Fukuoka, Kyushu, Nhật Bản - Hôm qua Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bay từ Tokyo đến Fukuoka, thành phố đông dân nhất trên đảo Kyushu ở phía tây Nhật Bản. Sáng nay, các con phố còn ướt đẫm sau cơn mưa đêm qua và một cơn gió lạnh lẽo đã thổi qua khi Ngài đi xe một quãng đường ngắn để đến Chùa Tochoji. Ngôi Chùa ban đầu được thiết lập vào thế kỷ thứ 9 bởi Kobo Daishi, thường được gọi là Kukai - người đã mang những giáo lý bí truyền - Kim Cang Thừa - của Shingon đến Nhật Bản.
Khi an toạ với Vị Trụ trì trong Chánh Điện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh' và 'Cầu nguyện được tái sinh ở Sukhavati - Cõi Cực Lạc’ của Je Tsongkhapa bằng tiếng Tây Tạng, sau đó ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được tụng lại bằng tiếng Nhật.
Khi buổi cầu nguyện đã hoàn tất, Ngài quay sang đối diện với khoảng 1500 người.
Ngài nói với họ: “Hôm nay, trong ngôi Chùa nổi tiếng này, tôi cảm thấy thật may mắn khi có cơ hội để trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ và ''Cầu nguyện được tái sinh ở Cõi Cực Lạc" cho những người đã bị chết bất đắc kỳ tử và những người mất nhà cửa trong trận động đất Kumamoto và lũ lụt tai hại gần đây. “Tôi đã phải trì tụng “Cầu nguyện được tái sinh ở Cõi Cực Lạc” khi tôi mới hành điệu vào năm bảy tuổi. Khi ấy tôi đã rất lo lắng, nhưng vẫn cố gắng làm điều đó; và bây giờ - bất cứ khi nào tôi tụng nó, tôi đều nhớ lại dịp đó.
“Để được tái sinh vào một cảnh giới cao hơn, bạn cần phải tạo ra những nghiệp tích cực, đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải nghiên cứu, suy ngẫm và thiền định (văn, tư, tu) về những giáo lý dưới sự hướng dẫn của một vị Thầy có phẩm hạnh. Lời cầu nguyện này được sáng tác bởi Je Tsongkhapa - một Vị học giả và hành giả xuất sắc. Cuốn sách của Ngài, “Tinh Hoa của Hùng Biện” - đã khám phá ra những giáo lý nào của Đức Phật có thể được coi là tuyệt đối và giáo lý nào là tương đối - được dịch sang tiếng Hindi bởi Vị học giả Ấn Độ Tripati và Geshe Yeshi Thapkay. Tôi hỏi Tripati liệu Tsongkhapa có thể đã đủ điều kiện như các học giả của Nalanda hay không; và ông nói với tôi rằng trong số họ Je Tsongkhappa có được nhiều điểm ưu việt hơn.
“Bát Nhã Tâm Kinh” vô cùng sâu sắc. Đức Phật đầu tiên dạy về Tứ Diệu Đế. Trong số đó, đầu tiên là sự thật về đau khổ, điều mà không bao giờ xuất hiện nếu không có nguyên nhân hay điều kiện. Điều gì khiến chúng ta đau khổ thì cũng làm hại cho người khác; khiến người khác không vui. Trái lại, những phẩm chất tuyệt vời của sự tái sinh vào cảnh giới cao hơn là kết quả của những hành động thiện lành. Chúng ta tham gia vào hành động bất thiện là vì vô minh, và bởi vì tâm thức ngỗ nghịch của chúng ta. Quan điểm méo mó sai lệch của chúng ta về thực tại là gốc rễ của những tâm phiền não, những cảm xúc tiêu cực của chúng ta, làm nảy sinh nghiệp chướng, từ đó tạo ra đau khổ.
“Để khắc phục quan điểm vô minh và sai lầm của chúng ta về thực tại, Đức Phật dạy về tánh Không như nó đã được trình bày trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ - ‘Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc'. Tụng những lời cầu nguyện và ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ vì phúc lợi của người khác, với mong muốn cho họ được giảm bớt nỗi đau khổ, có thể mang lại lợi ích cho chúng ta.”
Ngài mời các thành viên của khán giả đặt câu hỏi; và câu đầu tiên là về Yamaguchi - một người Nhật Bản đã dành thời gian ở Tây Tạng. Ngài nói rằng Ngài nhớ đã nhìn thấy một bức ảnh của ông ở Lhasa, và lưu ý rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã cố gắng thiết lập mối quan hệ với Nhật Bản.
Một người khác hỏi rằng muốn biết chuyện gì đã xảy ra khi người Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với ông rằng vào năm 1950, người Tây Tạng đã chiến đấu chống trả trở lại, nhưng đến năm 1953, Hiệp định 17 điểm về 'giải phóng hòa bình Tây Tạng' đã được ký kết. Về mặt lịch sử, Ngài quan sát thấy rằng, Trung Quốc và Tây Tạng đôi khi có những thời gian thân thiện và đôi khi mâu thuẫn với nhau, nhưng tinh thần nhân dân Tây Tạng vẫn không hề bị nao núng.
Ngài đã đưa ra một câu trả lời rộng rãi khi được hỏi làm thế nào để chấm dứt sự đau khổ:
“Sau khi Đức Phật đạt được sự giác ngộ, Ngài tuyên bố:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Những từ đầu tiên trong dòng đầu tiên “thâm thuý và an bình” có thể được hiểu là đề cập đến “Diệt đế” là trọng tâm của lần chuyển Phâp Luân đầu tiên. “Vô tự tánh” có thể được ngụ ý cho như những gì đã được dạy trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai; “Sáng rỡ chẳng tạp pha” đề cập đến những điều Đức Phật đã dạy trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba. Lần chuyển Pháp Luân đầu tiên đặt ra một nền tảng của Giáo lý; lần chuyển Pháp Luân thứ hai cho thấy mọi thứ đều không có tự tánh; lần chuyển Pháp Luân thứ ba hiển lộ về Phật Tánh.
“Trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã lặp lại Bốn Chân Lý Cao Cả (Tứ Diệu Đế) ba lần đối với mỗi Chân Lý để làm sáng tỏ bản chất, chức năng và kết quả của chúng. Ngài đã nói rõ rằng, đau khổ bắt nguồn từ sự vô minh; và sự vô minh này có thể được khắc phục bằng một quan điểm không phân biệt về thực tại. Để đạt được mục đích của sự chấm dứt thực sự “Diệt đế”, Ngài đã dạy con đường thực sự “Đạo Đế” dựa trên trí tuệ liễu ngộ tánh Không để ngăn chặn sự thiếu hiểu biết (vô minh) của tâm bám chấp vào sự tồn tại cố hữu.
“Lời giải thích về Tứ Diệu Đế, bản chất, chức năng và kết quả của nó đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về giáo Pháp của Đức Phật. Trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài đã giải thích sâu sắc hơn về “Diệt Đế”. Ngài đã giảng dạy một cách rõ ràng về Tánh Không, được nhấn mạnh bởi Ngài Long Thọ, và ngầm tiết lộ phương pháp để tiến bộ trên Đạo lộ như đã được trình bày trong ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’.
“Ánh quang minh được mô tả trong ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ như là một phần của lần chuyển Pháp Luân thứ ba, được giải thích cho những người mà đối với họ “không có gì có sự tồn tại cố hữu”, ngụ ý rằng không có gì ở đó. Bởi vì họ có khuynh hướng rơi vào chủ nghĩa hư vô, cho nên họ được dạy về ba bản chất: bản chất được định danh; ngụ ý là không hề có sự tồn tại cố hữu; bản chất phụ thuộc không phải là bản chất tự tạo; và bản chất hoàn hảo, không có sự tồn tại độc lập, tuyệt đối. Kinh “Như Lai Tạng” mô tả về Phật-tánh; nó đề cập đến ánh quang minh khách quan như bản chất của tâm thức và ánh quang minh chủ quan như Phật-tánh.”
Ngài nói rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình thương yêu và lòng từ bi; và về cơ bản là hữu ích cho con người. Ngài trích dẫn một câu thơ nổi tiếng phản ánh lập trường Phật giáo:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Về công năng của sự cầu nguyện, Ngài nói rằng những lời cầu nguyện cho người khác có thể phụng sự như một điều kiện cho việc kích hoạt nghiệp quả tích cực, ngay cả khi những người đó đã phạm một số hành động bất thiện, và bù đắp cho khả năng tái sinh đau khổ.
Khi một người hỏi liệu Ngài có hoan hỷ trở về thế giới này trong tương lai hay không, Ngài nói với người ấy rằng lời cầu nguyện của Ngài đã được phản ánh trong những câu thơ mà Ngài đọc mỗi ngày từ ‘Tràng Hoa Báu’ của Ngài Long Thọ:
Nguyện cho con luôn là đối tượng của sự hưởng thụ
Đối với tất cả chúng sinh tùy theo ý muốn của họ;
Và không hề có một sự cản trở nào - cũng như đất,
Nước, lửa, gió, thảo mộc, và khu rừng hoang dã!
Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như cuộc đời của chính họ,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp cho đời họ!
Dù cho có bao lâu - còn bất cứ chúng sinh nào
Ở bất cứ nơi đâu - mà chưa được giải thoát
Nguyện cho con được lưu lại [cõi trần] vì lợi ích của họ
Mặc dù con đã đạt được sự Giác ngộ tối cao!
Ngài đã khuyên mọi người ở Nhật Bản không nên tập trung hoàn toàn vào sự phát triển vật chất mà còn phải lưu tâm đến những hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài chỉ ra rằng chúng ta vẫn duy trì được sức khoẻ của cơ thể bằng cách giữ gìn vệ sinh thân thể; cho nên sẽ rất hữu ích nếu chúng ta thực hiện vệ sinh cảm xúc bằng cách học hỏi nghiên cứu những phương pháp để giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình.
Ngài khuyên những người đệ tử Phật rằng; để trở thành người Phật tử của thế kỷ 21 thì cần phải học hỏi và củng cố đức tin của họ trên cơ sở lý trí và hiểu biết. Ngài báo cáo về sự chấp thuận mà người dân của khu vực Hy Mã Lạp Sơn đã cam kết quyết tâm làm cho những ngôi Chùa, Tu viện và Ni Viện của họ trở thành những trung tâm học tập và nghiên cứu - nơi mà tất cả những ai muốn thì cũng đều có thể nghiên cứu và thảo luận về ý nghĩa giáo lý của Đức Phật. Ngài nói rằng việc đọc ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ với một sự hiểu biết về ý nghĩa của nó sẽ có hiệu quả hơn nhiều.
Sau khi tặng cho nhau những bức ảnh của Đức Phật, người tổ chức sự kiện hôm nay đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến, họ cầu nguyện cho nguyện cho Ngài được trường thọ và cầu chúc cho tất cả đều được tốt đẹp ở Tây Tạng. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trên đường rời khỏi Chùa; các thành viên công chúng đã đẩy nhẹ về phía trước, hy vọng sẽ được nhìn thấy Ngài gần hơn, để tiếp cận với Ngài hoặc bắt tay Ngài - Ngài mỉm cười và cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
Ngày mai, Ngài sẽ rời Nhật Bản để đi Singapore trên đường trở về lại Ấn Độ.