[sửa | sửa mã nguồn]Tuy có rất nhiều kinh văn loại tiêu chuẩn có nguồn gốc từ chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng các trường phái Phật giáo lại thường không nhất trí với nhau về mặt thể loại tiêu chuẩn của từng kinh văn, và những lần duyệt văn bản của các Đại tạng kinh cho thấy rất nhiều khác biệt về số lượng và thể loại kinh văn[cần dẫn nguồn]. Nhìn chung, kinh văn được chia thành ba loại theo nội dung: Kinh (những bài thuyết pháp, sa. sūtra, pi. sutta), Luật (sa., pi. vinaya, viết về giới luật của Tăng-già) và Luận hoặc A-tì-đạt-ma (sa. abhidharma, pi. abhidhamma, mang tính chất bàn luận, giải thích, phân tích các bài kinh, nói về các pháp). Ba loại kinh này được gọi chung là Tam tạng (sa. tripiṭaka, pi. tipiṭaka). Riêng Kinh tạng (sa. sūtrapiṭaka) và Luật tạng (sa. vinayapiṭaka) chứa đựng nhiều kinh văn khác nhau, gồm cả các bài giảng về các pháp, các bàn luận, giải thích về các giáo lý, kinh văn nói về vũ trụ, sự tiến hóa của vũ trụ, nói về tiền thân của Phật-đà (Bản sinh kinh), và các bảng liệt kê các pháp khác nhau.
Các kinh văn loại tiêu chuẩn của trường phái Thượng tọa bộ (pi. theravāda) và các trường phái Ni-ca-da (pi. nikāya) khác được tin tưởng là chép lại một cách chân xác chính lời dạy của Phật Thích-ca. Đại tạng kinh của Thượng tọa bộ còn được gọi là Đại tạng kinh Pali vì tạng kinh này được viết bằng tiếng Pali bao gồm khoảng 4 triệu chữ.
Các kinh văn loại tiêu chuẩn của các trường phái theo Đại thừa ra đời sau này cũng được tin tưởng là chép lại lời dạy của đức Phật, nhưng được lưu truyền một cách bí mật qua những linh vật như rồng (long 龍, sa. nāga) hoặc chép lời dạy trực tiếp của những vị Phật hoặc Bồ Tát khác. Khoảng 600 bộ kinh Đại thừa được truyền lại bằng tiếng Phạn hoặc trong những bản dịch tiếng Hán hoặc tiếng Tây Tạng. Đại tạng kinh Đại thừa đầy đủ nhất hiện nay có lẽ là phiên bản bằng tiếng Hán, mặc dù đây chỉ là bản dịch từ tiếng Phạn. Đại tạng này chứa đựng kinh văn của nhiều bộ phái truyền thống xưa (có 18 bộ phái).
Các bộ kinh Đại thừa sớm nhất được viết bằng tiếng Trung kì Ấn Nhã-lợi-an (en. Middle Indo-Aryan), sau được Phạn hóa vào thời vương triều Cấp-đa (sa. gupta), khi tiếng Phạn được xem là ngôn ngữ chính thức tại triều đình[cần dẫn nguồn]. Phần lớn kinh văn Đại thừa được viết với những nét văn hoa bắt chước tiếng Phạn cổ điển bằng Phật giáo tạp chủng phạn ngữ (Buddhist Hybrid Sanskrit, BHS) đây là một dạng phương ngữ Trung kì Ấn Nhã-lợi-an. Một số kinh văn sau này, đặc biệt là những kinh văn có gốc từ đại học Phật giáo Na-lan-đà (sa. nālandā), được viết một cách văn hoa bằng Phạn ngữ thuần túy.
Với các trường phái Kim Cương thừa của Tây Tạng thì Đại tạng kinh Tây Tạng ngoài ba loại kinh văn Kinh, Luật và Luận còn chứa đựng các bộ Đát-đặc-la (sa. tantra) ghi những phép tu luyện bí mật và các bài chú giải về chúng.
Cách phân loại kinh văn theo ba cỗ xe (Tam thừa 三乘, sa. triyāna gồm Đại thừa, Tiểu thừa, và Kim cương thừa) truyền thống có thể làm lu mờ quá trình hình thành kinh văn. Ví dụ như có các kinh văn được gọi là "Tiền đại thừa" (proto-mahāyāna), ví như bài Vô Năng Thắng Quân kinh (sa. ajitasenasūtra), nhưng chúng hoàn toàn thiếu những yếu tố chủ yếu của kinh văn Đại thừa. Ngược lại, một số bài kinh văn hệ Pali của Thượng tọa bộ lại chứa đựng chính những tư tưởng sau này được xem là gắn liền với Đại thừa. Một số kinh văn Đại thừa khác - được xem là hiển giáo - lại thể hiện rõ ràng bản chất mật giáo Đát-đặc-la, đặc biệt là những bài kinh ngắn thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Nhưng cũng có kinh văn thuộc loại Đát-đặc-la lại xuất hiện rất sớm là Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh (zh. 大毗盧遮那成佛神變加持經, sa. mahāvairocanābhisambodhitantra), thường được gọi tắt là Đại Nhật kinh (sa. mahāvairocanasūtra).
Một số bài kinh Phật giáo qua quá trình mở rộng dần dần gần như trở thành một bộ kinh riêng, được gọi là kinh "phương đẳng" (方等) hoặc "phương quảng" (方廣, sa. vaipulya, pi. vipula) là những bộ kinh "rộng lớn bao quát". Như bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh (zh. 金光明最勝王經, sa. suvarṇaprabhāsottamasūtra) mà nội dung xoay quanh chương trung tâm là chương thứ ba của bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (zh. 大方廣佛華嚴經, sa. buddhāvataṃsaka-mahāvaipulyasūtra) - cũng được gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm - được các nhà nghiên cứu cho là một trường hợp điển hình về một bộ kinh đã đào sâu và chắt lọc được nhiều đạo lý bao quát từ các bộ kinh khác nhau và nhiều phần trong bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh này vẫn được xem như một kinh văn độc lập, nhất là phần Hoa Nghiêm (sa. gaṇḍavyūha). Kinh Hoa Nghiêm và kinh Diệu Pháp Liên Hoa (zh. 妙法蓮華經, sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra) nhắc đến khái niệm Nhất thừa (zh. 一乘, sa. ekayāna), theo hai bộ kinh này thì nội dung của nó là sự tổng hợp và thống nhất tất cả những giáo lý có trước đó.
Mật tông tại Trung Hoa - còn được biết với tên Chân ngôn tông tại Nhật- thì phát triển một hệ thống kinh văn trên cơ sở cho rằng, các bộ kinh đầu tiên là lời của đức Phật Cồ-đàm, được thuyết giảng dưới dạng Hóa thân (zh. 化身, sa. nirmāṇakāya); bộ kinh thuộc hệ Nhất thừa được Phật thuyết dưới dạng Báo thân, và kinh văn của Mật giáo được truyền dưới dạng Pháp thân (xem thêm Tam thân).
Kinh điển loại ngoài tiêu chuẩn
[sửa | sửa mã nguồn]Trong thời kì đầu của Phật giáo, kinh văn ngoài tiêu chuẩn, hoặc bán tiêu chuẩn, đã đóng một vai trò quan trọng. Nhiều bộ luận quan trọng tồn tại trong Đại tạng kinh tiếng Pali, tiếng Tây Tạng, Trung Hoa và những ngôn ngữ Đông Á khác.
Kinh điển ngoài tiêu chuẩn tiêu biểu có thể kể đến là bộ Thanh tịnh đạo (pi. visuddhimagga), "con đường dẫn đến thanh tịnh" của đại sư Phật Âm (zh. 佛音, pi. buddhaghosa), một tác phẩm gần như bao gồm tất cả giáo lý của Thượng tọa bộ (pi. theravāda) với rất nhiều trích dẫn từ Đại tạng kinh Pali. Na-tiên tỉ-khâu kinh (zh. 那先比丘經, pi. milindapañhā), còn được gọi là Di-lan-đà vấn đạo kinh, là một kinh văn rất nổi tiếng, đúc kết giáo lý Thượng tọa bộ trong những câu hỏi đáp qua lại giữa Tỉ-khâu Na-tiên (zh. 那先, pi. nāgasena) với một ông vua người Hi Lạp tên là Di-lan-đà (zh. 彌蘭陀, pi. milinda, en. menander), cũng là một kinh văn ngoài tiêu chuẩn tiêu biểu khác.
Tác phẩm Đại thừa khởi tín luận (được những người hâm mộ xem là tác phẩm của Mã Minh) đã ảnh hưởng rất lớn đến giáo lý Đại thừa tại Đông Á, đã được chú giải rất nhiều qua các bài luận của nhiều vị đại sư Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ Nhập Bồ-đề hành luận của luận sư Tịch Thiên (zh. 寂天, sa. śāntideva) đã gây ảnh hưởng đến Đại thừa lẫn Kim cương thừa. Một tác phẩm khác của sư là Tập Bồ Tát học luận (sa. śikṣāsamuccaya) lưu lại nhiều trích dẫn từ kinh sách Phạn ngữ ngày nay chưa tìm ra. Pháp bảo đàn kinh (zh. 法寶壇經) có thể được xem là một tác phẩm bán tiêu chuẩn, và nó cũng là một trong những văn bản được gọi là "kinh" mặc dù không phải do Phật thuyết. Tuy nhiên, cách phân chia "kinh" hay không cũng chỉ là giả định: Trong nguyên văn Hán, bài viết về Lục tổ Huệ Năng được gọi là "kinh" (經), nhưng cách gọi này cũng được người Hoa dùng cho các tác phẩm cổ điển khác như Đạo Đức kinh (zh. 道德經) hoặc Thi kinh (zh. 詩經). Trong kinh Pháp bảo đàn, Huệ Năng trình bày cơ duyên ngộ đạo và nhận y bát cũng như giáo lý thiền. Truyền thống Thiền tông đặc biệt lập cơ sở trên những tác phẩm ngoài tiêu chuẩn ghi lại cuộc đời, cơ duyên hoằng hóa và pháp ngữ của các vị Tổ sư, được gọi là Ngữ lục. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Thiền gia là Bích nham lục (zh. 碧巖錄)
Phật giáo Tây Tạng lưu lại một loại kinh văn rất đặc thù, được gọi là Tàng lục (zh. 藏錄, bo. གཏེར་མ་). Đây là những văn bản được viết ra, nhưng lại được chôn giấu để người đời sau tìm thấy ở một thời điểm nhất định. Người tìm được Tàng lục được gọi theo tiếng Tây Tạng là Tertön (bo. གཏེར་སྟོན་). Một vài Tàng lục được cất giấu trong các hang động hoặc những chỗ ẩn kín tương tự, nhưng cũng có những bộ được xem là Tâm tàng lục, "cất trong tâm", sẽ được phát hiện bởi Tertön trong tâm thức của chính mình. Trường phái Ninh-mã có lưu giữ một pho Tàng lục to lớn. Nhiều Tàng lục được xem là tác phẩm của Đại sư Liên Hoa Sinh, người giữ vị trí rất lớn trong phái Ninh-mã. Bộ Tàng lục nổi danh nhất có lẽ là bộ Tử thư (bo. བར་དོ་ཐོས་གྲོལ་) Các loại văn bản ngoài tiêu chuẩn khác giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực lịch sử Phật giáo tại Tích Lan là Đảo sử (zh. 島史, pi. dīpavaṃsa) và Đại sử (zh. 大史, pi. mahāvaṃsa)
Đại tạng kinh của Thượng tọa bộ và những trường phái Nam Tông khác
[sửa | sửa mã nguồn]Có nhiều tranh luận về cách gọi những trường phải cổ và bảo thủ của Phật giáo cũng như các kinh văn hệ thuộc. Thuật ngữ được dùng nhiều nhất có lẽ là "Tiểu thừa" (zh. 小乘, pi., sa. hīnayāna) nhưng lại bị bài bác vì nhiều lý do. Nhiều người đề nghị dùng từ khác như Bộ phái Phật giáo (hoặc Ni-ca-da) để chỉ ngay đến những kinh văn những trường phái này xem là tiêu chuẩn. Chúng được gọi là Bộ kinh (zh. 部經, pi. nikāya) hoặc A-hàm (zh. 阿含, pi., sa. āgama).
Mặc dù có nhiều kinh văn của các Bộ phái được viết bằng tiếng Phạn, nhưng chỉ còn một Đại tạng kinh duy nhất được lưu lại toàn vẹn, đó là Đại tạng kinh tiếng Pali của Thượng tọa bộ. Kinh văn Pali được phân chia thành ba thời kì. Thời kì đầu, cũng được gọi là thời kì cổ điển, bắt đầu với ba tạng kinh và chấm dứt với Na-tiên tỉ-khâu kinh khoảng thế kỉ thứ nhất trước CN. Sau một thời kì mai một (thời kỳ 2 bắt đầu từ thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 4 SCN), tiếng Pali lại được phục hưng ở thế kỉ thứ 4 với cuộc đời và sự nghiệp của đại sư Phật Âm, và kéo dài đến thế kỉ 12. Thời kì thứ ba này (từ thế kỷ 4 trở đi) trùng hợp với những biến đổi chính trị ở Miến Điện.
Luật tạng
[sửa | sửa mã nguồn]Luật tạng đề cập đến những vấn đề giới luật trong Tăng-già. Tuy nhiên, từ Luật (dịch từ tiếng Phạn vinaya) cũng được dùng với từ Pháp (pi. dhamma) như một cặp đi đôi, với Pháp là giáo lý và Luật mang nghĩa thực hành, ứng dụng. Thực tế, Luật tạng chứa đựng hàng loạt thể loại kinh văn khác nhau. Dĩ nhiên có những kinh văn chuyên chú về quy luật trong tăng-già, chúng được lập, được phát triển và ứng dụng như thế nào. Nhưng Luật tạng cũng bao gồm những bài giảng về giáo lý, nghi lễ, nghi thức thực hiện các buổi lễ, tiểu sử và các bài nói về tiền kiếp (xem Bản sinh kinh).
Một điểm khá nghịch lý là Ba-la-đề-mộc-xoa (zh. 波羅提木叉, sa. prātimokṣa), một văn bản tương quan mật thiết với giới luật, được dùng nhiều nhất lại không được xếp vào kinh văn tiêu chuẩn.
Có bảy Luật tạng được lưu lại:
- Luật tạng của Thượng tọa bộ (pi. theravādin)
- Luật tạng của Đại chúng bộ (sa., pi. mahāsāṃghika), Thuyết nhất thiết hữu bộ (zh. 說一切有部, sa. sarvāstivādin) và Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (zh. 根本說一切有部, sa. mūlasarvāstivādin), được viết bằng tiếng Phạn.
- Luật tạng của Hóa địa bộ (zh. 化地部, sa. mahīśāsaka), Ca-diếp bộ (zh. 迦葉部, sa. kāśyapīya) và Pháp tạng bộ (zh. 法藏部, sa. dharmaguptaka), nguyên được viết bằng tiếng Phạn, nhưng hiện chỉ còn trong Hán tạng.
Tác phẩm Đại sự (zh. 大事, sa. mahāvastu) được biên soạn bởi Thuyết xuất thế bộ (zh. 說出世部, sa. lokottaravādin), - một nhánh của Đại chúng bộ - vốn là tiền văn của một luật tạng mà sau này đã bị tách rời. Thế nên, thay vì nói về luật, Đại sự lại chú tâm đến tiểu sử của Phật, ghi thật rõ những tiến trình của ngài qua Thập địa. Nội dung của Đại sự đã được thâu nhiếp và đưa vào bộ Thập địa kinh (zh. 十地經, sa. daśabhūmika-sūtra) của Đại thừa.
Kinh tạng
[sửa | sửa mã nguồn]Kinh phần lớn là các bài giảng của đức Phật hoặc của một trong những Đại đệ tử của Ngài. Tất cả những gì được ghi lại, ngay cả những gì không phải Phật đích thân thuyết, được xem là Phật ngôn, "lời Phật dạy" (sa., pi. buddhavacana). Ban đầu, các bài giảng của Phật được sắp xếp theo dạng chúng được truyền lại cho đời sau chia ra làm 12 thể loại:
- Kinh (經, sa. sūtra) hoặc Khế kinh (zh. 契經), cũng được gọi theo âm là Tu-đa-la (修多羅), chỉ những bài kinh chính Phật thuyết;
- Trùng tụng (重頌, sa. geya) hoặc Ứng tụng (zh. 應頌), gọi theo âm là Kì-dạ (祇夜), một dạng kệ tụng mà trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại;
- Thụ ký (zh. 受記, sa. vyākaraṇa), âm là Hoa-già-la-na (zh. 華遮羅那), chỉ những lời do Phật thụ ký, chứng nhận cho các Bồ Tát, đệ tử mai sau thành Phật, và những việc sẽ xảy ra...;
- Kệ-đà (偈陀, sa. gāthā), cũng được gọi là Ký chú (zh. 記註) hay Phúng tụng (zh. 諷頌), những bài thi ca không có văn xuôi đi trước (trường hàng), xem Kệ;
- (Vô vấn) Tự thuyết (zh. [無問]自說, sa. udāna) hoặc Tán thán kinh (zh. 讚歎經), âm là Ưu-đà-na (zh. 憂陀那), chỉ những bài kinh mà Phật tự thuyết, không phải đợi người thỉnh cầu mới trình bày;
- Nhân duyên (zh. 因緣, sa. nidāna) hay Quảng thuyết (廣說), gọi theo âm là Ni-đà-na (尼陀那), chỉ những bài kinh nói về nhân duyên khi Phật thuyết pháp và người nghe pháp...;
- Thí dụ (譬喻, sa. avadāna) hoặc Diễn thuyết giải ngộ kinh (zh. 演說解悟經), âm là A-ba-đà-na (zh. 阿波陀那), chỉ những loại kinh mà trong đó Phật sử dụng những thí dụ, ẩn dụ để dùng việc đời mà gợi mở việc đạo làm người nghe dễ hiểu hơn;
- Như thị pháp hiện (如是法現, sa. itivṛttaka) hoặc Bản sự kinh (本事經), âm là Y-đế-mục-đa-già (醫帝目多伽), chỉ những bài kinh nói về sự tu nhân chứng quả của các vị đệ tử trong quá khứ, vị lai;
- Bản sinh kinh (zh. 本生經, sa. jātaka), gọi theo âm là Xà-đà-già (zh. 闍陀伽);
- Phương quảng (zh. 方廣), Phương đẳng (方 等, sa. vaipulya) hoặc Quảng đại kinh (zh. 廣大經), gọi theo âm là Tì-phật-lược (毗佛略);
- Hi pháp (zh. 希法, sa. adbhutadharma) hoặc Vị tằng hữu (未曾有), âm là A-phù-đà đạt-ma (zh. 阿浮陀達磨), kinh nói về thần lực chư Phật thị hiện, cảnh giới kì diệu, hiếm có mà người phàm không hiểu nổi;
- Luận nghị (zh. 論議, sa. upadeśa), cũng được gọi là Cận sự thỉnh vấn kinh (zh. 近事請問經) hoặc theo âm là Ưu-ba-đề-xá (優波提舍), chỉ những bài kinh có tính cách vấn đáp với lý luận cho rõ ngay thẳng, xiên vẹo.
Cách sắp xếp bên trên được các trường phái ngoài Đại thừa chấp nhận, tuy nhiên, Thượng tọa bộ loại bỏ ba phần 6., 7. và 12. ra. Cách phân loại trên cũng được tìm thấy trong Đại tạng của các trường phái Đại thừa.
Tuy nhiên, Thượng tọa bộ đã tìm cách sắp xếp Đại tạng kinh theo cách khác, và kinh của Thượng tọa bộ được xếp lại như sau:
Trường bộ kinh & Trường A-hàm kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Bao gồm các bài kinh dài nhất trong các loại kinh văn hệ Pali. Trường bộ (zh. 長部, pi. dīghanikāya) văn hệ Pali có 34 bài kinh mà trong đó, hai bài nổi danh nhất là Đại Bát-niết-bàn kinh (zh. 大般涅槃經, pi. mahāparinibbānasuttanta) và Phạm võng kinh (zh. 梵網經, pi. brahmajālasutta). Trường A-hàm (zh. 長阿含, sa. dīrghāgama) của Pháp tạng bộ chỉ còn trong bản dịch Hán văn, bao gồm 30 bài kinh.
Trung bộ kinh & Trung A-hàm kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Trung bộ (zh. 中部, pi. majjhimanikāya) văn hệ Pali có 152 bài kinh, Trung A-hàm (zh. 中阿含, sa. madhyamāgama) của Thuyết nhất thiết hữu bộ có 222 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
Tương ưng bộ
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ kinh này bao gồm nhiều kinh văn ngắn gọn được gom lại theo chủ đề, nhóm và người nói chuyện. Tương ưng bộ (zh. 相應部, pi. saṃyuttanikāya) văn hệ Pali có khoảng 2800 bài kinh, Trường A-hàm (zh. 長阿含, sa. dīrghāgama) của Thuyết nhất thiết hữu bộ chỉ có 1300 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
Tăng chi bộ kinh & Tăng nhất a-hàm kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Bao gồm những bài kinh có cùng Pháp số, Tăng chi bộ (zh. 增支部, pi. aṅguttaranikāya) văn hệ Pali có hơn 2.300 bài kinh. Đại tạng kinh chữ Hán lưu lại bộ Tăng nhất a-hàm (zh. 增一阿含, sa. ekottarāgama), được xem là thuộc bộ Đại tạng kinh của Đại chúng bộ.
Tiểu bộ kinh & Tạp kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Không phải tất cả các trường phái đều có thể loại này, nhưng Tiểu bộ (zh. 小部, pi. khuddakanikāya) văn hệ Pali có nhiều bộ kinh nhỏ rất nổi danh và được ưa chuộng, bao gồm:
- Pháp Cú kinh (zh. 法句; pi. dhammapada): gồm 426 câu kệ trong 26 chương về các nguyên lý căn bản đạo Phật, được lưu truyền rộng trong các nước theo Thượng tọa bộ;
- Tự thuyết (zh. 自說, pi. udāna): gồm 80 bài giảng của đức Phật. Điểm đặc biệt ở đây là những lời của đức Phật tự nhiên thốt ra dạy, không phải do được người khác hỏi mà trả lời. Thế nên cũng gọi là Vô vấn tự thuyết.
- Tập bộ kinh (zh. 集部經, pi. sutta-nipāta): một trong những kinh điển cổ nhất, đặc biệt có giá trị văn chương cao;
- Trưởng lão tăng kệ (zh. 長老僧偈, pi. thera-gāthā): ghi lại 107 bài kệ của các vị Thượng tọa (pi. thera);
- Trưởng lão ni kệ (zh. 長老尼偈, pi. therī-gāthā): gồm 73 bài kệ của các vị ni trưởng lão (pi. therī);
- Bản sinh kinh (zh. 本生經, pi. jātaka), ghi chép các mẩu truyện về những kiếp trước của Phật.
Nhiều bộ kinh bên trên còn tồn tại các bản gốc dạng nguyên ngữ cũng như các bản dịch. Ví dụ như kinh Pháp cú còn tồn tại dưới dạng Pali, ba bản dịch Hán văn, một bản Tạng văn và một bản tiếng Khotan.
A-tì-đạt-ma
[sửa | sửa mã nguồn]A-tì-đạt-ma có nghĩa là Thắng pháp hoặc là Vô tỉ pháp (zh. 無比法), vì nó vượt (abhi) trên các pháp (sa. dharma), giải thích trí huệ. A-tì-đạt-ma có liên quan đến sự phân tích các hiện tượng và có lẽ xuất phát từ những bảng liệt kê số pháp, ví như 37 Bồ-đề phần. Mặc dù được xếp vào kinh văn tiêu chuẩn, được xem như là lời của đức Phật nhưng các nhà Phật học hiện đại cho rằng, kinh A-tì-đạt-ma được phát triển rất lâu sau khi đức Phật Thích ca nhập diệt, và phần lớn của tạng kinh A-tì-đạt-ma là kết quả của 200 năm sau do công của A-dục vương (thế kỉ 1) kết tập.
A-tì-đạt-ma của Thượng tọa bộ được lưu lại bằng tiếng Pali. A-tì-đạt-ma của Thuyết nhất thiết hữu bộ được viết bằng tiếng Phạn, được lưu truyền trong hai Đại tạng kinh tiếng Hán và tiếng Tạng.
A-tì-đạt-ma phần lớn phân tích, xử lý các hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng.
Không phải trường phái Phật giáo nào cũng xem kinh A-tì-đạt-ma là kinh văn tiêu chuẩn. Kinh lượng bộ (zh. 經量部, sa. sautrāntika) cho rằng, Đại tạng kinh chỉ có Kinh và Luật tạng. Việc chối bỏ các pháp thật sự tồn tại - quan điểm chính của A-tì-đạt-ma - của một số trường phái, được xem là một nhân tố quan trọng của sự hình thành trường phái Đại thừa sau này.
Kinh điển ngoài tiêu chuẩn
[sửa | sửa mã nguồn]Kinh văn ngoài tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên có lẽ là Na-tiên tỉ-khâu kinh hay kinh Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha), nói về một cuộc đàm thoại giữa một ông vua mộ đạo và một vị Tỉ-khâu trí huệ sắc bén. Bộ này chứa đựng một loạt giáo lý chủ yếu như vô ngã, duyên khởi, v.v. Các học giả sau này xem tác phẩm này là của Thuyết nhất thiết hữu bộ, một trường phái Tiểu thừa khác mặc dù nó được lưu lại Đại tạng của Thượng tọa bộ.
Kinh điển viết bằng tiếng Pali có rất nhiều bản chú giải vẫn chưa được phiên dịch. Chúng được xem là có nguồn từ đầu bút của vị Đại luận sư Phật Âm. Cũng có rất nhiều bản giải thích cho những bản chú giải (bản chú giải các bản chú giải).
Đại luận sư Phật Âm cũng là tác giả của bộ Thanh tịnh đạo luận, "con đường dẫn đến thanh tịnh" được xem là bộ luận trình bày tất cả giáo lý Thượng tọa bộ một cách tổng quát.
Kinh Pháp Bảo Đàn cũng là kinh ngoài tiêu chuẩn, bộ kinh đã ghi chép về phương pháp tu tập giác ngộ qua những hành động và lời giảng dạy của thiền sư không biết chữ là Đại sư Huệ Năng
Kinh điển Đại thừa
[sửa | sửa mã nguồn]Sau đây là một số kinh điển Đại thừa tiêu biểu:
Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ này nói về Bát-nhã, Bát-nhã-ba-la-mật-đa (sa. prajñāpāramitā). Trong hệ thống này, Bát-nhã được xem là khả năng hiểu được "sự thật như nó vẫn là", không chứa bất cứ một luận cứ triết học nào cả, chỉ nhằm thẳng bản chất của sự có, đặc biệt chỉ bằng cách dùng phương pháp nói ngược. Cơ sở quan trọng ở đây là sự vật không có hai mặt, mà trên nó, tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ: Các pháp - các hiện tượng - không tồn tại mà cũng không không tồn tại, nhưng lại mang dấu ấn của tính Không, với sự vắng mặt lâu dài của một "bản chất không biết". Nhất tự bát-nhã kinh minh họa quan điểm Bát-nhã-ba-la-mật-đa bằng cách dùng tiếp đầu âm अ a tiếng Phạn. Chữ अ khi gắn vào đầu một từ thì sẽ phủ định nó, cho nó một nghĩa ngược lại.
Nhiều bộ kinh Bát-nhã được biết với tên là độ dài hoặc số dòng kệ tụng chúng chứa đựng. Edward Conze, người đã dịch tất cả những bộ kinh Bát-nhã còn được lưu lại bằng Phạn ngữ sang tiếng Anh, đã nhận ra bốn thời kì phát triển của hệ kinh này:
- 100 TCN-100: Bảo đức tích tụ bát-nhã (sa. ratnaguṇasaṃcayagāthā) và Bát thiên tụng bát-nhã (sa. aṣṭasāhasrikā).
- 100-300: Thời kì phát triển với Bát nhã 18.000, 25.000, và 100.000 dòng được biên tập. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (sa. vajracchedikāprajñāpāramitā-sūtra) có thể được viết trong thời gian này.
- 300-500: Thời kì lắng đọng lại. Bát-nhã tâm kinh và Nhất tự bát-nhã được biên tập.
- 500-1000: Văn bản thời này bắt đầu mang dấu tích của Mật giáo, chịu ảnh hưởng của Đát-đặc-la.
Kinh điển hệ Bát-nhã đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các trường phái Phật giáo Đại thừa.
Diệu Pháp Liên Hoa kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Diệu Pháp Liên Hoa kinh (zh. 妙法蓮華經, sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra) cũng được gọi tắt là kinh Pháp Hoa, có lẽ được biên tập vào thời kì 100 TCN đến 100 CN. Trong kinh này, đức Phật đã chỉ rõ có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thực chất chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa, hay Bồ Tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì nhu cầu phù hợp với căn cơ của hành giả. Phật chỉ tùy cơ duyên, sử dụng các Phương tiện (sa. upāya) mà nói Tam thừa nhưng thực chất chỉ có Phật thừa (sa. buddhayāna) – để dẫn đến Giác ngộ, bao trùm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa.
Một điểm đáng lưu ý ở đây là sự (tái) xuất hiện của Phật Đa Bảo (zh. 多寳, sa. prabhūtaratna) - vốn đã nhập diệt nhiều kiếp trước - vì sự việc này gợi ý là chúng sinh vẫn có thể cầu Phật sau khi Phật nhập Niết-bàn, và như vậy Phật sống vô lượng kiếp vì đã tích tụ vô lượng vô số công đức trong các tiền kiếp. Quan điểm này, không nhất thiết phải bắt nguồn từ kinh Pháp Hoa, đã dẫn đến khái niệm Tam thân của một vị Phật. Trong thời gian sau đó, kinh này quan hệ mật thiết với tông Thiên Thai và tông Nhật Liên tại Nhật Bản.
Kinh Hoa Nghiêm
[sửa | sửa mã nguồn]Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (zh. 大方廣佛華嚴經, sa. Mahāvaipulya Buddhāvataṃsaka Sūtra, ja. Daihō Kōbutsu Kegonkyō), thường được gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm (sa. Avataṃsakasūtra) là một kinh điển Đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm được đánh giá là kinh điển đồ sồ nhất và dài nhất trong số các kinh của Phật giáo, theo nhận xét của dịch giả Thomas Cleary thì kinh này là "hoành tráng nhất, toàn thiện nhất và cấu tứ thẩm mỹ nhất trong số tất cả kinh điển Phật giáo."
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thuộc dòng Phương Quảng trong mười hai bộ kinh. Tương truyền kinh này gồm ba bản do mỗi thân Phật trong Tam thân Phật thuyết và được cất giữ ở Long Cung (cung loài Naga). Sau này, chỉ có bản kinh của Ứng thân (Phật Thích-ca Mâu-ni) được truyền lên nhân gian. Kinh này gồm 40 phẩm trải đều 81 quyển (Hán bản) trong đó quan trọng nhất là phẩm Nhập Pháp giới (phẩm 39) và phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện (phẩm 40, là một trong năm kinh điển căn bản của Tịnh Độ tông). Kinh Hoa Nghiêm được xem là kinh điển quan trọng nhất của Hoa Nghiêm tông.
Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến.
Kinh Hoa nghiêm thuộc về những bộ kinh hệ Phương đẳng, là một bộ kinh gồm 81 quyển mà phần dài nhất là phẩm Hoa nghiêm (sa. gaṇḍavyūha). Một phần quan trọng độc lập khác là Thập địa (sa. daśabhūmika). Ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy kinh Hoa Nghiêm trong dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần chữ Hán được dịch trong thế kỉ thứ 5.
Giáo pháp trong kinh này không phải do Phật Thích-catrực tiếp truyền dạy – trong hội này Phật nói rất ít – mà là phát biểu của các dạng xuất hiện của Pháp thân (Tam thân). Sự im lặng của Phật Thích-ca biểu hiện tính Khôngvà sự truyền dạy giáo pháp được hiểu là một dạng của Chân như, xuất hiện cho con người hiểu được. Tương truyền kinh này rất khó hiểu, chỉ các Đại Bồ Tát mới lĩnh hội được.
Bộ kinh này được dịch ra Hán văn dưới ba dạng, bộ 40 quyển của Bát-nhã (sa. prajñā), bộ 60 quyển của Phật-đà-bạt-đà-la (cũng gọi là Giác Hiền, sa. buddhabhadra), và bộ 80 quyển của Thật-xoa-nan-đà (sa. śikṣānanda).
Phẩm Hoa Nghiêm – chữ Phạn là gaṇḍavyūha – tương đương với bộ 40 quyển của Pháp sư Bát-nhã nên cũng được gọi là Tứ thập hoa nghiêm. Gaṇḍavyūha thường được xem là toàn bộ Hoa Nghiêm kinh (sa. avataṃsaka hoặc buddhāvataṃsaka) bởi vì bộ kinh Đại thừa mang biệt danh Gaṇḍavyūha được xem như là 9 bộ kinh cốt yếu ở Nepal. Tại Trung Quốc và Tây Tạng, phẩm Gaṇḍavyūha được gọi là phẩm "Nhập Pháp giới" (zh. 入法界, sa. dharmadhātupraveṣa). Như vậy, bộ Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh bao gồm cả Gaṇḍavyūha.
Đây là phẩm dài nhất và quan trọng nhất của bộ kinh, được Phật Thích-ca thuyết tại thành Xá-vệ (sa. śrāvastī), tả cảnh Thiện Tài đồng tử (sa. sudhana) đi tìm đạo dưới sự hướng dẫn của Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī). Thiện tài đồng tử tham vấn 53 vị Thánh nhân, kể cả Di-lặc (sa. maitreya), vị Phật tương lai. Cuối cùng Thiện Tài gặp được Phổ Hiền (sa. samantabhadra), được vị này giáo hoá và đạt Bồ-đề. Đoạn cuối của phẩm này trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của một đời sống Bồ Tát. Phẩm này trở thành giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông.
Hai bài kệ quan trọng của kinh Hoa Nghiêm là (Thích Duy Lực dịch):
|
|
Tịnh độ kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Có ba bộ kinh chính được xếp vào loại này, đó là: Vô Lượng Thọ kinh (zh. 無量壽經, sa. sukhāvatīvyūha-sūtra), Quán Vô Lượng Thọ kinh (zh. 觀無量壽經, sa. amitāyurdhyānasūtra) và A-di-đà kinh (zh. 阿彌陀經, sa. amitābhasūtra, cũng được gọi là Tiểu Vô Lượng Thọ kinh 小無量壽經). Ba bộ này miêu tả nguồn gốc và bản chất của Tây phương Tịnh độ, nơi ở của Phật A-di-đà, liệt kê 48 lời nguyện của Pháp Tạng khi còn là một vị Bồ Tát. Ngài phát nguyện dựng nên một Tịnh độ, nơi chúng sinh với tâm thức thanh tịnh có thể thác sinh, sửa mình theo Phật pháp mà không gặp chướng ngại. Chúng sinh chỉ cần niệm tên, ngợi ca công đức của Phật A-di-đà là có thể tái sinh vào cõi Cực Lạc. Ba bộ kinh này (Tịnh độ tam bộ kinh 淨土三部經) trở thành cơ sở của Tịnh độ tông mà niềm tin đặt hết vào nơi tha lực trong quá trình tu tập.
Kinh Dược Sư
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Dược Sư:
Nguồn gốc:
Xét về nguồn gốc của Kinh Dược Sư, cho đến nay theo "Đại tạng kinh Đại chính tân tu" có 4 truyền bản như sau:
1. Kinh Phật thuyết quán đảnh Bạt trừ quá tội sanh tử đắc độ, là quyển thứ 12 thuộc bộ kinh Quán đảnh 1 do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào thời Đông Tấn (317-420).
2. Kinh Phật thuyết Dược Sư Như Lai bổn nguyện, do ngài Đạt-ma-cấp-đa dịch vào niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 11 (615) đời nhà Tùy.
3. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai bổn nguyện công đức do ngài Huyền Trang dịch vào niên hiệu Vĩnh Huy nguyên niên (650).
4. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang thất Phật bổn nguyện công đức do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào năm thứ ba niên hiệu Thần Long (707).
Về cơ bản nội dung của bốn bản dịch này đều giống nhau. Chỉ riêng bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh thì có thêm danh tự và thệ nguyện của sáu vị Phật.
Trong kinh tạng của Phật giáo Việt Nam, hiện có nhiều bản dịch Kinh Dược Sư từ các dịch giả uy tín như Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Tuệ Nhuận, Hòa thượng Huyền Dung...
Nhằm tạo vần điệu cho lời Kinh cũng như giúp cho người trì tụng dễ nhớ, bản Việt dịch Kinh Dược Sư vẫn giữ nguyên cấu trúc của bản dịch chữ Hán.
Ý nghĩa:
Kinh Dược sư trong tạng Nguyên thủy
Bài chi tiết: Phật Dược Sư
Dược Sư Như Lai tiếng Phạn gọi là: Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah, gọi đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, hay còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật.
Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “Về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.
Đức Phật bằng bằng thiên nhãn thông đã nói nói rằng cách đây hơn mười căn dà sa có một cõi nước tên là Tịnh Lưu Ly, nơi đó Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là giáo chủ.
Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau.
Đức Phật Dược Sư nhận thấy rõ con người gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn vật chất, sức khỏe, tiền của, trí tuệ, mà lại có dư những bệnh tật, nghèo khổ, ngu dốt, tai nạn; nói chung có đủ những thứ xấu ác, nên người ta dễ dàng tạo ra nhiều tội lỗi, hoặc khó tiến tu Bồ tát đạo.
Với tâm từ bi vô lượng, phước trí vô biên, Đức Phật Dược Sư đã phát 12 lời nguyện khi hành Bồ tát đạo, dẫn đến thành quả là Ngài xây dựng được Tịnh độ tên là Tịnh Lưu Ly, một thế giới hoàn toàn tốt đẹp. Ở Đông phương Tịnh độ của Ngài, của báu dư thừa, giáo dục hướng thượng tuyệt vời, được sống chung với những bậc Bồ tát đại bi, đại trí, dưới sự hướng dẫn của Đức Dược Sư và Thánh chúng, người dân ở thế giới đó hưởng được những phương tiện tốt nhất để tiến nhanh đến quả vị Vô thượng Đẳng giác.
Lợi ích của việc tụng Kinh Dược Sư:
Thấy Phật Dược Sư bằng tâm
Là người Phật tử, tìm hiểu và đọc các giáo lý, chúng ta hiểu được rằng cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, chi phối của nghiệp cũ rất nhiều, nghiệp cũ có thể khiến chúng ta khỏe mạnh hay bệnh tật, chết yểu hay sống thọ, gặp tai nạn hay may mắn, cuộc đời sang hay hèn.
Vì vậy, khi tụng đọc Kinh Dược Sư, chúng ta sẽ được nghe Phật dạy cách phải sống thế nào, phải tu tập tâm thế nào, chúng ta làm tất cả các thiện hạnh, rồi chuyển hóa tâm, phát khởi thiện tâm. Đó là cái chúng ta được chuyển hóa nghiệp. Do chuyển hóa nghiệp, vâng theo lời Phật dạy như thế mà chúng ta được tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng được kéo dài. Chứ không phải chúng ta chỉ đến rồi khấn Phật xin cho con được khỏe mạnh, được sống dai. Không Đức Phật nào phù hộ thế được, mà phải là sự tu tập chân thật. Đó là điều mà đạo Phật khác với các đạo khác, các tôn giáo khác: phải tu tập chân thật, không phải chỉ là cầu xin.
Trong kinh Dược Sư có đoạn: “...Nếu có người bệnh nào, muốn khỏi bệnh khổ thì quyến thuộc họ phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày, bảy đêm tùy theo sức mình, sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng khác cúng dường đến chư Tăng ngày đêm sáu thời, lễ bái cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này bốn mươi chín biến và thắp bốn mươi chín ngọn đèn, lại tạo bảy hình tượng đức Dược Sư trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng cho tắt; còn cái thần phan thì làm bằng hàng ngũ sắc bề dài bốn mươi chín gang tay và phải phóng sinh bốn mươi chín thứ loài vật thì người bệnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại”.
Chúng ta biết rằng, nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ. Nó quyết định cuộc sống của chúng ta. Những nghiệp ác đã gây sẽ mang đến những tai nạn, khổ đau cho chúng ta. Thực hành theo lời Đức Phật dạy trong kinh Dược Sư chính là phương pháp giúp chúng ta tiêu bớt ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.
Có thể xem chi tiết tại trang:
https://phatgiao.org.vn/kinh-duoc-su-y-nghia-loi-ich-va-cach-tung-tai-nha-d48817.html
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
[sửa | sửa mã nguồn]- Về nguồn gốc:
Kinh Địa Tạng bổn nguyện (Kṣitigarbhasūtra) còn gọi là kinh Địa Tạng bổn hạnh hay kinh Địa Tạng bổn thệ lực, gọi tắt là kinh Địa Tạng, một bản kinh phổ biến đối với tín đồ phật tử tu tập theo Phật giáo Đại thừa song song với các kinh thường trì tụng ở các tự viện như kinh Di Đà, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn ... Đây được xem là bản kinh hiếu do đức Phật vì Thánh mẫu Ma Gia mà tuyên thuyết trên cung trời Đao Lợi “Tại cung trời Đao Lợi, đức Phật vì thánh mẫu mà thuyết pháp”. Chúng đương cơ bấy giờ không chỉ có chư vị Bồ tát, trời, rồng, quỷ thần v.v... mà còn có chư Phật trong mười phương – sự xuất hiện của chư Phật đến nghe pháp là điều hy hữu hầu như rất ít thấy xuất hiện trong các pháp hội khác. Số lượng thính chúng tham dự pháp hội không thể dùng từ vô lượng mà có thể diễn tả hết được vì số thính chúng tham dự pháp hội này nhiều đến độ đức Thế Tôn dùng Phật nhãn xem xét còn không thể biết hết được số thánh phàm nói trên.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước lúc Niết Bàn không bao lâu, Ngài đã đến cung trời Đao Lợi thuyết kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện này. Nội dung kinh gồm mười ba phẩm chia thành ba quyển, trình bày về cuộc hội thoại giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ tát Địa Tạng với những hạnh nguyện to lớn của Ngài Địa Tạng “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề” nên chúng sinh thường tôn xưng Ngài là Đại nguyện Địa Tạng vương Bồ tát. Đồng thời mô tả hạnh hiếu của Bồ tát trong những câu chuyện tiền kiếp. Từ hạnh hiếu làm cơ sở bản kinh cũng chuyền tải những đức hạnh và pháp tu khác như hạnh độ sinh, bạt khổ, báo ân, hạnh hàm dưỡng, hạnh minh châu,... Hòa thượng Thích Chúc Thái từng nhận định: Xuyên suốt trọng tâm của bộ kinh Địa Tạng là tinh thần hiếu đạo và độ sinh. Hạnh hiếu là trung tâm của Phật đạo, hiếu không chỉ với cha mẹ hiện đời mà còn hiếu với cha mẹ nhiều kiếp, tức là hiếu với tất cả chúng sinh đó là nền tảng phát sinh các hạnh lành. Đây mới là hạnh hiếu chân thật trong đạo Phật. Nên kinh Địa Tạng nói về chơn tâm - mỗi hành giả cần gieo trồng hạnh hiếu vào chân tâm ấy, hạt giống hiếu hạnh này là nhân để trở thành thánh thành Phật trong tương lai. Song song các hạnh lành kinh cũng nói lên những nhân quả chi tiết để chúng sinh lấy đó làm gương từ đó xây dựng đời sống đạo đức tự thân trên việc thực hành các thiện pháp như bất sát, niệm Phật, thập thiện, lục độ... làm nhân thoát khỏi những tham sân si ràng buộc hiện tại và trong tương lai không đọa vào ác đạo. Đây là hình ảnh trong kinh Bồ tát nắm tay dìu dắt chúng sinh cang cường thoát khỏi ác đạo. Kinh Đại Tạng Bồ tát bổn nguyện như bản kinh cho người mới bắt đầu tu học nhưng mục tiêu của kinh là viên mãn thành Phật. Vì sứ mạng của đức Địa Tạng giáo hóa chủ yếu hạng chúng sinh căn cơ thấp nên dạy những pháp môn căn bản giai đoạn đầu cho họ sau đó phương tiện chỉ đến chân tâm thường trú (Phật tánh) luôn hiện hữu trong mỗi chúng sinh “sau khi ta (Như Lai) diệt độ.....làm cho tất cả mọi loài chúng sinh khỏi tất cả sự khổ mà chứng cảnh vui Niết Bàn”; Hay chi tiết khuyên hóa chúng sinh hành thiện nghiệp rồi khuyến khích họ nên hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh (chuyển hóa từ tâm cầu phước báo của bản thân thành tâm lượng Ba La Mật)... và một số chi tiết khác.
2. Nội dung:
Bài viết khác: Địa Tạng Bồ Tát
Do chưa tìm thấy bản tiếng Phạn kinh Địa Tạng nên hiện nay một số học giả vẫn nghi ngờ về sự chính thống của bản kinh này. Nhưng đối với tín đồ phật tử các nước theo Phật giáo Đại thừa kể cả chư vị Tổ sư, các bậc cao Tăng lỗi lạc... vẫn lựa chọn kinh Địa Tạng là một trong những bản kinh không thể thiếu. Ở Trung Hoa từ thời Tống về sau rất nhiều học giả cao tăng dù hoằng dương Tịnh Độ nhưng đồng thời cũng rất coi trọng pháp môn Địa Tạng. Tổ thứ tám là Liên Trì đại sư của Tịnh Độ đã soạn và viết lời tựa cho kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện; Tổ thứ 9 là Ngẫu Ích đại sư tinh thông thiền, luật, thiên thai, tịnh độ cả đời hoằng dương Địa Tạng Bồ tát; Đầu thời Dân Quốc có Ấn Quang đại sư dốc sức truyền bá và phổ biến kinh Địa Tạng; Hòa thượng Tịnh Không từng nói “bỏ quên kinh Địa Tạng mà niệm Phật thì không thể vãng sinh, dù có niệm nhiều cách mấy cũng chỉ mỏi miệng uổng công mà thôi”...
Ở Trung Hoa có thể từ thế kỷ thứ 3 Kinh Địa Tạng được truyền vào dịch thuật nhưng được ít người biết đến. Đến thế kỷ thứ 7 triều đại nhà Đường kinh này mới dần được truyền bá rộng rãi và phổ biến đến ngày hôm nay. Các bản Kinh Địa Tạng ở Trung Quốc được dịch và còn lưu lại như sau:
Thứ nhất bản của ngài Pháp Cự dịch, niên đại dịch kinh là 290-306 (trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu 98/678).
Thứ hai bản dịch của Đại sư Tam Tạng (thế kỷ thứ 7). Có nhiều khả năng Đại sư Tam Tạng chính là Tam tạng Pháp sư Pháp đăng. (Hòa thượng Thích Trí Tịnh dùng bản Hán ngữ này để Việt dịch, hiện nay ở Việt Nam bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là bản phổ biến nhất).
Chi tiết 13 tác phẩm của cuốn Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện gồm:
- Phần 1: Thần thông trên cung trời đao lợi.
- Phần 2: Phân thân Tập Hội.
- Phần 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên.
- Phần 4: Nhân nghiệp thiện ác của chúng sinh.
- Phần 5: Danh hiệu của địa ngục.
- Phần 6: Như lai tán thán.
- Phần 7: Lợi ích cả kẻ còn người mất.
- Phần 8: Các vua Diêm La khen ngợi.
- Phần 9: Xưng danh hiệu Chư Phật.
- Phần 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí.
- Phần 11: Địa thần hộ pháp.
- Phần 12: Thấy nghe được lợi ích.
- Phần 13: Dặn dò cứu độ nhơn thiên hồi hướng.
Thứ ba là bản của ngài Thật Xoa Nan Đà, niên đại dịch kinh là 695-704 (trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu 98/668). Ngoài ra còn một số bản giảng giải về kinh Địa Tạng khác.
Ở Nhật Bản tín ngưỡng thờ phụng Bồ Tát Địa Tạng thịnh hành vào thời kỳ Kamakura (Liêm Thương; 1185–1333). Bồ Tát Địa Tạng được người Nhật cầu nguyện rộng rãi nhất từ xưa đến nay những lại xem Bồ Tát gần giống như là vị thần. Có thể một phần là do hình ảnh của ngài Địa Tạng được trộn lẫn khái niệm với Dōsojina hay Sae no kami (những vị thần bản địa). Ngài Địa Tạng ở đây được thờ phụng như hình thức những vị thần dân gian Nhật Bản cổ xưa, hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng có mặt khắp Nhật Bản như trên những con đường đi bộ, lối vào nhà, chùa chiền và nghĩa trang... Một trong những lý do khác để hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng thịnh hành ở Nhật Bản là vì: trong khi người bình dân thường thấy những khái niệm Phật giáo có phần phức tạp, tinh tế và khó hiểu thì những ý nghĩa gắn với Bồ-tát Địa Tạng được hiểu theo một cách cụ thể đơn giản mà mọi người có thể lĩnh hội được.
Ở Việt Nam, Phật giáo đã có mặt từ những năm đầu công nguyên, dần ngấm sâu vào tâm thức, ảnh hưởng về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của đồng bào và dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt từ khi mới du nhập, định hình, phát triển và đến hôm nay. Nguyên nhân khiến Phật giáo có sức sống lâu dài và phát triển mạnh mẽ như vậy không những vì nền giáo lý cao siêu mầu nhiệm như duyên khởi, tánh không, vô ngã... mà một phần là vì sự tương thích giữa giáo pháp Thế Tôn và thuần phong mỹ tục của con người nơi đây. Tinh thần hiếu đạo (công cha như núi thái sơn...), tính tương thân tương ái (thương người như thể thương thân), tình thương cứu khổ, đức tính bao dung (thương nhau chín bỏ làm mười), lòng báo ân (uống nước nhớ nguồn) v.v... đối với tâm thức người dân Việt Nam luôn là nét đẹp thiên liêng về đạo làm người. Khi ấy kinh Địa Tạng nói lên trọn vẹn những tinh thần đó, hơn thế nữa kinh văn còn hướng chúng sinh đến con đường giải thoát chân thực. Nền giáo dục trong kinh Địa Tạng không những có giáo lý, phương pháp tu, những ví dụ chi tiết sinh động mà còn có cả mẫu người lý tưởng điển hình (Bồ Tát Địa Tạng). Cho nên, không có gì khó hiểu khi kinh Địa Tạng và hạnh nguyện của Ngài lại được nhiều phật tử Việt Nam trì tụng, tu tập và thực hành theo. Tuy rằng, hiện nay ở Việt Nam ta số lượng các đầu sách nghiên cứu, phiên dịch, trước thuật, chú giải, giảng giải về kinh Địa Tạng không đồ sộ như công trình kinh sách của kinh Pháp Hoa, A Di Đà... Nhưng kinh này cũng chiếm số lượng khá lớn các tác phẩm có giá trị được các bậc cao Tăng thạc đức lỗi lạc thời cận đại dịch giảng. Hiện nay, các đầu sách ấy vẫn đang nhận được sự quan tâm của thế hệ sau từ giới xuất gia đến cư sĩ, từ hàng tri thức đến bình dân, từ nhà nghiên cứu chuyên sâu cho đến người mới tìm hiểu Phật pháp, trong đó có thể kể đến các dịch giả nổi tiếng như: Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Hoà thượng Thích Tuệ Nhuận, Hoà thượng Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Chơn Thiện, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thượng toạ Thích Nhật Từ,...
Hòa thượng Thích Chúc Thái từng dạy: Kinh Địa Tạng là bộ kinh Đại thừa quan trọng đối với Phật giáo. Còn với hàng phật tử đây là bộ kinh để đầu giường, chúng ta được học rất nhiều điều cụ thể từ việc thực hành thiện pháp đến việc âm việc dương gọi là âm dương lưỡng lợi... sau cùng là nói về chân tâm - mỗi hành giả cần gieo trồng hạnh hiếu vào chân tâm ấy, hạt giống hiếu hạnh này là nhân để trở thành thánh thành Phật trong tương lai. Kinh Pháp Hoa cũng ví dụ về những đứa con của ông trưởng giả vui chơi ngây thơ trong nhà lửa còn người cha tuy thấy tất cả nhưng không cách nào có thể cứu hết tất cả các con mình. Ông bèn tùy theo ý muốn mà dụ các con ra ngoài với những đồ chơi yêu thích. Đây chính là ẩm dụ cho các phương tiện quyền xảo (khéo dùng phương tiện) của Thế Tôn tùy theo căn cơ mà giáo hóa chúng sinh. Người yêu thích xe dê thì dụ dẫn bằng xe dê... cũng như người chỉ thấy lợi trước mắt thì không thể nói lý tưởng cao siêu mà phải chia từng mục tiêu nhỏ để chỉ chân lý tối hậu. Kinh Địa Tạng chính là một trong những bản kinh giúp chúng sinh có căn cơ kém, phước đức mỏng từng bước tìm về hướng mặt trời chân lý giải thoát. Xét thấy, nền giáo lý tối hậu của đức Thiện Thệ như tánh không, vô ngã, Ba la mật... trong kinh Duy Ma, Hoa Nghiêm, Kim Cang... đối với bậc xuất gia sống cả đời trong pháp Phật còn phải dụng công không ít để tìm hiểu nghiên cứu huống gì hàng cư sĩ bình dân. Khi đó, kinh Địa Tạng dạy người hiếu đạo, hạn chế giết hại, tập đức tánh cho đi, giữ gìn đạo đức, sống hướng thiện... những phương pháp đó lại tương thích với tầng nghiệp thức về quan điểm làm người của họ – đây cũng là lời phó chúc của đức Thế Gian Giải dành cho Ngài Địa Tạng “khéo vì chúng sinh mà phân biệt giảng nói”.
Bồ Tát Địa Tạng với đại hạnh nguyện đã giúp tâm thức đang đau khổ của chúng sinh tưởng chừng không lối thoát có hướng tìm về, xây dựng niềm tin cho họ có thể “quay đầu thị ngạn”. Cũng như, đối với người đi biển trong đêm tối bốn bề thì ngọn hải đăng là niềm hy vọng và là nơi hướng về, đối với người lạc lối trong rừng sâu thì mặt trời mặt trăng và tinh tú là cách dẫn lối. Đức Bồ tát Địa Tạng chính là hải đăng của người đi biển; là mặt trời, mặt trăng của người đi rừng - khi chúng sinh đang lạc lối trong cõi khổ chốn ác đạo nơi mà chỉ toàn khổ đau dù muốn khởi một niệm thiện nhỏ cũng không được khi đó Bồ Tát xuất hiện “nắm tay dìu dắt họ thoát khỏi ác đạo” bằng nhiều phương tiện quyền xảo. Không những thế Bồ Tát còn liên hệ với những vấn đề ý nghĩa nhất của sự hiện hữu con người như sinh sản và bảo vệ trẻ em... (những thứ từ đất mà có đều nhờ nơi sức thần bảo hộ của Bồ Tát Địa Tạng cả). Đây chính là hạnh nguyện nhiều đời của Đức Địa Tạng bồ tát bổn nguyện, Bồ Tát bổn hạnh và Bồ Tát bổn thệ lực. Chính vì vậy, hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng đối với người phật tử Việt có phần tôn kính cũng có phần gần gũi. Tôn kính vì hạnh nguyện của Ngài với chúng sinh đau khổ, cho dù chúng sinh đó có ương ngạnh, cứng cỏi, khó dạy khó sửa như thế nào nhưng Ngài cũng không vì vậy mà bỏ rơi; Gần gũi vì Ngài ra sức bảo hộ chúng sinh - đến những đều nhỏ nhặt nhất, hay khi chúng sinh có làm điều thiện dù rất nhỏ cũng được Bồ Tát ghi nhận, tán dương; đồng thời hướng dẫn chúng sinh thoát khổ với những phương pháp cơ bản dễ hiểu dễ thực hành.
Tư tưởng, ý nghĩa cốt lõi của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện:
3. Tư tưởng của bộ Kinh:
Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện có nội dung được tóm tắt trong 8 chữ “Hiếu Đạo, Độ Sanh, Bạt Khổ, Báo Ân”. Cụ thể:
- Hiếu Đạo: Bàn về đạo lý và lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành. Nếu chúng ta hiếu thuận với cha mẹ, thì sẽ nhận lại quả ngọt tương tự từ con cái của mình. Ngược lại, con cái cũng sẽ bất hiếu với bạn.
- Độ sinh: Bàn về độ 12 loài chúng sinh, qua đó giúp giáo hóa chúng sinh, phát tâm Bồ Đề và sớm tu thành Phật quả.
- Bạt Khổ: Bàn về tư tưởng loại bỏ mọi khổ não ở trần tục.
- Báo Ân: Bàn về sự báo đáp công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.
4. Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát:
Kinh Địa Tạng Bồ Tát được viết như một cuộc trao đổi, đối thoại giữa Đức Phật với Địa Tạng Vương Bồ Tát trên cõi trời Đao Lợi. Nội dung bộ kinh chủ yếu nói về cách giải thoát chúng sinh khỏi địa ngục cực khổ và những chỉ dẫn hồi hướng công đức cho người đang hấp hối hoặc đã khuất.
Theo Đạo Phật, bộ kinh mang ý nghĩa khác nhau như:
- Bàn về biển khổ và chỉ ra những điều làm chúng ta hạnh phúc của Niết Bàn.
- Bàn về quy luật nhân quả và các hậu quả nhận lại khi làm chuyện xấu xa.
- Bàn về lòng hiếu thảo, quy tắc nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái và cha mẹ.
Tóm lại, ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát xoay quanh việc khai thác tham sân si nơi tự tâm, giúp chúng sinh loại bỏ tà kiến, tu tập ba nghiệp lành, giải trừ vô minh tăm tối, và trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình.
Kinh Lăng Nghiêm
[sửa | sửa mã nguồn]Đại Phật đỉnh thủ-lăng-nghiêm kinh (sa. Śūraṃgama-samādhi-sūtra; zh. 大佛頂首楞嚴經 Đại Phật đỉnh thủ-lăng-nghiêm kinh), hoặc Lăng-nghiêm kinh (楞嚴經), hay còn được gọi là Trung Ấn Độ Na-lan-đà Đại Đạo tràng Kinh (中印度那爛陀大道場經), đã được tất cả các trường phái Phật giáo Trung Hoa tụng niệm và nghiên cứu từ đời nhà Đường và thường được luận giải ở các thế kỷ tiếp theo sau. Kinh Lăng Nghiêm rất được những người "hợp nhất tam giáo" (三教一源 Tam Giáo Nhất Nguyên) đời nhà Tống và đời nhà Minh ưa chuộng.
Kinh Lăng Nghiêm dần dần được các tổ Thiền Tông đặc biệt quan tâm, trong đó có các ngài Trường Thủy Tử Duệ (長水子鋭 - đời Tống), Hám Sơn Đức Thanh (憨山德清 - đời Minh) và Tuyên Hoá (宣化; 1918-1995) đã góp nhiều công sức phổ biến và giảng giải.
Thường hay có sự nhầm lẫn giữa kinh này với một bộ kinh khác, gồm 2 quyển, là Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh. Thủ Lăng Nghiêm Kinh triển khai giáo lý về bản Tâm và các cảnh giới tu chứng trong Thiền định cùng với phần tuyên thuyết Bạch Tản Cái Đà La Ni. Trong khi đó Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh nói về nền tảng giáo lý cơ bản của Đại Thừa, với sức Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Đại định kiên cố) mà Bồ Tát trong Đại định ấy có thể thị hiện đi khắp nơi giáo hóa hàng phục Ma Vương một cách tự tại, tuy thị hiện nhập Niết Bàn ở nơi này nhưng lại bày thân đi giáo hóa chúng sinh ở cảnh giới khác.
Tên đầy đủ:
Tên trọn vẹn của kinh là Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ Tát vạn hạnh thủ-lăng-nghiêm kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經), tạm dịch:
- "Kinh của đỉnh Đại Phật, chứng ngộ trọn vẹn do tu hành nguyên nhân bí mật của các Như Lai, nền móng của vạn hạnh của tất cả các Bồ Tát"
Bộ Kinh gồm 10 quyển. (Taisho Tripitaka Nº 945)
Nguồn gốc:
Theo truyền thống, Kinh Lăng Nghiêm được sư người Ấn Độ tên Bát Lạt Mật Đế (般羅蜜帝) và 2 vị phụ tá dịch năm 705 tại chùa Chế Chỉ (制止寺) ở Quảng Đông, dưới sự bảo trợ của Phòng Dung (房融), một quan gián đại phu của Hoàng hậu Võ Tắc Thiênvừa bị giáng chức xuống hàng quan địa phương tại quê mình. Có người cho là kinh do Phòng Dung viết lại với một lối hành văn cổ điển lưu loát khác hẳn các bản dịch khác. Phẩm chất văn chương, sự thiếu nổi danh của những người dịch, những bình luận về các bực thầy giả hiệu, và sự ưa chuộng trong những người "hợp nhất tam giáo" là nguyên nhân của nhiều sự cáo buộc kinh là ngụy tác.
Vì lý do này, kinh suýt bị thiêu hủy ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và luôn luôn được giữ như của riêng tư ở Nhật. Mặc dầu thế, cộng đồng Phật giáo Trung Hoa và nhiều chuyên gia thời hiện đại như Ron Epsein của Đại học San Francisco và La Hương Lâm (羅香林) của Đại học Hồng Kông, xem Kinh Lăng Nghiêm là một bản dịch tốt đẹp từ tài liệu tiếng Phạn và không phải là một sáng tác của Trung Hoa.
Truyền thuyết:
Truyền thuyết cho là Kinh Lăng Nghiêm do ngài Long Thọ tìm được, từ đó được các vua chúa Ấn Độ xem như quốc bảo, và việc đem kinh này ra khỏi Ấn Độ là phạm pháp.
Từ triều đại nhà Tùy, vị sáng lập Thiên Thai tông, Trí Nghĩ (智顗), đã có nghe đến Kinh Lăng Nghiêm và mỗi ngày quay về hướng Tây tụng niệm cầu cho Kinh đến được Trung Hoa.
Sau một lần thử đem ra khỏi Ấn Độ không kết quả, Bát Lạt Mật Đế quyết định giấu Kinh trong cánh tay của mình, Kinh được bao bọc trong lụa và sáp. Khi đến Quảng Đông, ngài lấy Kinh ra từ chỗ giấu, do đó Kinh còn có biệt danh là Kinh Tẩm Máu, (血漬經 Huyết Tí Kinh).
Sau khi hướng dẫn dịch xong, Bát Lạt Mật Đế trở về xứ nhận trách nhiệm tội lén đem Kinh ra ngoài và giải tội cho người canh phòng biên giới bị bắt giữ vì trách nhiệm lây.
Khi được Phòng Dung dâng lên Võ Tắc Thiên, Kinh không được phổ biến ngay vì mới đó có một vụ tai tiếng về giả mạo kinh.
Thiền sư Thần Tú (神秀) tìm thấy Kinh khi cư ngụ trong hoàng cung.
Truyền thống Phật giáo Trung Hoa theo "thiên niên" cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là kinh cuối cùng được tìm ra và sẽ bị phá hủy trước tiên khi gần đến thời kỳ Phật pháp bị hủy diệt.
Chú Lăng Nghiêm
[sửa | sửa mã nguồn]Bài chi tiết: Chú Lăng Nghiêm
Chú Lăng Nghiêm là Chú quan trọng nhất, hơn hết thảy trong các Chú, bao gồm hết thảy thể chất và diệu dụng của Phật pháp. Chú này chia làm 5 bộ: Kim Cang bộ, Bảo Sinh bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ, và Nghiệp bộ. Năm bộ kinh này thuộc về 5 phương:
1. Kim Cang bộ: thuộc về phương Đông, Đức Phật A Súc là chủ
2. Bảo Sinh bộ: thuộc về phương Nam, Phật Bảo Sinh là chủ
3. Phật bộ: thuộc về chính giữa, Phật Thích Ca Mâu Ni là chủ
4. Liên Hoa bộ: thuộc về phương Tây, Phật A Di Đà là chủ
5. Nghiệp bộ: thuộc về phương bắc, Phật Thành Tựu là chủ (có vô số Phật nhưng ở chính giữa Phật Thích Ca đại diện trong thời gian này, ban đầu là Phật Tỳ Lô)
Nếu trên thế gian này không còn người nào tụng Chú Lăng Nghiêm, thì Ma Vương sẽ xuất hiện, chúng ma chưa thể dụng phép thần thông phá hoại nhân gian một cách tự do được chính là vì điều này. Nếu còn một người trì tụng, thì thiên ma Ba Tuần không dám xuất hiện. Vì chúng sợ nhất là Chú Lăng Nghiêm. Chúng muốn tiêu diệt nhất là Chú Lăng Nghiêm. Khi Phật pháp bắt đầu hoại diệt, thì Chú Lăng Nghiêm sẽ mất trước nhất, kể cả kinh Lăng Nghiêm. Lúc đó thiên ma Ba Tuần sẽ có thể xuất hiện hoành hành đầy rẫy khắp nơi như trong kinh đã nói. Lúc ấy sẽ không còn trời đất, không có Phật, chúng tuyệt đối chẳng sợ gì. Mỗi người Phật tử, (tại gia, và xuất gia) học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm và trì tụng mỗi ngày, mở nhạc tụng, hoặc in ấn tống lưu hành rộng lớn để không bị thất truyền, đây chính là hộ pháp, và khiến cho Phật pháp tồn tại lâu dài, đừng xem thường không có ý nghĩa và quan hệ gì. Hiện tại ở đây chỉ có mấy chục người nghe giảng Chú Lăng Nghiêm, nhưng chính mấy chục người này đã giữ chân bọn thiên ma, khiến chúng hoảng sợ khi đề cập đến Chú này.
Nội dung:
Theo Ron Epstein, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Mật tông và Du-già hành tông (瑜伽行宗), một tên khác của Duy thức tông (唯識宗), trong Kinh Lăng Nghiêm. Một trong những chủ đề được khai triển là tính vô hiệu của Pháp (sự giảng dạy) riêng lẻ mà không có "định tam muội" đạt được nhờ thiền định. Sự quan trọng của việc giữ giới cũng được nhấn mạnh không kém. Hai chủ đề nầy được đề cập trong đoạn mở đầu qua các điều không may của A-nan-đà.
A-nan-đà đã biết nằm lòng giáo lý của đức Phật nhưng không hành thiền. Là nạn nhân của một nghiệp xấu dẫn đưa A-nan-đà gặp một kỹ nữ, A-nan-đà được cứu thoát nhờ một thần chú do đức Phật đọc.
Kinh cũng khai triển sự phân biệt giữa ý thức phân biệt và chân tâm phổ cập (chứng ngộ trọn vẹn như trong tựa) hiện diện không phân biệt trong tất cả các pháp.
Kinh có những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến thiền định, miêu tả 57 giai đoạn đến cảnh giới Bồ Tát, giải thích rõ ràng về nghiệp và tái sinh, cũng như sự trình bày 50 "tâm giới" ma quỷ mà người tu tập có thể gặp phải trên con đường tâm linh.
Theo Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh (triều đại nhà Minh), Kinh Lăng Nghiêm chỉ có thể được thông hiểu gián tiếp qua tri giác trung thực nhờ tu tập "Du già hiện sự", bằng cách loại trừ mọi dấu vết của sự phân biệt có ý thức.
Ở Trung Hoa, Kinh Lăng Nghiêm có một vị trí cũng quan trọng như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Người ta sẵn lòng nhấn mạnh đến sự tương ứng của nội dung Kinh với nhiều văn bản khác trong Kinh tạng. Trên một bình diện thiết thực, đoạn cuối của Kinh mô tả 50 (10 cho mỗi uẩn) "tâm giới" ma quỷ cản trở tiến bộ tâm linh. Đoạn này cũng như những chú giải liên quan đến Chú Lăng Nghiêm rất được nhiều người ưa đọc.
Thiền sư Tuyên Hoá (1918-1995), một trong những vị đại sư đề xướng Kinh Lăng Nghiêm, cũng nêu ra trước giá trị của Kinh giúp báo động về các vị thầy không chân chính.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
[sửa | sửa mã nguồn]Bài chi tiết: Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh
Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh (zh. shŏulèngyán sānmèi jīng 首楞嚴三昧經, ja. shuryōgon sanmaikyō, ko. surŭngŏm sammaegyŏng, sa. śūraṃgama-samādhi-sūtra) là một bộ kinh Đại thừa. Tên đầy đủ của kinh này là Phật nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh. Thường hay có sự nhầm lẫn giữa kinh này với Thủ-lăng-nghiêm kinh (hay Lăng-nghiêm kinh), là một bộ kinh có nội dung hoàn toàn khác biệt với cốt lõi dựa trên Bạch Tản Cái Đà La Ni.
Từ nguyên: [sửa | sửa mã nguồn] "Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội" là từ phiên âm từ śūraṃgamasamādhi trong tiếng Phạn. Hán dịch ý là Kiện tướng định (zh. 健相), Kiện hành định (zh. 健行), Dũng phục định (勇伏定), và Nhất thiết sự cánh định (一切事竟), chỉ một loại định (sa. samādhi) phá vỡ mọi phiền não.
Nội dung: [sửa | sửa mã nguồn] Bộ kinh này thuộc Phật giáo Đại thừa thời kì đầu, nội dung rất tương quan với kinh Duy-ma-cật sở thuyết (sa. vimalakīrti-nirdeśa-sūtra). Tam-muội có nghĩa là thiền định, là trạng thái của tâm tập trung chuyên nhất vào một điểm (nhất tâm, sa. cittaikāgratā). Trạng thái định được đề cập trong kinh này là Thủ-lăng-nghiêm. Gọi là Kiện hành (zh. 健行) vì bất kì ai đã có được đại định này thì dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng có phong cách của vị kiện tướng (sa. śūra), sẽ không gặp bất kì trở lực nào. Kinh này chắc thật có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng nay chúng ta chỉ còn có vài bản tiếng Phạn không hoàn chỉnh: hai phần trích dẫn trong Tập Bồ Tát học luận (sa. śikṣāsamuccaya) của Tịch Thiên (sa. śāntideva) và một số trang bản thảo được khám phá ở miền Tây xứ Turkestan. Bản kinh hoàn chỉnh được lưu hành hiện nay nhờ hai bản dịch: một do Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Hán có lẽ vào khoảng từ năm 402–409, và một bản dịch tiếng Tây Tạng vào khoảng đầu thế kỉ thứ 9 được xem là do sự hợp tác của học giả Ấn Độ Thích-ca Quang (sa. śākyaprabha) và các nhà chú giải Trung Hoa khác. Những bản dịch này nay đã thất lạc, chúng ta chỉ còn được biết đến tên kinh. E. Lamotte đã dịch sang tiếng Pháp năm 1965, và bản này đã được Boin-Webb dịch sang tiếng Anh năm 1998. Tên gọi đầy đủ là Phật thuyết Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh.
Kinh Lăng-già
[sửa | sửa mã nguồn]Bài chi tiết: Lăng-già Kinh
Nhập Lăng-già kinh (tiếng Trung: 入楞伽經, rù lèngqié jīng; tiếng Nhật: nyū ryōga kyō; tiếng Phạn: liṅga-avatāra sūtra) là một bộ kinh Đại thừa, đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, hành giả đạt tâm vô phân biệt. Đó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha) vốn hằng có trong mọi loài. Kinh này chỉ rõ là văn tự không cố định trong việc trao truyền giáo pháp, như cùng một vật một việc nhưng có nhiều tên gọi, ý nghĩa và lời dạy của đức Phật, Phật pháp phải uyển chuyển theo ngữ cảnh, phù hợp với mọi chúng sinh.
Kinh này có ba bản dịch Hán ngữ song song với nguyên bản tiếng Phạn còn tồn tại:
- Bản dịch của Cầu-na-bạt-đà-la (sa. guṇabhadra) dưới tên Lăng-già-a-bạt-đa-la bảo kinh (zh. 楞伽阿跋佗羅寶經; sa. liṅga-avatāra sūtra) 4 quyển;
- Bản của Bồ-đề-lưu-chi (sa. bodhiruci) với tên Nhập Lăng-già kinh, 10 quyển;
- Đại thừa nhập Lăng-già kinh (zh. 大乘入楞伽經) của Thật-xoa-nan-đà (sa. śikṣānanda), 7 quyển.
Những thuyết trong kinh này rất gần với quan điểm của Thiền tông. Cùng với kinh Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa và Đại thừa khởi tín luận (sa. mahāyānaśraddhotpāda-śāstra), kinh Nhập Lăng-già là một trong những bộ kinh Đại thừa có ảnh hưởng lớn đến Thiền tông Trung Quốc. Người ta cho rằng bộ kinh này do Bồ-đề-đạt-ma, Sơ tổ thiền Trung Quốc chính tay truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Ngay cả giáo pháp tiệm ngộ (giác ngộ từng bậc) của Thần Tú cũng bắt nguồn từ kinh Nhập Lăng-già này.
Kinh bao gồm 9 chương văn xuôi trộn lẫn với các câu kệ và một chương chỉ toàn văn vần. Kinh này lần đầu được dịch ra Hán văn trong thế kỉ thứ 5. Kinh Nhập Lăng-giàđược Phật thuyết tại Tích Lan theo lời mời của một nhà vua xứ này, trong đó Phật trả lời những câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ (sa. mahāmati). Giáo pháp trong kinh này là nền tảng của Duy thức tông (sa. yogācāra, vijñānavāda).
Duy-ma-cật sở thuyết kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Duy-ma-cật sở thuyết kinh là một bộ kinh độc lập, được biên tập vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2. Bồ Tát Duy-ma-cật xuất hiện dưới dạng cư sĩ để thuyết pháp, nhấn mạnh đến việc tu tập của hàng cư sĩ. Về mặt giáo lý thì kinh này giống kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Một chủ đề lớn khác trong kinh này là các Tịnh độ của chư Phật (Phật độ 佛土, sa. buddhakṣetra), đã ảnh hưởng lớn đến Tịnh độ tông sau này. Kinh này rất phổ biến tại các nước theo Đại thừa Phật giáo tại Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam, có lẽ vì giáo lý trong kinh thích hợp với Nho giáo.
Tam-ma-địa kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Kinh văn loại này này được xem là những bộ kinh Đại thừa cổ nhất. Chúng nhấn mạnh việc thành tựu các cấp Tam-ma-địa (zh. 三摩地, sa. samādhi), "định", trong lúc ngồi thiền, và như thế gợi thấy là thiền định đã giữ một vị trí quan trọng trong Đại thừa ban sơ. Thuộc loại kinh này là Bát-chu-tam-muội kinh (zh. 般舟三昧經, sa. pratyutpannabuddhasammukhāvasthita-samādhi-sūtra) và Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh (zh. 首楞嚴三昧經, sa. śūraṃgamasamādhisūtra).
Sám hối kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Tam uẩn kinh (sa. triskandhasūtra) và Kim quang minh tối thắng vương kinh (gọi tắt là Kim Quang Minh kinh) đặt nặng đến việc tự kể về mình, sám hối tội lỗi. Đặc biệt là bộ kinh Kim Quang Minh được vương triều Nhật Bản thời ấy chú trọng. Một chương của trang này được triều đình dùng để chính thống hóa hình thức cai trị và dùng làm cơ sở cho một đất nước phồn thịnh lý tưởng.
Kinh Viên Giác
[sửa | sửa mã nguồn]Bài chi tiết: Kinh Viên Giác
Viên giác kinh (zh. 圓覺經, yuánjué-jīng; ja. engaku-kyō, ko. 원각경, Wongakgyeong; en. The Sutra of Perfect Enlightenment), tên đầy đủ là Đại phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh (sa. mahāvaipulyapūrṇa-buddhasūtra-prasannārtha-sūtra), là một bộ kinh quan trọng trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa và được Pháp sư Giác Cứu (sa. buddhatrāta; zh. 佛陀多羅; vi. Phật-đà-đa-la) dịch sang Hán văn vào năm 693. Theo Hòa thượng Thích Duy Lực, vì dịch giả là người nước Kế-tân và Hán Văn chưa thông thạo lắm nên trong bản dịch còn có chổ dịch tối nghĩa, khó hiểu.
Kinh này bao gồm 12 chương, mỗi chương lấy tên tương ứng với một trong 12 vị Đại bồ tát đến tham vấn với Phật Thích-ca-mâu-ni. Phần nội dung và kết thúc của mỗi chương bao gồm 12 lần hỏi đáp, trong đó đặc biệt nhất là hai chương mà Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền được Đức Phật khai thị về sự viên mãn của giác ngộ (Viên giác). Xoay quanh các chương này là các cuộc tham vấn liên quan đến các vấn đề như nguồn gốc và bản chất của Vô minh, Đốn ngộ và Tiệm tu, bản thể Phật tính, phương pháp Thiền định... Những vấn đề này về sau cũng được làm rõ trong Đại thừa khởi tín luận.
Tên kinh này là "Viên giác", tức chỉ cho bản thể tự tính vốn viên mãn, đầy đủ công đức trí huệ, cùng khắp không gian và thời gian. Hơn nữa, hết thảy chúng sinh hữu tình đều có sẵn bản giác chân tâm, từ vô thủy đến nay thường tự vốn thanh tịnh, sáng rõ không mê mờ, rõ ràng thường biết. Nếu nói là thể thì đó là nhất tâm, nếu nói về nhân thì đó là Như Lai tạng (zh. 如來藏), nếu nói về quả thì đó là Viên Giác. Đại sư Khuê Phong Tông Mật trong tác phẩm Viên Giác Kinh Lược Sớ Tự Chú (zh. 圓覺經略疏序注) là luận giải về Kinh Viên Giác sớm nhất (thế kỷ thứ 9) có giải thích như sau:
- "Muôn pháp không thật, do duyên gặp mà sinh ra, pháp sinh ra vốn không, hết thảy chỉ có biết, biết như huyễn mộng, chỉ là nhất tâm, tâm lặng mà biết, mắt thấy là Viên Giác." (萬法虛僞、緣會而生、生法本無、一切唯識、識如幻夢、但是一心、心寂而知、目之爲圓覺)
Kinh này có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng Thiền Tôngvà Hoa Nghiêm Tông. Đặc biệt là đối với chủ trương "Kiến Tính Khởi Tu" của Khuê Phong Tông Mật.
Kinh Đại Niết Bàn
[sửa | sửa mã nguồn]Bài chi tiết: Niết-bàn Kinh
Đại thừa Đại Bát-niết-bàn Kinh (Tiếng Phạn: महापरिनिर्वाण सूत्र, IAST: Mahāparinirvāṇa Sūtra, chữ Hán: 大般涅槃經, Bính âm: Dàbānnièpán-jīng) là một trong những bộ kinhĐại thừa quan trọng nhất thuộc hệ Như Lai Tạng (Tathāgatagarbha sūtra). Tương truyền, kinh này được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng ngay trước khi ngài nhập Vô dư Niết-bàn (Bát Niết-bàn). Cần phân biệt rõ hai kinh: kinh Đại-bát Niết-bàn (hay thường viết tắt là Niết-bàn kinh) theo truyền thống Phật giáo Đại thừa và kinh Đại-bát Niết-bàn (tiếng Pali: Mahāparinibbāṇa Sutta) theo truyền thống Thượng tọa bộ (Theravada) vì (1) kinh Tiểu thừa Đại-bát Niết-bàn thuộc Trường bộ kinh (Pa. Digha Nikaya) trong kinh Đại thừa Đại-bát Niết-bàn không thuộc Trường A-hàm (Sa. Dīrghāgama, tương đương với Trường bộ kinh trong Bộ kinh Nikaya), (2) văn phong kinh Đại thừa thường trừu tượng và rộng nghĩa hơn so với văn phong kinh Tiểu thừa và (3) sự khác biệt về nội dung của hai bộ kinh này là rất lớn (có thể xem như là khác hẳn dù vẫn có một số điểm chung như cả hai đều có chi tiết sự cúng dàng của thợ rèn Thuần-đà (Cunda)...).
Hiện nay, người ta chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của kinh Niết-bàn nhưng có thể có trước tác vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên. Nguyên bản tiếng Phạn đã bị thất truyền ngoại trừ một vài trích đoạn nhỏ, thế nhưng dịch bản Hán - Tạng vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay. Kinh có hai bản dịch tiếng Trung là dịch bản của ngài Đàm-vô-sấm (Sa. Dharmakṣema) và bản còn lại của pháp sư Pháp Hiển. Hai bản này có chút sai khác về nội dung, cụ thể là bản của ngài Đàm-vô-sấm khẳng định rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính trong khi bản của ngài Pháp Hiển nói rằng tồn tại một vài loài hữu tìnhkhông có khả năng giác ngộ thành bậc Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Tuy nhiên, truyền bản của ngài Đàm-vô-sấm vẫn được lưu truyền phổ biến hơn ở các nước Đông Á (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc...) và có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống giáo pháp ở các nước này.
Nội dung:
Niết-bàn kinh là một bộ kinh Đại thừa thuộc hệ Như Lai tạng vì nó khẳng định rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính (Sa. Buddhadhātu) hay trong kinh này là Như Lai tạng (Tathāgatagarbha). Phật tính bất sinh, bất diệt, thường hằng và thường trụ nơi chúng sinh do đó mọi loài hữu tình đều có đầy đủ tố chất, năng lực để tự giác ngộ thành Phật. Đó là tư tưởng đã được khẳng định nhiều lần trong nhiều bộ kinh, đặc biệt là kinh Pháp Hoa và là một trong những tư tưởng chỉ có trong giáo pháp của Phật giáo Đại thừa mà không có trong giáo lý của nhiều tôn giáo khác. Phần lớn nội dung kinh là khẳng định quan điểm "Phật tính" và cũng kèm theo đó lý luận, phân tích các luận điểm để làm sáng tỏ chủ đề ấy một cách mạch lạc, rõ ràng. Ngoài ra, một nội dung cũng tương tự Phật tính đó chính là sự thường hằng của Như Lai hay nói rõ ràng hơn là sự thường hằng của Pháp thân (Sa. dharmakāya) trong Tam thân Phật. Pháp thân Phật là thường hằng bất biến bởi Pháp thân chính là không tính, chân như là thể tính của mọi sự.
Kinh thời chuyển pháp luân thứ ba hay kinh hệ Duy thức
[sửa | sửa mã nguồn]Đây là những bộ kinh nói về thuyết "duy tâm", "duy thức" có liên hệ với Du-già hành tông (sa. yogācārin). Kinh Giải thâm mật (~ thế kỉ thứ 2) được xem là bộ kinh cổ nhất của loại này. Kinh này chia giáo lý của Phật thành ba loại và gọi là "ba thời chuyển pháp luân". Thuộc lần "quay bánh xe pháp" đầu tiên là những bài kinh hệ A-hàm của hàng Thanh Văn; thuộc loại kinh thời chuyển pháp luân thứ hai là bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa và cuối cùng, các bộ kinh liệt kê chính chúng vào lần chuyển pháp luân thứ ba. Thêm vào đó, kinh thuộc hai thời đầu được xem là vị liễu nghĩa, "chưa được giảng rõ ràng", mà chỉ những bộ kinh thuộc thời thứ ba này được xem là "liễu nghĩa", bao hàm ý nghĩa trọn vẹn. Bộ Nhập Lăng-già kinh cũng được xếp vào loại này mặc dù có bản chất tổng hợp nhiều giáo lý, pha trộn giáo lý Du-già với hệ thống Như Lai tạng và có vẻ như các vị sư khai sáng Duy thức tông không nhắc đến hoặc không lưu ý đến nó. Kinh này giữ một vị trí quan trọng trong Thiền tông.
Như Lai Tạng kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Thuộc về loại này là các bộ Như Lai tạng kinh (zh. 如來藏經, sa. tathāgatagarbhasūtra), Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh (zh. 勝鬘師子吼一乘大方便方廣經, sa. śrīmālāsiṃhanādasūtra) và Đại bát-niết-bàn kinh (zh. 大般涅槃經, sa. mahāparinirvāṇasūtra) hệ Đại thừa (rất khác với bộ kinh cùng tên văn hệ Pali). Ba bộ kinh này dạy rằng, mỗi chúng sinh đều có Như Lai tạng, được dịch và hiểu là Phật tính, Phật chủng (hạt giống Phật). Phật tính ở đây chính là khía cạnh của mỗi chúng sinh vốn đã giác ngộ và vì vậy có khả năng làm chúng sinh giác ngộ. Đây là một trong những ứng đáp quan trọng nhất từ phía Phật giáo cho vấn đề của nội tại và siêu việt. Giáo lý Như Lai tạng gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Đông Á và tư tưởng này có thể được tìm thấy - dưới dạng này hay khác - trong tất cả các trường phái Phật giáo tại đây.
Kinh tập hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Thuộc về loại này là hai bộ kinh rất lớn với tính cách tập hợp những bộ kinh khác. Kinh Đại bảo tích (zh. 大寶積經, sa. mahāratnakūṭasūtra) bao gồm 49 bài kinh riêng biệt, và Đại tập kinh (zh. 大集經, sa. mahāsaṃnipātasūtra), gồm 17 bài kinh tương đối ngắn. Cả hai bộ kinh đều được xem là được biên tập vào thế kỉ thứ 5, mặc dù chứa những bài kinh cổ hơn nhiều.
Kinh nói về sự thác sinh và nơi thác sinh
[sửa | sửa mã nguồn]Một số kinh tập trung vào các nghiệp dẫn đến sự thác sinh vào những cõi khác nhau, hoặc đặc biệt chú trọng đến giáo lý duyên khởi với 12 nhân duyên.
Kinh nói về giới luật
[sửa | sửa mã nguồn]Thuộc về loại này là những bộ kinh nói về các nguyên tắc hướng dẫn các vị Bồ Tát. Ba bộ kinh tiêu biểu cho loại này là:
- Phổ Minh Bồ Tát hội (zh. 普明菩薩會, sa. kāśyapaparivarta) nằm trong bộ kinh Đại bảo tích (zh. 大寶積經, sa. mahāratnakūṭasūtra),
- Bồ Tát giới bản (zh. 菩薩戒本, sa. bodhisattvaprātimokṣa) và
- Phạm võng kinh (zh. 梵網經, sa. brahmajālasūtra).
Kinh nói về những nhân vật được sùng bái
[sửa | sửa mã nguồn]Có nhiều bộ kinh nói về bản chất và công đức của một vị Phật, Bồ Tát, hoặc các Tịnh độ đặc thù của chư vị, bao gồm Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利, sa. mañjuśrī), Địa Tạng (zh. 地藏, sa. kṣitigarbha), Phật A-súc (zh. 阿閦, sa. akṣobhya) và Phật Dược Sư (z. 藥師, sa. bhaiṣajyaguru).
Tiền Đại thừa kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Đầu thế kỉ 20, một kho kinh điển được tìm thấy trong một gò đất gần Gilgit, Afghanistan. Một trong số kinh văn được tìm thấy là bộ Vô năng thắng quân kinh (sa. ajitasenasūtra). Kinh này dường như là một sự kết hợp của tư tưởng Đại thừa và Tiền đại thừa. Nội dung kinh diễn biến trong phạm vi ngôi chùa của các tăng-già, giống như trường hợp các bộ kinh văn hệ Pali; kinh không có những điểm tương phản giữa hàng Thanh Văn (hoặc Tiểu thừa) hoặc nhắc đến thánh quả A-la-hán như trường hợp các kinh văn Đại thừa khác như kinh Pháp Hoa hoặc kinh Duy-ma-cật. Tuy nhiên, kinh cũng nhắc đến một A-la-hán thấy được các cõi Phật. Kinh nói rằng việc niệm danh kinh sẽ cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau cũng như các đoạ xứ, và một cách thiền quán được kinh văn đề cao là sẽ giúp hành giả thấy với cặp mắt Phật, và nhận giáo lý từ chư vị. Những điểm này rất giống với kinh văn Đại thừa sau này.
Kinh luận ngoài tiêu chuẩn
[sửa | sửa mã nguồn]Luận văn chú giải, diễn giảng của Đại thừa rất nhiều và rộng, và trong nhiều trường hợp, các bài luận này được xem là quan trọng hơn cả kinh văn tiêu chuẩn.
Căn bản trung quán luận tụng (zh. 根本中觀論頌, sa. mūlamādhyamikakārikā) của Long Thụ (zh. 龍樹, sa. nāgārjuna) là bộ luận nền tảng của triết học Trung quán, có chủ đề như các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mặc dù không hẳn là luận văn chú giải các bài kinh này.
Vào khoảng thế kỉ thứ 9, Tịch Thiên (zh. 寂天. sa. śāntideva) tác phẩm hai luận văn quan trọng là Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicaryāvatāra) và Tập học luận (sa. śikṣāsamuccaya). Nhập bồ-đề hành luận có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhánh Đại thừa và cũng là bài luận vừa ý nhất của đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14, Đăng-châu Gia-mục-thố. Luận bắt đầu với việc thực hiện nghi lễ tôn kính, sau đó tiến đến phần giảng giải sáu Ba-la-mật-đa. Chương thứ 9 là một cách trình bày quan điểm Bát-nhã-ba-la-mật-đa của trường phái Trung quán-Cụ duyên (zh. 具緣派, sa. prāsaṅgika) cũng như chê trách những trường phái Phật giáo khác trên cơ sở Trung quán. Tập học luận, như tên cho thấy, là một bài luận tập hợp các giáo lý từ nhiều bài kinh Đại thừa. Nhiều bộ kinh được nhắc đến trong luận đã không còn nữa, chỉ biết được qua những lời trích dẫn trong kinh.
Đại sư Vô Trước (zh. 無著, sa. asaṅga) là người sáng lập trường phái Duy thức. Tương truyền Đại sư đã tiếp nhận nhiều bộ luận từ Bồ Tát Di-lặc tại cung trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Những bộ luận đó là:
- Biện trung biên luận tụng (sa. madhyāntavibhāga-kārikā)
- Đại thừa kinh trang nghiêm luận tụng (sa. mahāyānasūtralaṅkāra-kārikā)
- Hiện quán trang nghiêm luận tụng (sa. abhisamayā-laṅkāra-nāmaprajñāpāramitā-upadeśa-śāstra [-kārikā] thường được viết tắt là abhisamayālaṅkāra-śāstra)
Đại sư Vô Trước cũng được xem là tác giả của Nhiếp đại thừa luận (sa. mahāyānasaṃgraha), Du-già sư địa luận (sa. yogācārabhūmi-śāstra) và Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (sa. abhidharma-samuccaya). Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận có thể được xem là luận văn tổng hợp giáo lý A-tì-đạt-ma và đã trở thành bộ luận tiêu chuẩn trong nhiều trường phái Đại thừa, đặc biệt là tại Tây Tạng. Riêng Du-già sư địa luận có thể là tác phẩm của nhiều người.
Em của Đại sư Vô Trước là Luận sư Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) đã viết nhiều bộ luận Duy thức như:
- Tam tính luận (sa. trisvabhāva-nirdeśa)
- A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (sa. abhidharmakośaśāstra)
- Duy thức nhị thập luận (tụng) (sa. viṃśatikāvijñāptimātratāsiddhi-kārikā)
- Duy thức tam thập tụng (sa. triṃśikā-vijñāptimātratāsiddhi-kārikā)....
Tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất của Luận sư Thế Thân tại Đông Á có lẽ là Duy thức tam thập tụng. Theo một vài nhà nghiên cứu thì có thể có đến hai vị luận sư cùng tên Thế Thân và người trước đã viết bộ A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, người sau đã soạn những tác phẩm Duy thức. Tuy nhiên, nhà Phật học Lê Mạnh Thát đã chứng minh trong The Philosophy of Vasubandhu rằng chỉ có một Thế Thân và giả thuyết "hai Thế Thân" có một cơ sở sai lầm.
Trần-na (zh. 陳那, sa. (mahā-)dignāga, diṅnāga) được xem là đại biểu của trường phái Nhận thức học (en. epistemology), gọi theo thuật ngữ nhà Phật là Nhân minh học (sa. hetuvidyā). Tập "đại thành" của Trần-na là Tập lượng luận (sa. pramāṇasamuccaya), được Pháp Xứng (zh. 法稱, sa. dharmakīrti) bổ sung thêm bài luận giải cơ bản, rất có giá trị là Lượng thích luận (zh. 量釋論, sa. pramāṇavarttika-kārikā).
Đại thừa khởi tín luận (sa. mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) của Đại sư Mã Minh (zh. 馬鳴, sa. aśvaghoṣa) có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo Đông Á, đặc biệt là trường phái Hoa Nghiêm tại Trung Quốc và Nhật. Các tác phẩm còn lại của Đại sư Mã Minh cũng rất được ưa chuộng.
Kim Cương thừa kinh
[sửa | sửa mã nguồn]Đát-đặc-la Phật giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Đại tạng kinh của Kim cương thừa (zh. 金剛乘, sa. vajrayāna) bao gồm những kinh văn A-hàm của một số trường phái cũng như kinh điển Đại thừa. Tuy nhiên, những bộ kinh Kim cương thừa đặc thù có chứa các Đạt-đặc-la mới chính là tinh hoa của Đại tạng kinh này. Chúng được xem là lời của đức Phật, Đại tạng kinh Tây Tạng có khoảng 500 Đát-đặc-la (zh. 怛特羅, sa. tantra) và hơn 2000 bài luận giải hệ thuộc. Các bộ Đát-đặc-la có những điểm đặc thù, ví như đặc biệt chú trọng đến nghi lễ cũng như các phép thiền quán.
Truyền thống Tây Tạng sau này phân chia kinh văn Đát-đặc-la thành bốn loại, cụ thể là:
- Tác đát-đặc-la (sa. kriyā-tantra): chiếm phần lớn kinh văn Đát-đặc-la nhưng có ít tầm quan trọng, xuất hiện giữa thế kỉ thứ 2 và 6. Đát-đặc-la này chú ý đến phép tu luyện thông qua các hành động (nghi lễ v.v...). Mỗi Tát Đát-đặc-la xoay quanh nghi thức thờ cúng một vị Phật hoặc Bồ Tát, và nhiều vị lại đứng quanh những Đà-la-ni (sa. dhāraṇī). Kinh văn tiêu biểu cho nhóm này là Đại vân kinh (sa. mahāmeghasūtra), Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹ (zh. 文殊師利根本儀軌經, sa. āryamañjuśrīmūlakalpa), Subhāparipṛcchāsūtra và Aparimitāyurjñānahṛdayadhāraṇī.
- Hành đát-đặc-la (sa. caryā-tantra): Có một ít kinh văn thuộc thể loại Hành Đát-đặc-la, loại kinh có lẽ xuất hiện vào thế kỉ thứ 6, phép tu luyện hoàn toàn hướng đến việc tôn xưng đức Phật Đại Nhật. Ví dụ tiêu biểu là bộ Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh (zh. 大毘盧遮那成佛神變加持經, sa. mahāvairocanābhisambodhitantra). Đát-đặc-la này sau được xem là kinh văn chính của tông Chân ngôn.
- Du-già-đát-đặc-la (sa. yoga-tantra): Phép tu luyện cũng hướng đến đức Phật Đại Nhật, bao gồm thêm hai bộ Nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp đát-đặc-la (sa. sarvatathāgatatattvasaṃgrahatantra) và Nhất thiết nghiệp chướng thanh tịnh đát-đặc-la (sa. sarvadurgatipariśodhanatantra).
- Vô thượng du-già-đát-đặc-la (sa. anuttarayoga-tantra): Thể loại Đát-đặc-la cấp cao nhất này tập trung vào sự chuyển hóa tâm thức, ít lưu ý đến các nghi lễ bên ngoài. Chúng thỉnh thoảng được xếp theo Thân phụ đát-đặc-la và Thân mẫu đát-đặc-la:
- Thứ nhất là loại Du-già vượt trội hơn (sa. yogottara), cũng được gọi là Thân phụ đát-đặc-la hoặc Phương tiện đát-đặc-la (sa. upāyatantra). Việc tu luyện nhắm đến đức Phật A-súc và nữ hành giả tùy tòng là Ma-ma-ki (sa. māmaki). Bộ Bí mật tập hội được xem là thuộc loại này, có lẽ xuất phát từ thế kỉ thứ 8.
- Thứ hai là những Đát-đặc-la thuộc hệ Bát-nhã hoặc hệ Thân mẫu (cũng được gọi là Du-già-ni đát-đặc-la, sa. yoginī-tantra). Đức Phật A-súc vẫn là mục đích chủ đạo, nhưng giờ đây xuất hiện dưới dạng giận dữ là Thần thể Hê-ru-ka (sa. heruka). Các vị Phật nữ giờ đây đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, ngang bằng những vị Phật nam hoặc không chừng là quan trọng hơn. Nhiếp đát-đặc-la (sa. saṃvaratantra) được dịch sang Tạng ngữ trong thế kỉ thứ 8. Những kinh văn khác thuộc nhóm này, ví như Hô kim cương đát-đặc-la (sa. hevajratantra), xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 10.
- Thời luân đát-đặc-la thỉnh thoảng được xem là một Bất nhị đát-đặc-la (sa. advayatantra). Bộ này xuất hiện rất trễ trong quá trình phát triển Mật giáo - vào khoảng giữa thế kỉ 11 - được viết bằng tiếng Phạn cổ điển rất chuẩn thay vì tiếng Phạn pha trộn cũng như lối văn ngầm chỉ(sa. saṃdhyābhāṣā) thường thấy trong những bộ khác. Lần đầu tiên giáo lý lại quay về đức Phật Bản Sơ (sa. ādibuddha).
Chứng cứ văn bản cho thấy rằng, một số Đát-đặc-la có nguồn từ Đát-đặc-la hệ Thấp-bà (sa. śaiva), được tiếp thu, thay đổi cho phù hợp cách tu luyện Phật giáo và có nhiều điểm giống nhau về nghi lễ cũng như hình tượng của Phật giáo Đại thừa mà chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Các tác phẩm khác của Kim cương thừa
[sửa | sửa mã nguồn]Thành tựu pháp man (sa. sādhanamālā) là một tập nói về các Thành tựu pháp.
Các hành giả Kim cương thừa, cũng được gọi là Thành tựu giả (sa. siddha) thường dạy bằng những bài ca. Những tuyển tập như Sở hạnh ca (sa. caryāgīti), bao gồm những bài ca nói về sở hạnh của nhiều vị Thành tựu giả rất phổ biến. Đạo-bả tập (sa. dohakośa) là một tác phẩm tiêu biểu khác của Đại thành tựu giả Sa-ra-ha (sa. saraha), thế kỉ thứ 9. Mật-lặc-nhật-ba thập vạn ca (100.000 bài ca của Mật-lặc-nhật-ba, en. The Hundred Thousand Songs of Milarepa) cũng rất nổi tiếng.
Tàng lục (zh. 藏錄, bo. གཏེར་མ་) là những văn bản được tác phẩm, nhưng lại được chôn giấu để người đời sau tìm thấy ở một thời điểm nhất định. Liên Hoa Sinh đã viết, và giấu nhiều Tàng lục. Bộ Tàng lục nổi danh nhất có lẽ là bộ Tử thư (bo. བར་དོ་ཐོས་གྲོལ་). Người tìm được Tàng lục được gọi theo tiếng Tây Tạng là Tertön (bo. གཏེར་སྟོན་).
Không Hải có viết một loạt luận giải đặc thù cho truyền thống Chân ngôn tông Nhật Bản.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- The Rider Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion. London, Rider, 1989.
- Nakamura, Hajime. 1980. Indian Buddhism: A Survey with Bibliographical Notes. 1st edition: Japan, 1980. 1st Indian Edition: Delhi, 1987. ISBN 81-208-0272-1
- Skilton, Andrew. A Concise History of Buddhism. Birmingham, Windhorse Publications, 1994.
- Warder, A. K. 1970. Indian Buddhism. Motilal Banarsidass, Delhi. 2nd revised edition: 1980.
- Williams, Paul. Mahayana Buddhism: The Doctrinal Foundations. London, Routledge, 1989.
- Zürcher, E. 1959. The Buddhist Conquest of China: The Spread and Adaptation of Buddhism in Early Medieval China. 2nd edition. Reprint, with additions and corrections: Leiden, E. J. Brill, 1972.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- The British Library: Discovering Sacred Texts - Buddhism Lưu trữ 2021-11-11 tại Wayback Machine
- Online Dharma Libraries
- The Buddhist Text Translation Society
- SuttaCentral
- Pali Canon
- Bibliography of Translations from the Chinese Buddhist Canon
- Buddhist Canonical Text Titles and Translations in English
- Tiếng Việt
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |