New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Delhi ngày hôm qua. Sáng nay, Ngài đi xe đến Học viện Hành chính Công Ấn Độ (IIPA), nơi Ngài được mời đến để phát biểu bài khai mạc Tưởng niệm TN Chaturvedi. TN Chaturvedi là thành viên xuất sắc của Cơ quan Hành chính Ấn Độ (IAS). Sau khi nghỉ hưu, ông giữ chức Kiểm soát viên và Tổng Kiểm toán Ấn Độ và sau đó là Thống đốc của Bang Karnataka. Các thành viên của gia đình Chaturvedi, Tổng Giám đốc IIPA, SN Tripathi, Phó Giám đốc Bảo tàng và Thư viện Tưởng niệm Nehru RK Mishra và những người khác đã tiếp đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài quang lâm và tháp tùng với Ngài đến Nhà tưởng niệm TN Chaturvedi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia thắp nến để khai mạc sự kiện. Ngài đã được DG IIPA, SN Tripathi khen ngợi, được Atulindra Nath Chaturvedi chào đón và được Aatil Nath Chaturvedi giới thiệu với khán giả, người sau đó đã mời Ngài lên phát biểu với họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Lúc còn bé ở Tây Tạng, tôi đã học về các khía cạnh của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Sau đó, khi tôi đến đất nước này với tư cách là người tị nạn, tôi trở thành vị khách của Chính phủ Ấn Độ và đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở đây. Tôi rất ngưỡng mộ những phẩm chất của tư tưởng Ấn Độ cổ đại như ‘karuna’ (lòng từ bi) và ‘ahimsa’ (bất bạo động). Nhân loại cần những khái niệm này trong sự thực hành.
“Mặc dù tôi không có cơ hội được diện kiến Ngài Mahatma Gandhi, nhưng tôi đã có thể gặp được Pandit Nehru, Indira Gandhi và Lal Bahadur Shastri và nhờ nói chuyện với họ mà tôi đã phát triển được sự tôn trọng chân thành dành cho họ. Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, một nơi mà nhiều truyền thống tôn giáo cùng chung sống theo những nguyên tắc thế tục - điều đó thật tuyệt vời.
“Cuộc đời của tôi bây giờ cống hiến cho việc quảng bá ‘karuna’ và ‘ahimsa’, nhưng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với họ như một con người bình thường. Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Chúng ta được sinh ra như vậy; và chúng ta tồn tại là nhờ lòng từ bi của mẹ. Là con người, bản chất của chúng ta là từ bi. Chúng ta là những động vật mang tính xã hội. Chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng của mình để tồn tại, do đó, đến lượt chúng ta phải hỗ trợ cho cộng đồng. Nói rộng ra, tất cả tám tỷ người đang sống hiện nay đều phải học cách chung sống cùng nhau.
“Khi chúng ta đề cập đến ‘karuna’ và ‘ahimsa’, chúng ta không nghĩ đến sự khác biệt giữa chúng ta; mà là chúng ta giống nhau ở điểm nào. Nơi nào có 'karuna' thì ’ahimsa' sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Khi quý vị có ‘karuna’ bên trong, nó mang lại cho quý vị sức mạnh nội tâm và sự tự tin. Và trên cơ sở đó, quý vị có thể xem những người khác như anh chị em của mình.
“Việc phân chia mọi người thành ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’ đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ về họ dưới góc độ ‘karuna’ và ‘ahimsa’. Nếu chúng ta trau dồi tư tưởng quý giá về ‘karuna’ này, chúng ta sẽ thoát khỏi sự sợ hãi, giận dữ và hận thù. Chúng ta sẽ ngủ ngon và tận hưởng sức khỏe thể chất tốt.
“Cuộc sống của tôi tuy khó khăn nhưng sự khó khăn đã mang lại cơ hội để tôi thực hành những giá trị nội tâm sâu sắc hơn. Thật là khờ khạo khi chỉ nghĩ theo lối nghĩa hạn hẹp, chỉ tập trung vào bản sắc dân tộc, ý thức hệ hoặc tôn giáo của chúng ta; bởi vì là con người nên tất cả chúng ta đều giống nhau và chúng ta phải chung sống với nhau.
“Khi tôi nghĩ về TN Chaturvedi, tôi nhớ rằng Ngài ấy đã sống cuộc đời mình với tinh thần ‘karuna’ và ‘ahimsa’. Năm nay tôi đã 87 tuổi nhưng trông tôi trẻ hơn số tuổi của mình vì tôi có sự bình an trong tâm hồn. Tuy nhiên, có vẻ ngoài hấp dẫn không quan trọng bằng việc bộc lộ vẻ đẹp bên trong của tinh thần ‘karuna’.”
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài đã đề cập rằng nền giáo dục hiện đại với quan điểm duy vật của nó có xu hướng chủ yếu đến từ phương Tây. Ngài cảm thấy rằng nếu sự giáo dục ngày nay muốn rèn luyện con người có trái tim ấm áp nhân hậu thực sự thì nó cần phải được kết hợp với những giá trị nội tâm của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Sự tiến bộ về vật chất mang lại nhiều lợi ích, nhưng chúng không nên đánh đổi bằng sự bình an nội tâm và sức mạnh nội tại.
Ngài nhận xét rằng đã đến lúc phải suy nghĩ về toàn thể nhân loại, không chỉ quốc gia này hay đất nước kia. Trong thế kỷ 21, đối mặt với những hậu quả của sự biến đổi khí hậu, Ngài nói rằng chúng ta không thể chỉ nghĩ đến từng quốc gia riêng lẻ; chúng ta phải học cách chung sống cùng nhau. Mức độ nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu có nghĩa là chúng ta phải nói về những gì chúng ta có thể làm để giải quyết vấn đề này và những gì chúng ta có thể làm để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của thế giới.
Khi nói đến việc chăm sóc thiên nhiên, Ngài khuyên rằng chúng ta phải nhắc nhở bản thân rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên và cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên.
Bị thách thức phải nói liệu Ngài có bao giờ tức giận hay không, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng với tư cách là một người đã nghiên cứu cuốn sách “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên; và đối với người mà lòng bi mẫn là một pháp thực hành cốt lõi thì điều đó hiếm khi xảy ra.
Ngài phủ nhận rằng 'karuna' là nguồn gốc của điểm yếu khiến ta có nguy cơ bị người khác chế nhạo và lợi dụng. Ngài nhắc lại rằng quan tâm đến cộng đồng là cách mà ta quan tâm bản thân. Ngài nói rằng một trong những điều mà Ngài ngưỡng mộ nhất ở những người đến từ Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn là tấm lòng nhiệt thành mong muốn giúp đỡ lẫn nhau của họ.
Khi được hỏi làm thế nào để sử dụng tích cực Trí tuệ nhân tạo, Ngài trả lời rằng cho dù máy móc có tinh vi đến đâu thì chúng vẫn còn một chặng đường dài để mô phỏng trí tuệ con người.
Khi được mời nêu tên một người mà Ngài coi là mẫu người mô phạm ngày nay, Ngài trả lời rằng người mà Ngài thực sự ngưỡng mộ là Đạo sư vĩ đại Ấn Độ Long Thọ. Ngài thuộc về thế hệ trước đã lâu, nhưng điều Ngài dạy là cách suy nghĩ rõ ràng. Ngài là người đã ghi nhớ lời khuyên của Đức Phật dành cho các đệ tử của Ngài:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
Ngài nhận xét: “Tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo, nhưng đặc điểm độc đáo của Phật Pháp là nó khuyến khích chúng ta nên nghiên cứu tìm hiểu”.
Điều phối viên - Amitabh Ranjan, đăng ký viên IIPA, đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã chỉ ra rằng ‘karuna’ mang lại sức mạnh nội tâm và sự an lạc trong tâm hồn. Sau đó, con trai thứ hai của TN Chaturvedi là Avanindra Nath Chaturvedi đã dâng tặng một vật lưu niệm lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến sĩ RK Mishra đã phát biểu lời cảm ơn: “Tất cả chúng ta đều thật vinh dự khi được lắng nghe những điều Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về ‘karuna’. Xin cảm ơn tất cả quý vị đã quang lâm.”