Bước tới nội dung

Đô Lương

Đô Lương
Huyện
Huyện Đô Lương
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhNghệ An
Huyện lỵthị trấn Đô Lương
Trụ sở UBND2 Lý Nhật Quang, khối 4, thị trấn Đô Lương
Phân chia hành chính1 thị trấn, 31 xã
Thành lập1963
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDHoàng Văn Hiệp
Chủ tịch HĐNDPhùng Thành Vinh
Bí thư Huyện ủyPhùng Thành Vinh
Địa lý
Tọa độ: 18°55′B 105°15′Đ / 18,917°B 105,25°Đ / 18.917; 105.250
MapBản đồ huyện Đô Lương
Đô Lương trên bản đồ Việt Nam
Đô Lương
Đô Lương
Vị trí huyện Đô Lương trên bản đồ Việt Nam
Diện tích350,433 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng213.543 người[1]
Thành thị10.102 người (5%)
Nông thôn203.441 người (95%)
Mật độ609 người/km²
Dân tộcKinh
Khác
Mã hành chính427[2]
Biển số xe37-B1-D1- 5xxxx-9xxxx
Websitedoluong.nghean.gov.vn

Đô Lương là một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Nghệ An, Việt Nam.[3][4]

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đô Lương nằm ở trung tâm tỉnh Nghệ An, có vị trí địa lý:

Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 350,433 km², dân số là 213.543 người, mật độ dân số đạt 609 người/km².[1]

Huyện Đô Lương có diện tích 350,433 km² dân số năm 2010 là 193.890 người. Có 4,86% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đô Lương có 33 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Đô Lương và 31 xã: Bạch Ngọc, Bắc Sơn, Bài Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đại Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hiến Sơn, Hòa Sơn, Hồng Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn, Nam Sơn, Nhân Sơn, Quang Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn, Thịnh Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn, Tràng Sơn, Trù Sơn, Trung Sơn, Văn Sơn, Xuân Sơn, Yên Sơn.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc tên gọi Đô Lương

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh xưng Đô Lương không phải đã có từ ngày đầu dựng nước và giữ nước mà cho đến nay thì cái tên gọi này mới được gần 200 năm. Tuy thế, nhưng ngay từ những ngày đầu thì địa danh này đã có duyên cách hành chính lúc rộng lúc hẹp với những tên gọi khác nhau.

Nhà nước đầu tiên của đất nước ta là Văn Lang do 18 đời Vua Hùng cai trị.

Sau nhà nước Văn Lang là nhà nước Âu Lạc.

Năm 179 TCN, Triệu Đà đã đem quân sang xâm lược nước ta. Triệu Đà sáp nhập vào với nước Đại Việt rồi chia làm thành 2 quận là Giao ChỉCửu Chân để dễ cai trị. Cả xứ Nghệ thuộc vào quận Cửu Chân [5].

Năm 111 TCN nhà Hán chiếm nước Đại Việt, chia Đại Việt thành 3 quận, Nghệ An thuộc Cửu Chân, cả Nghệ AnHà Tĩnh lúc đó là 1 huyện Hàm Hoan là huyện lớn của quận Cửu Chân.

Đến đời Tam QuốcLưỡng Tấn, Hàm Hoan đổi là quận Cửu Đức đời Nam Bắc triều, nhà Lương chia đất Cửu Đức đặt làm 3 châu: Đức Châu, Lỵ Châu, Minh Châu.

Đời Tùy (581618) năm Khai Hoàng thứ 8 (588) Tùy Văn Đế, đổi Đức Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu đổi thành Tri Châu, năm Đại Nghiệp thứ 3 (603) cho cả Hoan Châu, Tri Châu, Minh Châu nhập vào Nhất Nam.

Đến nhà Đường (618907) lúc đầu vẫn gọi cả xứ Nghệ là Hoan Châu, sau tách một phần bắc của Hoan Châu đặt là Diễn Châu.

Thời loạn 12 sứ quân, vùng đất quanh khu vực đền Khai Long thuộc vùng kiểm soát của sứ quân Ngô Xương Xí.

Đời Lý năm Thiên Thành thứ 3 (1030) vua Lý Thái Tông đổi Hoan Châu là châu Nghệ An, địa danh Nghệ An có từ đó. Theo sử sách nước ta đời Lý đã chia nước ta ra làm 24 lộ trong đó có lộ Nghệ An và lộ Diễn Châu, không thấy nhắc đến các đơn vị hành chính dưới lộ nên ta chưa rõ địa danh Đô Lương thời đó là gì và địa vực ra sao.

Đời nhà Trần - Hồ, Trần Thái Tông đã đổi 24 lộ đời Lý thành 12 lộ với tên gọi là phủ lộ. Năm Quang Thái thứ 10 (1397), Hồ Quý Ly làm Phụ Chính Thái Sư, sửa đổi chế độ hành chính đã đổi lộ phủ sang trấn như đổi lộ phủ Nghệ An thành trấn Lâm An, Diễn Châu thành trấn Vọng Giang.

Năm 1428, khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã hoàn toàn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi và chia nước ta thành 5 đạo: Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Hải Tây đạo, Nghệ An và Diễn Châu thuộc vào đạo Hải Tây.

Năm 1469, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính trên cả nước, chia nước ta thành 12 thừa tuyên, nhập Nghệ An và Diễn Châu lại thành một là thừa tuyên Nghệ An. Thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh 11 phủ trong đó có phủ Anh Đô có 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đường. Danh xưng Anh Đô bắt đầu có từ đây.

Vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490) thừa tuyên Nghệ An được gọi là xứ Nghệ An, đến đời Hồng Thuận (15091516) đổi thành trấn Nghệ An.

Ngày 16 tháng 2 năm Đại Chính thứ 7 (1535), phụng chiếu Thái Tông Mạc Đăng Doanh. Hoàng Quận Công Mạc Đăng Lượng cùng em là Mạc Tuấn Ngạn đưa hơn 1 vạn quân vào trấn thủ đất Hoan châu huyện Nam Đường định đô tại Vùng Đô Đặng, có công chiêu lập 137 hộ dân gồm ba xã Đặng Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn tiền thân các dòng họ Hoàng, Bùi Duy, Nguyễn Đăng ngày nay và các triều vua cho phép lập Đền Tiên đô (Tiên Đô Miếu Linh tự) ở xã Đặng Sơn để ghi nhớ thờ phụng. Danh xưng Đô Lương trong chiến tranh Lê-Mạc (1533-1592) là nơi chứa lương thảo của nhà Mạc gọi là Đô lương và bên này sông Lam đặt Đô Lâm, Đô Đặng... chứ không phải Đò Lường đọc chệch sang Đô Lương.

Năm 1831 niên hiệu Minh Mệnh 12, thì trấn Nghệ An tách thành 2 tỉnh là Nghệ AnHà Tĩnh. Cũng trong năm này, đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn, thành lập huyện Lương Sơn trực thuộc phủ Anh Sơn. Cũng thành lập tổng Đô Lương thuộc huyện Lương Sơn. Danh xưng Đô Lương chính thức có từ năm 1831.

Tên gọi các làng xã thuộc huyện Anh Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia đá tổng Đô Lương
Đô Lương tổng bi ký

Theo tài liệu tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Đô Lương là một Tổng thuộc huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, cụ thể như sau:

  1. Phủ Anh Đô gồm có 2 huyện: huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đường.
  2. Huyện Nam Đường Gồm có 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn, đó là:
  • Tổng Non Liễu: 20 xã, thôn, giáp: Non Liễu, Yên Lạc, Thanh Tuyền, Non Hồ, Vân Đồn, Chung Giáp, Thượng Hồng (thôn).
  • Tổng Lâm Thịnh
  • Tổng Đại Đồng
  • Tổng Hoa Lâm
  • Tổng Đô Lương gồm 24 xã, thôn, giáp:
    • Đô Lương (xã): thôn Cẩm Hoa Thượng, thôn Cẩm Hoa Đông, giáp Nghiêm Thắng, giáp Duyên Quang, thôn Đông Trung, thôn Hoa Viên, thôn Phúc Thị.
    • Đại Tuyền (xã): thôn Phúc Thọ, Đông Am, giáp Trung An, thôn An Thành
    • Bạch Đường: thôn Nhân Trung, thôn Phúc Tuyền, thôn Phúc An, thôn Nhân Bồi, thôn Miếu Đường.
    • Diêm Trường: thôn An Tứ, Bỉnh Trung, Chấp Trung
    • Phường Thiên Lý, thôn Vĩnh Trung, phường Hồng Hoa, Vạn Trung Lở (sau đổi là phường Duy Thanh).
  • Tổng Thuần Trung: gồm các thôn: Thuần Trung, Tràng Bộc, Yết Nghi, Phật Kệ, Sơn La.
  • Tổng Bạch Hà: Xã Bạch Hà, Nhân Luật, Lưu Sơn, Thanh Thủy, Đào Ngoã.
  • Tổng Lãng Điền: Xã Lãng Điền, Mặc Điền, Tào Nguyên, thôn Vạn Hộ, Cấm An, An Lương, vạn Lãng Điền, Mặc Điền, sách Tào Giang.

Theo tài liệu Đồng Khánh địa dư chí

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Đồng Khánh địa dư chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết về phủ Anh Sơn như sau:

Phủ Anh Sơn ở phía tây thành tỉnh. Phủ kiêm lý 2 huyện Lương Sơn, Nam Đường, thống hạt 2 huyện: Thanh Chương, Hưng Nguyên, Chân Lộc.

Phủ lị đặt ở thôn Bột Đà, xã Phật Kệ, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn. Bốn mặt đắp thành đất, chu vi 72 trượng (tả, hữu, trước, sau mỗi chiều đều 18 trượng), xung quanh trồng tre gai, hai bên ngoài có hào rộng 1 trượng 5 thước, sâu 3 thước. Thành có 2 cửa: cửa Tiền và cửa Hậu, đều xây gạch.

Phủ hạt phía đông giáp biển cả, phía tây giáp phủ Tương Dương, phía nam giáp Phủ Đức Thọ, phía Bắc giáp hai phủ Quỳ ChâuDiễn Châu.

Đông Tây cách nhau 224 dặm. Năm bắc cách nhau 88 dặm.

Huyện có 2 phủ Lương SơnNam Đường do phủ kiêm lý, gồm 9 tổng:

  • Huyện Lương Sơn: gồm 5 tổng, 88 xã, thôn, phường:

Dân số các hạng: 6095 người, trong đó binh đinh là 680 người.

Ruộng đất các hạng nộp thuế: 11.605 mẫu, 9 sào, 9 thước, 7 tấc, 3 phân. Trong đó:

- Ruộng công tư các hạng: 8.569 mẫu, 7 sào, 4 thước, 8 tấc.

- Đất công tư các hạng: 3.036 mẫu, 2 sào, 7 thước, 9 tấc, 3 phân.

Thuế cả năm:

- Nộp bằng thóc: 5.578 hộc, 1 thưng, 1 vốc, 3 nắm.

- Nộp bằng tiền: 9.973 quan, 5 tiền, 8 đồng lẻ.

Các tổng:

1. Thuần Trung, gồm 17 xã, thôn: Bột Đà, Phượng Lịch, Thuần Hậu, Đông Bích, Trung Thượng, Mỹ Trung, Tiên Cung, Doanh Châu, Thuận Lý, Phú Văn, Bảo Thiện, Mỹ Ngọc, Lễ Nghĩa, Trung Hậu, Thượng Cát, Sơn La, xã Trường Mỹ.

2. Tổng Bạch Hà, gồm 11 xã, thôn: Đào Mỹ, Văn Khuê, Triêu Dương, Ngọc Mỹ, Ngọc Luật, Lưu Sơn, Thanh Tân, Bạch Hà, Yên Trạch.

3. Tổng Đô Lương, gồm 22 thôn: Yên Tứ, Bỉnh Trung, Chấp Trung, Trường Thịnh, Cẩm Ngọc, Hương Liên, Đông Trung, Nghiêm Thắng, Phúc Thuỵ, Diên Tiên, Tập Phúc, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung, Phúc Yên, Trạc Thanh, Thanh Đường, Vĩnh Sơn, Phúc Mỹ, Ân Thịnh, Phú Thọ, Yên Thanh, Mỹ Hoà.

4. Tổng Đặng Sơn, gồm 28 xã, thôn: Nhân Hậu, Phú Nhuận, Xuân Chi, Xuân Như, Đặng Lâm, Đặng Thượng, Long Bố, Khả Quan, Lương Điền, Khả Phong, Đa Cai, Dương Long, Dương Xuân, Yên Phú, Vĩnh Yên, Yên Lĩnh, Tri Lễ, Thanh Lãng, Phúc Sơn, Xuân Trường, Khai Lãng, Hội Lâm, Tam Giang, Thanh Lương, Chân Suất, Xuân Thủy, Thanh Xuân, Lương Giang.

5. Tổng Lãng Điền, gồm 9 xã thôn: Mặc Điền, Lãng Điền, Hội Tiên, Đại Điền, Vạn Hộ, Yên Lương, Cấm Võng, Tào Điền, Tào Giang.

Sau Cách mạng tháng 8, Đô Lương là một phần của huyện Anh Sơn. Ngày 19 tháng 4 năm 1963, huyện Anh Sơn được chia thành 2 huyện: Anh Sơn và Đô Lương.

Huyện Đô Lương khi đó gồm thị trấn Đô Lương và 32 xã: Bắc Sơn, Bài Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đại Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn, Hiến Sơn, Hòa Sơn, Hồng Sơn, Lạc Sơn, Lam Sơn, Liên Sơn, Lưu Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn, Nam Sơn, Ngọc Sơn, Nhân Sơn, Quang Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn, Thịnh Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn, Tràng Sơn, Trù Sơn, Trung Sơn, Văn Sơn, Xuân Sơn, Yên Sơn.

Tháng 2 năm 1976, Đô Lương là huyện thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ngày 15 tháng 10 năm 1990, sáp nhập xã Liên Sơn vào thị trấn Đô Lương.

Ngày 12 tháng 9 năm 1991, Đô Lương trở lại là huyện thuộc tỉnh Nghệ An.

Ngày 2 tháng 4 năm 2007, chia xã Giang Sơn thành 2 xã: Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây.

Ngày 1 tháng 12 năm 2024, hợp nhất 2 xã Ngọc Sơn và Lam Sơn thành xã Bạch Ngọc.

Từ đó, huyện Đô Lương có 1 thị trấn và 31 xã như hiện nay.

Văn hóa - du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngành nghề truyền thống

[sửa | sửa mã nguồn]

Đô Lương thường được nhắc đến như nơi có nghề làm nồi đất truyền thống ở Trù Sơn, với phương pháp làm đơn giản nhưng sản phẩm phong phú và đa dạng như: niêu cơm, chõ xôi, ấm sắc thuốc, đặc biệt niêu đất của Trù Sơn đã đến với mảnh đất Vũ Đại để làm nên món cá kho nổi tiếng tại quê hương nhà văn Nam Cao.

Ở Đà Sơn, Lưu Sơn, Tràng Sơn nghề đóng góp nhiều thu nhập cho nhân dân là nghề làm bánh đa (tiếng địa phương gọi là "bánh khô") hay làm kẹo lạc, kẹo cu đơ.

Làng nghề Vĩnh Lộc ở thị trấn Đô Lương đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề truyền thống với sản phẩm là kẹo lạc, kẹo dồi, bánh ong.

Ở xã Đà Sơn còn có nghề làm gạch ngói tại làng Phượng Kỷ, nghề đan lát ở xóm Giáo Đà Lam.

Ở xã Đặng Sơn nghề Đan lát, trồng dâu nuôi tằm.

Hầu như khắp nơi trên đất Đô Lương đều có người làm mộc, từ những dụng cụ trong nhà cho đến những đồ thủ công mỹ nghệ. Ở xã Thái Sơn huyện Đô Lương, làng Tĩnh gia được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề mộc truyền thống, nơi đây được nhiều người biết đến và phân phối hàng hóa đi khắp cả nước. Thu nhập bình quân của người dân Tĩnh Gia vào khoảng 11,7 triệu đồng/người/tháng.

Di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp Quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Di tích do Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận, gồm có:

  • Đình Lương Sơn bên bờ sông Lam tại xã Bắc Sơn: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 34/QĐ - VH ngày 09/01/1990.
  • Đền thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 608/QĐ- VH ngày 19/4/1991.
  • Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần gắn với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại xã Đặng Sơn: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 2379/QĐVH-BT ngày 05/09/1994.
  • Nhà thờ họ Thái Đắc tại xã Bài Sơn: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 95/ QĐ- BVH ngày 24/1/1998.
  • Đền Đức Hoàng thờ vua Lê Trang Tông tại xã Yên Sơn: Di tích kiến trúc nghệ thuật, được công nhận tại Quyết định số 51/QĐ-BT ngày 12/01/1996.
  • Đền thờ Thái phó Chân quận công Thái Bá Du tại xã Yên Sơn (bên Quốc lộ 7): Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 51/QĐ – BT ngày 12/01/1996.
  • Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của Lý Thái Tổ: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 05/QĐ- BVH ngày 12/02/1999.
  • Khu di tích lịch sử Truông Bồn: Di tích lịch sử, được công nhận tại Quyết định số 51/QĐ – BT ngày 12/01/1996.
  • Đền Phú Thọ thờ Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Lưu Sơn.

Di tích Lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nhà thờ họ Nguyễn Nguyên và Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành.
  • Đền Hội Thiện tại thôn Cự Đại, xã Trù Sơn thờ một nàng công chúa, gọi là Ngọc Hoa công chúa, con gái thứ 9 của vua Trần Dụ Tông.
  • Đền Khai Long ở xã Tân Sơn và xã Trung Sơn: Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thờ sứ quân Ngô Xương Xí có công lập ấp và chiêu dân vùng đất Ái Châu - Hoan Châu thời loạn 12 sứ quân.
  • Chùa Bà Bụt (Tiên Tích tự) ở xã Lam Sơn
  • Đình Long Thái tại xã Thái Sơn, gắn với truyền thuyết về vua Lê Trang Tông.
  • Nhà thờ họ Nguyễn Công chi 3, Làng Yên Trạch xã Thái Sơn thờ Bản Cảnh Thành Hoàng Nam Sơn Linh Ứng Nguyễn Quang Thiều (1748 - 1822)
  • Đền Linh Kiếm tại xã Thuận Sơn.
  • Đình Phúc Hậu tại xã Lam Sơn.
  • Nhà thờ họ Trần Đức, Yên Phú, Yên Sơn.
  • Nhà thờ họ Nguyễn Văn, xóm 6, Thuận Sơn.
  • Nhà thờ họ Nguyễn Cảnh, xã Đông Sơn.
  • Nhà thờ họ Nguyễn Tất, xã Tân Sơn.
  • Nhà thờ họ Hoàng văn xã Đông sơn
  • Đền Yên Mỹ tại xã Bài Sơn
  • Nhà thờ họ Thái Đắc xã Bài Sơn.
  • Nhà thờ họ Nguyễn Quốc xã Đà Sơn
  • Miếu Đông Sơn thờ ông Nguyễn Ngọc Sỹ, xã Trung Sơn.

Các địa danh đặc biệt

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Cây đa chợ Huyện và Binh biến Đô Lương
  • Di tích Truông Cồn Đọi
  • Bara Đô Lương và Thủy quan Vòm Cóc: Ba ra Đô Lương là một công trình thủy lợi do Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20, có công của hoàng thân Xu-pa-nu-vông, sau này là chủ tịch nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Lào.

Các miếu, đền chưa được xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Có nhiều di tích, đền đài được nêu trong các bản khai của địa phương vào năm 1937 với Viện Viễn đông Bác Cổ[6], được liệt kê trong Đồng Khánh địa dư chí như:

  • Đền Khai Long ở thôn Đông Bích (thờ Khai Long sứ quân và Nguyễn Cảnh Mô)
  • Đền Bà chúa Nhâm ở xã Hoà Sơn, đền Nghiêm Thắng xã Đông Sơn (thờ Trịnh Bá Tương - văn thần đời Lê)
  • Đền Đông Trung xã Đông Sơn (thờ Trần Kim Vĩnh - thần khai canh)
  • Đền Kẻ Cà ở làng Yên Trạch, tổng Bạch Hà, nay là xã Thái Sơn (thờ Nguyễn Quang Thiều)
  • Đình làng Yên Trạch, xã Thái Sơn
  • Đền đệ nhất Yên Trạch, xã Thái Sơn
  • Đền đệ nhị Yên Trạch, xã Thái Sơn
  • Điện Khai Sơn Yên Trạch, xã Thái Sơn
  • Đền Đặng Thượng (thờ Cao Sơn Cao Các hay gọi Đền Cả)
  • Đền Tiên Đô (Tiên Đô Miếu linh từ) xã Đặng Sơn thờ 3 vị thần Bản cảnh thành hoàng: Mạc Đăng Lượng phó Quốc Vương, Hoàng Đăng Ích, Hoàng Bá Kì
  • Đền phủ Nghè Ná thờ Bản cảnh Thành Hoàng
  • Đền Bụt Đà ở xã Đà Sơn (thờ đức Thánh Thiên Giám)
  • Đền Thuần Trung (thờ Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Mô)
  • Đền Nại Lăng (thờ Thái gia linh ứng tôn thần)
  • Đền Phúc Đồng ở xã Liên Sơn (cũ) nay là thị trấn Đô Lương
  • Đền Đào Giang (thờ Thái Đăng Khoa)
  • Đền Bần Xá (thờ Phụ quốc quế linh tôn thần)
  • Đền Nhà Vi ở xã Đông Sơn.
Đền Khai Long

Ngoài ra, ở làng nào cũng có chùa, đình, miếu,... nhưng do thời gian, thiên tai và cả nhân tai mà hiện nay hầu hết các công trình này đều biến mất hoặc xuống cấp nghiêm trọng.

Đô Lương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: hang Mặt Trắng, đập Đá Bàn (Bài Sơn), đập Khe Du (Hoà Sơn), đập Khe Ngầm (Lam Sơn), Đập Ba ra Đô Lương, Khu du lịch nước khoáng nóng (Giang Sơn Tây),... Những thắng cảnh thiên nhiên là những công trình kinh tế phục vụ đời sống con người. Bên cạnh đó là hệ thống các khu di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: Đền Quả, Đền Đức Hoàng, nhà thờ Nguyễn Cảnh Hoan, Nhà thờ Thái phó Thái Bá Du, Nhà thờ họ Hoàng Trần và Đình Phú Nhuận ở Đặng Sơn, khu di tích Truông Bồn,... tạo thành khu du lịch văn hoá, sinh thái hấp dẫn.

Người Đô Lương

[sửa | sửa mã nguồn]

Đô Lương là vùng đất văn hoá, nổi tiếng hiếu học, chính những tên đất, tên làng Bạch Ngọc, Văn Khuê, Văn Lâm, Văn Tràng, Rú Bút, Hòn Nghiên, Hòn Mực,... từ lâu đã được nhân dân hình tượng hoá thể hiện sự khát vọng vươn tới và thích học hành, đỗ đạt khoa bảng, với triết lý "học để biết, biết để làm người" điều đó lại được chắt lọc chưng cất qua bao thế hệ trở thành truyền thống hiếu học và tôn trọng nhân tài của nhân dân Đô Lương ngày nay.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đô Lương có các tuyến Quốc lộ chạy qua gồm:

Bên cạnh đó là các tuyến đường liên huyện, tỉnh lộ được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp IV nông thôn.

Đường thủy

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường sông có sông Lam chảy vào huyện từ xã Ngọc Sơn đến Thuận Sơn, các phương tiện tránh hệ thống ba ra Đô Lương qua hệ thống thủy quan Vòm Cóc ở xã Nam Sơn.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Nghệ An”. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.[liên kết hỏng]
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Tr%E1%BA%A7n_Ky. Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 08/07/2004 ban hành Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam có đến 30/6/2004. Thuky Luat Online, 2016. Truy cập 25/12/2018.
  4. ^ Thông tư 03/2014/TT-BTNMT ngày 12/02/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục địa danh... phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Nghệ An. Thuvien Phapluat Online, 2016. Truy cập 25/12/2018.
  5. ^ [Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư]
  6. ^ [Ninh Viết Giao, Tục thờ Thần và Thần tích Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An, trang 642-662]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]