Liễu Vĩnh
Liễu Vĩnh | |
---|---|
Tên chữ | Cảnh Trang; Kỳ Khanh |
Tên hiệu | Liễu Truân Điền |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 987 |
Nơi sinh | Vũ Di Sơn |
Quê quán | huyện Sùng An |
Mất | 1053 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | nhà thơ, người viết từ |
Quốc tịch | nhà Tống |
Liễu Vĩnh (chữ Hán: 柳永, khoảng 987-1053) [1], trước có tên là Tam Biến [2], tự: Kỳ Khanh; là quan nhà Bắc Tống, và là nhà làm từ nổi tiếng ở Trung Quốc.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Liễu Vĩnh là người Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ông xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, tuổi trẻ từng sống và học tập ở kinh thành Khai Phong, từng đi thi nhiều lần nhưng đều hỏng, về già mới đỗ Tiến sĩ.
Sau đó, ông lần lượt làm mấy chức quan nhỏ: Triện quan ở Mục Châu, Diêm quan ở Định Hải, Hiểu phong; và làm Viên ngoại lang coi việc đồn điền. Trong các nhà làm từ nổi tiếng thời Bắc Tống, ông là người giữ chức quan nhỏ nhất; nhưng lại là nhà làm từ chuyên nghiệp đầu tiên, cả đời dốc sức vào việc sáng tác từ [3].
Năm 1054 đời Tống Nhân Tông, Liễu Vĩnh mất lúc 50 tuổi. Tương truyền, khi đó các kỹ nữ đã góp tiền để chôn cất ông, và còn làm lễ truy điệu [4].
Hiện còn quyển Nhạc chương tập (Tập sách ghi các chương nhạc), có gần 200 bài từ của ông.
Sự nghiệp văn chương
[sửa | sửa mã nguồn]Nội dung chủ yếu của từ Liễu Vĩnh là phản ánh tâm trạng buồn bực, bất mãn của đại bộ phận trí thức (trong đó có ông), có tài nhưng không gặp cơ hội trong xã hội phong kiến, hoạn lộ trắc trở, nên đi đến chỗ lạnh nhạt với công danh lợi lộc. Có thể thấy những điều đó trong các bài từ làm theo điệu "Phụng quy vân", "Quy triều quan", "Khán hoa", "Bát thanh Cam Châu", "Vũ lâm linh",...[5].
Ở khía cạnh khác, mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, nhưng Liễu Vĩnh từng "nhiều phen du ngoạn cùng hiệp khách", "thích làm các khúc ca trong hoa dưới nguyệt" ở chốn lầu hồng, như những bài từ làm theo điệu "Hạc xung thiên", "Trường thọ lạc", "Mê tiên dẫn",...[6]. Ở đấy, trên quan điểm của một văn nhân bất đắc chí, ông mô tả cuộc sống của các kỹ nữ, và bày tỏ sự cảm thông với họ. Thành thử, ông làm cho từ có nội dung xã hội nhiều hơn [7].
Đồng thời, Liễu Vĩnh còn làm khá nhiều bài tả cảnh phồn hoa của thị thành (Khai Phong, Hàng Châu, Tô Châu,...), như những bài từ làm theo điệu "Vọng hải triều".
Ngoài ra, lúc làm Diêm quan ở Định Hải, ông có làm bài thơ "Chử hải ca" (Bài ca nấu muối biển) rất đáng chú ý. Đây là một tác phẩm hiện thực ưu tú, giàu cảm xúc, tả cảnh khổ phơi lọc muối và cuộc sống nghèo cực của những người dân làm muối, đồng thời tố cáo giới quan lại địa chủ đã bốc lột họ [8].
Về nghệ thuật, nhờ học tập và tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của các nhạc khúc dân gian thời đầu Tống và của một số tác giả thời Trung Đường; mà Liễu Vĩnh đã có nhiều sáng tạo: hoặc theo điệu cũ điền lời mới, hoặc tự sáng sáng tạo ra điệu mới; và làm cho ngôn ngữ từ thêm rõ ràng, bình dị vì đã được ông thông tục hóa và khẩu ngữ hóa...[8].
Thứ nữa, ông còn là người đầu tiên làm nhiều "mạn từ" (tức bài từ dài, trong Nhạc chương tập, "mạn từ" chiếm đến bảy tám phần mười), và làm cho nó trở thành một hình thức văn học thuần thục [9].
Ngoài ra, ông còn là người đã đem tình và cảnh lồng vào nhau, điều mà từ khúc dân gian đời Đường chưa có. Nhờ vậy, từ dân gian có một bước đổi thay khá rõ.
Trong số các nhà làm từ thời Bắc Tống, từ của Liễu Vĩnh được truyền bá rộng rãi [10], và được nhiều thế hệ sau thừa kế, phát huy. Ông là một nhà văn có ảnh hưởng xã hội tương đối lớn [11].
Bát thanh Cam Châu
[sửa | sửa mã nguồn]Từ của Liễu Vĩnh có nhiều bài hay, nhưng thường dài, nên ở đây chỉ có thể giới thiệu một bài từ làm theo điệu Bát thanh Cam Châu.
|
|
Sách tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Trần Lê Bảo, mục từ "Liễu Vĩnh" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
- Nhiều người dịch, Thơ Tống (Trương Chính giới thiệu, Nam Trân duyệt thơ). Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1991.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Ghi theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401). Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857) chép là: 987?-1053?.
- ^ Chép theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857). Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401) cho biết trước khi có tên Liễu Vĩnh, ông đã đổi tên ba lần, nhưng sách không kể ra.
- ^ Theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858).
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858). Sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 404) kể tương tự, và viết thêm rằng: "Đây chỉ là lời đồn, tuy không có gì chắc chắn, nhưng cũng đã nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Liễu Vĩnh với các kỹ nữ thời bấy giờ".
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858) và Thơ Tống, mục "Liễu Vĩnh".
- ^ Theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2), tr. 402.
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858).
- ^ a b Theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2), tr. 405.
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 858.
- ^ Sách Hậu Sơn thi thoại nói từ Liễu Vĩnh lúc bấy giờ "khắp thiên hạ ngâm nga", sách Năng cải trai mạn lục nói từ của ông từng được "truyền bá khắp bốn phương", Diệp Mộng Đắc trong Tị thử lục thoại cũng chép rằng cả ở Tây Hạ "phàm những nơi có giếng nước đều ca hát từ của Liễu Vĩnh", thiên "Nhạc chí" trong sách Cao Ly sử cũng cho biết rằng "đương thời người học tập ông hoặc chịu ảnh hưởng của ông lại càng nhiều" (theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2), tr. 408).
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 859).
- ^ Theo Thơ Tống, tr. 206-207.