Bộ Cắt
Bộ Cắt | |
---|---|
Cắt hung (Falco berigora) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Aves |
Phân lớp (subclass) | Carinatae |
Phân thứ lớp (infraclass) | Neognathae |
Tiểu lớp (parvclass) | Neognathae |
Bộ (ordo) | Falconiformes Sharpe, 1874 |
Các họ | |
Xem văn bản. |
Bộ Cắt (danh pháp khoa học: Falconiformes) là một nhóm khoảng chứa các loài chim săn mồi ban ngày. Việc phân loại chim ăn thịt là khó khăn và bộ này được xử lý theo các cách khác nhau trong lịch sử phân loại.
Vấn đề phân loại
[sửa | sửa mã nguồn]Theo truyền thống, tất cả các loài chim ăn thịt còn sinh tồn được nhóm trong 4 họ trong một bộ duy nhất này (bộ Cắt nghĩa rộng). Tuy nhiên, một số tác giả vẫn nghi ngờ về tính đơn ngành của bộ Cắt nghĩa rộng và công nhận sự tồn tại của bộ Ưng[1][2][3][4] và tại châu Âu, thông thường người ta vẫn chia bộ Cắt nghĩa rộng thành hai: các loài cắt và caracara vẫn thuộc bộ Falconiformes (khoảng 66 loài) nghĩa hẹp, còn lại khoảng 263 loài (bao gồm cả họ Accipitridae: đại bàng, ưng, ó, diều và v.v) được đặt trong bộ tách biệt gọi là bộ Ưng (Accipitriformes). Họ tiền sử duy nhất được biết đến từ các hóa thạch là Horusornithidae (hiện nay xếp trong bộ Ưng).
Ý tưởng cho rằng bộ Falconiformes nên được phân chia thành nhiều bộ đến từ gợi ý rằng bộ này có thể không chia sẻ cùng một dòng dõi duy nhất mà nó loại bỏ các loài chim khác. Gợi ý gây tranh cãi nhất nhưng được hỗ trợ tốt nhất là rằng họ Kền kền Tân thế giới (Cathartidae) không phải thuộc bộ Falconiformes mà có liên quan tới các loài cò, vạc trong bộ tách biệt là bộ Hạc (Ciconiiformes). Tuy nhiên, chứng cứ hình thái học hỗ trợ tổ tiên chung của bộ Falconiformes, và bộ Cú (Strigiformes) cũng có thể có quan hệ họ hàng rất gần với bộ Falconiformes.
Hiệp hội điểu học Mỹ Lưu trữ 2007-04-28 tại Wayback Machine tạm thời khôi phục các loài kền kền Tân thế giới (họ Cathartidae) vào bộ Falconiformes vào năm 2007[5][6]. Điều này ngược lại với phân loại Sibley-Ahlquist có nhiều ảnh hưởng, trong đó tất cả các loài chim ăn thịt được đặt trong bộ Ciconiiformes, nhưng Cathartidae được coi là nằm ngoài dòng dõi bao gồm các loài chim ăn thịt khác. Trong khi điều cuối cùng này có thể chính xác, thì "Ciconiiformes" nghĩa Sibley và Ahlquist là một tổ hợp cận ngành, nhân tạo và là một trong những điểm yếu nhất trong sơ đồ phân loại của họ.
Phân tích tổ hình nhiễm sắc thể (karyotype) chỉ ra rằng kền kền Tân thế giới quả thực là khác biệt, và họ Accipitridae đứng cách xa các loài chim dạng cắt khác ở chỗ các vi nhiễm sắc thể của chúng chỉ ra mức độ cao của sự hợp nhất với các nhiễm sắc thể kích thước trung bình, là độc nhất vô nhị ở các loài chim[7][8][9]. Điều này có đem lại ý nghĩa gì cho tính hợp lệ của bộ Accipitriformes được đề xuất hay không vẫn là vấn đề tranh cãi, nhưng ít nhất nó chứng minh rằng Accipitridae là nhóm đơn ngành.
Nghiên cứu DNA gần đây chỉ ra rằng các loài cắt không có quan hệ họ hàng gần với các loài chim săn mồi còn lại, thay vì thế chúng có quan hệ họ hàng gần với các loài vẹt (Psittaciformes) và sẻ (Passeriformes)[10][11], trong khi các họ Pandionidae và Sagittariidae có quan hệ họ hàng gần nhất với họ Accipitridae, và chúng tạo thành một nhánh đơn ngành[10]. Kể từ đó sự tách ra (nhưng không phải là vị trí của cắt cận kề với vẹt và sẻ) đã được các tổ chức có uy tín về điểu học như Ủy ban Phân loại Nam Mỹ (SACC)[12], Ủy ban Phân loại Bắc Mỹ (NACC)[13] trực thuộc Hiệp hội các nhà điểu học châu Mỹ (AOU) và Đại hội Điểu học Quốc tế (IOC)[14] công nhận.
Đặc trưng
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ Falconiformes nghĩa rộng được biết đến từ Trung Eocen (chi có thể là cơ sở Masillaraptor[liên kết hỏng] từ mỏ đá Messel). Chúng tiêu biểu có mỏ hình móc cong sắc nhọn với da gốc mỏ trên bề mặt đầu gần lưng, chứa các lỗ mũi. Các cánh của chúng dài và khá rộng, thích hợp cho việc bay liệng, với 4–6 lông cánh sơ cấp có khía phía ngoài.
Bộ Falconiformes nghĩa rộng có các cẳng và bàn chân khỏe với các vuốt của chim ăn thịt và vuốt sau có thể đặt đối diện. Gần như tất cả các loài trong bộ Falconiformes là chim ăn thịt, săn bắt bằng khả năng nhìn trong thời gian ban ngày hoặc vào lúc tranh tối tranh sáng. Chúng sống lâu, và phần lớn có tốc độ sinh sản thấp.
Chim non có giai đoạn nuôi cho tới khi ra ràng dài, phát triển rất nhanh, tiếp theo là 3–8 tuần chăm sóc tại tổ sau chuyến tập bay đầu tiên, và 1 tới 3 năm để đạt tới độ tuổi thuần thục sinh dục. Các con mái to hơn các con trống. Lưỡng hình giới tính nói chung là tột cùng nhất ở các loài chuyên môn hóa trong việc ăn thịt các loài chim khác, chẳng hạn như các loài ưng thuộc chi Accipiter và các loài cắt thuộc chi Falco, trong đó chim mái có thể nặng hơn 2 lần chim trống; nhưng tính chất này hầu như không có ở các loài kền kền. Chế độ đơn phối ngẫu là quy tắc chung, mặc dù bạn đời thay thế thường được chọn nếu một con bị chết.
Bộ Falconiformes nghĩa rộng thuộc số các bộ đa dạng nhất khi nói về kích thước. Loài nhỏ nhất được cho là cắt đùi đen (Microhierax fringillarius), với các con trống nhỏ chỉ nặng 28 g (1 oz), dài 14 cm (5,5 inch) và có sải cánh 26 cm (10,3 inch). Loài lớn nhất là đại bàng đầu trọc (Aegypius monachus), nặng tới 14 kg (31 lb), dài 118 cm (46 inch) và sải cánh 3 m (10 ft).
Hệ thống hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Trên khắp thế giới có khoảng 260-330 loài chim ăn thịt (tùy theo quan điểm phân loại, IOC công nhận 329 loài) còn sinh tồn; hiện tại tất cả các họ, ngoại trừ họ Falconidae, được tách ra thành bộ Accipitriformes, hoặc họ Cathartidae còn được tách ra thành bộ riêng gọi là Cathartiformes.
Truyền thống
[sửa | sửa mã nguồn]- Falconidae: 66 loài cắt và caracara.
- Accipitridae: 200-253 loài gồm diều (diều hâu, diều mướp, diều lửa v.v), đại bàng, ưng, kền kền Cựu thế giới, ó buteo. Có thể gộp cả họ Pandionidae.
- Pandionidae: 2 loài ưng biển
- Sagittaridae: 1 loài diều ăn rắn
- Cathartidae?: 7 loài kền kền Tân thế giới, kền kền khoang cổ
- †Horusornithidae
Hiện nay
[sửa | sửa mã nguồn]Theo phân loại hiện tại của AOU và IOC thì bộ Cắt (nghĩa hẹp) chỉ còn chứa mỗi họ Falconidae.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Voous, K.H. (1973). “List of Recent Holarctic Bird Species. Non-Passerines”. Ibis. 115: 612–638. doi:10.1111/j.1474-919X.1973.tb02004.x.
- ^ Cramp, Stanley (1980). Handbook of the Birds of Europe, the Middle East and North Africa: The Birds of the Western Palearctic – Hawks to Bustards. Nhà in Đại học Oxford. tr. 3, 277. ISBN 0-19-857505-X.
- ^ James Ferguson-Lees & Christie David (2001). Raptors of the World. Nhà in Đại học Princeton. tr. 69. ISBN 0-618-12762-3. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Les Christidis & Boles Walter E. (2008). Systematics and Taxonomy of Australian Birds. CSIRO Publishing. tr. 50–51. ISBN 0-643-06511-3. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết). Bao gồm cả nhận xét tổng quan về sự mâu thuẫn trong sách báo gần đây.
- ^ Banks, Richard C., và ctv. (2007). “Forty-eighth Supplement to the American Ornithologists' Union Check-List of North American Birds” (PDF). The Auk. 124 (3): 1109–1115. doi:10.1642/0004-8038(2007)124[1109:FSTTAO]2.0.CO;2. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2009.
- ^ American Ornithologists' Union. “Check-List of North American Birds”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2009.
- ^ Boer LEM (1975). “Karyological heterogeneity in the Falconiformes (Aves)”. Cellular and Molecular Life Sciences. 31 (10): 1138–1139. doi:10.1007/BF02326755.
- ^ Amaral Karina Felipe, Jorge Wilham (2003). “The chromosomes of the order Falconiformes: a review” (PDF). Ararajuba. 11 (1): 65–73. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2010.
- ^ Federico Concetta, Cantarella Catia Daniela, Scavo Cinzia, Saccone Salvatore, Bed'Hom Bertrand, Bernardi Giorgio (2005). “Avian genomes: different karyotypes but a similar distribution of the GC-richest chromosome regions at interphase”. Chromosome Research. 13 (8): 785–793. doi:10.1007/s10577-005-1012-7.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ a b Ericson P. G. P., C. L. Anderson, T. Britton, A. Elzanowski, U. S. Johansson, M. Källersjö, J. I. Ohlson, T. J. Parsons, D. Zuccon, G. Mayr. 2006. Diversifcation of Neoaves: Integration of molecular sequence data and fossils Lưu trữ 2009-03-25 tại Wayback Machine. Biology Letters 2:543–547, doi:10.1098/rsbl.2006.0523.
- ^ Hackett, Shannon J.; et, al. (ngày 27 tháng 6 năm 2008). “A Phylogenomic Study of Birds Reveals Their Evolutionary History”. Science. 320 (5884): 1763–1768. doi:10.1126/science.1157704. PMID 18583609. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011.
- ^ Remsen J. V. Jr., C. D. Cadena, A. Jaramillo, M. Nores, J. F. Pacheco, M. B. Robbins, T. S. Schulenberg, F. G. Stiles, D. F. Stotz, K. J. Zimmer. Phiên bản 31-3-2011. A classification of the bird species of South America (đoạn "ACCIPITRIDAE (HAWKS) 3" ghi chú 1). Hiệp hội các nhà điểu học châu Mỹ (AOU). Tra cứu 5-5-2011.
- ^ Chesser, R. Terry; et, al. (2010). “Fifty-First Supplement to the American Ornithologists' Union Check-list of North American Birds” (PDF). The Auk. 127 (3): 726–744. doi:10.1525/auk.2010.127.3.726. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011.
- ^ Gill, F. “IOC World Bird List (version 2.8)”. Worldbirdnames.org. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong author-name-list parameters (trợ giúp)
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Chỉnh sửa bộ Cắt trong www.birds.cornell.edu.
- Eaglewatch: Birds of prey and owls around the world (tiếng Hà Lan; nhấn vào "Language / Taal" ở phía trên mé phải để có phiên bản tiếng Anh)