Tokyo, Nhật Bản - Nói chuyện với một nhóm khoảng 300 người Tây Tạng và Bhutan đã đến diện kiến Ngài tại khách sạn ngày hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ rằng Ngài đang trong một chuyến viếng thăm ngắn tới Nhật Bản. Ngài đã đề cập đến bằng chứng khảo cổ về sự hiện diện của con người ở Tây Tạng cách đây 35.000 năm. Ngài suy đoán rằng nếu lý thuyết của con người có nguồn gốc ở châu Phi và lan rộng ra khắp thế giới từ đó là chính xác, họ có thể đã đến Tây Tạng trước Trung Quốc. Dấu vết của nền nông nghiệp cổ đại ở miền Tây Tây Tạng có thể hỗ trợ chứng minh cho điều này.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Mặc dù bức tượng Jowo ban đầu được mang đến Lhasa từ thủ đô Trung Quốc của Tây An, nhưng sự cải thiện chữ viết của Tây Tạng đã được mô hình hóa dựa trên chữ Devanagari của Ấn Độ. Tương tự như thế, thấy được nhu cầu của một nguồn gốc xác thực về giáo lý của Đức Phật, Hoàng đế Trisong Detsen đã một lần nữa quay sang Ấn Độ và thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ từ Đại học Nalanda. Truyền thống mà Ngài đã giới thiệu không liên quan đến những lời cầu nguyện và nghi lễ, nhưng liên quan đến sự nghiên cứu và phân tích. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khuyến khích việc dịch thuật phần lớn các tài liệu Phật giáo tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng để người Tây Tạng có thể học bằng ngôn ngữ riêng của họ.
“Có những vị thiền sư Trung Quốc đã khẳng định rằng sự nghiên cứu là không cần thiết. Họ cho rằng chỉ một mình thiền định thôi là đủ để đưa đến sự giác ngộ. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ khuyên đệ tử của mình là Liên Hoa Giới nên được mời để thách thức quan điểm này, và ông đã thực hiện điều đó một cách thành công.
“Rất lâu về sau này, Tu viện Drepung được gọi là Nalanda thứ hai vì phẩm chất của nó như là một trung tâm nghiên cứu học tập. Người sáng lập Jamyang Chöjé - Tashi Palden dự đoán rằng các học giả cao cấp hơn sẽ xuất hiện trong tương lai. Viện trưởng Kunkhyen Legpa Chöjé mơ về một ‘Tenma' đưa một vị Lạt ma đến Drepung trong một chiếc cáng, mà dường như là một linh cảm cho sự xuất hiện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai - Gendun Gyatso đã đóng góp vào sự phát triển của Drepung. Ngài thiết lập Ganden Phodrang ở đó và trong thời gian đó đã trở thành Viện chủ của cả Drepung và Sera.
“Nghiên cứu Phật giáo trên cơ sở lý luận và logic chỉ được tìm thấy trong truyền thống Tây Tạng. Người Bhutan của quý vị có thể gọi ngôn ngữ của mình là Dzongkha và người xuyên Hy Mã Lạp Sơn gọi nó là Bhoti, nhưng nó được viết trong cùng một loại chữ viết mà Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) của Tây tạng đã được viết. Những tạng này của Đức Phật và các luận giải của các Luận sư Phật giáo Ấn Độ sau đó có chứa đựng rất nhiều kiến thức về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc, điều quan trọng là phải bảo trì nó vì nó vẫn còn có liên quan rất quan trọng đối với ngày nay.
“Tôi đã được khuyến khích bởi sự kiên quyết của các dân tộc từ những vùng xuyên Hy Mã Lạp Sơn về việc thực hiện để đảm bảo rằng các Tu viện, Ni viện và Chùa chiền trong khu vực được chuyển đổi thành các trung tâm học tập. Không chỉ các Tăng sĩ và Chư Ni tu học nghiêm túc, mà còn là những người Cư sĩ nữa, đôi khi cũng là những người cao tuổi nữa. “Je Tsongkhapa là một học giả xuất sắc. Khi bạn đọc về những gì ông viết, bạn có thể thấy rằng, ông đã làm sáng tỏ và làm rõ những điểm khó hiểu nhất. Những người trong số các bạn đến từ Bhutan, có thể theo truyền thống Nyingma và Kagyu, sẽ rất tốt nếu đọc được ‘Kho tàng Giáo lý Triết học' của Longchenpa và 'Kho tàng Thành tựu Nguyện ước' (Yishyin Dzö) của ông - những tác phẩm có liên quan đến sự trình bày đầy đủ về con đường Phật giáo.”
Bởi vì nhiều người trong số những người tụ tập trước mặt Ngài là học sinh, cho nên Ngài đã ban một sự trao truyền về lời Cầu nguyện và thần chú của Đức Văn Thù, cũng như các thần chú của Đức Quán Thế Âm và Tara. Ngài đã chụp ảnh nhóm với họ.
Sau đó, Ngài đi xe đến khu phức hợp Quốc hội Nhật Bản gần đó, nơi mà Ngài được các thành viên của Nhóm “Nghị viện toàn Đảng Nhật Bản vì Tây Tạng” đón tiếp và hộ tống vào bên trong.
Ngài nói với họ: “Tôi có mặt ở đây chỉ để thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn ngủi mà thôi, và tôi rất vui khi có cơ hội được gặp gỡ các thành viên của Quốc hội. Các mối quan hệ giữa Tây Tạng và Nhật Bản đã được bắt đầu từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, nhưng chúng đã bị mất đi sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, Nhật Bản là một quốc gia châu Á quan trọng, một quốc gia mà chúng tôi cũng có những mối quan hệ tôn giáo mạnh mẽ.”
Các nghị sĩ nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng họ muốn thông báo với Ngài về kế hoạch của họ, các cuộc thảo luận mà họ đã tổ chức và một nghị quyết mà họ đã đạt được. Họ rất muốn đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tôn giáo Tây Tạng - là một phần của bản sắc Tây Tạng đang bị đàn áp bởi người Trung Quốc ở Tây Tạng. Họ cũng bày tỏ sự quan tâm trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và giáo dục bên trong Tây Tạng. Họ nói rằng họ đã kêu gọi cho việc phóng thích tù nhân lương tâm Tây Tạng, nhiều người trong số họ đã bị trừng phạt vì bảo vệ danh tính và văn hóa của họ. Các nghị sĩ xem xét rằng, tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều phải có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ các quyền lợi của người dân Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “Nhật Bản là một đất nước phát triển cao với ý thức mạnh mẽ về dân chủ và tự do. Trong hoàn cảnh này tôi muốn cảm ơn sự hỗ trợ của các bạn đối với sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng. Quý vị có thể nhớ rằng một thời gian trước, tôi đã đề xuất sự công nhận Tây Tạng là một Vùng Hòa bình. Trong lịch sử vào thế kỷ thứ 7, 8 và 9, theo các tài liệu của Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Quốc là những quốc gia độc lập. Tuy nhiên, quá khứ đã là quá khứ. Chúng ta cần tính đến thực tế ngày nay. Chúng tôi không tìm kiếm địa vị riêng cho Tây Tạng. Chúng tôi sẵn sàng ở lại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), với điều kiện là có lợi ích chung. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu - đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của từng thành viên.”
Sau sự trao đổi thân thiện này, Ngài đã được mời tham dự một cuộc họp chính thức với Nhóm “Nghị viện toàn Đảng Nhật Bản vì Tây Tạng” (APJPGT). Chủ tịch - Hakubun Shimomura - một thành viên của Hạ viện từ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã lên tiếng trước tiên. Ông ấy nói, “Thế giới đã ngưỡng mộ Ngài về sự lãnh đạo; Ngài là người mà chúng tôi ngưỡng mộ sâu sắc. Lời khuyên của Ngài dành cho chúng tôi giống như ánh nắng mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối. Tôi muốn Ngài biết rằng chúng tôi cũng đang làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng. Thay mặt cho tất cả mọi người, tôi muốn cảm ơn Ngài đã quang lâm đến với Quốc hội của chúng tôi.”
Phó Chủ tịch của Nhóm “Nghị viện toàn Đảng Nhật Bản vì Tây Tạng” - Shu Watanabe - thuộc Đảng Dân chủ Nhân dân, nhận xét: “Đây là lần thứ tư chúng tôi thỉnh Ngài đến với Quốc hội. Thể chế của Đức Đạt Lai Lạt Ma là hơn bốn trăm năm tuổi. Mặc dù Ngài là người lãnh đạo của nhân dân Tây Tạng, nhưng Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét phúc lợi của tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bi nhiều hơn. Ngài bày tỏ sự đánh giá cao đặc biệt đối với Nhật Bản như một đất nước phát triển công nghệ cao, giữ nguyên văn hóa và giá trị truyền thống của nó.”
Tổng thư ký Nhóm “Nghị viện toàn Đảng Nhật Bản vì Tây Tạng” - Nobuyuki Baba - thuộc Đảng Đổi mới Nhật Bản đã nói với Ngài: “Trong một thế giới kỹ thuật số, nơi mà mọi người đều tiếp cận được với nhiều thông tin, chúng tôi cảm thấy điều quan trọng nhất là chia sẻ với người khác về sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng.”
Kyoko Nakayama của Đảng Hy Vọng tuyên bố, “Sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng đã bị lãng quên trong khi cả thế giới nên chú ý đến nó. Trong suốt 60 năm sống lưu vong, Ngài đã phải đối mặt với khó khăn nhưng cũng đã đạt được những thành tựu to lớn - thật là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi được gặp gỡ lại Ngài ở đây!”
Yoshiko Sakurai - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Cơ bản Quốc gia Nhật Bản bổ sung, “Tôi đã đến Dharamsala với các thành viên của Quốc hội. Tôi quyết tâm làm việc vì sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng. Chúng ta phải giúp đỡ những người có nhu cầu cần đến. Kết quả của các cuộc thảo luận với các thành viên của Quốc hội, chúng tôi đã thành lập Nhóm “Nghị viện Nhật Bản Toàn Đảng vì Tây Tạng”, là nhóm nghị viện lớn nhất dành cho Tây Tạng ở bất cứ đâu trên thế giới.”
Ngài trả lời: “Ở đây chúng ta đang ở trong một quốc gia châu Á, được phát triển cao về mặt vật chất và công nghệ; và người dân vẫn nắm giữ các nguyên tắc của Phật giáo. Tôi rất hân hạnh được gặp quý vị, các thành viên của Quốc hội Nhật Bản. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã rất ngưỡng mộ nền dân chủ. Sau khi nhận trách nhiệm đối với Tây Tạng vào năm 1951, tôi bắt đầu thiết lập một ủy ban cải cách, nhưng nó không có hiệu quả. Chính quyền Trung Quốc, bỏ qua thực tế là nếu chúng tôi tự giới thiệu những sự cải cách, chúng sẽ phù hợp với nhu cầu của Tây Tạng, họ không muốn bất cứ điều gì cản trở ý tưởng cải cách của họ.
“Vào năm 1954, tôi đến Bắc Kinh; năm 1956, tôi đến Ấn Độ. Trong năm 1957 và 58 một cuộc khủng hoảng đã được ủ ở Tây Tạng và dâng trào vào năm 1959, khiến cho chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác mà phải trốn thoát. Ngay sau khi đến Ấn Độ, chúng tôi đã thực hiện các bước để bắt đầu dân chủ hóa chính quyền của chúng tôi. Năm 2001, chúng tôi đã có được một bậc lãnh đạo được bầu chọn và tôi đã có thể nghỉ hưu. Năm 2011, khi một nhà lãnh đạo khác được bầu, tôi đã xác nhận sự nghỉ hưu của mình. Tôi không chỉ nghỉ hưu, mà tôi còn chấm dứt luôn phong tục của các Đức Đạt Lai Lạt Ma trở thành những người lãnh đạo về thế sự cũng như lãnh đạo về tinh thần của Tây Tạng.
“Tôi rất ngưỡng mộ sự quyết tâm của bạn về Tây Tạng. Hơn 70 năm qua kể từ khi họ chiếm đóng, những người bảo thủ của đất nước Trung Quốc đã thử các phương pháp khác nhau, sử dụng vũ lực, tẩy não và hối lộ để làm giảm tinh thần nhân dân Tây Tạng. Nhưng sự đàn áp càng lớn thì tinh thần nhân dân Tây Tạng càng mạnh.
“Có nhiều vấn đề ở Tây Tạng trước năm 1959, nhưng không có xung đột nội tại giữa người Tây Tạng và người Trung Quốc. Tuy nhiên, hành vi của Trung Quốc đã tạo ra một sự rạn nứt giữa hai dân tộc. Sự phân biệt đối xử tồn tại trong chính quyền, trường học và thậm chí trong nhà tù. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sự hài hòa và ổn định, nhưng chính sách của họ hoàn toàn làm suy yếu những mục tiêu này. Họ cần phải thực tế hơn.
“Về phần chúng tôi, từ năm 1974 chúng tôi đã không tìm kiếm sự độc lập. Chúng tôi sẵn sàng ở lại với Trung Quốc, miễn là chúng tôi có tất cả các quyền mà chúng tôi được phép có. Một vài năm trước, chúng tôi nhận thấy sự tồn tại của hàng nghìn bài báo bằng tiếng Trung hỗ trợ Phương pháp tiếp cận trung đạo (MWA) của chúng tôi và phê phán chính sách của chính phủ Trung Quốc. Ngày nay, có ít nhất 300 triệu Phật tử Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã giáo dục mọi người với sự đánh giá cao giá trị của truyền thống Nalanda.
“Tôi nói với các nhóm nghị viện ủng hộ Tây Tạng ở châu Âu rằng, họ càng thể hiện sự quan tâm từ phía họ về tình hình ở Tây Tạng, thì nó càng giúp người Tây Tạng và nâng cao tinh thần của họ. Nó khuyến khích họ biết có sự hỗ trợ ở nơi khác trên thế giới. Sẽ rất hữu ích nếu quý vị có thể đi vào Tây Tạng với một sứ mệnh tìm hiểu thực tế về môi trường, đi kèm với các nhà sinh thái học, để tự mình xem mọi thứ như thế nào. Như quý vị đã biết, là nguồn của các con sông lớn, hệ sinh thái của Tây Tạng rất quan trọng đối với hạnh phúc của người châu Á.
“Ngày nay, ở Ấn Độ, tôi khuyến khích những người trẻ đặc biệt hồi sinh sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Nó có thể là cổ đại, nhưng tôi tin rằng kiến thức này vẫn còn cơ bản có liên quan đến ngày hôm nay. Nhật Bản là một quốc gia Phật giáo và tôi tin rằng nếu họ quan tâm nhiều hơn đến những tri thức bên trong thì mọi người ở đây cũng có thể nuôi dưỡng vững chắc sự bình yên trong tâm hồn."
Nghị quyết của Nhóm Nghị viện Toàn Đảng Nhật Bản Tất vì Tây Tạng được chính thức đọc lên bằng tiếng Nhật.
Erico Yamatani của Đảng Dân chủ Tự do đã phát biểu lời cảm ơn. Bà bày tỏ lòng biết ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã đến với Quốc hội. “Nếu chúng ta chú ý đến những gì Ngài khuyên thì chúng ta có thể đạt được hòa bình trên thế giới. Tôi cũng đưa ra ý nghĩ rằng chúng ta phải nghiên cứu nhiều hơn về các phương pháp để đảo ngược sự biến đổi khí hậu, giữ trong tâm trí vai trò quan trọng của Cao nguyên Tây Tạng là Cực thứ ba. Xin cảm ơn Ngài!”
Trước khi rời khỏi cuộc họp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ rằng các lá cờ Nhật Bản và Tây Tạng đang đứng cùng nhau; và nói với các chủ nhà rằng khi Ngài ở Bắc Kinh năm 1954, Chủ tịch Mao Trạch Đông hỏi rằng Tây Tạng có lá cờ không. Khi Ngài ngập ngừng nói với ông ta rằng Tây Tạng có lá cờ, Mao đáp, “Tốt, Ngài phải giữ nó. Ngài có thể cho nó bay nó cùng với Cờ Đỏ.” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với cuộc họp rằng, với những lời đó - Chủ tịch Mao đã chấp thuận cho việc treo cờ Tây Tạng, vì vậy sau này, không có chỗ cho bất cứ ai được phàn nàn về nó.
Ngài trở về khách sạn. Ngày mai, Ngài sẽ đi đến Fukuoka trên đảo Kyushu.