Tosca
Bài viết này là một bản dịch thô từ ngôn ngữ khác. Đây có thể là kết quả của máy tính hoặc của người chưa thông thạo dịch thuật. |
Tosca là vở nhạc kịch 3 hồi của soạn giả nổi tiếng Giacomo Puccini được viết lời bởi Luigi Illica và Giuseppe Giacosa. Vở kịch được công diễn lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 1 năm 1900 tại nhà hát Teatro Costanzi, Rome, dựa trên vở chính kịch mang tên "La Tosca" của nhà soạn kịch người Pháp Victorien Sardou. Vở mêlô "Tosca"’ diễn ra trong khung cảnh thành Romes tháng 6 năm 1800 sau trận Marengo ác liệt.
Tác phẩm là sự kết hợp giữa âm nhạc làm mê đắm cả thế giới của Puccini và những thuật hoạ sống động về đòn tra tấn, ám sát và tự tử, tác phẩm này còn khơi nguồn cho biết bao màn trình diễn khó phai của những ca sĩ opera hàng đầu.
Vào năm 1889, Puccini đã có dịp xem vở kịch của Sardou trong một buổi diễn ở Ý và năm 1895 ông đã có được quyền chuyển vở kịch trên thành vở opera. Công việc chuyển hoá một vở kịch Pháp với rất nhiều câu thoại dài dòng thành một vở opera Ý súc tích, ngắn gọn mất 4 năm làm việc cùng những tranh cãi không ngừng giữa Puccini và người viết lời. Bất chấp sự lạnh nhạt từ giới phê bình, vở opera vẫn đạt được sự thành công rực rỡ ngay khi vừa ra mắt công chúng.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà viết kịch người Pháp Victorien Sardou đã viết được hơn 70 vở kịch trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình và hầu hết các vở đều thành công vào thời đó nhưng ngày nay hầu hết đã trôi vào quên lãng. Đầu những năm 1880, Sardou bắt đầu cộng tác với nữ diễn viên nổi tiếng tên Sarah Bernhardt trong chuỗi những vở kịch mêlô sử thi. Cùng với Bernhardt, Sardou đạt đến đỉnh cao với vở "La Tosca", ra mắt công chúng vào ngày 24 tháng 11 năm 1887 và được lưu diễn ở khắp châu Âu. Vở kịch đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng với 3000 suất diễn chỉ riêng tại Pháp[1].
Sau 2 lần được xem vở "La Tosca" tại Milan và Tirun, tháng 5 năm 1899 Puccini đã viết thư thỉnh cầu nhà dàn dựng opera Giulio Ricordi xin phép Sardou được chuyển thể vở kịch này thành vở opera vì, theo như ông nói, " tôi đã nhìn thấy được điều tôi cần qua vở "Tosca" này là một vở opera mà không hề có quy mô to lớn, không hề có quang cảnh công phu, cũng chẳng cần đến âm nhạc ở mức thừa mứa theo lẽ thường." Trước nhiệt huyết của Puccini, Ricordi đã gửi cấp dưới của mình đi đến Paris thương thảo với Sardou. Tuy nhiên, Sardou lại muốn tác phẩm của mình phải được chuyển thể bởi một soạn giả người Pháp. Ông cũng phàn nàn về sự tiếp đón vở "La Tosca" tại Ý, nhất là ở Milan, đồng thời cho biết rằng nhiều soạn giả khác cũng đang rất quan tâm đến việc chuyển soạn vở kịch[2].
Tuy vậy, cuối cùng Ricordi cũng đạt được thoả thuận với Sardou, và giao cho Luigi Illica viết kịch bản chuyển thể. Thế nhưng vào năm 1891, Illica khuyên Puccini bỏ dở dự án này với lý do rằng Illica sợ rằng vở kịch này sẽ không thể thành công khi đưa nó vào khung một vở nhạc kịch. Khi Sardou nhận xét ông không cảm thấy an tâm trước việc giao phó "đứa con tinh thần" thành công nhất của ông cho một người mới nổi như Puccini, nhất là ông lại không ưa nhạc của Puccini cho lắm, Puccini cảm thấy mếch lòng. Sau đó ông đã rút ra khỏi hợp đồng đã giao kèo với Ricordi, Ricordi giao lại công việc soạn nhạc cho Alberto Franchetti.
Tuy sau đó Franchetti tiếp tục công việc dang dở của Puccini trên lời thoại của Illica nhưng ông không thấy thoải mái với công việc này. Nhiều câu chuyện được lưu truyền về việc chuyển giao này trong đó có đề cập đến chuyện Ricordi muốn lấy lại quyền chuyển soạn từ Franchetti để giao lại cho Puccini − lúc này đã nguôi giận và có ý muốn làm tiếp. Theo một số nguồn, Ricordi đã thuyết phục Franchetti rằng vở kịch quá bạo lực để có thể thuận buồm xuôi gió biểu diễn trên sân khấu. Và Franchetti, theo lời thuật lại của gia đình ông sau này, đã có một cử chỉ cao đẹp là trao công việc ấy lại cho Puccini với nhận xét "Ông ấy (Puccini) tài năng hơn tôi"[3]. Cũng có ý kiến rằng lý do đơn giản hơn đó là Franchetti không có khả năng đưa chất nhạc vào vở kịch này[3]. Tháng 5 năm 1895 Franchetti bỏ cuộc và Puccini tiếp nhận lại dự án vào tháng 8 cùng năm.
Các vai diễn
[sửa | sửa mã nguồn]Nhân vật | Giọng | Buổi công diễn, 14/01/1900 (Chỉ huy dàn nhạc: Leopoldo Mugnone) |
---|---|---|
Floria Tosca, ca sĩ nổi danh | Nữ cao | Hariclea Darclée |
Mario Cavaradossi, họa sĩ | Nam cao | Emilio de Marchi |
Baron Scarpia, cảnh sát trưởng | Nam trung | Eugenio Giraldoni |
Cesare Angelotti, nguyên quan chấp chính nước Cộng hoà La Mã | Trầm | Ruggero Galli |
Người trông coi nhà thờ | Trầm | Ettore Borelli |
Spoletta, cảnh sát | Nam cao | Enrico Giordano |
Sciarrone, hiến binh | Trầm | Giuseppe Gironi |
Cai ngục | Trầm | Aristide Parassani |
Cậu bé chăn cừu | Nam cao | Angelo Righi |
Binh lính, cảnh sát, lễ sinh, các ông bà quý tộc, thị dân, thợ thủ công. |
Tóm tắt cốt truyện
[sửa | sửa mã nguồn]Vở "La Tosca" diễn ra vào chiều, tối và buổi sáng sớm các ngày 17 và 18 tháng 6 năm 1800. Nước Ý lúc bấy giờ bị chia cắt ra làm nhiều nhà nước nhỏ, khu vực miền trung nước Ý thuộc về Lãnh thổ Giáo hoàng, do giáo hoàng quản lý. Cùng với cuộc Cách mạng Pháp, quân đội của Napoléon Bonaparte đã tiến vào xâm lược nước Ý vào năm 1796 và đến tháng 2 năm 1798, binh lính của Bonaparte đã vào hẳn thành Rome mà không gặp phải sự kháng cự nào. Chính phủ nước Cộng hòa La Mã được thiết lập. Chính quyền mới này được điều hành bởi 7 vị quan chấp chính, trong đó có Libero Angelucci – có lẽ là cơ sở hình thành nên nhân vật Angelotti trong vở opera "Tosca". Đến tháng 9 năm 1799, sau khi những người Pháp bảo vệ cho chính phủ Cộng hoà rút khỏi Rome, quân độ của vua Naples đã tràn vào độc chiếm thành phố.
Vào tháng 5 năm 1800, Napoléon dẫn đoàn quân thiện chiến của mình băng qua dãy Anpơ để đến Ý và đụng độ với quân đội Áo tại trận chiến trứ danh Marengo vào ngày 14 tháng 6. Quân Áo, dưới sự chỉ huy của tướng Micheal von Melas, đã chiếm thế thượng phong vào đầu trận, vội cho người về Rome báo tin mừng. Thế nhưng đến chiều tối, đội quân của Napoléon được tiếp viện tiến vào quật ngã những binh lính mệt mỏi của Áo. Tướng Melas buộc phải tháo lui với số quân lính còn lại. Quân Naples rút chạy khỏi Rome. Kể từ đó, thành Rome trải qua 14 năm dưới ách đô hộ của Pháp.
Màn 1
[sửa | sửa mã nguồn]Cảnh: Bên trong nhà thờ Sant'Andrea della Valle tại Rome,1800
Cesare Angelotti, nguyên quan chấp chính Rome, nay là một người tù chính trị vừa trốn thoát khỏi pháo đài Castel Sant'Angelo, chạy vào nhà thờ. Chàng lục tìm chiếc chìa khoá và mở nhà nguyện riêng của gia tộc Attavanti, lánh vào trong đó.
Lúc đó người trông nhà thờ đi vào quét dọn và chàng họa sĩ Mario Cavaradossi mải mê vẽ bức tranh Đức mẹ Mary. Người mẫu gợi hứng cho anh là một phụ nữ chàng thấy lui tới nhà thờ nhưng không hề quen biết − nữ hầu tước Attavanti. Trong khi vẽ, chàng so sánh vẻ đẹp của người phụ nữ tóc vàng này với người yêu tóc đen của mình, đào hát nổi danh Floria Tosca.
Khi người trông nhà thờ rời khỏi, Angelotti ra khỏi chỗ ẩn nấp và báo cho Mario rằng mình đang bị truy nã bởi trùm cảnh sát Scarpia. Khi nghe tiếng Tosca bên ngoài đang gọi anh, Mario vội bảo Angelotti trở vào nơi ẩn nấp cũng giỏ thức ăn của mình.
Tosca nghe thấy tiếng Mario và Angelotti nói chuyện, nàng nghi ngờ chàng không chung thủy. Mario phải xoa dịu cơn ghen ấy và hẹn hò Tosca tối hôm đó tại nhà riêng của Mario sau buổi diễn. Khi Tosca định quay đi, nàng bắt gặp bức tranh Mario đang vẽ, nàng nhận ra người mẫu cho bức tranh đó chính là nữ hầu tước Attavanti, Tosca quy kết người yêu tội lừa dối nàng. Mario lại phải ra sức thanh minh với người yêu về sự vô tội của mình.
Tosca rời đi, Angelotti bước ra và tiết lộ rằng nữ hầu tước Attavanti ấy chính là em gái của chàng, và việc nàng đến nhà thờ là để chuẩn bị cho kế hoạch trốn thoát của Angelotti. Mario đã đề nghị Angelotti lánh ở nhà của chàng một thời gian.
Ngay sau đó 1 tiếng súng đại bác nổ ra, báo hiệu âm mưu vượt ngục đã bị lật tẩy. Mario và Angelotti vội bỏ chạy khỏi nhà thờ.
Người trông nhà thờ sau khi nghe được tin Napoléon bị thua tại trận Marengo (tin thắng trận do Melas phái người đưa về) đã tập hợp các lễ sinh để hát bài cầu kinh Tạ Ơn mừng chiến thắng. Đang giữa chừng Scarpia cùng thuộc cấp vào nhà thờ tiến hành một cuộc lục soát để tìm Angelotti.
Sau khi thẩm tra người giữ nhà thờ, biết được sự hiện diện của Mario tại nhà thờ chiều hôm ấy, Scarpia nghi rằng Mario đang che giấu người tù bỏ trốn. Giỏ thức ăn và một cái quạt bị đánh rơi trong nhà thờ mang huy hiệu gia đình Angelotti đã củng cố thêm mối nghi hoặc đó.
Đúng lúc ấy, Tosca quay lại, nàng muốn báo cho Mario biết mình có thể sẽ trễ hẹn vì còn phải ở lại hát bài Cantata mừng chiến thắng, nhưng chàng đã đi mất. Lợi dụng tính hay ghen của Tosca, Scarpia cố tình làm cô nghi ngờ về sự dính líu của Mario và nữ hầu tước Attavanti. Scarpia đưa cho nàng xem chiếc quạt mà hắn nhận định rằng đó là dấu hiệu của cuộc hẹn hò bí mật.
Nhận ra được gia huy của nhà Attavanti trên chiếc quạt, Tosca càng tin rằng Mario đã phản bội nàng và dành nhà riêng của chàng để gặp gỡ với người tình bí mật đó. Trong cơn ghen tuông nàng vội lao đến nhà Mario để làm cho ra nhẽ.
Thấy Tosca mắc bẫy, Scarpia cho thuộc hạ đi theo Tosca đi đến nhà Mario để bắt Angelotti, còn bản thân thì ở lại dự bài kinh Tạ Ơn, như để tưởng thưởng cho chính mình vì chiến công vừa lập.
Màn 2
[sửa | sửa mã nguồn]Cảnh: Scarpia trong buồng của mình ở cung điện Palazzo Farnese
Lúc này, Scarpia đang ung dung thưởng thức bữa tối của mình trong khi chờ hạ cấp bắt Angelotti về. Hắn cũng đã cho mời Tosca đến sau khi kết thúc buổi hát Cantata. Tuy nhiên, khi thuộc hạ đến báo rằng không tìm ra dấu vết của Angelotti, Scarpia tỏ ra cực kỳ giận dữ.
Tuy vậy bọn cảnh sát đã bắt Cavaradossi về vì có những hành vi đáng ngờ. Scarpia tra khảo Cavaradossi để tìm Angelotti nhưng chàng không dễ khuất phục, chàng thách thức Scarpia khiến hắn phải dùng đến cực hình để tra khảo.
Scarpia nghĩ đến phương pháp cuối cùng để tìm được nơi Angelotti đang trốn − đó chính là Tosca. Hắn đem Tosca đến để nàng nghe thấy tiếng kêu la đau đớn của Cavaradossi khi bị tra tấn. Và Tosca yếu đuối, không cầm lòng nổi trước nỗi đau của người yêu mình, đã chỉ nơi Angelotti ẩn nấp cho Scarpia. Khi tỉnh dậy, biết được điều này, Cavaradossi đã mắng chửi Tosca một cách thậm tệ.
Thuộc hạ của Scarpia là Sciarrone vào báo tin quân của Napoléon cuối cùng đã đại thắng tại trận Marengo, Cavaradossi chế nhạo Scarpia sắp đến hồi thất thế. Tức tối, Scarpia ra lệnh thuộc hạ lôi Cavaradossi đi hành quyết.
Tosca van xin lòng từ bi của Scarpia nhưng hắn ngoảnh mặt làm ngơ, cuối cùng Scarpia cũng bộc lộ tà tâm của mình: đổi mạng sống của Cavaradossi lấy chính Tosca. Spoletta vào báo rằng Angelotti đã tự sát và việc chuẩn bị hành quyết Cavaradossi đã sẵn sàng. Tosca, trong cơn tuyệt vọng, đồng ý với yêu cầu của Scarpia đổi lấy mạng sống Cavaradossi. Scarpia ra lệnh thuộc hạ chuẩn bị một vụ tử hình giả cho Mario.
Khi Spoletta đã rời đi Tosca còn yêu cầu thêm Scarpia phải đảm bảo cho 2 người rời khỏi Rome an toàn. Trong khi Scarpia đang mải ký giao kèo, Tosca bí mật lận con dao trên bàn vào người. Lúc Scarpia đưa tay vồ lấy Tosca thì bị nàng đâm chết. Tosca lục túi hắn lấy tờ khế ước và rời khỏi hiện trường.
Màn 3
[sửa | sửa mã nguồn]Bên trên pháo đài Castel Sant'Angelo, sáng sớm hôm sau.
Mario Cavaradossi bị lính dẫn vào và thông báo chỉ còn sống được thêm 1 giờ. Anh từ chối gặp cha sứ mà thay vào đó yêu cầu được viết thư cho Tosca. Trong lúc Cavaradossi đang viết thư, Tosca đi vào mang theo bản giao kèo. Cô báo cho chàng biết Scarpia đã chết và vụ tử hình chàng sẽ được dàn dựng cho giống thật, và Cavaradossi phải giả chết, sau đó 2 người sẽ cùng nhau rời khỏi Rome trước khi xác của Scarpia bị phát hiện.
Cavaradossi ngạc nhiên và cảm động vì sự gan dạ của người yêu mình. Hai người cùng nhau mơ về cuộc sống sau khi rời khỏi thành Rome. Tosca lo lắng nhắc người yêu thực hiện những điều mình dặn dò trước khi Cavaradossi bị dẫn đi.
Vụ xử bắn diễn ra, Cavaradossi ngã gục, sau khi đội hành quyết đi khỏi Tosca lao đến bên người yêu chỉ để thấy rằng chàng đã chết, rằng Scarpia đã lừa nàng một vố. Nàng đau đớn ôm lấy thi thể Mario khóc lóc.
Từ đằng xa vẳng tiếng xôn xao của Spoletta, Sciarrone và binh lính, chứng tỏ xác Scarpia đã bị phát hiện và chúng biết Tosca đã giết Scarpia. Lúc Spoletta, Sciarrone xông vào bắt Tosca thì nàng đứng dậy vụt thoát khỏi chúng và chạy về phía tường thành gieo mình xuống đất tự sát.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Ashbrook, William (1985). The Operas of Puccini. Ithaca, New York: Cornell University Press. ISBN 0801493099.
- Budden, Julian (2002). Puccini: His Life and Works . Oxford: Oxford University Press. ISBN 0-226-57971-9.
- Burton, Deborah; Nicassio, Susan Vandiver; Züno, Agostino biên tập (2004). Tosca's Prism: Three Moments of Western Cultural History. Boston: Northeastern University Press. ISBN 1-55553-616-6.
- Fisher, Burton D. (ed.) (2005). Opera Classics Library Presents Tosca . Boca Raton, Florida: Opera Journeys Publishing. ISBN 1-930841-41-8.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- Girardi, Michele (2000). Puccini: His International Art. Chicago: Chicago University Press. ISBN 0-226-29757-8.
- Greenfeld, Howard (1980). Puccini. London: Robert Hale. ISBN 0-7091-9368-8.
- Greenfield, Edward (1958). Puccini: Keeper of the Seal. London: Arrow Books.
- Greenfield, Edward; March, Ivan; Layton, Robert biên tập (1993). The Penguin Guide to Opera on Compact Discs. London: Penguin Books. ISBN 0-14-046957-5.
- Kerman, Joseph (2005). Opera as Drama. Berkeley and Los Angeles: University of California Press. ISBN 0-520-24692-6. (Note: this book was first published by Alfred A. Knopf in 1956)
- Neef, Sigrid (ed.) (2000). Opera: Composers, Works, Performers (English edition). Cologne: Könemann. ISBN 3-8290-3571-3.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- Newman, Ernest (1954). More Opera Nights. London: Putnam.
- Nicassio, Susan Vandiver (2002). Tosca's Rome: The Play and the Opera in Historical Context . Oxford: University of Chicago Press. ISBN 978–0-19-517974-3 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). - Osborne, Charles (1990). The Complete Operas of Puccini. London: Victor Gollancz. ISBN 0-575-04868-9.
- Petsalēs-Diomēdēs, N. (2001). The Unknown Callas: The Greek Years. Cleckheaton (U.K.): Amadeus Press. ISBN 1-57467-059-X.
- Phillips-Matz, Mary Jane (2002). Puccini: A Biography. Boston: Northeastern University Press. ISBN 1-55553-530-5.
- Roberts, David (ed.) (2005). The Classic Good CD & DVD Guide 2006. London: Haymarket. ISBN 0-860-24972-7.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Fisher, Burton D., ed. (2005). Opera Classics Library Presents Tosca (revised ed.). Boca Raton, Florida: Opera Journeys Publishing. ISBN 978-1-930841-41-3.
- ^ Phillips-Matz, Mary Jane (2002). Puccini: A Biography. Boston: Northeastern University Press. ISBN 978-1-55553-530-8.
- ^ a b Phillips-Matz, Mary Jane (2002). Puccini: A Biography. Boston: Northeastern University Press. ISBN 978-1-55553-530-8