Dương Bạch Mai
Dương Bạch Mai | |
---|---|
Sinh | 17 tháng 4, 1904 Phước Lễ, Bà Rịa |
Mất | 4 tháng 4, 1964 |
Nguyên nhân mất | đột tử |
Nơi an nghỉ | Hà Nội |
Tên khác | Bourov |
Nghề nghiệp | Chính trị gia |
Dương Bạch Mai (1904–1964) là một nhà hoạt động cách mạng dân tộc, nhà chính trị, ngoại giao Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa II.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Ông sinh ngày 17 tháng 4 năm 1904, sinh ở Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa, trong một gia đình điền chủ giàu có. Ông có quan hệ họ hàng với tướng Nguyễn Văn Xuân, một trong những sĩ quan cao cấp người Việt trong chính quyền thuộc địa Pháp.[1]
Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà. Sau đó ông lên Sài Gòn học trung học, và sang Pháp du học tại Đại học Paris (Université de Paris).
Hoạt động trong phong trào Cộng sản Quốc tế
[sửa | sửa mã nguồn]Thời gian học ở Paris, khoảng năm 1927, ông tham gia An Nam Độc lập Đảng, một đảng dân tộc theo khuynh hướng xã hội, do một số nhà yêu nước Việt Nam sáng lập tại Pháp. Bấy giờ, đảng An Nam Độc lập được Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ đào tạo cán bộ, nên một thời gian sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Tạo.
Năm 1928, sau khi Tạ Thu Thâu thay Nguyễn Thế Truyền làm lãnh đạo đảng và đổi tên đảng thành Việt Nam Độc lập Đảng, nội bộ đảng bị phân hóa thành 2 nhóm Cộng sản Quốc tế và Dân tộc Cực hữu, từng dẫn đến một cuộc xô xát đổ máu tại khu học xá Latin (Quartier latin). Do vụ xô xát này, ông bị cảnh sát Paris bắt giam một thời gian ngắn.
Năm 1929, ông được Đảng Cộng sản Pháp cử sang Moskva liên lạc với Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi vào học Trường Đại học Đông phương Stalin với bí danh Bourov, cùng khóa với Hà Huy Tập, Bùi Văn Thủ, Trần Ngọc Danh (em ruột Trần Phú),... Sau khi hoàn tất khóa học vào năm 1930, ông trở lại Pháp, làm công chức, sau đó sang làm ngân hàng, từng có thời gian làm nhân viên tập sự Quỹ Tiết kiệm ở Paris[1] và tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp.
Về nước và hoạt động ở miền Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1932, ông về nước, sống công khai và hoạt động tại Sài Gòn. Thời gian này, ông cộng tác với các báo La Cloche fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền với Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm,...
Năm 1936, Mặt trận bình dân (Pháp) lên nắm quyền. Tại Nam Kỳ, ông hoạt động trong '"Sổ Lao động", một liên danh chính trị của báo La lutte cùng với Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo, ứng cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn nhân danh Mặt trận vô sản thống nhất và đắc cử. Cùng thời gian này, ông và các đồng viện cùng các tổ chức yêu nước khác tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội nhằm vận động dân sinh và dân chủ.
Đến năm 1938, chính phủ Mặt trận Bình dân đổ. Chính quyền thuộc địa đàn áp các phong trào dân chủ tại Nam Kỳ. Ông và các đồng viện khác bị bắt đưa ra tòa, rồi bị cưỡng bức lưu trú ở Cần Thơ. Một thời gian sau, ông được trả tự do.
Năm 1939, nhân Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ban bố tình trạng chiến tranh, bắt ông và đày đi Côn Đảo với Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh,...
Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Các nhà lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ khi đó đã từng dự tính nếu khởi nghĩa thành công sẽ đưa ông về làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời.[2]
Đến năm 1943, ông mới được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa). Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông vẫn được chính quyền thực dân cho phép về thăm nhà ở Bà Rịa.[2]
Bấy giờ, một Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập với Trần Văn Giàu làm Bí thư, chủ trương tập hợp lực lượng để chuẩn bị làm cuộc cách mạng dân tộc khi có thời cơ. Do nhóm này có cơ quan ngôn luận là báo Tiền phong, nên còn được gọi là Xứ ủy Tiền Phong. Là một người trung thành với chủ thuyết Stalin, ông không ít lần biểu thị thái độ phản đối chủ trương của nhóm Tiền Phong, ủng hộ chủ trương đấu tranh giai cấp của nhóm các đảng viên bảo thủ, với cơ quan ngôn luận là báo Giải phóng, nên còn gọi là nhóm Giải Phóng. Vì vậy, ông nhiều lần từ chối hợp tác, thậm chí, đứng trên lập trường của nhóm Giải Phóng để công kích chủ trương của nhóm Tiền Phong.[2]
Chính vì điều này, ông không được Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu mời tham gia Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 vì lo ngại ông sẽ gây nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo khởi nghĩa. Dù vậy, với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông vẫn được Bí thư Trần Văn Giàu dự kiến mời tham gia chính quyền nếu khởi nghĩa thành công.[2].
Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai, ông đã được mời tham dự. Sau hội nghị này ông và Huỳnh Văn Hớn được phân công về Bà Rịa truyền đạt nghị quyết của Xứ ủy; chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Bà Rịa. Chủ trương của nhóm Tiền Phong tỏ ra rất hợp thời và họ quả thực đã tập hợp được một lực lượng lớn để thực hiện thành công Cách mạng tháng 8 ở Nam Bộ.
Bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố giải tán. Trên thực tế, các đảng viên Cộng sản sinh hoạt với danh nghĩa các nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Marx. Ông sinh hoạt trong nhóm Văn hóa Marxism tại Sài Gòn, cùng với nhiều bạn Pháp – Việt như André Canac, Jean Chesneaux, giáo sư Sorbonne; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Mai Văn Bộ,...[1]
Sau khi Lâm ủy Hành chính Nam Bộ được thành lập, ông được bầu giữ chức Ủy viên trưởng Quốc gia tự vệ cuộc, phụ trách cảnh sát.. Bấy giờ, chính quyền non trẻ Việt Minh ở Nam Bộ thường xuyên gặp nhiều khó khăn trong việc giữ gìn ổn định bởi sự xung đột giữa những người thực dân cũ với các phần tử dân tộc quá khích. Nhiều lần, trên cương vị Ủy viên trưởng Quốc gia tự vệ cuộc, ông đã can thiệp với các chỉ huy quá khích để tha cho những người Pháp bị vô cớ đánh đập hoặc bắt giam.[1][2]
Sau khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được cử làm Thanh tra Chính trị miền Đông trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Đầu năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 4 tháng 3 năm 1946, ông được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội.[3]
Sứ mệnh ngoại giao tại Pháp và những rắc rối
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 4 năm 1946, ông là Thành viên của Phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt... Tại Hội nghị này, ông nổi tiếng là nhân vật có những ý kiến rất thẳng thừng tranh luận với các thành viên người Pháp.
Tháng 7 năm 1946, ông là thành viên trong phái đoàn Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Fonlainebleau, sau đó cùng ông Trần Ngọc Danh ở lại Pháp, đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đến khi Chính phủ cánh hữu Pháp nắm quyền, ngày 20 tháng 3 năm 1947 ông bị chính quyền chính quốc Pháp bắt giam, dù ông vẫn còn tư cách nhân viên ngoại giao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, do sự can thiệp của nhiều chính khách và bạn hữu Pháp, ông không bị giải về Sài Gòn xét xử ngay mà chỉ bị quản thúc ở Djibouti. Mãi đến tháng 10, ông mới bị giải về Sài Gòn. Người áp giải ông chính là ông André Canac, từng sinh hoạt trong nhóm Văn hóa Marxism tại Sài Gòn.
Sau khi về Sài Gòn, ông bị giam giữ trong khám Chí Hòa. Một Hiệp hội các bạn của Dương Bạch Mai được thành lập tại Sài Gòn, trong đó có rất nhiều người Pháp cánh tả, nhằm can thiệp trả tự do cho ông.
Cùng với áp lực từ bên Pháp, tháng 7 năm 1949, tòa án quân sự Pháp tại Sài Gòn buộc phải giảm án, chỉ tuyên án quản thúc ông tại Kontum.
Vị chính khách thầm lặng
[sửa | sửa mã nguồn]Đầu tháng 9 năm 1949, Chi bộ tình báo Gia Lai Kon Tum được lệnh đưa ông đào thoát về Liên khu 5. Sau khi được tự do, ông được đưa ra Việt Bắc, tiếp tục giữ vai trò Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, thành viên Ban Mặt trận của Trung ương Đảng.[4]
Sau năm 1954, ông cùng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Ông tiếp tục công tác trong Quốc hội, giữ chức Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô, thành viên Hội hữu nghị Việt Pháp, Ủy viên Ban Việt kiều Trung ương.[5] Năm 1960, ông là một trong 91 đại biểu Nam Bộ được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa II, tiếp tục giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.[6]
Ngày 4 tháng 4 năm 1964, ông bất ngờ đột tử ngay trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa II.
Đám tang của ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức rất lớn, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới viếng.[1]
Nghi vấn cái chết
[sửa | sửa mã nguồn]Theo nhà nghiên cứu Nguyên Hùng, ông là một người Cộng sản ôn hòa. Vốn xuất thân trong gia đình giàu có, đầy đủ, không quen với cuộc sống thiếu thốn ở chiến khu trong nhiều năm, sức khỏe lại suy yếu từ khi bị đày ra Côn Đảo, nên không thể gượng lại được.[1]
Theo Vũ Thư Hiên, cái chết của ông có liên quan đến phát biểu tại Quốc hội, chống lại đường lối xây dựng xã hội trại lính kiểu Mao Trạch Đông, đòi Đảng phải cải thiện đời sống cho dân chúng, đòi thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, trong xã hội, và hàng loạt vấn đề khác.[7]
Tên của ông được đặt cho được đặt cho một trường Trung hoc phổ thông ở xã Phước Hội – huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f Nguyên Hùng, "Những nhân vật một thời vang bóng".
- ^ a b c d e Hồi ký Trần Văn Giàu.
- ^ “Báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, ngày 30 tháng 10 năm 1946”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2011.
- ^ http://tuyengiao.vn/Home/truyenthongtuyengiao/tulieutuyengiao/2009/8/11912.aspx Lưu trữ 2012-10-18 tại Wayback Machine
- ^ “Nghị định 416”. Truy cập 18 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Van kien Quoc hoi toan tap”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2008.
- ^ Chương II, hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ.