Bước tới nội dung

Đài Loan

(Đổi hướng từ Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc))

Trung Hoa Dân Quốc
Tên bản ngữ
  • 中華民國

Quốc ca

Quốc kỳ ca
Quốc hoa: Hoa Mai
梅花
Méihuā (tiếng Quan thoại)
Môe-hôa (tiếng Phúc Kiến)
Mòi-fà (tiếng Khách Gia)
Quốc ấn
中華民國之璽
Trung Hoa Dân Quốc Chi Tỉ

榮典之璽
Vinh Điển Chi Tỉ
Tổng quan
Vị thếQuốc gia không thuộc Liên Hợp Quốc, bị hạn chế công nhận chủ quyền nhưng độc lập trên thực tế
Thủ đô Đài Bắc[1]
25°02′B 121°38′Đ / 25,033°B 121,633°Đ / 25.033; 121.633
Thành phố lớn nhất Tân Bắc
Ngôn ngữ quốc gia[d]
Văn tự chính thức
Sắc tộc
95% Người Hán[2]
  70% Người Phúc Kiến
  14% Người Khách Gia
  14% Những người
nhập cư từ năm 1949
[a]

3,1% Những người
mới nhập cư

2,4% Thổ dân[b]
Tôn giáo chính
Tên dân cưNgười Đài Loan
Chính trị
Chính phủCộng hòa bán tổng thống đơn nhất
Lại Thanh Đức
Trác Vinh Thái
Hàn Quốc Du
Lập phápLập pháp viện
Lịch sử
Thành lập
10 tháng 10 năm 1911
1 tháng 1 năm 1912
25 tháng 10 năm 1945
25 tháng 12 năm 1947
7 tháng 12 năm 1949
Địa lý
Diện tích  
• Tổng cộng
36.197 km2
13.976 mi2
Dân số 
• Ước lượng 2018
23.780.452 (hạng 53)
• Điều tra 2010
23.123.866[6] (hạng 53)
650/km2 (hạng 17)
1.683,5/mi2
Kinh tế
GDP  (PPP)Ước lượng 2020
• Tổng số
1.275 tỷ USD[7]
(Không xếp hạng)
54,020 USD[7]
(Không xếp hạng)
GDP  (danh nghĩa)Ước lượng 2020
• Tổng số
635,5 tỷ USD[7] (hạng 21)
• Bình quân đầu người
30,113 USD[7]
(Không xếp hạng)
Đơn vị tiền tệTân Đài tệ (NT$) (TWD)
Thông tin khác
Gini? (2017)Tăng theo hướng tiêu cực 34.1
trung bình
HDI? (2017)Tăng 0.908[e]
rất cao · hạng 21
Múi giờUTC+8 (Giờ chuẩn Quốc gia)
Cách ghi ngày tháng
  • năm-tháng-ngày
  • năm年tháng月ngày日
  • 民國năm年tháng月ngày日 (từ 1911)
Điện thương dụng110V–60Hz
Giao thông bênphải
Mã điện thoại+886
Mã ISO 3166TW
Tên miền Internet
Trung Hoa Dân Quốc
Phồn thể中華民國

Trung Hoa Dân quốc (tiếng Trung: 中華民國; bính âm: Zhōnghuá Mínguó) là đảo quốc và quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Đông Á. Ngày nay, do ảnh hưởng từ vị thế lãnh thổ cùng nhiều yếu tố chính trị nên trong một số trường hợp còn được gọi là Đài Loan (tiếng Trung: 臺灣 hoặc 台灣; bính âm: Táiwān) hay Đài Bắc Trung Hoa (tiếng Trung: 中華台北 hoặc 中華臺北; Hán-Việt: Trung Hoa Đài Bắc; bính âm: Zhōnghuá Táiběi).[12]

Đảo Đài Loan nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, ở giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, tách rời khỏi lục địa Á-Âu đồng thời có đường biên giới trên biển giáp với Trung Quốc đại lục thông qua eo biển Đài Loan, Đài Loan có diện tích vào khoảng 36.000 km², là đảo lớn thứ 38 trên thế giới với khoảng 70% diện tích là đồi núi, vùng đồng bằng tập trung chủ yếu tại khu vực ven biển phía tây. Do nằm tại giao giới giữa khí hậu cận nhiệt đớinhiệt đới nên cảnh quan tự nhiên cùng hệ sinh thái tương đối phong phú và đa nguyên.[13]

Thủ đô của Đài Loan được đặt tại Đài Bắc,[14] thành phố lớn nhất là Tân Bắc bao quanh Đài Bắc, tổng nhân khẩu được ước tính vào khoảng 23,5 triệu người với thành phần chủ yếu là người Hán, dân nhập cư đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đông Nam Á và số ít thổ dân Đài Loan.[15]

Những thổ dân Đài Loan bản địa đã cư trú trên hòn đảo từ thời kỳ cổ đại và xã hội Đài Loan vẫn trong trạng thái nguyên thủy cho đến khi người Hà Lan đến. Các sắc tộc từ Quảng Đông, Phúc Kiến bắt đầu di cư tới Đài Loan với số lượng lớn vào thời kỳ chiếm đóng của thực dân Hà LanTây Ban Nha trong giai đoạn đầu của thế kỷ 17. Năm 1661, Trịnh Thành Công thiết lập nhà nước đầu tiên của người Hán trên đảo và trục xuất người Hà Lan. Năm 1683, nhà Thanh đánh bại chính quyền họ Trịnh và sáp nhập Đài Loan. Nhà Thanh cắt nhượng khu vực này cho Đế quốc Nhật Bản năm 1895 sau khi chiến bại. Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh và giành quyền quản lý Trung Quốc đại lục năm 1911. Sau khi Nhật Bản thua trận và đầu hàng Đồng Minh trong Thế chiến II, Trung Hoa Dân Quốc một lần nữa giành lại quyền kiểm soát đại lục cũng như đảo Đài Loan. Sau thất bại trong Nội chiến Quốc-Cộng, Tưởng Giới Thạch cùng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút đến đây, còn Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục. Nhiều năm sau, do ảnh hưởng của chiến tranh Lạnh, Trung Hoa Dân Quốc vẫn được nhiều quốc gia nhìn nhận là đại biểu hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là một thành viên trong Hội đồng Bảo an.[16][17] Năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giành được quyền đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do đó đánh mất sự công nhận quốc tế trên quy mô lớn.[17]

Trong giai đoạn cuối của thế kỷ 20, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trên đảo tập trung phát triển kinh tế và triển khai nhiều cải cách dân chủ, lấy Học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn làm nòng cốt.[18] Nền kinh tế Đài Loan từ thập niên 1960 trở đi có sự phát triển thần tốc, tạo nên Kỳ tích Đài Loan. Từ thập niên 1990, Đài Loan trở thành quốc gia phát triển. Đài Loan hiện nay là trung cường quốc[19]đồng minh không thuộc NATO của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao thù địch dựa trên nguyên tắc Một Trung Quốc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cản trở sự hội nhập của Đài Loan.

Tên gọi

Đài Loan
"Đài Loan" (trên) trong cách viết Phồn thểKyūjitai.
"Đài Loan" (dưới) trong cách viết Giản thểKanji.
Tên tiếng Trung
Phồn thể臺灣 hoặc 台灣
Giản thể台湾
Latinh hóaTaiwan
Tên tiếng Nhật
Kanji台湾
Kanaたいわん
Kyūjitai臺灣

Có nhiều thuyết về nguồn gốc tên gọi nước "Đài Loan", trong văn thư từ thời Minh trở đi, Đài Loan cũng được ghi là "Đại Viên" (大員, Dà yuán), Đài Viên (臺員, Tái yuán), hay Kê Lung Sơn (雞籠山, Jī lóngshān), Kê Lung (雞籠, Jī lóng), Bắc Cảng (北港, Běigǎng), Đông Phiên (東蕃, Dōng fān)[20] "Đại Viên" bắt nguồn từ Taian hoặc Tayan, dùng để gọi người ngoại lai trong ngôn ngữ của người Siraya tại Nam Đài Loan;[20] người Hà Lan trong thời kỳ thống trị Đài Loan gọi đảo là Taioan, dịch âm (tiếng Mân Nam) sang chữ Hán là Đại Viên (大員, Dà yuán), Đại Uyển (大苑, Dà yuàn), Đài Viên (臺員, Tái yuán), Đại Loan (大灣, Dà wān) hoặc Đài Oa Loan (臺窩灣, Tái wō wān), danh xưng này nguyên bản là chỉ phụ cận khu vực An Bình, Đài Nam hiện nay.[21] Thời kỳ Minh Trịnh, danh xưng "Đại Viên" (大員, Dà yuán) bị loại bỏ, gọi toàn đảo là "Đông Đô" (東都, Dōngdū), "Đông Ninh" (東寧, Dōng níng).[22] Sau khi đảo thuộc nhà Thanh, triều đình đặt phủ Đài Loan, từ đó, "Đài Loan" chính thức trở thành danh xưng cho toàn đảo.[23]

Năm 1554, tàu buôn của người Bồ Đào Nha đi qua vùng biển Đài Loan, thủy thủ nhìn từ xa thấy Đài Loan rất đẹp nên hô vang Ilha Formosa! - có nghĩa là 'hòn đảo xinh đẹp'.[24] Trước thập niên 1950, các quốc gia châu Âu chủ yếu gọi Đài Loan là "Formosa".[25]

Năm 1905, khi Tôn Trung Sơn triệu tập hội nghị trù bị Trung Quốc Đồng minh hội tại Nhật Bản, trong "Trung Quốc Đồng minh hội minh thư" đề xuất cương lĩnh "xua đuổi Thát Lỗ, khôi phục Trung Hoa, sáng lập dân quốc, bình đẳng về ruộng đất", đặt tên cho chế độ cộng hòa chưa được thành lập tại Trung Quốc là "Trung Hoa Dân Quốc".[26] Ông nhận thấy rằng dù các chế độ cộng hòa đại đa số thi hành chế độ dân chủ đại nghị, song để xác lập rõ ràng cũng như riêng biệt những nguyên tắc chủ quyền quốc gia thuộc toàn thể quốc dân đồng thời hướng tới tiến hành dân quyền trực tiếp như Thụy SĩHoa Kỳ đang thực thi thì phải chọn ra một danh xưng hoàn chỉnh, nên mới chọn quốc hiệu là "Trung Hoa Dân Quốc".[27]

Sau khi Trung Hoa Dân Quốc dời sang Đài Loan vào năm 1949, từ thập niên 1950 đến thập niên 1960 được cộng đồng quốc tế gọi là "Trung Hoa quốc gia", "Trung Hoa tự do" hay "Trung Hoa dân chủ",[28] phân biệt với "Trung Hoa đỏ", "Trung Hoa cộng sản" tức nhà nước cùng chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[29] Sau khi quyền đại biểu cho Trung Quốc chuyển cho Đại lục theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1971,[30] "Trung Quốc" trở thành xưng hô của cộng đồng quốc tế với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[28] Tại Đài Loan trong thập niên 1990, do thời gian chia cắt đã khá lâu dài, chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc phai nhạt, ý thức về tính chủ thể của người Đài Loan tăng lên,[31] xã hội cũng như người dân nơi đây bắt đầu sử dụng phổ biến tên gọi "Đài Loan" làm quốc hiệu.[31][32]

Chịu ảnh hưởng từ chủ trương "một Trung Quốc" của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,[33] Trung Hoa Dân Quốc khi tham dự hoạt động hoặc tổ chức quốc tế phải sử dụng các cách xưng hô khác nhau;[28][34] như "Trung Hoa Đài Bắc" trong Thế vận hội từ năm 1984 trở đi và trong vị trí quan sát viên Tổ chức Y tế Thế giới,[35][36] hay "khu vực thuế quan cá biệt Đài Bành Kim Mã" trong Tổ chức Thương mại Thế giới.[37] Do có chủ trương chủ quyền với "toàn Trung Quốc", nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhìn nhận khu vực Đài Loan thuộc lãnh thổ thống trị của mình, cho nên đối với vùng lãnh thổ này trong các sản phẩm báo chí, tin tức, truyền thông thì gọi là "Đài Loan Trung Quốc", "nhà đương cục Đài Loan" hay "khu vực Đài Loan".[38][39] Chính phủ Trần Thủy Biển trong hoàn cảnh ngoại giao đổi sang tự xưng "Đài Loan", trực tiếp gọi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là "Trung Quốc". Chính phủ Mã Anh Cửu chuyển sang đồng thời sử dụng gọi tắt "Hoa" lẫn "Đài",[40] dựa theo hiến pháp để gọi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là "Đại lục".[41] Gần đây, Chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn và Thủ tướng Lại Thanh Đức luôn tuyên bố hai bờ là hai vùng riêng biệt: Đài Loan và Trung Quốc[42], cự tuyệt việc thống nhất dưới bất kỳ hình thức nào đồng thời biểu thị sẽ sẵn sàng tự vệ, đáp trả mọi động thái quân sự đến từ phía Đại lục. Không dừng lại ở đó, tới đầu năm 2021, chính phủ Đài Loan chính thức ra mắt hộ chiếu mới cho công dân của mình, trong đó, thiết kế nhấn mạnh vào tên gọi Taiwan (Đài Loan) và loại bỏ dòng chữ Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc) bằng tiếng Anh ra khỏi trang bìa của cuốn hộ chiếu mới (nhưng vẫn giữ lại tên gọi này bằng tiếng Trung).[43]

Vị thế chính trị

Hiện tại, vị thế địa - chính trị của Trung Hoa Dân quốc đang tồn tại nhiều tranh luận, bắt nguồn từ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Sau khi chính phủ Trung Hoa Dân quốc rút đến Đài Loan đã nhiều lần chiếu theo hiến pháp, chủ trương rằng bản thân là chủ nhân hợp pháp duy nhất và có chủ quyền hoàn toàn đối với toàn bộ khu vực Trung Quốc.[44][45] Tuy vậy, kể từ năm 1992 trở đi, chính phủ Trung Hoa Dân quốc quyết định không còn đưa "phản công Đại lục" vào làm mục tiêu chính trị nữa, các vấn đề lãnh thổ theo hiến pháp sau đó tiếp tục gây ra nhiều sự tranh cãi,[46] ngày nay, lập trường của chính phủ phụ thuộc chủ yếu vào liên minh chính trị cầm quyền.[47] Tương tự chính phủ Trung Hoa Dân quốc, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mặc dù cũng không kiểm soát được hết tất cả các vùng lãnh thổ dưới quyền tài phán của Trung Hoa Dân quốc trên thực tế, nhưng vẫn tự nhận là đại biểu hợp pháp duy nhất của toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, đơn phương coi Đài Loan là một tỉnh, đưa ra yêu cầu "thu hồi" Đài Loan tương tự như với các trường hợp của Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời biểu thị sẽ sẵn sàng sử dụng đến vũ lực nếu như nước này thất bại trong việc ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập bằng các biện pháp đối thoại, đàm phán hoặc không thể thống nhất trong hòa bình.[48][49]

Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới, do sức ép ngoại giao từ phía chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên không công nhận chính thức Đài Loan là một quốc gia độc lập. Tuy vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn đã và đang duy trì mối quan hệ chính trị, thương mại, ngoại giao, kinh tế,... song phương thực tế với Đài Loan, dù cho không phải dưới hình thức quan hệ ngoại giao chính thức.[50]

Lịch sử

Một phần của loạt bài
Lịch sử Đài Loan
Lịch sử Đài Loan

Lịch sử Đài Loan

Thời tiền sử 50000 TCN–1624
Vương quốc Đại Đỗ 1540–1732
Formosa thuộc Hà Lan 1624–1662
Formosa thuộc Tây Ban Nha 1624–1662
Vương quốc Đông Ninh 1662–1683
Đài Loan thuộc Thanh 1683–1895
Đài Loan Dân Chủ Quốc 1895
Đài Loan thuộc Nhật 1895–1945
Hậu chiến Đài Loan 1945–nay

Đài BắcCao Hùng
Niên biểu lịch sử
Di tích khảo cổDi tích lịch sử

Thời tiền sử

Tranh vẽ thổ dân Đài Loan của người Hà Lan.

Đài Loan nối liền với đại lục châu Á trong thời kỳ Pleistocen muộn, kéo dài đến khi mực nước biển dâng lên khoảng 10.000 năm trước. Phát hiện những di cốt rời rạc của loài người trên đảo, có niên đại từ 20.000 đến 30.000 năm trước, cũng như nhiều các đồ tạo tác sau này của một văn hóa đồ đá cũ.[51][52][53]

Khoảng tầm hơn 8.000 năm trước, người Nam Đảo lần đầu tiên đã đi định cư tại Đài Loan.[54][55] Hậu duệ của họ nay được gọi là thổ dân Đài Loan và có ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Đảo, một ngữ hệ trải rộng khắp Đông Nam Á hải đảo, Thái Bình DươngMadagascar. Ngôn ngữ thổ dân Đài Loan có mức độ đa dạng lớn hơn nhiều so với phần còn lại của hệ Nam Đảo, do đó các nhà ngôn ngữ học đề xuất Đài Loan là quê hương của hệ, từ đây các dân tộc đi biển phân tán khắp Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.[56][57][54][55]

Người Hán Trung Quốc vốn biết đến khu vực Đài Loan từ thời Tam Quốc, nhưng chỉ bắt đầu định cư tại quần đảo Bành Hồ thuộc khu vực Đài Loan từ thời nhà Tống vào năm 1171, song do các bộ lạc thổ dân trên đảo Đài Loan đối địch và thiếu tài nguyên mậu dịch có giá trị trong khu vực nên Đài Loan không thu hút người Hán, song thỉnh thoảng có những người mạo hiểm hoặc ngư dân tham gia mậu dịch với thổ dân cho đến thế kỷ XVI.[58] Năm 1281, nhà Nguyên đặt Bành Hồ tuần kiểm ty, cùng thời điểm người Hán ra đây định cư, cơ quan chính quyền Trung Quốc đầu tiên tại khu vực Đài Loan. Năm 1384, nhà Minh ban đầu do thực thi chính sách đóng biển nên đóng cửa sở quan tại Bành Hồ, đến năm 1563 thì đặt lại.

Thế kỷ XVII

Công ty Đông Ấn Hà Lan nỗ lực lập một trạm mậu dịch tại Bành Hồ gần sát đảo Đài Loan vào năm 1622, song bị quân Minh đánh bại và trục xuất.[59] Năm 1624, công ty này lập một thành trì mang tên Pháo đài Zeelandia trên đảo nhỏ mang tên Tayouan ven bờ Đài Loan, nay là bộ phận của đảo này.[21] Một nhân viên của công ty sống trên đảo trong thập niên 1650 mô tả các khu vực đất thấp trên đảo bị phân chia giữa 11 tù bang có quy mô khác nhau, từ hai đến 72 khu dân cư. Một số tù bang nằm dưới quyền kiểm soát của Hà Lan, còn số khác duy trì độc lập.[21][60] Công ty bắt đầu nhập khẩu lao động từ Phúc Kiến và Bành Hồ từ nhà Minh Trung Quốc theo những người Hà Lan để đến Đài Loan, nhiều người trong số họ ở lại định cư lâu dài, đây chính là những người Hán đầu tiên định cư trên đảo.[59]

Năm 1626, người Tây Ban Nha đổ bộ và chiếm lĩnh miền bắc Đài Loan, tại các cảng Cơ LongĐạm Thủy ngày nay, nhằm lập căn cứ để bành trướng mậu dịch. Thời kỳ thực dân này kéo dài trong 16 năm đến năm 1642, khi các thành trì cuối cùng của Tây Ban Nha rơi vào tay Hà Lan.

Một nhân vật phản Thanh phục MinhTrịnh Thành Công đem quân đội sang Đài Loan và chiếm được Pháo đài Zeelandia vào năm 1662, trục xuất chính phủ và quân đội Hà Lan khỏi đảo. Trịnh Thành Công lập chính quyền của người Hán đầu tiên ở Đài Loan vào năm 1661, định đô tại Đài Nam ngày nay. Ông và những người kế vị là Trịnh Kinh (cai trị trong 1662-1682), và Trịnh Khắc Sảng, tiếp tục các cuộc tấn công vào khu vực ven biển đông nam Trung Quốc đại lục trong thời nhà Thanh trong bối cảnh nhà Nam Minh đã bị nhà Thanh tiêu diệt hoàn toàn ở miền Nam Trung Quốc, đây là nơi cuối cùng của phe nhà Minh chống lại người Mãn Châu.[59]

Nhà Thanh cai trị

Năm 1683, quân họ Trịnh chiến bại trong hải chiến Bành Hồ trước quân Thanh dưới quyền Thi Lang, Trịnh Khắc Sảng buộc phải đầu hàng. Khang Hy Đế cho nhập miền tây đảo vào bản đồ Đại Thanh, giao tỉnh Phúc Kiến quản lý, gọi là "phủ Đài Loan".[61] Ban đầu, nhà Thanh có chính sách tiêu cực với Đài Loan, trong quá trình khai phá miền tây đảo không ngừng đàn áp các bộ lạc và chính quyền thổ dân vùng thấp, thống trị đất đai của họ. Nhà Thanh cưỡng chế hàng chục vạn người Hán cư trú tại Đài Loan về nguyên quán tại Đại lục, hạn chế nghiêm ngặt cư dân nội lục di cư sang Đài Loan. Tuy nhiên, có không ít người từ các tỉnh duyên hải đại lục mạo hiểm sang Đài Loan, định cư tạm thời tại nửa phía tây của đảo, sau đó dần dần khai khẩn nửa đông của đảo, song số lượng không nhiều. Do quan lại được phái đến thời kỳ đầu có tố chất thấp, cách biệt về ngôn ngữ giữa quan và dân, cũng như chính sách áp bức cao độ với cư dân Đài Loan, nên phát sinh nhiều khởi nghĩa vũ trang hoặc sự kiện náo loạn, như sự kiện Lâm Sảng Văn năm 1786.

Hình săn hươu, vẽ năm 1746

Năm 1724, nhà Thanh giáng chỉ cho phép dân Quảng Đông di cư sang Đài Loan, đến cuối thế kỷ XVIII bắt đầu xuất hiện di dân khai khẩn quy mô lớn. Do xung đột trong phân phối đất đai, tại Đài Loan phát sinh chiến đấu giữa các phân nhóm người Hán, ảnh hưởng đến phân bố dân cư trên đảo sau này. Khi đó, người Hán không ngừng xâm chiếm đất đai của thổ dân vùng thấp, khiến nhóm này bị Hán hóa hoặc phải lên vùng núi cao nương nhờ thổ dân địa phương. Trước hiện tượng này, quan lại nhà Thanh yếu kém không ngăn chặn nổi, quan địa phương thậm chí còn lợi dụng để giảm khả năng bạo loạn chống triều đình.

Đài Loan từ 1860 trở đi bắt đầu mở cửa một bộ phận cảng cho ngoại thương. Trong thời kỳ Chiến tranh Nha phiến, hạm đội Anh Quốc có ý đồ chiếm cảng Cơ Long tại miền bắc và cảng Ngô Tê tại miền tây đảo, song đều thất bại. Năm 1874, Nhật Bản nhân sự kiện người Lưu Cầu đi nhầm vào lãnh thổ người thổ dân Bài Loan, tiến hành xuất binh đến bán đảo Hằng Xuân, tức "sự kiện Mẫu Đơn Xã".[62] Điều này tạo thành một cảnh báo với chính sách của nhà Thanh với Đài Loan, nhà Thanh phái Khâm sai đại thần Thẩm Bảo Trinh sang Đài Loan quản lý, tăng cường lực lượng phòng vệ, cải cách hành chính, tăng cường chính sách để phát triển Đài Loan. Người kế nhiệm là Đinh Nhật Xương tiếp tục thi hành cải cách, khuyến khích cư dân Quảng Đông và Phúc Kiến sang Đài Loan khai khẩn, cho mở mỏ khoáng sản.

Năm 1884, Chiến tranh Pháp-Thanh bùng phát do vấn đề Việt Nam, quân Pháp xuất binh đến quần đảo Bành Hồ và miền bắc Đài Loan.[63] Lưu Minh Truyền được triều đình phái sang Đài Loan, ông nhiều lần đánh bại kế hoạch đổ bộ Đài Loan của Pháp. Năm 1885, nhà Thanh tách Đài Loan khỏi tỉnh Phúc Kiến để lập tỉnh Đài Loan,[64] Lưu Minh Truyền làm tuần phủ. Lưu Minh Truyền tại nhiệm đến năm 1891, ông thiết lập biện pháp phòng ngự, chính lý quân bị, đồng thời phát triển và kiến lập nhiều cơ sở hạ tầng, tuyến đường sắt đầu tiên trên đảo từ Cơ Long đến Tân Trúc khai thông trong thời gian ông tại nhiệm.[65]

Tháng 12 năm Quang Tự thứ 20 (1894), Đường Cảnh Tùng nhậm chức Đài Loan tuần phủ. Do nhà Thanh chiến bại trong Chiến tranh Giáp Ngọ nên phải ký kết Hiệp ước Shimonoseki, cắt nhượng chủ quyền Bành Hồ và Đài Loan cho Nhật Bản.

Nhật trị

Bản đồ Nhật Bản năm 1911, gồm cả Đài Loan.

Các quan viên thân sĩ bản địa Đài Loan kháng cự cắt nhượng cho Nhật Bản, tại Đài Bắc họ thành lập Đài Loan Dân chủ quốc, Đường Cảnh Tùng là tổng thống lâm thời. Đến khi quân Nhật đổ bộ, Đường Cảnh Tùng dời sang Hạ Môn, Lưu Vĩnh Phúc kế nhiệm làm tổng thống tại Đài Nam. Trong vài tháng sau, quân Dân chủ quốc và quân Nhật phát sinh nhiều cuộc giao tranh ác liệt, khiến khoảng 14.000 binh sĩ Đài Loan chiến tử, sử gọi là "Chiến tranh Ất Mùi", cũng là chiến tranh lớn nhất trong lịch sử Đài Loan.[66]

Sau khi giải quyết thế lực phản kháng, Nhật Bản đặt chức tổng đốc Đài Loan làm quan thống trị tối cao trên đảo. Thời kỳ đầu, chức vụ tổng đốc đều do quân nhân đảm nhiệm để bình định; năm 1898, chính phủ Minh Trị bổ nhiệm tướng lĩnh lục quân Kodama Gentaro làm tổng đốc thứ 4, đồng thời phái Goto Shinpei làm trưởng quan dân chính để phụ tá, từ đó trở đi sử dụng chính sách cai trị cả cương lẫn nhu. Nhật Bản dùng chế độ cảnh sát và chế độ bảo giáp để quản lý Đài Loan, đến Thời kỳ Đại Chính của Nhật Bản, chính cục Đài Loan dần ổn định.

Năm 1908, toàn tuyến đường sắt bắc-nam Đài Loan thông suốt, giao thông bắc nam nay chỉ mất một ngày. Năm 1919, Nhật Bản phái Den Kenjiro làm tổng đốc quan văn đầu tiên của Đài Loan, bắt đầu xây dựng lượng lớn các hạng mục cơ sở hạ tầng như nước máy, điện lực, đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục. Người Nhật khuyến khích nông dân Đài Loan trồng mía, lúa; đồng thời khai thác quy mô lớn các tài nguyên tự nhiên của Đài Loan để cung ứng cho nhu cầu công nghiệp nội địa Nhật Bản. Nhật Bản tiến hành giáo dục ái quốc đối với người Đài Loan, song học sinh Đài Loan thực tế bị phân biệt đối xử hoặc kỳ thị. Vào năm 1938, ước tính có khoảng 309.000 người Nhật định cư tại Đài Loan,[67] sau thế chiến đại đa số họ trở về Nhật Bản.

Nhật Bản thi hành "vận động hoàng dân hóa", giai đoạn một kéo dài từ cuối năm 1936 đến năm 1940 với trọng điểm là "xác lập nhận thức về thời cục, tăng cường ý thức quốc gia". Giai đoạn hai kéo dài từ năm 1941 đến năm 1945 có mục đích là thuyết phục người Đài Loan tận trung vì Nhật Bản. Khuyến khích người Đài Loan nói tiếng Nhật đồng thời thi hành giáo dục kiểu Nhật, mặc quần áo kiểu Nhật, thờ phụng Thần đạo Nhật Bản, hoàn toàn Nhật hóa trong sinh hoạt.[68] Nhật Bản vào năm 1945 còn tiến hành quân dịch toàn diện, đưa người Đài Loan sang chiến trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Sau năm 1944, do bị Đồng Minh 25 lần không kích, sản xuất nông-công nghiệp của Đài Loan giảm xuống mức thấp nhất vào trước khi kết thúc đại chiến.[69]

Tháng 4 năm 1945, Thiên hoàng Hirohito ban bố chiếu thư về người Triều Tiên và Đài Loan tham chính,[70] đồng thời thông qua cải cách tuyển cử nghị viện, cấp cho người Đài Loan quyền tham chính và tham chiến như người Nhật Bản nội địa. Ngày 14 tháng 8 cùng năm, Thiên hoàng Hirohito ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thế chiến II kết thúc. Tưởng Giới Thạch phái Trần Nghi cử hành lễ tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật tại Đài Bắc vào ngày 25 tháng 10 năm 1945, đồng thời thay mặt Đồng Minh chiếm lĩnh quân sự Đài Loan và Bành Hồ.

Thời chuyên chính Dân quốc

Tổng thống Tưởng Giới Thạch trong lễ kỷ niệm quốc khánh năm 1966

Do các nhân tố như cơ quan quản lý hành chính Đài Loan thi hành chính sự sai lầm,[71][72][73] Đài Loan vào năm 1947 bùng phát sự kiện 28 tháng 2 chống đối chính phủ Quốc dân.[74][75][76] Ngày 25 tháng 12 năm 1946, Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc được thông qua, song bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bác bỏ, quan hệ Quốc - Cộng chính thức tan vỡ.[77][78] Nhằm đối phó với nội chiến, Quốc hội vào năm 1948 thông qua "Điều khoản lâm thời thời kỳ động viên dẹp loạn"[79]. Tình thế chiến tranh dần trở nên bất lợi cho Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc, cuối cùng bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh bại với hậu thuẫn của Liên Xô[80][81], Đảng Cộng sản thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10 năm 1949 tại Bắc Kinh[82][83]. Tháng 12 cùng năm, Tưởng Giới Thạch hạ lệnh chính phủ rút sang khu vực Đài Loan, chọn Đài Bắc làm thủ đô lâm thời[84][85][86]. Chính phủ Quốc dân đưa vàng và ngoại hối dự trữ đến Đài Loan[79], rất nhiều bộ đội[79], và khoảng 1-2 triệu cư dân cũng rút sang khu vực Đài Loan[87][88][89].

Ban đầu, Hoa Kỳ bỏ rơi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, nhận định Đài Loan sẽ nhanh chóng bị Đảng cộng sản chiếm lĩnh[90]. Tuy nhiên, sau khi bùng phát Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950[91], Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman thay đổi lập trường, phái Hạm đội 7 đến trú tại eo biển Đài Loan[79], phòng ngừa hai bên phát sinh xung đột[82]. Đầu thập niên 1950, binh sĩ Trung Hoa Dân Quốc cũng triệt thoái khỏi đảo Hải Nam, đảo Đại Trần, đặt trọng tâm vào Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ[90]. Sau đó, Hoa Kỳ thông qua "Điều ước phòng ngự chung Trung-Mỹ" và "Quyết định Formosa 1955" nhằm can thiệp tình hình khu vực, khiến cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc có thể duy trì thống trị khu vực Đài Loan[90]. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đồng thời chủ trương có chủ quyền với Trung Quốc đại lục và Ngoại Mông Cổ[92]. Do ảnh hưởng từ cục thế Chiến tranh Lạnh, Liên Hợp Quốc và đa số quốc gia phương Tây tiếp tục công nhận Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp đại diện cho "Trung Quốc"[93].

Mặc dù mất quyền cai trị Trung Quốc đại lục, phạm vi thống trị chỉ còn khu vực Đài Loan, song chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vẫn lập kế hoạch quân sự phản công đại lục[79]. Đối diện với phe đối lập có chủ trương Đài Loan độc lập, cải cách bầu cử quốc hội, thực thi dân chủ có thể dẫn đến cạnh tranh, và sự uy hiếp của quân đội Đảng cộng sản[94], Quốc hội dựa vào "Điều khoản lâm thời thời kỳ động viên dẹp loạn" sửa đổi để phát triển chính thể chuyên chế, chính phủ độc đảng do Quốc dân đảng nắm ưu thế tuyệt đối[95][96]. Trung Quốc Quốc dân Đảng trong khi cải cách tổ chức từ thập niên 1950 đến thập niên 1960[97], cũng không ngừng đàn áp người có lập trường chính trị bất đồng, khiến về sau họ không thể tập hợp phản đối thế lực Quốc dân đảng[98]. Trong thời kỳ khủng bố trắng tại Đài Loan, có 140.000 người bị giam cầm hoặc hành quyết do bị cho là phản đối Quốc dân đảng, thân Đảng cộng sản[99].

Chuyển đổi chính trị và kinh tế

Thời kỳ đầu, chính phủ tỉnh Đài Loan ngoài thi hành chính sách tự trị địa phương, hợp tác xã, giáo dục cơ sở, còn xúc tiến các cải cách ruộng đất như giảm tô, chuyển nhượng đất công, giảm tiền thuê đất, giúp ổn định phát triển nông nghiệp đồng thời cung cấp một lượng lớn nguyên vật liệu và thực phẩm[100]. Đồng thời dựa vào đó thi hành chế độ kinh tế hiện đại hội nhập thị trường, xúc tiến phát triển doanh nghiệp dân doanh và công thương nghiệp, trở thành mô hình định hướng gia công xuất khẩu[101][102]. Thập niên 1960 đến thập niên 1970, chính phủ xúc tiến mạnh mẽ chuyển đổi hình thái kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa và kỹ thuật[103]. Nhờ tiền vốn từ Hoa Kỳ và nhu cầu sản phẩm của thị trường này[104], kinh tế Đài Loan tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí được gọi là "kỳ tích Đài Loan"[103]. Thập niên 1970, tăng trưởng kinh tế Đài Loan chỉ đứng sau Nhật Bản tại châu Á, và được xếp vào nhóm Bốn con rồng châu Á cùng Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore[105].

Tháng 3 năm 2014, phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương chiếm lĩnh Lập pháp viện nhằm phản đối một hiệp định mậu dịch với Đại lục.

Năm 1971, Liên Hợp Quốc thông qua "Nghị quyết 2758" thừa nhận chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại biểu hợp pháp của "Trung Quốc"[104]. Sau đó, Trung Hoa Dân quốc chỉ còn duy trì quan hệ ngoại giao với thiểu số quốc gia, quốc tế cũng chuyển sang gọi là "Đài Loan" hoặc "Trung Hoa Đài Bắc"[28][106][107]. Sau khi Tưởng Giới Thạch mất năm 1975, Nghiêm Gia Cam kế nhiệm, sau đó Tưởng Kinh Quốc làm tổng thống trong hai nhiệm kỳ.[101]. Do chính phủ vẫn lấy lệnh giới nghiêm để khống chế truyền thông, đàn áp phe phản đối và cấm lập đảng, trong thập niên 1970 Trung Hoa Dân Quốc bị xem là quốc gia phi dân chủ[108][109][110]. Năm 1979, hoạt động kháng nghị tại thành phố Cao Hùng bị cảnh sát trấn áp, xúc tiến thế lực phản đối trong nước đoàn kết[111]. Đối diện áp lực quốc tế và vận động ngoài đảng, chính phủ triển khai công tác dân chủ hóa, đảng đối lập đầu tiên là Đảng Dân chủ Tiến bộ thành lập vào năm 1986[94][111]. Năm sau, chính phủ tuyên bố giải trừ giới nghiêm, bỏ cấm lập đảng[101], mở cửa lĩnh vực báo chí-xuất bản[112]. Sau khi Tưởng Kinh Quốc mất vào năm 1988, Lý Đăng Huy kế nhiệm[101], ông nhiều lần sửa hiến pháp, xúc tiến bãi bỏ quốc hội vạn niên (đại biểu nhiệm kỳ vô hạn đại diện cho các khu vực tại Đại lục), cải cách toàn diện bầu cử quốc hội[113][114][115].

Đài Loan diễn ra một loạt phát triển dân chủ hóa, dẫn tới bầu cử tổng thống trực tiếp lần đầu tiên vào năm 1996[116], kết quả là Lý Đăng Huy thắng cử[117]. Năm 2000, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ là Trần Thủy Biển đắc cử tổng thống[118], kết thúc thời kỳ Quốc dân đảng nắm quyền[94]. Trong tám năm chấp chính, Trần Thủy Biển xúc tiến bản địa hóa Đài Loan, song do đảng của ông không kiểm soát Lập pháp viện nên gặp bất lợi trong thực thi chính sách[119], cuối nhiệm kỳ liên tiếp chịu nghi vấn[120]. Ứng cử viên Quốc dân đảng là Mã Anh Cửu thắng cử tổng thống vào năm 2008 và năm 2012[121][122][123], đồng thời đảng này tiếp tục giành đa số ghế trong Lập pháp viện[124][125]. Mã Anh Cửu chủ trương xúc tiến tăng trưởng kinh tế và cải thiện quan hệ hai bờ eo biển[126][127][128]. Năm 2016, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ là Thái Anh Văn đắc cử tổng thống, đảng này cũng lần đầu giành quá bán số ghế trong Lập pháp viện[129].

Địa lý

Địa hình

Ảnh vệ tinh đảo Đài Loan.

Từ năm 1950 trở đi, 99% lãnh thổ thực tế của Trung Hoa Dân Quốc là đảo Đài Loan[130], 1% còn lại là các đảo nhỏ khác, tổng diện tích lãnh thổ là 36.197 km²[131]. Đài Loan tách biệt Trung Quốc đại lục qua eo biển Đài Loan ở phía tây, phía bắc là biển Hoa Đông, phía đông giáp biển Philippines, qua eo biển Luzon ở phía nam là Philippines, phía tây nam là biển Đông.[132]. Đảo dài 400 km theo chiều bắc-nam, rộng 145 km theo chiều đông-tây[133]. Do hình dạng tương tự củ khoai lang, một bộ phận dân chúng tự gọi là 'con cái khoai lang'[134]. Ngoài Đài Loan và các đảo phụ thuộc, Trung Hoa Dân Quốc còn quản lý quần đảo Bành Hồ cách Đài Loan 50 km về phía tây, và quần đảo Kim Môn, Mã Tổ, Ô Khâu nằm gần bờ biển tỉnh Phúc Kiến. Trên biển Đông, Trung Hoa Dân Quốc quản lý quần đảo Đông Sa, đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, song không có cư dân cư trú vĩnh cửu[135].

Đảo Đài Loan hình thành do va chạm giữa nền Dương Tử ở phía bắc và tây, mảng Okinawa ở phía đông bắc, và mảng di động Philippines ở phía đông và phía nam, địa thể nhô lên do xung đột giữa hai mảng lớn Á-ÂuPhilippines[136]. Do phát triển của kiến tạo vỏ trái đất và kiến tạo sơn, Đài Loan có địa hình đa dạng phức tạp[136], phần lớn kiến tạo địa chất do mảng Á-Âu tạo thành, mảng Philippines chỉ tạo ra đới hút chìm.[137]. Chịu ảnh hưởng của các mảng như cung núi lửa Luzon, khu vực miền đông và miền nam có kết cấu phức tạp, như thung lũng Hoa Đông song song nhưng có địa chất khác biệt với dãy núi Hải Ngạn.[138]. Đài Loan nằm tại giao giới giữa các mảng nên có nhiều dịch chuyển dẫn đến đứt gãy địa chất[139], như động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999 khiến hơn 2.400 người tử vong[140][141], bản đồ tai hại địa chấn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ xếp Đài Loan ở cấp cao nhất[142]. Đảo Đài Loan nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên có một số địa hình núi lửa tắt, núi lửa ngủ, và núi lửa[143], song chỉ có nhóm núi lửa Đại Đồn và đảo Quy Sơn có hoạt động rõ ràng[144]; một lượng lớn suối nước nóng xuất hiện tại khu vực đứt gãy[131].

Có thể phân đảo Đài Loan thành các loại địa hình như núi, đồi, đồng bằng, cao nguyên[145], vùng núi miền đông chiếm hơn một nửa diện tích, trong khi đất có thể canh tác chiếm 24%[139]. Các dãy núi Đài Loan phần lớn có hướng tương tự như cấu tạo địa chất, tại miền bắc có hướng đông bắc-tây nam, tại miền nam có hướng bắc tây bắc-nam đông nam, các dãy núi chủ yếu xếp theo thứ tự đông sang tây là dãy núi Hải Ngạn, dãy núi Trung ương, dãy núi Tuyết Sơn, dãy núi Ngọc Sơn, dãy núi Gia Lý Sơn và dãy núi A Lý Sơn[136][146]. Đài Loan xếp thứ tư thế giới trong danh sách đảo theo điểm cao nhất[147], nơi cao nhất đảo là đỉnh Ngọc Sơn cao 3.952 trên mực nước biển, ngoài ra còn có trên 200 đỉnh núi cao trên 3.000 m[131]. Từ các dãy Gia Lý Sơn và A Lý Sơn là các vùng chân núi, gò đồi và cao nguyên bằng phẳng hay nhấp nhô[145], phần lớn gò đồi là cao nguyên đất đỏ bị sông suối xâm thực chia cắt, các vùng gò đồi chủ yếu là Trúc Đông, Trúc Nam và Miêu Lật[146], cao nguyên phần lớn tạo thành do lớp đá vụn và đất đỏ tích tụ tạo thành, các cao nguyên trọng yếu là Lâm Khẩu, Đào Viên, Đại Đỗ, Bát Quái[146].

Chịu ảnh hưởng từ biến động của vỏ trái đất, của dòng chảy và xâm thực, một số khu vực đồi núi hình thành bồn địa. So với xung quanh thì bồn địa bằng phẳng, thổ nhưỡng phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, phần lớn phát triển thành khu vực dân cư, như bồn địa Đài Bắc, bồn địa Đài Trung, bồn địa Phố Lý, bồn địa Thái Nguyên[146]. Khu vực miền tây do tác động của bồi tích từ hạ du sông suối và dòng chảy bắt nguồn từ địa bàn, hình thành đồng bằng phù sa bằng phẳng[146], đại đa số nhân khẩu trên đảo cư trú trên đồng bằng[148]. Địa hình đồng bằng có đồng bằng Gia Nam là chủ yếu, ngoài ra ở miền tây còn có đồng bằng Chương Hóa, đồng bằng Bình Đông, đồng bằng Tân Trúc, đồng bằng Thanh Thủy, ở miền đông có đồng bằng Lan Dươngđồng bằng thung lũng Hoa Đông[145]. Xung quanh đảo Đài Loan có các đảo nhỏ như đảo núi lửa Lan Tự, Lục Đảo, Quy Sơn, Cơ Long, Miên Hoa, Bành Giai, Hoa Bình; các đảo đá ngầm san hô ở phía nam có Lưu Cầu, Thất Tinh Nham, Đông Sa, cũng như kiểm soát đảo Ba Bình[149].

Khí hậu sinh thái

Ngọc Sơn là một biểu tượng của Đài Loan

Đài Loan có chí tuyến Bắc chạy qua, nằm tại giao giới giữa khí hậu nhiệt đới hải dương và cận nhiệt đới hải dương, phía bắc chí tuyến bắc được phân thuộc khí hậu cận nhiệt đới còn phía nam được phân thuộc khí hậu nhiệt đới[150][151]; khí hậu về tổng thể là mùa hạ kéo dài và ẩm thấp, mùa đông khá ngắn và ấm áp. Nhiệt độ bình quân mùa đông là 15 °C-20 °C, còn nhiệt độ bình quân cao vào mùa hạ lên tới 28 °C[131]. Miền bắc do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên từ tháng 1 đến tháng 3 bước vào mùa mưa[152], miền trung và miền nam không chịu ảnh hưởng[153]. Từ tháng 5 là bắt đầu mùa mưa Đông Á[154], từ tháng 6 đến tháng 9 thời tiết nóng nực và ẩm thấp, miền nam có mưa nhiều hơn miền bắc[155][156]. Bão nhiệt đới tấn công Đài Loan từ tháng 7 đến tháng 10, từ tháng 11 đến tháng 12 là mùa khô[157]. Lượng mưa bình quân năm của Đài Loan là 2.500 mm, gấp ba lần bình quân thế giới, song 80% tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa bình quân mỗi người Đài Loan nhận được chỉ bằng 1/6 của thế giới, 46,2% lượng mưa chảy ra biển, 33,3% lượng mưa bốc hơi, chỉ sử dụng được 20,5%. Lượng mưa cũng phân bổ không đều, có khác biệt giữa vùng núi và đồng bằng, miền đông và miền tây, miền nam và miền bắc[158][159].

Đài Loan có 151 sông suối, các sông có chiều dài vượt quá 100 km là Trạc Thủy, Cao Bình, Đạm Thủy, Tăng Văn, Đại Giáp, Ô, Tú Cô Loan[139]. Trạc Thủy là sông dài nhất với 186,6 km[160], sông có lưu vực rộng nhất là Cao Bình[139]. Chịu ảnh hưởng của hướng núi, dòng chảy thường theo hướng tây hay đông[139]. Do dãy núi Trung ương nằm lệch đông, các sông trọng yếu nằm tại nửa phía tây. Mặc dù Đài Loan có lượng mưa dồi dào, song chịu ảnh hưởng của mùa mưa nên cạn vào mùa đông; chỉ có các sông Đạm Thủy, Đại Hán, Cơ Long tại khu vực Đài Bắc có lượng nước ổn định quanh năm[161]. Đại đa số hồ nằm tại bên tây, song hồ tự nhiên chỉ là thiểu số, trong đó lớn nhất là hồ Nhật Nguyệt rộng 8 km²[157].

Tổng chiều dài đường bờ biển Trung Hoa Dân Quốc hiện là hơn 1.813 km, địa hình ven biển Đài Loan khác biệt theo khu vực, phân thành bờ núi tạo thành mũi đất và vịnh biển tại miền bắc, bờ cát thẳng đơn điệu tại miền tây, bờ biển rạn san hô miền nam, bờ biển đứt đoạn tại miền đông do núi và biển liền kề[162]. Đài Loan có hệ động thực vật hoang dã phong phú, ước tính 11% động vật và 27% thực vật là loài đặc hữu, như cá hồi Đài Loan[157]; có hơn 3.000 loài thực vật có hoa, hơn 640 loài dương xỉ, hơn 3.000 loài cá, hơn 500 loài chim[139]. Chính phủ lập 8 khu bảo hộ sinh thái tự nhiên với diện tích chiếm gần 20% lãnh thổ[163][164][165][166].

Chính trị

Kết cấu chính phủ

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thành lập dựa theo hiến pháp và Chủ nghĩa Tam Dân[167], hiến pháp định vị quốc gia là "nước cộng hòa dân chủ của dân do dân vì dân"[168][168][169]. Tham khảo "ngũ quyền hiến pháp" của Tôn Trung Sơn, hiến pháp phân chính phủ thành năm cơ cấu là Hành chính viện, Lập pháp viện, Tư pháp viện, Khảo thí viện, Giám sát viện[167][170]. (Ngũ quyền Phân lập). Sau khi sửa đổi hiến pháp để thi hành chế độ bán tổng thống, tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người thống soái Quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Sau lần sửa đổi hiến pháp thứ ba vào năm 1994, tổng thống do công dân trực tiếp bầu ra, có nhiệm kỳ bốn năm và có thể tái nhiệm một lần[116][171]. Tổng thống có quyền phối hợp điều hành sự vụ Hành chính viện, Lập pháp viện, Tư pháp viện, Khảo thí viện và Giám sát viện[167], đồng thời bổ nhiệm viện trưởng Hành chính viện và quan chức nội các[116].

Hành chính viện phụ trách công tác quản lý chính sách quốc gia, bên dưới đặt các cơ quan xử lý công việc hành chính như bộ, ủy ban, ngoài ra còn có 7-9 người là ủy viên chính vụ[169][172]. Cơ quan lập pháp tối cao là Lập pháp viện theo hình thức đơn viện, các ủy viên lập pháp chọn ra viện trưởng Lập pháp viện. Ủy viên lập pháp có 113 người được bầu theo hai thể thức là trực tiếp bầu cho cá nhân và bầu theo danh sách đảng, có nhiệm kỳ 4 năm[173][174]. Viện trưởng Hành chính viện do Tổng thống bổ nhiệm, không cần Lập pháp viện phê chuẩn, khiến khi cơ quan hành chính và lập pháp xung đột khó có không gian hiệp thương[169][175]. Trong quá khứ, Trung Hoa Dân Quốc còn thiết lập Quốc dân đại hội đơn viện, song chính thức bị bãi bỏ vào năm 2005, quyền "phức quyết" chuyển sang do công dân đầu phiếu quyết định [169][176][177].

Tư pháp viện Trung Hoa Dân Quốc là cơ quan tư pháp tối cao, chủ yếu phân xử tố tụng dân sự, hình sự, hành chính, kỷ luật nhân viên công vụ. Viện trưởng Tư pháp viện cùng phó viện trưởng và 13 thẩm phán hợp thành hội nghị đại pháp quan, thống nhất giải thích hiến pháp, pháp luật, hay pháp lệnh, đồng thời triệu tập tòa án hiến pháp phân xử luận tội tổng thống, phó tổng thống, và giải tán chính đảng vi hiến[171][178][179]. Khảo thí viện phụ trách tuyển chọn tư cách nhân viên công vụ, hay sát hạch tuyển chọn quan chức chính phủ[169]. Giám sát viện là cơ cấu thường trực giám sát chính phủ hoạt động, bên dưới đặt các ủy ban để có thể tiến hành điều tra hành chính các cơ quan hành chính[171][180]

Chế độ pháp luật

Tư pháp viện quản lý tòa án các cấp.

Chính phủ Quốc dân dưới quyền Trung Quốc Quốc dân Đảng thông qua hiến pháp vào ngày 25 tháng 12 năm 1946[181], từ ngày 25 tháng 12 năm sau bước vào 'thể chế hiến chính', đồng thời cải tổ thành chính phủ Trung Hoa Dân Quốc[168]. Tuy nhiên, từ năm 1948 đến năm 1987, do "thời kỳ động viện dẹp loạn" nên rất nhiều điều khoản mất hiệu lực[182][183]. Các đại biểu quốc dân đại hội, ủy viên lập pháp và ủy viên giám sát khóa 1 với lý do khu vực bầu cử bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm cứ nên được tự động tái cử vô hạn. Đến cuối thập niên 1970, sau khi chính phủ triển khai cải cách chính trị, giải trừ giới nghiêm đã đề xuất dân chủ hóa và cải cách hiến chính[184], đến thập niên 1990 trở thành quốc gia dân chủ khai phóng theo thể chế đa đảng[185].

Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc là bộ luật căn bản cho chế độ tư pháp của quốc gia, xác lập quyền tư pháp độc lập với quyền hành pháp, quyền lập pháp, quyền khảo thí và quyền giám sát[186]. Hiến pháp đề xuất chính phủ trung ương ngũ quyền phân lập, cùng các quốc sách cơ bản khác, tuy nhiên rất nhiều điều khoản có nội dung lãnh thổ là "Trung Quốc" nên nhiều điều bị tạm đình chỉ để phù hợp với thực tế[177]. Một bộ phận pháp luật theo hệ thống luật thành văn của dân luật châu Âu lục địa[187], chuẩn theo "luật tiêu chuẩn pháp quy trung ương" phân thành luật quy định thông thường, luật quy định đặc biệt, điều lệ quy định thời chiến, nguyên tắc chung quy phạm tổ chức[188]. Quá trình chế định và sửa đổi pháp luật cần phải thông qua Lập pháp viện thẩm nghị, sau đó do tổng thống công bố thi hành[189]. Hành chính viện, Khảo thí viện hoặc cơ quan khác có thể ban bố quy trình, quy tắc, biện pháp, cương yếu, tiêu chuẩn, và các mệnh lệnh khác[190], quyền giải thích nội dung thuộc về Tư pháp viện[186].

Tòa án phổ thông phân thành tòa án tối cao, tòa án cấp cao và tòa án địa phương, bên dưới lập các tòa án hình sự và dân sự[186], ngoài ra còn có tòa án hiến pháp phụ trách xử lý tranh chấp hiến pháp[191], tòa án hành chính xử lý tố tụng hành chính[192], tòa án chuyên biệt xử lý sở hữu trí tuệ, thiếu niên, và công việc gia đình, cùng tòa án quân sự xét xử thời chiến[193][194]. Tòa án xét xử không sử dụng thẩm phán bồi thẩm đoàn, mà sử dụng phương thức thẩm phán chủ tọa và thẩm phán bồi thẩm cùng xét xử, đồng thời yêu cầu tiến hành trong tình trạng công bằng công khai[169]. Hiện nay, Trung Hoa Dân Quốc duy trì án tử hình, song chính phủ dần giảm số lượng người bị chấp hành, căn cứ điều tra năm 2006 có khoảng 80% dân chúng đồng thuận duy trì tử hình[195]. Tháng 5 năm 2017, Lập pháp viện tuyên bố rằng việc luật dân sự cản trở hôn nhân đồng tính luyến ái là vi hiến, yêu cầu sửa đổi.[196]Hôn nhân đồng giới ở Đài Loan hợp pháp vào ngày 24 tháng 5 năm 2019, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, bất chấp việc trưng cầu dân ý cho thấy 69% cử tri Đài Loan phản đối việc công nhận hôn nhân đồng tính[197][198]

Lập trường chính trị

Diễu hành vận động Đài Loan độc lập

Tính đến năm 2015, Trung Hoa Dân Quốc tổng cộng có 286 chính đảng cùng nhiều phe phái khác nhau.[199] Các chính đảng ủng hộ thống nhất như Quốc dân Đảng, Thân dân Đảng, Tân đảng được gọi là "phiếm Lam" 泛藍, các chính đảng ủng hộ độc lập như Dân chủ Tiến bộ Đảng, Đài Loan Đoàn kết Liên minh được gọi là "phiếm Lục" 泛綠[167], ngoài ra còn có các chính đảng khác như Vô đảng Đoàn kết Liên minh[200]. Hai phái có khác biệt trong các quan điểm như về bản sắc quốc gia, ý thức Trung Hoa và ý thức Đài Loan, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, địa vị chính trị Đài Loan, quy thuộc chủ quyền, hàm ý "Trung Quốc"[201], "phiếm Lam" cho rằng Đài Loan là một bộ phận của "Trung Quốc", và Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất, đồng thời ủng hộ định hướng thống nhất Trung Quốc[202][203][204]; "phiếm Lục" cho rằng Trung Hoa Dân Quốc tức là Đài Loan độc lập về chủ quyền, phản đối Đài Loan là một bộ phận của "Trung Quốc", đồng thời tìm kiếm công nhận ngoại giao chính thức hoặc tuyên bố độc lập[205][206]. Trong chính sách ngoại giao, hai phái đều tích cực đề xướng tham dự tổ chức quốc tế[207][208][209], đồng thời cho rằng quốc dân quyết định sự phát triển của chủ quyền[210].

Từ cuối thời nhà Nam Minh đến năm 1895, tổ tiên của "người bản tỉnh" ở khu vực miền Trung Quốc đại lục chuyển đến Đài Loan. Đến năm 1949, một lượng lớn khác dân chúng Trung Quốc đại lục chuyển đến đảo Đài Loan[211], hiện nay 98% nhân khẩu thuộc tộc Hán[212]. Có nguồn gốc văn hóa tương đồng với ở Trung Quốc đại lục, song phân ly khu vực do chính trị-ngoại giao, cộng thêm trong thời gian dài ủng hộ chủ trương chủ quyền toàn Trung Quốc, ngày nay bản sắc quốc gia của Trung Hoa Dân Quốc là một nghị đề có sắc thái chính trị[213][214]. Cùng với ý thức chủ thể và phong trào Đài Loan độc lập nổi lên, "Đài Loan" dần trở thành danh xưng thường dùng[215]. Tuyệt đại đa số dân chúng trong xã hội dân gian cho rằng Đài Loan và Trung Quốc không thuộc cùng một quốc gia[216], số lượng tự nhận có tính chất và bản chất cũng như danh nghĩa và tên gọi "người Đài Loan" cũng cao hơn số lượng chỉ tự nhận là "người Trung Quốc"[217].

Mặc dù Trung Hoa Dân Quốc thống trị khu vực Đài Loan từ thập niên 1950 có tính độc lập, đồng thời đa số dân chúng cho rằng tự thân có chủ quyền quốc gia[218][219], song do chịu uy hiếp quân sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa[220], khiến vấn đề Đài Loan độc lập cực kỳ phức tạp[221]. Đại bộ phận dân chúng hy vọng duy trì hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, song số lượng người chủ trương độc lập đông hơn người chủ trương thống nhất[222]. Ngoài ra, một bộ phận nhân sĩ chủ trương việc Trung Hoa Dân Quốc thu hồi Đài Loan theo "Tuyên bố Cairo" có tranh nghị[223], cho rằng Trung Hoa Dân Quốc chỉ đại diện cho Đồng Minh chiếm lĩnh quân sự Đài Loan và Bành Hồ[224][225]; đồng thời căn cứ theo Hiệp ước San Francisco tuyên bố chủ quyền Đài Loan chưa xác định,cho rằng Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ lưu vong nước ngoài từ miền eo biển bên kia[226].

Hành chính

Sau khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dời sang Đài Loan vào năm 1949, họ chỉ có thể thống trị các đảo thuộc tỉnh Đài Loan (bao gồm đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ) và tỉnh Phúc Kiến (bao gồm Kim Môn, Mã Tổ)[227]. Ngoài ra, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc còn khống chế quần đảo Đông Sa, và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông, giao các đảo này cho thành phố Cao Hùng phụ trách quản lý[157][228]. Trung Hoa Dân Quốc tham gia tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa (gọi là Nam Sa) và quần đảo Senkaku (gọi là Điếu Ngư đài)[229][230]. Từ năm 1949 trở đi, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc từng nhiều lần cải cách phân chia hành chính nhằm tổng hợp phát triển khu vực[227]. Trong đó, chức năng của chính phủ cấp tỉnh của tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Đài Loan lần lượt được tinh giản vào năm 1956 và 1998, chỉ duy trì công tác mang tính tượng trưng[227][231][232].

Ngoài ra, vào năm 1967 và năm 1979, thành phố Đài Bắc và thành phố Cao Hùng lần lượt được tách khỏi tỉnh Đài Loan để chuyển sang trực thuộc trung ương[233]. Năm 2010, chính phủ lại chuyển các thành phố Tân Bắc, Đài Trung, Đài Nam sang trực thuộc trung ương. Năm thành phố này cũng là năm thành thị trọng yếu nhất của Trung Hoa Dân Quốc hiện nay, trong đó Tân Bắc nguyên là huyện Đài Bắc, Đài Trung cùng Đài Nam và Cao Hùng hợp nhất với các huyện cùng tên[234][235][236]. Hiện nay, tỉnh Đài Loan được phân thành 12 huyện và 3 thành phố, tỉnh Phúc Kiến được phân thành 2 huyện[237], bên dưới là 157 khu thuộc các thành thị, và 211 hương trấn thuộc các huyện[238]. Năm 2014, huyện Đào Viên được chuyển thành thành phố Đào Viên trực thuộc trung ương[239][240]. Khu vực Trung Hoa Dân Quốc quản lý thực tế hiện được phân chia như sau[241]

Khu vực quản lý thực tế của Trung Hoa Dân quốc c1
Trực hạt thị Đài Bắc (Bắc) • Tân Bắc (Tân Bắc) • Đào Viên (Đào) • Đài Trung (Trung) • Đài Nam (Nam) • Cao Hùng (Cao) c2
Tỉnh c3 Đài Loan (Đài) Thị Cơ Long (Cơ) • Tân Trúc (Trúc thị) • Gia Nghĩa (Gia thị)
Huyện Tân Trúc (Trúc huyện) • Miêu Lật (Miêu) • Chương Hóa (Chương) • Nam Đầu (Đầu) • Vân Lâm (Vân) •
Gia Nghĩa (Gia huyện) • Bình Đông (Bình) • Nghi Lan (Nghi) c4 • Hoa Liên (Hoa) • Đài Đông (Đông) • Bành Hồ (Bành)
Phúc Kiến (Mân) Kim Môn (Kim) • Liên Giang (Mã) c5

c1. "Khu vực tự do" chỉ phạm vi thống trị hữu hiệu của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc sau triệt thoái đảo Đại Trần năm 1955.
c2. Quần đảo Đông Sa, đảo Ba Bình cùng bãi Bàn Than thuộc Quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hành chính của khu Kỳ Tân, Cao Hùng.
c3. Trên thực tế cấp tỉnh trở thành cơ quan mang tính danh nghĩa, chủ tịch tỉnh những năm gần đây đều do quan viên Hành chính viện kiêm nhiệm.
c4. Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài) được quy thuộc trấn Đầu Thành của huyện Nghi Lan, song tồn tại tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Trung Quốc đại lục, không nắm quyền quản lý thực tế.
c5. Phạm vi quản lý của huyện Liên Giang chỉ gồm quần đảo Mã Tổ, do vậy thường gọi là Mã Tổ.

Ngoại giao

Quan hệ quốc tế

Quan hệ đối ngoại của Trung Hoa Dân Quốc:
  Khu vực khống chế thực tế của Trung Hoa Dân Quốc.
  Quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời có đại sứ quán với Trung Hoa Dân Quốc.
  Quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao song chưa có đại sứ quán với Trung Hoa Dân Quốc.
  Quốc gia tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao song có cơ cấu đại diện.
Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Eswatini.

Năm 1945, Trung Hoa Dân Quốc tham gia sáng lập Liên Hợp Quốc[242], đồng thời với danh nghĩa "Trung Quốc" đảm nhiệm vị trí thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc[243]. Sau khi chính phủ dời sang Đài Loan vào năm 1949, các quốc gia khối phương Tây vẫn duy trì quan hệ song phương[244]. Tuy nhiên, sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2758 vào ngày 25 tháng 10 năm 1971, qua đó nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận được quyền đại diện cho "Trung Quốc" tại Liên Hợp Quốc[104], trong khi việc tranh thủ "quyền đại biểu song trùng" không có kết quả, Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố rút khỏi Liên Hợp Quốc[245][246]. Chịu ảnh hưởng của áp lực ngoại giao, trong thập niên 1970 có rất nhiều quốc gia thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời theo nguyên tắc "một Trung Quốc" mà đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc[247]. Hiện tại, do mất tư cách thành viên Liên Hợp Quốc, thiếu thừa nhận ngoại giao quy mô lớn và các yếu tố khác, địa vị chính trị và pháp luật của Trung Hoa Dân Quốc tồn tại tranh luận[218][248].

Tính đến ngày 09 tháng 12 năm 2021 có 14 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và Vatican đặt quan hệ ngoại giao với Đài Loan[249], các quốc gia bang giao của Trung Hoa Dân Quốc gồm: 4 quốc gia châu Đại Dương là Nauru, Palau, Quần đảo MarshallTuvalu; 9 quốc gia Mỹ Latinh-Caribe là Belize, Honduras, Haiti, Nicaragua, Paraguay, Saint Kitts và Nevis, Saint LuciaSaint Vincent và Grenadines; một quốc gia châu Phi là Eswatini, cùng với Thành Vatican tại châu Âu. Các quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc, hầu hết đặt cơ cấu đại diện ngoại giao tại Đài Bắc[250]. Quốc gia gần đây nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chính là Nicaragua vào ngày 09/12/2021. Bộ Ngoại giao Nicaragua khẳng định trong tuyên bố rằng: "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc".[251] Có hơn 60 quốc gia tuy đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao chính thức nhưng lấy danh nghĩa tổ chức quần chúng để thiết lập cơ cấu đại diện chính thức, duy trì quan hệ chính trị, thương mại và văn hóa[252], đồng thời xử lý công tác lãnh sự[253]. Trung Hoa Dân Quốc thành lập các văn phòng đại diện kinh tế văn hóa Đài Bắc, phát triển ngoại giao thực chất và xúc tiến giao lưu phi chính thức[207][254], đồng thời làm cơ quan cung cấp phục vụ lãnh sự[255]. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với các nước bang giao của Trung Hoa Dân Quốc[220], và yêu cầu nước bang giao của mình ủng hộ chủ trương "một Trung Quốc"[256]. Chịu ảnh hưởng từ chính sách "một Trung Quốc"[33], rất nhiều tổ chức quốc tế không nhìn nhận Trung Hoa Dân Quốc hoặc Đài Loan là quốc gia có chủ quyền[257][258].

Từ năm 1993 đến năm 2008, Trung Hoa Dân Quốc mỗi năm đều yêu cầu gia nhập Liên Hợp Quốc, song bị loại trừ tại Uỷ ban Tổng vụ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc[259][260][261][262]. Do chỉ được thừa nhận quốc tế hạn chế, Quỹ Dân chủ Đài Loan do chính phủ tài trợ lấy danh nghĩa "Đài Loan" gia nhập Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc không được đại diện (UNPO)[263][264], Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc cũng thêm chữ "TAIWAN" trên hộ chiếu[265]. Đối diện với áp lực kéo dài về vấn đề chủ quyền, Trung Hoa Dân Quốc sử dụng các danh nghĩa như "Khu vực thuế quan đặc biệt Đài-Bành-Kim-Mã", "Trung Hoa Đài Bắc", "Đài Loan" gia nhập các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Olympic Quốc tế[266], đồng thời tích cực tham dự hoạt động của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế[267], Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc[268][269].

Quan hệ hai bờ

Sau năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc xúc tiến chính sách "phản cộng kháng Nga", có kế hoạch dùng vũ lực phản công Đại lục. Ngược lại chính phủ Đại lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo cũng có kế hoạch thu hồi Đài Loan trong năm 1950. Ngày 5/1/1950, Tổng thống Mỹ Truman công bố chính sách của Mỹ đối với Đài Loan như sau: "Nước Mỹ không có ý định dùng lực lượng vũ trang để can dự vào tình thế hiện nay. Chính phủ Mỹ không bao giờ thực hiện phương châm dẫn đến việc bị lôi cuốn vào cuộc nội chiến của Trung Quốc. Tương tự như vậy, Chính phủ Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ quân sự hoặc cố vấn quân sự cho Đài Loan". Tuy nhiên, chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến Đại lục không thể thực hiện kế hoạch thu hồi Đài Loan còn Mỹ thay đổi chiến lược xem Đài Loan là một phần trong hệ thống phòng thủ chống Cộng của Mỹ và đặt Đài Loan dưới sự bảo vệ quân sự của Mỹ.[270] Chính phủ Đài Loan tiếp tục tồn tại vì chính phủ Trung Quốc e ngại việc dùng vũ lực thu hồi Đài Loan sẽ dẫn đến một cuộc chiến Triều Tiên thứ hai, chi phí mà họ bỏ ra để thống nhất lãnh thổ sẽ lớn hơn lợi ích mà họ đạt được.

Năm 2015, tại Singapore, Mã Anh CửuTập Cận Bình cử hành hội kiến lần đầu tiên giữa người lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan, hai bên xác nhận tính trọng yếu của Nhận thức chung 1992[271].

Sau khi giải trừ giới nghiêm năm 1986, giao lưu kinh tế và văn hóa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng thường xuyên hơn, song chia cắt trong thời gian dài khiến rất nhiều thương gia Đài Loan gặp khó khăn[272]. Năm 1991, chính phủ Lý Đăng Huy lập ra "Cương lĩnh Thống nhất Quốc gia", chủ trương lấy nguyên tắc "dân chủ, tự do, quân phú" thống nhất Trung Quốc. Sau khi Quốc dân đại hội có nghị quyết, Lý Đăng Huy tuyên bố kết thúc "động viên dẹp loạn", từ bỏ "phản công Đại lục". Tuy nhiên, do lo ngại phát triển kinh tế và chính trị song phương quá mật thiết, Lý Đăng Huy đề xuất chính sách "giới cấp dụng nhẫn" (không nóng vội). Sau khi Đảng Dân chủ Tiến bộ lên nắm quyền vào năm 2000, họ cũng lo ngại tương tác giữa hai bờ eo biển quá mật thiết, đồng thời vào năm 2006 đề xuất chính sách "tích cực quản lý, hữu hiệu khai phóng", giảm thiểu độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc[273]. Trần Thủy Biển còn đề xuất chủ trương "mỗi bên một quốc gia", biểu thị bất kỳ quyết định nào về chủ quyền đều phải qua trình tự công dân đầu phiếu[274].

Năm 2008, sau khi Quốc dân đảng lên nắm quyền, chính phủ chuyển sang chính sách ngoại giao linh hoạt[275]. Hai bên còn triển khai nhiều lần hội đàm cấp cao giữa hội giao lưu hai bờ của mỗi bên[276], đồng thời mở các chuyến bay thẳng định kỳ[277]. Mã Anh Cửu còn đề xuất học thuyết quan hệ đặc thù không phải giữa hai quốc gia[278], chủ trương vấn đề chủ quyền không thể lập tức giải quyết, song đảng cầm quyền hai bên đồng ý lấy "Nhận thức chung 1992" làm biện pháp lâm thời[279][280][281]. Năm 2012, Mã Anh Cửu đề xuất chủ trương "một quốc gia hai khu vực", làm cấu trúc cho công việc giữa hai bờ eo biển[282]. Năm 2015, tại Singapore, Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình lần đầu tiên tiến hành cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai bên, hai bên xác nhận tính trọng yếu của "Nhận thức chung 1992"[283]. Chính phủ Thái Anh Văn không có phản ứng với Nhận thức chung 1992, đồng thời cho rằng Đài Loan là quốc gia dân chủ[284]

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố Trung Hoa Dân Quốc đã bị họ thay thế[285], đồng thời gọi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là "nhà đương cục Đài Loan", không có địa vị độc lập[38][39]. Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chủ trương chính sách một Trung Quốc[286][287], và bản thân là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc[28][285][288]; đồng thời trong thập niên 1980 đề xuất chính sách "một quốc gia, hai chế độ"[289], chủ trương thực hiện thống nhất hòa bình[290], song cự tuyệt việc từ bỏ sử dụng vũ lực[36][291]. "Luật chống ly khai quốc gia" năm 2005 nêu ra ba loại tình huống sẽ sử dụng vũ lực nhằm đảm bảo thống nhất[292]

Quân sự

Pháo phản lực Lôi Đình 2000 do Trung Hoa Dân Quốc chế tạo.

Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc có quy mô lớn và tiên tiến, phân thành ba quân chủng là lục quân, hải quân và không quân[293]. Nhiệm vụ chủ yếu là phòng ngự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm lược[294][295], xem trọng phong tỏa trên biển, đột kích hàng không, hay tập kích đạn tự hành[296]. Lục quân có truyền thống chiếm địa vị chủ đạo, song trọng điểm đang chuyển dịch sang không quân và hải quân, quyền khống chế quân đội do chính phủ dân sự quản lý[296][297]. Trung Quốc Quốc dân Đảng tham khảo chế độ quân sự của Đảng Cộng sản Liên Xô để thành lập Quốc dân Cách mạng quân vào năm 1924, tiền thân của Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc, dù là sau Bắc phạt hay sau khi thực thi hiến pháp thì quân đội và Quốc dân đảng đều tương quan mật thiết[298], các nhánh quân sự, công nghiệp vũ khí, đơn vị nghiên cứu từ năm 1948 đến 1949 theo chính phủ dời đến Đài Loan[299]. Do vậy, rất nhiều tướng lĩnh cấp cao trước đây ủng hộ "phiếm Lam", song sau khi các tướng lĩnh này về hưu, đồng thời có thêm nhiều người bản địa tham gia phục dịch, khuynh hướng chính trị của quân đội dần hướng đến quốc gia hóa và trung lập hành chính[300].

Từ năm 1997 trở đi, chính phủ thực thi tinh giản binh lực, số lượng nhân viên quân sự giảm từ 450.000 năm 1997 xuống còn 380.000 vào năm 2001[301]. Năm 2009, số binh sĩ tại ngũ ước tính là khoảng 300.000 người[302]. Tuy nhiên, vào năm 2005, số lượng quân nhân dự bị lên đến 3,6 triệu người[303]. Chính phủ yêu cầu nam giới từ đủ 18 tuổi có tư cách phù hợp đều phải phục vụ binh dịch[304], song cũng có các phương án thay thế như phục vụ cơ quan chính phủ hoặc xí nghiệp quốc phòng[293][305]. Quân đội đang có kế hoạch chuyển sang chế độ tình nguyện toàn diện[306][307][308], thời gian phục dịch giảm từ 14 xuống 12 tháng[309]. Sau khi thất bại trong nội chiến vào năm 1949, chính phủ di dời Học viện Sĩ quan Lục quân, Học viện Sĩ quan Hải quân và Học viện Sĩ quan Không quân lần lượt đến Phượng Sơn[310], Cương SơnTả Doanh đều thuộc Cao Hùng[311].

Mặc dù rất nhiều quốc gia châu Á không ngừng giảm thiểu ngân sách quốc phòng, Trung Hoa Dân Quốc không giảm thiểu chi tiêu liên quan; tiếp tục nhấn mạnh hiện đại hóa năng lực phòng ngự và tiến công; đồng thời triển khai quân sự ở mức độ nhất định[293][294]. Chiến lược của Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc là tự tiến hành chống cự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm nhập hoặc phong tỏa, kiên trì đến khi Hoa Kỳ có phản ứng quân sự[312]. Từ năm 2002 đến năm 2011, ngân sách quốc phòng là khoảng 250 tỷ đến 330 tỷ Đài tệ, chiếm 15,52% đến 19,51% tổng ngân sách trung ương[313]. "Luật Quan hệ Đài Loan" của Hoa Kỳ có nội dung cung cấp vũ khí mang tính phòng ngự[314], đến nay Trung Hoa Dân Quốc đã mua từ Hoa Kỳ nhiều loại thiết bị quân sự, nhằm duy trì năng lực phòng ngự đầy đủ[111][315][316]. Trong quá khứ, Pháp và Hà Lan từng bán vũ khí và thiết bị phần cứng quân sự cho Trung Hoa Dân Quốc, song đình chỉ sau thập niên 1990 do áp lực từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa[317][318].

Kinh tế

Tình hình phát triển

Đài Bắc 101 là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 2004 đến năm 2010
Tuntex Sky tại Cao Hùng là tòa nhà cao thứ hai tại Đài Loan
Quang cảnh thành phố Đài Trung

Sau khi dời sang Đài Loan vào năm năm 1949, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đề xuất nhiều kế hoạch kinh tế, trong thập niên 1960 phát triển thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa định hướng xuất khẩu. Ngày nay, chính phủ dần giảm thiểu can dự vào đầu tư và ngoại thương, một số ngân hàng quốc hữu và doanh nghiệp quốc doanh liên tục được tư hữu hóa[319]. Năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội đạt 523,567 tỷ USD, GDP/người đạt 22.317 USD[320]. Chấp hành chính sách, xuất khẩu thương phẩm, đầu tư sản xuất trở thành động lực chủ yếu của cải cách sản xuất[321], sản phẩm cơ giới công nghiệp là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất[322]. Xuất siêu khổng lồ khiến dự trữ ngoại hối của Đài Loan chỉ đứng sau nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản và Nga (2014)[323][324], dự trữ ngoại hối cuối tháng 7 năm 2015 là 421,96 tỷ USD[325]. Đài Loan cùng với Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore được xếp vào nhóm Bốn con rồng châu Á[326]. Năm 2014, GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương của Đài Loan là 45.853,742 USD, xếp thứ 19 thế giới[327].

Năm 2015, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Đài Loan ở vị trí thứ 14[328]. Căn cứ theo thống kê của Bộ Tài chính Trung Hoa Dân Quốc, năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 588,07 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 313,84 tỷ USD và 274,23 tỷ USD[329]. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ 32,1% GDP vào năm 1952[330], và giảm xuống còn 1,7% vào năm 2013[331]. Không giống các quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản, kinh tế Đài Loan chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì các tập đoàn quy mô lớn[332]. Đài Loan nhập khẩu nhiều nhất từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa[333], Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Hàn Quốc[334], các quốc gia Đài Loan xuất khẩu nhiều nhất là nước Cộng hòa Nhận dân Trung Hoa, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore, các đối tác mậu dịch chủ yếu khác là Malaysia, Đức, Úc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan[335].

Năm 2008, Đài Loan đầu tư sang nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 150 tỷ USD[336], ước tính có 50.000 thương gia, và một triệu doanh nhân Đài Loan cùng thành viên gia đình định cư tại Trung Quốc đại lục[337]. Nhằm giảm giá thành sản xuất, rất nhiều ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp thâm dụng lao động chuyển dời từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á, gây ra tình trạng phi công nghiệp hóa[338][339]. Tình trạng này khiến tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất kể từ khủng hoảng dầu mỏ[340], từ năm 2000 đến năm 2008 tỷ lệ thất nghiệp bình quân vượt quá 4%[341][342]

Giao thông vận tải

Đường sắt cao tốc Đài Loan khánh thành năm 2007.
Tuyến đường Tam Dân đông đúc tại Đài Trung.

Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc chịu trách nhiệm về mạng lưới giao thông quy mô lớn tại Đài Loan, Sở Nghiên cứu Vận tải thuộc bộ này được lập ra nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông[343]. Hệ thống công lộ của Trung Hoa Dân Quốc theo quy định phân thành quốc đạo, tỉnh đạo, thị đạo, huyện đạo, khu đạo và hương đạo, ngoài ra còn có công lộ chuyên dụng[344]. Hệ thống công lộ và cầu trên đảo Đài Loan tổng cộng dài khoảng 47.000 km[345], đại bộ phận tập trung tại khu vực miền tây phát triển hơn[346]. Hai tuyến đường dài nhất đều liên kết miền bắc và miền nam Đài Loan, lần lượt là Công lộ cao tốc Trung Sơn thông xe năm 1978 và dài 373 km, Công lộ cao tốc Formosa thông xe năm 1997 và dài 432 km[347]. Ngoài ra, khu vực phát triển tại miền đông cũng có tuyến đường có thể đi với tốc độ cao[348], từ Đài Bắc đến huyện Nghi Lan có đường hầm Tuyết Sơn và Công lộ cao tốc Tương Vị Thủy[349][350].

Trên lĩnh vực vận tải công cộng, các địa phương lập điểm phục vụ xe buýt đường dài trên quy mô lớn, trong năm 2008 ước tính có 7.200 lượt phục vụ xe buýt đường dài. Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan quản lý một mạng lưới đường sắt dày đặc, hệ thống vận tải đường sắt ước tính dài khoảng 1.066,6 km[351]. Căn cứ thống kê năm 2013, số lượt người sử dụng mạng lưới đường sắt của cục hàng ngày là 622.705[352]. Tháng 1 năm 2007, chính phủ ủy thác Công ty Đường sắt cao tốc Đài Loan kinh doanh hệ thống đường sắt cao tốc Đài Loan dài 345 km. Đường sắt cao tốc rút ngắn thời gian đi lại giữa các đô thị lớn, thời gian di chuyển giữa Đài Bắc và Cao Hùng giảm chỉ còn 90 phút, năm 2013 có tổng cộng 47,49 triệu lượt người đi đường sắt cao tốc[353]. Đại đô thị Đài Bắc và khu vực đô thị của Cao Hùng có hệ thống tàu điện ngầm, các hệ thống tàu điện ngầm tại Đài Trung và Đào Viên đang được xây dựng[350][354].

Trên đảo Đài Loan có 7 thương cảng trọng yếu[355], 5 cảng vận chuyển quốc tế chủ yếu là cảng Cơ Long, cảng Tô Áo, cảng Đài Trung, cảng Cao Hùng và cảng Hoa Liên; chính phủ lập khu cảng mậu dịch tự do tại cảng Tô Áo, cảng Đài Bắc, cảng Đài Trung, cảng An Bình và cảng Cao Hùng[356]. Đến cuối năm 2013, tổng cộng 72 cảng có hoạt động kinh doanh, lượng hàng hóa và giá trị lần lượt đạt 14,093 triệu tấn và 501,75 tỷ USD[350][355], cảng Cao Hùng là cảng lớn nhất Đài Loan và đứng thứ 13 thế giới về số lượng container (2012)[357]. Các sân bay quốc tế chủ yếu của Đài Loan là sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, sân bay Đào Viên Đài Loan, sân bay Thanh Tuyền Cương Đài Trung, sân bay quốc tế Cao Hùng. Năm 2013, tổng cộng có 63 công ty hàng không khai thác các chuyến bay đi và đến Đài Loan, China AirlinesEVA Air nằm trong các hãng chủ yếu có đường bay quốc tế[358]. Ngoài ra còn có 15 sân bay quốc nội, liên kết giao thông với các đảo[359], song lượt vận chuyển hành khách quốc nội bằng máy bay giảm đáng kể từ sau khi Đường sắt cao tốc Đài Loan hình thành[360].

Công ích

Công ty Điện lực Đài Loan đảm nhiệm công tác phát điện, truyền tải điện, điều độ điện của hệ thống cung cấp điện. Công ty này cũng kinh doanh 78 nhà máy phát điện, trong đó có 39 nhà máy thủy điện, 27 nhà máy nhiệt điện, 3 nhà máy điện hạt nhân, và 9 nhà máy phong điện, ngoài ra công ty còn mua điện năng của một số doanh nghiệp tư nhân[361]. Cơ quan Nước Đài Bắc phụ trách cung ứng nước cho khu vực Đài Bắc[362], Công ty Nước Đài Loan phụ trách cung ứng nước cho các khu vực còn lại[363]. Công ty Bưu chính Trung Hoa thành lập vào năm 2003 cung cấp dịch vụ bưu chính, tiền thân của công ty là Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông[364]

Cho đến trước năm 1996, Chunghwa Telecom là công ty duy nhất cung ứng dịch vụ điện tín, sau đó bắt đầu có doanh nghiệp tư nhân tiến vào thị trường này, hiện các đối thủ lớn nhất của Chunghwa Telecom trên thị trường là FarEasTone và Taiwan Mobile[343]. Chunghwa Telecom cũng đã chuyển hướng từ doanh nghiệp quốc doanh sang tư hữu hóa[343], trong năm 2014 có 35,29% cổ phần của công ty thuộc sở hữu của chính phủ[365]. Đài Loan là một trong số các quốc gia châu Á tích cực phát triển công nghệ Internet, đến cuối năm 2008 có trên 7 triệu hộ sử dụng kết nối mạng băng thông rộng[366].

Khoa học kỹ thuật

Vệ tinh Formosat-1.

Khi dời sang Đài Loan vào năm 1949, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng mang theo nhân tài học thuật và khoa học kỹ thuật từ Trung Quốc đại lục, làm cơ sở cho phát triển khoa học kỹ thuật về sau[367][368]. Qua nhiều năm phát triển, chiều hướng khoa học kỹ thuật Đài Loan có thể phân thành định hướng khoa học kỹ thuật nông nghiệp sản xuất hoa với đại biểu là lan hồ điệp, kỹ thuật chế tạo định hướng sản xuất truyền thống, khoa học kỹ thuật chuyển đổi mô hình với đại biểu là dệt, và tự thân ra sức phát triển sản xuất công nghệ cao như chất bán dẫn, thiết bị ngoại vi, khoa học kỹ thuật quang điện, truyền thông nổi danh trên thế giới[369]. Ngoài ra, vào tháng 1 năm 1999, sau 10 năm phát triển kế hoạch không gian, Đài Loan hoàn thành phóng vệ tinh Formosat-1, qua đó Đài Loan thiết lập kỹ thuật không gian riêng, và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển năng lực linh kiện vệ tinh[370]. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng từ tình trạng sản xuất chuyển dời ra hải ngoại, Đài Loan phải đối diện với các vấn đề như nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế trở nên đa nguyên hơn, nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển khoa học để doanh nghiệp lưu lại Đài Loan.

Từ năm 1980 trở đi, chính phủ thành lập các khu khoa học như Khu Công nghiệp Khoa học Tân Trúc, Khu Công nghiệp Khoa học Nam Bộ và Khu Công nghiệp Khoa học Trung Bộ, ra sức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất công nghệ cao như vi mạch, máy tính, hy vọng có thể thay thế công nghiệp truyền thống bằng công nghiệp tập trung kỹ thuật cao tiêu hao ít năng lượng, ô nhiễm thấp, giá trị gia tăng cao[371]. Ngày nay, công nghệ cao trở thành huyết mạch kinh tế trọng yếu của Đài Loan, rất nhiều công ty tiếp tục phát triển thị trường của mình từ Đài Loan ra toàn cầu, như AcerAsus sản xuất máy tính cá nhân, HTC sản xuất điện thoại di động, doanh nghiệp công nghiệp điện tử Foxconn. Tháng 5 năm 2009, chính phủ tuyên bố trong tương lai chuyển từ chú trọng công nghiệp công nghệ thông tin, chất bán dẫn, truyền thông, bảng điều khiển sang phát triển sáu ngành công nghiệp mới nổi là nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, chăm sóc y tế, du lịch lữ hành, năng lượng xanh và sáng tạo văn hóa.[372].

Nhân khẩu

Phân bổ quần thể

Tháp dân số Đài Loan năm 2016

Người dân có quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc bình thường theo thông tục thông thường được nhận "thẻ thân phận quốc dân Trung Hoa Dân Quốc", hộ chiếu, và các giấy chứng minh khác do chính phủ cấp. Người chưa đủ 14 tuổi chưa được cấp thẻ, dựa vào hộ khẩu để chứng minh thân phận. Theo thống kê năm 2013 của Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc, toàn bộ nhân khẩu là khoảng 23,37 triệu người, trong đó 59,92% tập trung tại các thành phố trực thuộc trung ương; mật độ dân số là 646 người/km², chỉ sau Bangladesh trong số các quốc gia có dân số từ 10 triệu trở lên[373]. Cư dân chủ yếu cư trú trên đảo Đài Loan, đông nhất là tại đồng bằng miền tây Đài Loan. Ngoài ra, còn có 103.263 người cư trú tại quần đảo Bành Hồ, 135.114 người cư trú tại quần đảo Kim Môn và 12.595 người cư trú tại quần đảo Mã Tổ (cuối tháng 12 năm 2016), ngoài ra còn có vài chục nghìn công dân không có hộ tịch tại Đài Loan[374].

Thành phần dân tộc hiện nay của Trung Hoa Dân Quốc: 98% là người có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục, khoảng 2% là thổ dân Đài Loan nói ngôn ngữ Nam Đảo[375]. Trong số kể trên thì 84% người Trung Quốc là hậu duệ của những di dân ban đầu từ Trung Quốc đại lục, cư trú tại Đài Loan trước 1949 gọi là "bản tỉnh nhân"[15]. Cộng đồng này từ thế kỷ XVII bắt đầu di cư từ khu vực Đông Nam Trung Quốc, có thể phân thành: nhóm dân Mân Nam chiếm 70% tổng nhân khẩu có nguồn gốc từ duyên hải miền nam tỉnh Phúc Kiến, nhóm dân Khách Gia chiếm 13,5% tổng nhân khẩu có nguồn gốc từ khu vực ngoại vi của tỉnh Quảng Đông[376]. 14% dân số di cư từ các tỉnh tại Trung Quốc đại lục sau khoảng tầm năm 1949, theo chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dời sang Đài Loan, gọi là "ngoại tỉnh nhân", trong số đó có nhóm dân Phúc Châu về sau chủ yếu cư trú tại quần đảo Mã Tổ.

Nhà truyền thống để giáo dục thiếu niên của người Puyuma.

Thổ dân Đài Loan chiếm 2,33% tổng nhân khẩu, với số lượng 546.698 người, họ được chính phủ phân thành 16 dân tộc chủ yếu[377][378]. Trong đó, các dân tộc Amis, Atayal, Bunun, Kavalan, Paiwan, Puyuma, Rukai, Saisiyat, Sakizaya, Seediq, Thao, Truku, Tsou, Saaroa, Kanakanavu cư trú về phía đông của đồng bằng miền tây Đài Loan, còn dân tộc Yami cư trú trên đảo Lan Tự[379][380].

Ngoài ra, sau khi phát triển giao lưu hai bờ và quốc tế hóa, Trung Hoa Dân Quốc(Đài Loan)hiện có khoảng tầm vài chục nghìn phối ngẫu với người dân tộc ở tại bên Trung Quốc,khoảng tầm hơn 100 nghìn phối ngẫu ngoại quốc cùng với 300 nghìn lao công ngoại quốc, tổng số nhân khẩu ngoại tịch ước tính là khoảng 562 nghìn người. Trong cộng đồng mới này, có khoảng 434 nghìn người đến từ nơi khu vực Đông Nam Á,khoảng 89 nghìn người đến từ 3 khu vực:Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao(Trung Quốc)[381]. Ngày nay, Đài Loan dùng cụm từ "cư dân mới" để gọi những cô dâu lấy chồng Đài Loan thay cho cụm từ "cô dâu ngoại quốc", "người di dân".[382]

Ngôn ngữ

Do đại bộ phận nhân khẩu là người đến từ Trung Quốc đại lục, do đó chính phủ đưa tiếng Hán tiêu chuẩn hiện đại làm ngôn ngữ chính thức. Sau khi dời sang Đài Loan, một thời gian dài chính phủ quy định quốc ngữ dựa trên ngữ âm Bắc Kinh làm ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu[383], đồng thời mở rộng truyền bá Trung văn chính thể làm hệ thống chữ viết[384], trong giáo dục cơ sở giảng dạy ngữ văn quốc ngữ chiếm thời gian nhiều nhất[385]. Tuy vậy, dưới chính quyền của Đảng Dân tiến với chủ trương bản thể hóa Đài Loan đã có lúc đưa những ngôn ngữ bản địa để phổ biến và bảo tồn bằng luật bình đẳng ngôn ngữ.

Ngày nay Quốc ngữ Trung Hoa Dân Quốc và Trung văn chính thể vẫn là ngôn ngữ và văn tự dùng trong công văn pháp luật, giảng dạy[385], và chủ yếu trong truyền thông[386]. Tuy nhiên, cộng đồng Mân Nam ngoài tiếng Hán tiêu chuẩn hiện đại còn có tiếng mẹ đẻ là tiếng Đài Loan hoặc thông hiểu nhất định ngôn ngữ này, cộng đồng Khách Gia cũng thường đàm thoại bằng tiếng Khách Gia Đài Loan[387]. Tuyệt đại bộ phận "ngoại tỉnh nhân" sử dụng tiếng Hán tiêu chuẩn hiện đại để giao tiếp[388], song đại đa số cư dân huyện Liên Giang và hương Ô Khâu có tiếng mẹ đẻ tương ứng là tiếng Phúc Châu và tiếng Phủ Tiên[389]. Thổ dân Đài Loan nguyên sử dụng ngữ hệ Nam Đảo, song số lượng biết sử dụng ngôn ngữ tổ tiên ngày càng giảm[390], trong khi tỷ lệ sử dụng tiếng Hán tiêu chuẩn hiện đại tăng lên. Hiện nay, trong số 14 ngôn ngữ thổ dân còn tồn tại, có 5 ngôn ngữ được nhận định gặp nguy hiểm tuyệt diệt[391].

Theo luật bảo vệ bình đẳng ngôn ngữ trong vận tải công cộng, tiếng Mân Nam, tiếng Khách Gia, tiếng Thổ Dân Đài Loan và tiếng Phúc Châu cùng Quốc ngữ Trung Hoa Dân Quốc có địa vị bình đẳng. Phương tiện vận tải công cộng gia tăng truyền thanh bằng tiếng Mân Nam và tiếng Khách Gia, ngoài ra còn thêm tiếng thổ dân và tiếng Phúc Châu tùy theo đặc điểm địa phương. Căn cứ điều tra nhân khẩu năm 2010, số lượng nhân khẩu thường trú từ 6 tuổi trở lên sử dụng Quốc ngữ và tiếng 'Mân Nam' Đài Loan tại nhà lần lượt là 83,6% và 81,9%, 6.6% đối với tiếng Khách Gia và 1,4% đối với các ngôn ngữ thổ dân, song việc sử dụng tiếng Mân Nam, tiếng Khách Gia và tiếng thổ dân giảm thiểu cùng với độ tuổi[392]. Sau khi dân chủ hóa xã hội và một số huyện thị thi hành giáo dục tiếng mẹ đẻ, chính phủ bãi bỏ hạn chế ngôn ngữ giảng dạy. Ủy ban Thi hành Quốc ngữ Bộ Giáo dục cũng chỉnh lý vấn đề bính âm tiếng mẹ đẻ và dùng chữ, đề xuất giảng dạy tiếng Mân Nam, tiếng Khách Gia và tiếng Thổ Dân[393], hy vọng các ngôn ngữ hoặc phương ngữ khác có thể dần hồi sinh thông qua giảng dạy. Ví dụ do bảo hộ sử dụng tiếng Phúc Châu, cấp tiểu học tại quần đảo Mã Tổ có thể thiết kế giảng dạy phương ngữ[384].

Chính quyền Đài Loan còn có dự định sẽ sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai tại đây, nhằm tăng tính cạnh tranh quốc tế cho quốc gia này.[394]

Tôn giáo

Chùa Mạnh Giáp Long Sơn tại Đài Bắc.

Tôn giáo tại Đài Loan (2005)[395]

  Phật giáo (35.1%)
  Đạo giáo (33.0%)
  Không tôn giáo (18.7%)
  Kitô giáo (3.9%)
  Nhất quán đạo (XTD) (3.5%)
  Thiên đế giáo (XTD) (2.2%)
  Di Lặc Đại đạo (XTD) (1.1%)
  Tại Lý giáo (0.8%)
  Hiên Viên đạo (0.7%)
  Khác (1%)

Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ nhân dân được hưởng quyền lợi tự do tôn giáo và tiến hành nghi thức tín ngưỡng[396][397]. Do ảnh hưởng từ quá trình di dân, truyền thống tín ngưỡng Phật giáoĐạo giáo của người Hán trở nên thịnh hành và phát triển trong thời gian dài, các đạo Tin Lành, Công giáo La Mã, và Hồi giáo cũng có không ít tín đồ[398]. Căn cứ điều tra nhân khẩu năm 2005, có 18.718.600 người (chiếm 81,3%) có tín ngưỡng tôn giáo, 14%-18% dân số không tín ngưỡng tôn giáo. Điều tra của chính phủ phân loại 26 tôn giáo, các tôn giáo đứng đầu là Phật giáo (8.086.000 người, chiếm 35,1% nhân khẩu), Đạo giáo (7.600.000 người, 33%), Nhất Quán đạo (810.000 người, 3,5%), Tin Lành (605.000 người, 2,6%) và Công giáo La Mã (298.000 người, 1,3%)[399]. "The World Factbook" của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ thì cho rằng trên 93% nhân khẩu tin vào đa thần, kết hợp tôn giáo dân gian, Phật giáo Đại thừa, Nho giáo, sùng bái tổ tiên và Đạo giáo[396], có 4,5% nhân khẩu tin theo Tin Lành, Công giáo La Mã, ngoài ra có 2,5% dân chúng tin theo các tôn giáo khác như Hồi giáo[15][396][400].

Dân cư Đài Loan phổ biến tế bái Quan Thế Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, Bảo Sinh Đại Đế, Huyền Thiên Thượng đế, Ma Tổ, Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Thánh Đế Quân, Thành Hoàng, Thổ Thần..., dung hợp các tín ngưỡng Phật giáo, Đạo giáo[401][402]. Hiện nay có gần 80% dân chúng tin theo tín ngưỡng dân gian Đài Loan, trên 50% thường tham dự các loại hình nghi lễ tôn giáo[396]. Tư tưởng Nho giáo do Khổng Tử đề xướng là một loại triết học tại Trung Quốc trong quá khứ, một sự kết hợp đạo đức, luân lý, phép tắc trong xã hội thế tục hữu quan, về sau trở thành cơ sở giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Đài Loan[403]. Đại đa số dân chúng thường kết hợp tín ngưỡng tôn giáo với tư tưởng Nho giáo, qua đó đề xướng quan niệm luân lý đạo đức xã hội[404]. Ngoài ra, thổ dân Đài Loan là cộng đồng chủ yếu theo Tin Lành, với trên 64% số lượng dân chúng thổ dân tin theo, nhiều nhà thờ trở thành dấu hiệu rõ rệt nhất của bộ lạc[405]. Tính đến năm 2008, khu vực Đài Loan tổng cộng có 14.993 chùa miếu và giáo đường, gồm 11,731 chùa miếu thờ thần Đạo giáo, 3.262 giáo đường, bình quân mỗi 1500 thị dân lại có một địa điểm tôn giáo có thể cung phụng và sùng bái[406].

Xã hội

Phúc lợi xã hội

Y tế Trung Hoa Dân Quốc được thành lập vào tháng 4 năm 1928 với tên "Sở y tế trực thuộc Bộ Nội chính (Trung Hoa Dân Quốc)" Sau nhiều lần đổi tên vào năm 2013 thay đổi thành tên chính thức "Bộ Y tế và Phúc lợi Trung Hoa Dân Quốc". Với mục tiêu là phụ trách y tế công cộng, dịch vụ y tế, và phúc lợi xã hội[407], Bảo hiểm Y tế Toàn dân bắt đầu từ năm 1995 cũng do bộ này quản lý[408][409]. Hiện nay, có 99,5% công dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm y tế toàn dân cũng trợ cấp chi phí y tế cho hộ thu nhập thấp, quân nhân xuất ngũ, trẻ dưới ba tuổi, người thất nghiệp, hộ gặp nạn, người già, và người tàn tật[410]. Bảo hiểm y tế toàn dân chiếm khoảng 5,44% GDP, có thể do chủ sử dụng lao động hoặc cá nhân trả phí bảo hiểm.

Năm 2013, bình quân tuổi thọ của công dân là 79,5 tuổi, tuổi thọ của nữ giới cao hơn của nam giới[411]. Năm 2014, Đài Loan là quốc gia có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới[412], số người từ 65 tuổi trở lên cũng chiếm trên 10% tổng dân số[413]. Theo dự báo, đến năm 2025 số người già sẽ ở quanh mức 20% dân số[414], Ngày nay, đại bộ phận người cao tuổi do thành viên trong gia đình chăm sóc, tính đến năm 2008 các địa phương đã lập 1.074 viện dưỡng lão. Chi phí hàng tháng của các viện dưỡng lão chủ yếu lấy từ lương hưu của người cao tuổi; gia đình không có tiết kiệm hưu trí được nhận trợ cấp xã hội. Tính đến năm 2007, bất kỳ người nào từ 25 đến 65 tuổi không được cung cấp bảo hiểm xã hội tại nơi làm việc đều phải tham gia bảo hiểm "Quốc dân niên kim"[415].

Chính phủ xác định mức sinh hoạt tối thiểu là 60% thu nhập khả dụng trung bình, đủ điều kiện nhận phúc lợi xã hội và trợ cấp liên quan. Từ năm 2008 trở đi, chính phủ trợ cấp cho cha mẹ có thu nhập không quá 1,5 triệu tệ/năm và có con dưới 2 tuổi mỗi tháng 3.000 tệ, và cũng cung cấp viện trợ xã hội cho gia đình có trẻ bị khuyết tật về tinh thần và thể chất. Ngoài ra, chính phủ cung cấp cho người có huyết thống thổ dân Đài Loan thêm nhiều cơ hội, quy định các cơ quan, trường học, và doanh nghiệp trên 100 người của chính phủ phải có ít nhất 1% thành viên là người thổ dân; thổ dân còn được hưởng lãi suất khá thấp khi vay mua nhà, được hưởng điều khoản ưu đãi khi thuê nhà, trẻ em được trao thêm cơ hội học bổng.

Tính đến tháng 7 năm 2016, Đài Loan có gần 10.500 cửa hàng tiện lợi, như các chuỗi 7-Eleven, FamilyMart, Hi - Life, OK và TTL. Đó như những siêu thị kết nối với văn phòng đa năng được Internet hóa, tuy quy mô nhỏ nhưng có rất nhiều dịch vụ như ăn uống, giao thông, mua sắm, thanh toán và các dịch vụ văn phòng hay thanh toán các loại phí.[416][417]

Y tế

Năm 2013, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Đài Loan là 3,9‰, mỗi 10 nghìn người có 20,02 bác sĩ, 5,31 nha sĩ và 69,01 giường bệnh phục vụ[418]. Tính đến năm 2012, Đài Loan tổng cộng có 502 bệnh viện và 20.935 phòng khám, trong đó có 82 bệnh viện công lập và 447 phòng khám công lập[418]. Nhờ hệ thống y tế dần hoàn thiện, tuổi thọ dự tính của nam và nữ lần lượt nâng lên 76,2 và 83 tuổi. Năm 2012, các bệnh gây tử vong nhiều nhất là ung thư, bệnh tim, bệnh động mạch vành, và viêm phổi.

Nhằm giảm bớt số bệnh nhân qua đời vì ung thư phổi, ngoài quản lý chế phẩm thuốc lá, chính phủ còn cấm chỉ dân chúng hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, nhà hàng và ga tàu hỏa và các nơi khác, xúc tiến lập các khu vực hút thuốc có thông gió được chỉ định[419]. Ngoài sử dụng y học hiện đại, tại Đài Loan còn sử dụng rộng rãi chẩn đoán trị liệu Trung y, toàn lãnh thổ có 14 bệnh viện Trung y, 3.462 phòng khám Trung y và có 77 bệnh viện Tây y có khoa Trung y[420]. Cơ quan Quản lý Bệnh tật thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi chủ yếu phụ trách giám sát, điều tra, tuyên truyền và điều trị bệnh dịch, nhiều lần ứng phó với các bệnh lao, sốt xuất huyết Dengue, virus đường ruột, hội chứng hô hấp cấp tính nặng, virus cúm A phân nhóm H7N9[421]. Ngoài ra, còn có Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi, phụ trách tính an toàn và công dụng của dược phẩm, vắc-xin, thiết bị y tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm[422].

Giáo dục

Đại học Quốc lập Đài Bắc.

Chế độ giáo dục Đài Loan chủ yếu là tổng hợp đặc điểm thể chế giáo dục Trung Quốc và Hoa Kỳ mà thành[423][424]. Chính phủ sử dụng phương thức pháp luật chế định để khiến nhân dân được hưởng giáo dục nghĩa vụ 9 năm, sau đó tiến đến phát triển thành chương trình thông suốt 9 năm[425][426], song vào năm 2012 có 99,15% học sinh tiếp tục theo học trung học cao cấp hay trung học cao cấp kỹ thuật[427]. Hiện nay, hệ thống giáo dục Đài Loan bao gồm giáo dục tiểu học 6 năm, giáo dục trung học quốc gia 3 năm, giáo dục trung học cao cấp 3 năm, giáo dục bậc đại học kéo dài 4 năm, các đại học danh tiếng là Đại học quốc lập Đài Loan, Đài học Quốc lập Thanh Hoa, Đại học Quốc lập Giao thông, Đại học Quốc lập Thành Công, Đại học Quốc lập Trung Sơn,Đại học quốc lập Đài Loan [428].

Hiện nay, giáo dục khiến học sinh đạt điểm số cao trong toán học, khoa học[429], song bị chỉ trích là tạo áp lực quá lớn cho học sinh, quá nhấn mạnh học thuộc mà lại giảm thiểu sức sáng tạo[430][431]. Sinh viên sau bốn năm đại học đạt được học vị cử nhân, có thể tiếp tục học tập để đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ[425]; mỗi năm cũng có rất nhiều học sinh sang học tại ngoại quốc, đông nhất là sang Hoa Kỳ[432]. Bộ Giáo dục trong một thời gian dài hướng tới thu hút sinh viên người Hoa hải ngoại tại Đông Á và Đông Nam Á, gần đây tích cực mở rộng số du học sinh quốc tế và Trung Quốc đại lục, đặt trọng điểm vào chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu quốc tế hóa[433]. Tính đến cuối năm 2012, số người Đài Loan không biết đọc chiếm khoảng 1,71% tổng dân số[434].

Truyền thông

Năm 1999, Đài Loan bãi bỏ các hạn chế pháp luật đối với tự do báo chí, số cơ quan truyền thông do đó xuất hiện với số lượng lớn. Năm 2008, có trên 1.300 cơ quan tin tức hoạt động, tuyệt đại đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc sở hữu tư nhân. Thông tấn xã Trung ương (CNA) là thông tấn xã quốc gia của Trung Hoa Dân Quốc, cơ quan tin tức trọng yếu khác là Thông tấn xã Kinh tế Trung Quốc (CENS) song chủ yếu đưa tin về kinh tế và tài chính[435]. Hiện tại, Trung Hoa Dân Quốc có khoảng 2.000 báo chí xuất bản, song chỉ có 30 tờ thường xuyên xuất hiện trên thị trường, bốn tờ có lượng phát hành nhiều nhất là "Tự Do thời báo", "Tần Quả nhật báo", "Liên Hiệp báo", "Trung Quốc thời báo". Trong đó, "Tự Do thời báo" có kỷ lục phát hành 720 nghìn bản/ngày, còn "Tần Quả nhật báo" với kiểu báo khổ nhỏ đạt thành tích 520 nghìn bản (2008)[436], ngoài ra trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm còn có báo chí miễn phí cấp cho công chúng.

Tính đến tháng 10 năm 2013, Đài Loan có 1.737 nhà xuất bản thư tịch đăng ký, đại đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ về tài chính và nhân lực[437]. Các nhà xuất bản này cho ra đời rất nhiều tạp chí, trong đó có trên 6.000 tạp chí có đăng ký với chính phủ, 91% tạp chí xuất bản tại Đài Bắc. Các tạp chí được đón đọc nhiều nhất là về các lĩnh vực kinh tế-tài chính, chuyện tầm phào, thời trang và du lịch, tạp chí chuyện tầm phào được lưu hành nhiều nhất là "Nhất Chu khan"[435]. Đến tháng 12 năm 2013, toàn quốc có 171 đài phát thanh hoạt động[437], trong đó các đài phát thanh âm nhạc được đón nghe nhiều[438]. Đài phát thanh chủ yếu sử dụng tiếng Hán tiêu chuẩn hiện đại và tiếng Mân Nam, song cũng bảo vệ quyền lợi thu nghe chương trình các ngôn ngữ mẹ đẻ của thổ dân Đài Loan theo pháp luật.

Dịch vụ truyền hình tại Đài Loan được cung cấp từ năm 1962, sau đó do Công ty Truyền hình Đài Loan, Công ty Truyền hình Trung Quốc và Công ty Truyền hình Trung Hoa chủ đạo phát triển thị trường, kể từ năm 1993 khi triển khai truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh thì mới có thêm các đài truyền hình khác[437]. Các công ty truyền hình sớm nhất đều thuộc sở hữu của chính phủ, sau này việc quốc gia, chính đảng và tài phiệt sở hữu cổ phần trong đài truyền hình bị pháp luật hạn chế. Các kênh được nhiều người xem nhất là TVBS tin tức, Tam Lập tin tức, Trung Thiên tin tức, Đông Sâm tin tức[435].

Văn hóa

Ẩm thực

Hai món ăn nhẹ có tính đại diện nhất[439]
Trứng chiên hàu
Một bữa ăn sáng theo phong cách hiện đại ở Đài Bắc.

Văn hóa ẩm thực Đài Loan dung hợp phong cách ẩm thực các khu vực, các trường phái chủ yếu là ẩm thực Mân Nam Đài Loan, ẩm thực Khách Gia Đài Loan, các phong cách ngoại tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông, Quảng Đông[440]. Do đại bộ phận nhân khẩu là người Hán, các món ăn đại đa số là món ăn Trung Quốc, đồng thời hỗn hợp các phong cách phương Nam như Hồng Kông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang. Đài Loan từng bị Nhật Bản thống trị trong 50 năm, góp phần hình thành các món ăn của người Mân Nam và người Khách Gia tại Đài Loan, và ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản hiện nay[441][442]. Do đất canh tác rải rác khiến lương thực không đồng nhất, lương thực chủ yếu của dân chúng là gạo, khoai lang hay khoai môn[440]. Do có Hải lưu Kuroshio đi qua và không khí lạnh tràn xuống vào mùa đông, khiến tài nguyên hải sản vùng biển quanh đảo Đài Loan có sự phong phú, dân chúng thường ăn các loại sinh vật hải dương như cá, sò hến, hay loài giáp xác[443]. Do giá cả đắt nên các loại thịt gà, lợn, bò hay dê xuất hiện khá ít.

Quy trình chế biến các món ăn chủ yếu có đặc điểm là chú ý đến kỹ thuật nấu và phối trộn nguyên liệu, trên bàn tiệc thường thấy các món Phật trèo tường (chữ Hán: 佛跳墙), thịt Đông Pha, chân giò Vạn Loan[444]. Do ảnh hưởng từ tín ngưỡng Phật giáo, bảo vệ môi trường, và sức khỏe nên các khu vực đều có các nhà hàng chuyên món ăn chay[445]. Trong văn hóa ẩm thực Đài Loan còn có văn hóa đồ ăn nhẹ nổi tiếng, sau khi nấu xong chúng được cho vào các khay nhỏ để ăn.

Chợ đêm tại các đô thị do bày bán rất nhiều đồ ăn nhẹ nên thu hút nhiều khách tới, trở thành một đại diện quan trọng cho sinh hoạt văn hóa[446], các đồ ăn nhẹ thông dụng là trứng chiên hàu, ức gà chiên, đậu phụ thối, gà rán mặn, bánh bao chiên, bánh cơm tiết, mì hàu, cơm thịt hầm, bánh tro, nhục viên, mì đam tử, mì thịt bò, tiểu long bao[439][447]. Đồ uống nổi tiếng của Đài Loan có hồng trà bong bóng và trà sữa trân châu, hồng trà bong bóng do có fructose nên sau khi lắc đều sẽ có bọt phía trên, trà sữa trân châu có các hạt bột sắn, hai loại đồ uống này cũng được đón nhận khi phổ biến sang Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, châu ÂuBắc Mỹ[448].

Nghệ thuật và giải trí

Do ảnh hưởng từ lịch sử, Đài Loan hiện nay có tính đa nguyên văn hóa mang đặc sắc bản địa[449]. Chính phủ nhận định văn hóa dân gian truyền thống bao gồm tập tục truyền thống của thổ dân Đài Loan, nghệ thuật dân gian của người Hán như cắt giấy, ô giấy dầu, chạm khắc gỗ, thêu, văn hóa lễ tết như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, hay tế được mùa của thổ dân Đài Loan[450]. Chính phủ của Quốc dân đảng sau khi dời sang Đài Loan năm 1949 có lập trường chính thức là thúc đẩy các hoạt động văn hóa nghệ thuật như thư pháp Trung Quốc, hội họa Trung Quốc, nghệ thuật dân gian Trung Quốc hay hí khúc truyền thống[451][452]. Sau khi bãi bỏ giới nghiêm vào năm 1987, xã hội cởi mở và đi kèm với nó là hoạt động văn hóa, mỹ thuật tại Đài Loan bước vào giai đoạn phát triển đa nguyên[453]. Từ năm 2000 trở đi, phong trào bản địa hóa Đài Loan và các vấn đề liên quan trở thành đề tài trọng yếu trong lý luận văn hóa tại Đài Loan[454].

Tây Môn Đình là khu phố mua sắm nổi tiếng tại Đài Bắc.

Đài Loan từ sau năm 1949 có các tác gia nổi tiếng như Dương Quỳ, Bá Dương, Chu Mộng Điệp, Lý Ngao, Bạch Tiên Dũng, Trần Nhược Hy, Quỳnh Dao, Tam Mao, Khâu Diệu Tân, Trương Hệ Quốc. Hai thể loại nhạc kịch Ca tử hí, Bố đại hí từng thịnh hành trên truyền hình và nay vẫn được chính phủ trọng thị[455], ngoài ra còn có vũ đoàn biểu diễn hiện đại Vân Môn vũ tập[456]. Âm nhạc Đài Loan hiện nay đã xuất hiện hình thức đa nguyên, như âm nhạc dân tộc ngữ hệ Nam Đảo, nhạc khúc truyền thống Trung Quốc đại lục, âm nhạc cổ điển phương Tây và các thể loại âm nhạc đại chúng[457][458]. Trong đó, âm nhạc cổ điển tại Đài Loan có trình độ phát triển cao, có nghệ sĩ vĩ cầm Lâm Chiêu Lượng, nghệ sĩ dương cầm Hồ Tịnh Vân, Tổng giám đốc Ngô Hạm của Phòng Đoàn thể Âm nhạc Trung tâm Lincoln CMS nhận được nhiều chú ý[457]. Đài Loan còn là khu vực phát triển trọng yếu của âm nhạc đại chúng Hoa ngữ (Mandopop), xuất hiện các ca sĩ chuyên nghiệp như Châu Kiệt Luân, Thái Y Lâm hay Phi Luân Hải[459][460].

Ngày nay, ngành giải trí Đài Loan không ngừng được cải biến, hình thành văn hóa truyền thông đại chúng với cơ sở dựa trên truyền hình, Internet. Trong đó, các chương trình truyền hình Đài Loan được bên ngoài đón nhận, được phát sóng tại Singapore, Malaysia và các quốc gia khác tại châu Á. Nhiều công ty tiến hành đầu tư quay phim truyền hình dài tập, các tác phẩm được đón nhận như "Thơ Ngây", "Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ", "Định mệnh anh yêu em", "Anh hùng du côn" cũng đạt được thành công tại các quốc gia châu Á khác[461]. Ngoài ra, do hiện nay xã hội Đài Loan có bối cảnh đa nguyên, tự do và giàu tính sáng tác, do đó có thể cung cấp không gian tốt để cho ngành điện ảnh và truyền hình Đài Loan phát triển[462]. Điện ảnh Đài Loan từng nhiều lần nhận giải thưởng quốc tế hay được trình chiếu tại các liên hoan phim trên thế giới, các đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Đài Loan gồm có Lý An, Thái Minh Lượng, Dương Đức Xương, Hầu Hiếu Hiền, Nữu Thừa Trạch và những người khác[463]. Điện ảnh Đài Loan từng xuống dốc trước ảnh hưởng từ nền điện ảnh phát triển của Hồng Kông[464]. Kể từ sau phim "Mũi Đất Số 7" năm 2008, điện ảnh Đài Loan bước vào cơn sốt phục hưng[465][466].

Du lịch

Nhà Kỷ niệm Tôn Trung Sơn tại Đài Bắc

Số lượng du khách đến du lịch Đài Loan tăng trưởng theo từng năm, năm 2009 họ đón tiếp 4,4 triệu lượt du khách, tăng trưởng 18% so với năm 2008; tuy xuất hiện xu thế số lượng du khách ngoại quốc giảm thiểu, song dân chúng Trung Quốc đại lục đến Đài Loan du lịch lại nhiều gấp đôi[467]. Đại bộ phận du khách ngoại quốc đến từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là từ Nhật Bản, du khách từ các châu lục khác chủ yếu là từ Mỹ và Anh[468]. Địa điểm du lịch trọng yếu bao gồm các công viên quốc gia, các khu phong cảnh cấp quốc gia, và khu du lịch nghỉ dưỡng[469][470], ngoài ra các nông trường tiêu khiển và suối nước nóng cũng hấp dẫn không ít du khách[471][472]. Hiện nay, chính phủ cũng bắt đầu phát triển du lịch y tế, đồng thời có kế hoạch xây dựng một số làng y tế để cung cấp dịch vụ[473][474]. Các địa điểm du lịch trọng yếu trong khu vực đô thị gồm có Tòa nhà Đài Bắc 101 giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 2004 đến năm 2010[475], Bảo tàng Cố cung Quốc lập, Nhà Tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, các công viên kỷ niệm và chợ đêm[476].

Tại Đài Loan có rất nhiều bảo tàng. Bảo tàng Cố cung Quốc lập là nơi lưu giữ 650.000 hiện vật đồ đồng thanh, đồ ngọc bích, thư pháp, hội họa và đồ sứ Trung Quốc, là một trong những bảo tàng quan trọng nhất trong lĩnh vực sưu tầm nghệ thuật Trung Quốc[477]. Từ năm 1933 trở đi, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc bắt đầu đưa các vật phẩm nghệ thuật vốn lưu trữ tại Cố cung Bắc Kinh đi nơi khác, sau nhiều lần di chuyển cuối cùng một bộ phận vật phẩm được vận chuyển đến Đài Loan trong thời gian nội chiến lần thứ hai[478]. Mặc dù mỗi quý bảo tàng đều thay đổi nội dung triển lãm, song phải mất tới 12 năm để trưng bày toàn bộ vật phẩm nghệ thuật sở hữu[479]. Tại Nhà Kỷ niệm Tưởng Giới Thạch có Viện Hí kịch Quốc gia và Phòng Âm nhạc Quốc gia có hoạt động biểu diễn văn nghệ; Nhà Kỷ niệm Tôn Trung Sơn cũng cử hành nhiều loại hình hoạt động văn hóa, âm nhạc và diễn thuyết[479]. Ngoài ra, chính phủ còn thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Quốc lập Đài Loan tại Đài Trung, lưu trữ các bức họa từ thời Minh-Thanh và tác phẩm của các nhà nghệ thuật đương đại Đài Loan.

Thể thao

Bóng chày là môn thể thao phổ biến nhất tại Đài Loan

Bóng chày được xem là môn thể thao quốc dân tại Đài Loan[480], được xã hội hoan nghênh[481]. Hiệp hội Bóng chày Trung Hoa Dân quốc được thành lập vào năm 1973, đến năm 1989 bắt đầu tổ chức Giải Bóng chày Chuyên nghiệp Trung Hoa[482], đến năm 2003 hợp nhất với Giải Bóng chày Đài Loan[483]. Tính đến năm 2013, Giải Bóng chày Chuyên nghiệp Trung Hoa có bốn đội tuyển[484], tại mùa giải thứ 24 năm 2013 mỗi sân vận động có trung bình 6.079 khán giả. Đài Loan từng tổ chức Giải vô địch Bóng chày châu Á năm 2001 và 2007, Giải Bóng chày Thế giới năm 2007 và Giải Bóng chày kinh điển Thế giới 2013[485][486], và từng giành huy chương đồng và huy chương bạc lần lượt tại Thế vận hội Mùa hè năm 1982 và năm 1992. Rất nhiều tuyển thủ bóng chày Đài Loan từng sang Hoa Kỳ thi đấu tại Major League Baseball[480][487]. Bóng rổ cũng là môn thể thao được chính phủ khuyến khích[488], mỗi năm lại tổ chức các giải như Jones Cup, SBL[485].

Sau khi Chu Mộc Viêm và Trần Thi Hân giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Mùa hè 2004, chính phủ tích cực khuyến khích Taekwondo[485]. Vận động viên golf chuyên nghiệp Tăng Nhã Ni có thành tích cao tại Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Nữ Hoa Kỳ[489], từng liên tục được xếp ở vị trí số 1 thế giới trong 109 tuần[490][491]. Đài Loan còn có thành tích tốt trong các môn như korfball, bi-a, cầu lông, cử tạ, kéo co, marathon, bóng bàn...[485], các địa phương lập ra các địa điểm thi đấu thể thao, trung tâm thể thao quốc dân, công viên thể thao, cơ sở thể thao đa công năng, bể bơi, sân bóng chày[481], sân golf, đường giành riêng cho xe đạp[492]. Ngoài ra, thể thao điện tử hết sức phát triển, Taipei Assassins từng giành chức vô địch Chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại năm 2012[493][494].

Do ảnh hưởng từ chính trị, Đài Loan sử dụng danh nghĩa "Trung Hoa Đài Bắc" tham dự các tổ chức và sự kiện thể thao quốc tế[495], đồng thời bị cấm sử dụng quốc kỳquốc ca, phải sử dụng cờ hoa mai và Quốc kỳ ca để thay thế[496]. Đại hội Thể thao Toàn quốc, Đại hội Thể thao Toàn dân, Đại hội Thể thao Thổ dân Toàn quốc và Đại hội Thể thao người khuyết tật Toàn quốc được tổ chức hai năm một lần; hàng năm đều tổ chức đại hội thể thao toàn quốc của bậc đại học và bậc trung học. Ngoài ra, Đài Loan còn tổ chức một số hoạt động thể dục quốc tế, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan, thu được kinh nghiệm chuẩn bị. Một số giải thể dục quốc tế thường niên được tổ chức tại Đài Loan là Marathon Quốc tế Đài Bắc, Giải đua xe đạp vòng quanh Đài Loan[485], hay Giải vô địch Fubon LPGA Đài Loan[497], ngoài ra Cao Hùng từng tổ chức World Games 2009[498], Đài Bắc từng tổ chức Đại hội Thể thao người khiếm thính Thế giới 2009, và là chủ nhà của Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới năm 2017[499][500].

Lịch

Lịch Gregory tiêu chuẩn được sử dụng cho hầu hết các mục đích tại Đài Loan. Năm thường được sử dụng bằng hệ thống lịch Dân quốc bắt đầu vào năm 1912, năm lịch Dân quốc được tạo ra. Năm 2022 là năm Dân quốc 111 (民國111年).

Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ Không bao gồm các công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần đây đã chuyển đến Đài Loan. Một số người nhập cư từ đại lục cũng là người Khách Giangười Phúc Kiến, và thiểu số là người Mãn, người Mông Cổ, v.v..
  2. ^ Thổ dân Đài Loan chính thức được chia thành 16 nhóm dân tộc riêng biệt bởi Hoa Mai.Exec. Yuan (2014), tr. 49
  3. ^ a b Không được chỉ định nhưng đáp ứng định nghĩa pháp lý
  4. ^ Một ngôn ngữ quốc gia tại Đài Loan được định nghĩa hợp pháp là "ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng bởi một nhóm người gốc Đài Loan và Ngôn ngữ ký hiệu Đài Loan".[4]
  5. ^ Liên Hợp Quốc không coi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) là một quốc gia có chủ quyền. Báo cáo HDI không đề cập đến Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi tính toán số liệu của Trung Quốc[9]. Chính phủ Đài Loan đã tự tính HDI của mình là 0,90 dựa trên các số liệu của UNDP năm 2010, xếp thứ 21, giữa ÁoLuxembourg trong danh sách của Liên Hợp Quốc ngày 14 tháng 9 năm 2018[10][11].

Tham khảo

  1. ^ “Interior minister reaffirms Taipei is ROC's capital”. Taipei Times. ngày 5 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2013.
  2. ^ Exec. Yuan (2014), tr. 36.
  3. ^ “Hakka Basic Act”. law.moj.gov.tw. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2019.
  4. ^ “國家語言發展法”. law.moj.gov.tw (bằng tiếng Trung). Truy cập 22 tháng 5 năm 2019.
  5. ^ “Official documents issued in Aboriginal languages”. Taipei Times. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2017.
  6. ^ “General Statistical analysis report, Population and Housing Census” (PDF). National Statistics, ROC (Taiwan). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2016.
  7. ^ a b c d “World Economic Outlook Database, April 2021”. IMF.org. Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2021.
  8. ^ “ICANN Board Meeting Minutes”. ICANN. ngày 25 tháng 6 năm 2010.
  9. ^ “- Human Development Reports” (PDF). hdr.undp.org.
  10. ^ “Archived copy” 2018中華民國人類發展指數(HDI) (bằng tiếng Trung). Directorate General of Budget, Accounting and Statistics, Executive Yuan, R.O.C. 2018. Bản gốc (Excel) lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2018.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  11. ^ “Human Development Indices and Indicators: 2018 Statistical Update” (PDF). United Nations Development Programme. ngày 14 tháng 9 năm 2018. OCLC 1061292121. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2018.
  12. ^ 倪鴻祥和黃惠玟. 馬英九:台灣是"中華民國"的通稱. 《中國評論》. 2011-12-03 [2014-02-23] (phồn thể).
  13. ^ “臺灣的水資源” (bằng tiếng Trung). 國立成功大學. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2011.
  14. ^ 國家符號. 國史館. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  15. ^ a b c CIA. Taiwan Lưu trữ 2010-12-29 tại Wayback Machine. The World Factbook. 2013-06-10 [2014-03-2] (tiếng Anh).
  16. ^ 「創始國」的歷史無可改變 聯國臨時總部 仍懸掛我國旗. 《青年日報》. 2015-12-21 [2016-01-02] (Chữ Hán phồn thể).
  17. ^ a b 王正華. 蔣介石與1961-聯合國中國代表權問題 Lưu trữ 2014-03-22 tại Wayback Machine. 國史館. 2009-09- [2015-06-06] (Chữ Hán phồn thể).
  18. ^ 何振盛. 第三章 歷史背景與環境條件. 國立政治大學. [2015-08-20] (Chữ Hán phồn thể).
  19. ^ H. Ping, Jonathan (2005). Middle Power Statecraft: Indonesia, Malaysia, and the Asia Pacific. Ashgate. tr. 104. ISBN 0754644677.
  20. ^ a b “臺灣名稱的由來” (bằng tiếng Trung). 中華民國教育部數位教學資源. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2011.
  21. ^ a b c Oosterhoff, J.L. (1985). “Zeelandia, a Dutch colonial city on Formosa (1624–1662)”. Trong Ross, Robert; Telkamp, Gerard J. (biên tập). Colonial Cities: Essays on Urbanism in a Colonial Context. Springer. tr. 51–62. ISBN 978-90-247-2635-6.
  22. ^ 阮旻錫《海上見聞錄》:「(順治十七年)十二月,守臺灣城夷長揆一等乞以城歸賜姓,而搬其輜重貨物下船,率餘夷五百餘人駕甲板船遠去。賜姓遂有臺灣,改名東寧。時以各社土田,分給與水陸諸提鎮,而令各搬其家眷至東寧居住。」
  23. ^ “「臺灣」名稱的由來” (bằng tiếng Trung). 臺灣海外網. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2011.
  24. ^ “網路追追追/哪裡有「美麗」?Formosa的真相?] 與福爾摩沙-Formosa]”.
  25. ^ “臺灣正名之一個提案” (bằng tiếng Trung). 24 tháng 4 năm 2002. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2003. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2014.
  26. ^ 李雲漢. 中國同盟會 Lưu trữ 2012-03-06 tại Wayback Machine. 《中華百科全書》. [2015-12-13] (Chữ Hán phồn thể).
  27. ^ 李雲漢. 历史追踪:"中华民"国国号的来由和意义 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 《大公報》. 2012-09-12 [2015-12-13] (Chữ Hán giản thể).
  28. ^ a b c d e 洪健昭. Taiwan, Taipei — What’s in a name?. China Post Online. 2009-10-15 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  29. ^ 汪園斐. 臺灣是中國一省嗎? Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 《黃花崗雜誌》. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  30. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). The Birth of the Republic of China Lưu trữ 2016-03-05 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2009-04-30 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  31. ^ a b 林朝億. 馬提台灣是國家 小英:歡迎跟進. 天空傳媒. 2011-12-03 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  32. ^ 柳嘉峰. 2011 國情調查記者會 Lưu trữ 2012-04-26 tại Wayback Machine. 台灣智庫. [2013-10-17] (Chữ Hán phồn thể).
  33. ^ a b Government Information Office, Executive Yuan. Taiwanese health official invited to observe bird-flu conference Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. Taiwan Info. 2005-01-11 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  34. ^ Member Economies. APEC. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  35. ^ CHINESE TAIPEI. IOC. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  36. ^ a b Katie Reid. Taiwan hopes WHO assembly will help boost its profile Lưu trữ 2019-01-07 tại Wayback Machine. Reuters. 2009-05-18 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  37. ^ Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu (Chinese Taipei) and the WTO. WTO. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  38. ^ a b 國務院臺灣事務辦公室、中共中央宣傳部和國務院新聞辦公室. 《關於正確使用涉台宣傳用語的意見》. 中國北京: 國務院臺灣事務辦公室. 2002-12-01 (Chữ Hán giản thể).
  39. ^ a b 2004-04-27外交部发言人孔泉在记者招待会上答记者问. 中華人民共和國駐挪威王國大使館. 2004-05-17 [2013-10-17] (Chữ Hán giản thể).
  40. ^ 行政院副院長朱立倫接見日本眾議員菅義偉(Suga Yoshihide). 行政院. 2010-04-30 [2013-10-17] (Chữ Hán phồn thể).
  41. ^ 彭顯鈞和邱燕玲. 兩岸稱呼 官方定調 / 馬說不稱中國 綠轟自降國格. 《自由時報》. 2011-02-08 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  42. ^ Đừng nhầm lẫn rằng vị thế địa - chính trị của Đài Loan đối với Trung Quốc đại lục cũng giống như Hồng KôngMa Cao. Lưu ý rằng đảo quốc này là một quốc gia độc lập trên thực tế và không phụ thuộc hay chịu sự chi phối của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
  43. ^ Huyền Lê (Theo Reuters) (11 tháng 1 năm 2021). “Đài Loan ra mắt hộ chiếu mới”. Báo điện tử VnExpress.
  44. ^ 田世昊、王寓中、陳杉榮和鄒景雯. 馬:92共識 可反對但不能否定. 《自由時報》. 2008-03-29 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  45. ^ '1 country, 2 areas' in line with ROC Constitution: MAC deputy. China Post Online. 2012-03-26 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  46. ^ 釋字第 328. 司法院大法官. 1993-12-26 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  47. ^ Chapter XIII. Fundamental National Policies. Office of the President Republic of China (Taiwan). [2014-02-23] (tiếng Anh).
  48. ^ Full text of Anti-Secession Law. People's Daily. 2005-03-14 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  49. ^ Peter Brookes. U.S.-Taiwan Defense Relations in the Bush Administration. The Heritage Foundation. 2003-11-14 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  50. ^ Đài Loan là một đảo quốc, quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thực tế nhưng bị cộng đồng quốc tế hạn chế công nhận do vị thế địa - chính trị, lịch sử phức tạp, tuy nhiên, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn duy trì mối quan hệ song phương với Đài Loan, dù cho không phải dưới hình thức quan hệ ngoại giao chính thức.
  51. ^ Chang, K.C. (1989). translated by W. Tsao, ed. by B. Gordon. “The Neolithic Taiwan Strait” (PDF). Kaogu. 6: 541–550, 569. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2016.
  52. ^ Olsen, John W.; Miller-Antonio, Sari (1992). “The Palaeolithic in Southern China”. Asian Perspectives. 31 (2): 129–160.
  53. ^ Jiao, Tianlong (2007). The neolithic of southeast China: cultural transformation and regional interaction on the coast. Cambria Press. tr. 89–90. ISBN 978-1-934043-16-5.
  54. ^ a b Hill và đồng nghiệp (2007).
  55. ^ a b Bird, Hope & Taylor (2004).
  56. ^ Diamond, Jared M (2000). “Taiwan's gift to the world” (PDF). Nature. 403 (6771): 709–710. doi:10.1038/35001685. PMID 10693781. S2CID 4379227. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2006.
  57. ^ Fox, James J (2004). “Current Developments in Comparative Austronesian Studies” (PDF). Symposium Austronesia. Universitas Udayana, Bali.
  58. ^ Shepherd, John R. (1993). Statecraft and Political Economy on the Taiwan Frontier, 1600–1800. Stanford University Press. tr. 7. ISBN 978-0-8047-2066-3. Reprinted Taipei: SMC Publishing, 1995.
  59. ^ a b c Wills, John E., Jr. (2006). “The Seventeenth-century Transformation: Taiwan under the Dutch and the Cheng Regime”. Trong Rubinstein, Murray A. (biên tập). Taiwan: A New History. M.E. Sharpe. tr. 84–106. ISBN 978-0-7656-1495-7.
  60. ^ Campbell, William (1903). Formosa Under the Dutch: Described from Contemporary Records, with Explanatory Notes and a Bibliography of the Island. Kegan Paul, Trench, Trubner. tr. 6–7.
  61. ^ “鄭氏王朝的滅亡”. www.taiwanus.net.
  62. ^ “牡丹社事件(1871-74)”. www.taiwannation.org.tw.
  63. ^ “法軍攻臺一八八四~一八八五年”. www.taiwanus.net.
  64. ^ “一八八七年成立台灣省”. www.taiwanus.net.
  65. ^ “Build History of Main Routes of Taiwan Railway”. Taiwan Railways Administration (bằng tiếng Anh). 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2014.
  66. ^ 《臺灣通史》,連橫,眾文圖書公司,1994-。
  67. ^ Grajdanzev, A. J. (1942). “Formosa (Taiwan) Under Japanese Rule”. Pacific Affairs. 15 (3): 311–324. doi:10.2307/2752241. JSTOR 2752241.
  68. ^ 賴建國,1997,臺灣主體意識發展與對兩岸關係之影響
  69. ^ “臺灣電力公司歷史”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2016.
  70. ^ 朝鮮及台湾住民政治参与ニ関スル詔書》 - 日本國立公文書館
  71. ^ 外交部條約法律司. 「臺灣的國際法地位」說帖. 中華民國外交部. 2011-09-28 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  72. ^ Foreign News: This Is the Shame. TIME. 1946-06-10 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  73. ^ 張炎憲 (ngày 13 tháng 2 năm 2006). 《二二八事件責任歸屬研究報告》 (bằng tiếng Trung). 二二八事件紀念基金會. tr. 第8頁至第22頁. ISBN 978-9572936214. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  74. ^ CHINA: Snow Red & Moon Angel. TIME. 1947-04-7 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  75. ^ Civil war. BBC. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  76. ^ "ngày 28 tháng 2 năm 1947". New Taiwan, Ilha Formosa. 2007 [2013-10-17] (tiếng Anh).
  77. ^ 周恩來. 评马歇尔〔362〕离华声明 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 人民網. 1947-01-10 [2014-02-23] (Chữ Hán giản thể).
  78. ^ 《南京衛戍司令部致電梅園新村中共聯絡處限期撤退令》. 中國重慶: 《大公報》. 1947-03-01 (Chữ Hán phồn thể).
  79. ^ a b c d e Retreat to Taiwan. 英國廣播公司新聞網. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  80. ^ Introduction to Sovereignty: A Case Study of Taiwan. Stanford University. 2004 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  81. ^ Dec 8, 1949: Chinese Nationalists move capital to Taiwan. History (TV channel). [2014-02-23] (tiếng Anh).
  82. ^ a b United States Department of State. The Chinese Revolution of 1949. Office of the Historian. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  83. ^ Anthony Kubek (ngày 1 tháng 1 năm 1971). HOW THE FAR EAST WAS LOST (bằng tiếng Anh). UK: Intercontex Publishers. ISBN 978-0856220005. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  84. ^ 國際危機與兩岸關係 Lưu trữ 2014-06-20 tại Archive.today. 行政院新聞局. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  85. ^ 張其昀. 《先總統蔣公全集》第3卷. 臺灣臺北: 中國文化大學. 1984-04-: 第4,070頁 (Chữ Hán phồn thể).
  86. ^ China: U.S. policy since 1945 (bằng tiếng Anh). USA: Congressional Quarterly. ngày 1 tháng 1 năm 1980. ISBN 978-0871871886. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  87. ^ 李鴻禧. 我們當然不是中國人,是百分之百台灣人. 《新台灣新聞周刊》. 2002-05-09 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  88. ^ J.P.D. Dunbabin (ngày 4 tháng 12 năm 2007). The Cold War: The Great Powers and their Allies (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Routledge. tr. 187. ISBN 978-0582423985. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  89. ^ Franklin Ng (ngày 26 tháng 5 năm 1998). The Taiwanese Americans (bằng tiếng Anh). Westport: Greenwood Publishing Group. tr. 10. ISBN 978-0313297625. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  90. ^ a b c United States Department of State. The Taiwan Strait Crises: 1954 and 1958. Office of the Historian. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  91. ^ United States Department of State. U.S.-China Ambassadorial Talks, 1955-70. Office of the Historian. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  92. ^ 邵宗海. 兩岸的政治定位之探討 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 國立政治大學]]. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  93. ^ Elutasította Tajvan felvételét az ENSZ. Index.hu. 2007-07-24 [2013-10-17] Bản mẫu:Hu.
  94. ^ a b c Taiwan profile: Timeline. BBC. 2014-04-22 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  95. ^ 鄭宇碩和羅金義 (1997). 政治學新論:西方學理與中華經驗 (bằng tiếng Trung). 中國香港: 香港中文大學. tr. 第303頁. ISBN 978-9622017603. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  96. ^ Denny Roy (ngày 19 tháng 12 năm 2002). Taiwan: A Political History (bằng tiếng Anh). New York: Cornell University Press. tr. 80–81. ISBN 978-0801488054. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
  97. ^ 第二章 國民黨組織運作發展之歷程. 國立政治大學. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  98. ^ Sun Yat-Sen và Ramon H. Myers (tháng 1 năm 1994). Prescriptions for Saving China: Selected Writings of Sun Yat-Sen (bằng tiếng Anh). USA: Hoover Institution. tr. 36. ISBN 978-0817992828. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
  99. ^ Reuters. Taiwan president apologises for 'white terror' era. AsiaOne. 2008-07-16 [2013-10-17] (tiếng Anh).
  100. ^ Roderick MacFarquhar and John K. Fairbank (ngày 29 tháng 11 năm 1991). The Cambridge History of China, Vol. 15: The People's Republic, Part 2 (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Cambridge University Press. tr. 837. ISBN 978-0521243377. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  101. ^ a b c d 認識中華民國 Lưu trữ 2014-10-08 tại Wayback Machine. 國史館. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  102. ^ Gail E. Makinen and G. Thomas Woodward. The Taiwanese Hyperinflation and Stabilization of 1945-1952. JSTOR. 1989-2 [2014-02-28] (tiếng Anh).
  103. ^ a b 第三章 外資對台灣經濟發展之影響與現況. 國立政治大學. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  104. ^ a b c Cold war fortress. BBC. 2002 [2013-10-17] (tiếng Anh).
  105. ^ China: Chiang Kai-shek: Death of the Casualty. TIME. 1975-04-14 [2013-10-1] (tiếng Anh).
  106. ^ 《同濟大學學報》. 台灣對外交往權相關問題研究. 中國評論學術出版社. 2005-. [2014-02-23] (phồn thể).
  107. ^ United States Department of State. Asia Pacific Economic Cooperation (APEC), 1989. Office of the Historian. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  108. ^ Edmund S. K. Fung (ngày 4 tháng 9 năm 2000). In Search of Chinese Democracy: Civil Opposition in Nationalist China, 1929-1949 (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Cambridge University Press. tr. 85. ISBN 978-0521771245. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  109. ^ Linda Chao and Ramon Hawley Myers (tháng 6 năm 1997). Democracy's New Leaders in the Republic of China on Taiwan (bằng tiếng Anh). Stanford: Hoover Institution. tr. 3. ISBN 978-0817938024. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
  110. ^ John Copper (ngày 6 tháng 1 năm 2005). Consolidating Taiwan's Democracy (bằng tiếng Anh). Lanham: University Press of America. tr. 8. ISBN 978-0761829775. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
  111. ^ a b c Out with the old. BBC. [2013-10-18] (tiếng Anh).
  112. ^ 唐復年. 轉型再轉型 Lưu trữ 2015-03-19 tại Wayback Machine. 《聯合報》. [2013-10-18] (Chữ Hán phồn thể).
  113. ^ 林濁水. 【華山論劍】召開國是會議 進行憲政改造. 想想論壇. 2013-08-29 [2015-12-28] (Chữ Hán phồn thể).
  114. ^ 第三章 轉型﹕台灣民主化經驗的實踐. 國立政治大學. [2015-12-28] (Chữ Hán phồn thể).
  115. ^ 香港電台. 李登輝執政(下). 《神州五十年》. [2013-10-18] (phồn thể).
  116. ^ a b c 王業立. 總統直選對憲政運作之影響. 國家政策研究基金會. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  117. ^ Path to democracy. 英國廣播公司新聞網. [2013-10-18] (tiếng Anh).
  118. ^ Independence dilemma. 英國廣播公司新聞網. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  119. ^ 【阿扁啟示錄】朝小野大僵局 扁偏自毀誠信. TVBS新聞台. 2008-05-02 [2015-12-28] (Chữ Hán phồn thể).
  120. ^ 《台灣演義》. 2013.09.28【台灣演義】民進黨史. YouTube. 2013-09-29 [2015-12-28] (Chữ Hán phồn thể).
  121. ^ 全台謝票 馬誓告別族群對立. 《泰國世界日報》. 2008-03-26 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  122. ^ Taiwan profile: Leaders. BBC. 2014-03-19 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  123. ^ 何庭歡. 無法回頭的兩岸 馬連任致勝關鍵 Lưu trữ 2015-03-21 tại Wayback Machine. 鉅亨網. 2012-01-17 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  124. ^ Luke Sabatier. Retreat to Taiwan. GlobalSecurity.org. 2008-03-22 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  125. ^ 梁國書. 台灣選舉: 馬英九成功連任總統 Lưu trữ 2014-12-22 tại Wayback Machine. KTSF. 2012-01-14 [2014-02-23] (phồn thể).
  126. ^ Ko Shu-Ling. Ma refers to China as ROC territory in magazine interview. Taipei Times. 2008-10-8 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  127. ^ Taiwan and China in ‘special relations’: Ma Lưu trữ 2008-09-06 tại Wayback Machine. China Post Online. 2008-09-4 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  128. ^ 外媒:兩岸關係穩定 贏得民心關鍵. 《人間福報》. 2012-01-16 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  129. ^ 郭瓊俐、鄭宏斌、丘采薇和李順德. 中華民國首位女總統 蔡英文領民進黨完全執政. 聯合新聞網. 2016-01-17 [2016-01-27] (Chữ Hán phồn thể).
  130. ^ Nan-Jung Kuo and Chung-Ru Ho. Sea Surface Observation in the Taiwan Strait Using Satellite Imager from HRPT Station. National Taiwan Ocean University. 2012-12-3 [2013-10-17] (tiếng Anh).
  131. ^ a b c d Ministry of Foreign Affairs, Republic of China. Taiwan Proper Lưu trữ 2012-03-12 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-28 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  132. ^ 楊穎堅. 台灣週邊海域之海流分佈. 中華民國海軍軍官學校 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  133. ^ 行政院新聞. 「秘魯國家電視台」(TV Peru)雙十國慶當日播出7分鐘專輯報導 Lưu trữ 2017-09-27 tại Wayback Machine. 臺北經濟文化代表處. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  134. ^ Kang Chao and Marshall Johnson. Nationalist Social Sciences and the Fabrication of Subimperial Subjects in Taiwan. East Asia Cultures Critique. 2000-11-1: p167 (tiếng Anh).
  135. ^ 中華民國內政部. 土地. 行政院. 2014-03-05 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  136. ^ a b c 楊明山. 臺灣島的形成. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  137. ^ Megan Anderson. Taiwan Lưu trữ 2010-12-05 tại Wayback Machine. University of Arizona. 2001-05-3 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  138. ^ R. D. Larter (ngày 1 tháng 1 năm 2003). Intra-Oceanic Subduction Systems: Tectonic and Magmatic Processes (bằng tiếng Anh). London: Geological Society of London. tr. 84–86. ISBN 978-1862391475. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  139. ^ a b c d e f Ministry of Foreign Affairs, Republic of China. Taiwan Proper Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-28 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  140. ^ 「九二一」最嚴重 2400死逾萬人傷. 《東方日報》. 2013-06-23 [2014-02-23] (tiếng Anh)
  141. ^ World: Asia-Pacific Rescuers hunt quake survivors. BBC. 1999-09-21 [2014-02-23] (tiếng Anh)
  142. ^ U.S. Geological Survey. GSHAP Region 8 Eastern Asia. Global Seismic Hazard Assessment Program. 1999-08-4 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  143. ^ 楊明山. 臺灣特殊地形 Lưu trữ 2018-10-22 tại Wayback Machine. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  144. ^ 曹恕中、謝有忠和陳棋炫. 火山活動監測:大屯山火山群與龜山島海域火山 Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine. 國立臺灣大學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  145. ^ a b c 楊明山. 臺灣五大地形 Lưu trữ 2018-06-12 tại Wayback Machine. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  146. ^ a b c d e 周瑞燉 (ngày 1 tháng 12 năm 2010). 《臺灣全志卷二:土地志地質篇》 (bằng tiếng Trung). 國史館臺灣文獻館. ISBN 978-9860249316. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  147. ^ Joshua Calder. Tallest Islands of the World. WorldIslandInfo.com. 2006-04-5 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  148. ^ 郭大玄 (2005). 臺灣地理: 自然、社會與空間的圖像 (bằng tiếng Trung). 五南文化. tr. 第120頁. ISBN 978-9571138459. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  149. ^ 楊明山. 臺灣離島地形 Lưu trữ 2018-03-23 tại Wayback Machine. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  150. ^ 靜浦北迴歸線界標 熱帶與亞熱帶的分界線 Lưu trữ 2018-06-12 tại Wayback Machine. 花蓮縣政府. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  151. ^ 中央情報局]]. CLIMATE Lưu trữ 2018-10-17 tại Wayback Machine. 《The World Factbook》. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  152. ^ 中華民國內政部. 地文. 行政院. 2014-04-08 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  153. ^ 氣象常識. 交通部中央氣象局 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  154. ^ 中廣新聞網]]. 五、六月台灣進入梅雨季 慎防劇烈強降雨成災. Yahoo! News. 2013-05-02 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  155. ^ Monthly Mean Days of Precipitation. 交通部中央氣象局. 2005-12-03 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  156. ^ 天氣與氣候 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 高雄市立楠梓區莒光國小. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  157. ^ a b c d Government Information Office, Executive Yuan. CHAPTER 1 Geography. The Republic of China Yearbook 2011. 2011- [2014-02-23] (tiếng Anh).
  158. ^ 經濟部水利署北區水資源局]]. 台灣的【水資源】嚴重不足 Lưu trữ 2018-06-15 tại Wayback Machine. 經濟部水利署. 2008-12-18 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  159. ^ 第三章 台灣地區水資源特性 Lưu trữ 2015-09-08 tại Wayback Machine. 經濟部水利署. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  160. ^ 濁水溪之最 Lưu trữ 2016-01-05 tại Wayback Machine. 水利署第四河川局. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  161. ^ 楊明山. 水文. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  162. ^ 楊明山. 臺灣四個海岸比較 Lưu trữ 2018-06-30 tại Wayback Machine. 臺北市立大理高級中學. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  163. ^ 行政院農業委員會. 生態保育. 行政院. 2014-03-05 [2014-02-23 (Chữ Hán phồn thể).
  164. ^ Government Information Office, Executive Yuan. Wildlife Protection. The Republic of China Yearbook 2009. 2009-1-1 (tiếng Anh).
  165. ^ Ministry of the Interior of the Republic of China. 國家公園簡介. 行政院. 2014-03-05 [2014-02-23 (Chữ Hán phồn thể).
  166. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China. Nature Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-28 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  167. ^ a b c d Mátyus Sándor: Ki áll nyerésre a Tajvani-szorosban? – Tajvan sorsdöntő választások előtt. Elektronikus Periodika Archívum és Adatbázis}. 2007-1 [2014-02-23] Bản mẫu:Hu.
  168. ^ a b c Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). [Government Information Office, Executive Yuan Constitution]. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-04-23 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  169. ^ a b c d e f Government Information Office, Executive Yuan. Chapter 4: Government. Taipei: The Republic of China Yearbook 2011. trang 55-65 (tiếng Anh).
  170. ^ 前言. 立法院. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  171. ^ a b c Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Government Structure Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-04-23 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  172. ^ Kanishka Jayasuriya (ngày 9 tháng 1 năm 1999). Law, Capitalism and Power in Asia: The Rule of Law and Legal Institutions (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Routledge. tr. 217. ISBN 978-0415197434. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2014.
  173. ^ 立法委員. 立法院. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  174. ^ 中華民國中央選舉委員會. 選舉. 行政院. 2014-03-13 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  175. ^ Huang Jei-hsuan. Letter: KMT holds the key. Taipei Times. 2006-09-14 [2014-02-24] (tiếng Anh).
  176. ^ Taiwan assembly passes changes. BBC. 2005-06-7 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  177. ^ a b 謝政道 (2007). 《中華民國修憲史》 (bằng tiếng Trung). 揚智文化. ISBN 978-9578188273. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  178. ^ 任期與任命. 司法院大法官. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  179. ^ Additional Articles. Office of the President. [2014-02-26] (tiếng Anh).
  180. ^ 林遠山. 葛永光談台灣監察制 「五權分立」優於西方制度. 《大紀元時報》. 2013-11-23 [2014-02-26] (phồn thể).
  181. ^ 高全喜. 协商与代表:政协的宪法角色及其变迁. 新浪. 2013-11-25 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  182. ^ 憲法. 行政院. 2012-05-10 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  183. ^ Tom Ginsburg (ngày 23 tháng 7 năm 2003). Judicial Review in New Democracies: Constitutional Courts in Asian Cases (bằng tiếng Anh). Cambridge, UK: Cambridge University Press. tr. 111. ISBN 978-0521520393. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2014.
  184. ^ 第十四章 憲法的修改 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 國立臺北大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  185. ^ 中華民國史 Lưu trữ 2015-09-23 tại Wayback Machine. 國史館. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  186. ^ a b c About Us. Supreme Court of the Republic of China. [2014-02-26] (tiếng Anh).
  187. ^ 賴丕仁. 英美契約法之損害賠償範圍. 臺灣法律網. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  188. ^ 法規名稱英譯統一標準. 中華民國教育部. 2003-07-3 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  189. ^ 職權. 立法院 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  190. ^ 中央法規標準法. 中華民國法務部. 2004-05-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  191. ^ 憲法法庭. 司法院大法官. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  192. ^ 陳鑑波. 行政訴訟與行政法院 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 《中華百科全書》. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  193. ^ 高鳳仙、[趙昌平、陳健民和沈美真。專業法庭(院)執行成效之探討 專案調查研究報告 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine監察院. 2013-6 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  194. ^ 法院辦理軍事審判法修正施行後軍事法院移送軍法案件應行注意事項. 《司法周刊》 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  195. ^ Rich Chang. Nation keeps death penalty, but reduces executions. Taipei Times. 2006-06-2 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  196. ^ “2017年5月24日,大法官宣布现行民法相关条文违宪,要求立法机关两年内修法保障同性结合的权利。”. 蘋果日報. ngày 24 tháng 5 năm 2017.
  197. ^ “#LoveWon: Taiwan legalises same-sex marriage in landmark first for Asia”. AFP. ngày 17 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2019.
  198. ^ “Taiwan becomes first country in Asia to legalise same-sex marriage”. The Telegraph. ngày 17 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2019.
  199. ^ 仝澤蓉. 台灣好多黨? 全台286個!. 聯合新聞網. 2015-12-4 [2016-8-15] (Chữ Hán phồn thể).
  200. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Political Parties Lưu trữ 2015-12-23 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-04-23 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  201. ^ Michael Swaine、James Mulvenon & Kevin Pollpeter (ngày 29 tháng 11 năm 2001). Tawian's Foreign and Defense Policies: Features and Determinants (bằng tiếng Anh). Rand Publishing. tr. 30. ISBN 978-0833030948. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  202. ^ Jim Hoare & Susan Pares (ngày 3 tháng 5 năm 2005). A Political and Economic Dictionary of East Asia (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Routledge. tr. 267. ISBN 978-1857432589. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2014.
  203. ^ Hisahiko Okazaki. No sign of a ‘peace agreement’. The Japan Times. 2008-12-30 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  204. ^ 10 Questions: Ma Ying-jeou. Time. 2006-07-10 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  205. ^ Independence debate. BBC. 2009 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  206. ^ Jane Macartney. War of words after call for independence Lưu trữ 2017-01-31 tại Wayback Machine. The Times. 2007-03-6 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  207. ^ a b Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). 外交政策與對外關係. 行政院. 2014-03-25 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  208. ^ 中央通訊社. 「台灣具有國家所有特徵…」瑞士法院裁定 我有權控告ISO. 《自由時報》. 2008-09-18 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  209. ^ 張芳明. 日英文報籲國際尋求解決之道 協助台灣入聯. 《大紀元時報》. 2007-09-30 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  210. ^ The Official Position of the Republic of China (Taiwan) on China’s Passing of the Anti-secession (Anti-Separation) Law. Mainland Affairs Council. 2005-03-29 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  211. ^ History. BBC. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  212. ^ 台灣人口. 中華消費者安保協會. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  213. ^ 陳沛郎. 從地域觀念看「台灣意識」. 國立臺灣師範大學. 2002-6 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  214. ^ 王為. 台湾社会政治文化结构变迁及其冲突性特征 Lưu trữ 2014-11-08 tại Wayback Machine. 《太平洋學報》. 2012-2 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  215. ^ 趙怡. 兩岸交流 憂喜參半. 國家政策研究基金會. 2013-03-6 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  216. ^ 楊芙宜. 兩岸一邊一國 民調:七成民眾認同. 《自由時報》. 2014-02-9 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  217. ^ 曾韋禎. 政大調查 台灣人認同、台獨支持率均攀新高. 《自由時報》. 2014-07-11 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  218. ^ a b Present status. BBC. [2014-02-27] (tiếng Anh).
  219. ^ 何經緯. 訪談:誰能問鼎台灣女總統?. 《紐約時報》. 2015-08-19 [2016-02-16] (phồn thể).
  220. ^ a b Taiwan country profile. BBC. 2016-1-20 [2016-02-16] (tiếng Anh).
  221. ^ 林琳. 美國大西洋月刊討論台海兩岸軍事衝突可能性. 非常道探索. 2004-11-29 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  222. ^ 陳慧萍. TVBS民調 71%希望台灣獨立. 《自由時報》. 2013-10-31 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  223. ^ 傅琪貽. 從開羅宣言與中日和約論台灣地位 Lưu trữ 2013-12-12 tại Wayback Machine. 台灣日本綜合研究所. [2015-09-9] (Chữ Hán phồn thể).
  224. ^ FAR EAST (FORMOSA AND THE PESCADORES) Lưu trữ 2017-10-18 tại Wayback Machine. Parliament of the United Kingdom. 1955-05-4 [2015-09-9] (tiếng Anh).
  225. ^ 蘇瑤崇. 論臺灣省行政長官公署「軍事佔領體制」與其問題. 臺灣南投: 國史館臺灣文獻館. 2009-6 [2015-09-9] (Chữ Hán phồn thể).
  226. ^ 王榮霖 (ngày 19 tháng 12 năm 2013). 全球治理與臺灣的活絡模式 (bằng tiếng Trung). 臺灣臺北: 思行文化. tr. 第169頁. ISBN 978-9869005821. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  227. ^ a b c 國府遷台的重新更易行政區. 中華民國教育部 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  228. ^ Joe Havely. World: Asia-Pacific Analysis: Flashpoint Spratly. BBC. 1999-02-14 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  229. ^ 學者:釣魚台爭議 須回歸國際法. 《自由時報》. 2002-09-28 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  230. ^ 李登輝:兩岸關係已成「大魚吃小魚」 Lưu trữ 2014-12-13 tại Wayback Machine. 風傳媒. 2014-07-29 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  231. ^ 臺灣省政府功能業務與組織調整暫行條例 Lưu trữ 2013-05-19 tại Wayback Machine. 立法院. 2000-12-06 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  232. ^ Jim Hwang. Gone with the Times Lưu trữ 2018-12-25 tại Wayback Machine. Taiwan Review. 1999-10-1 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  233. ^ 北高二市之升格. 中華民國教育部 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  234. ^ 李志德、李順德、林新輝和李祖舜. 北縣台中高雄 升格過關. 苦勞網. 2009-06-24 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  235. ^ 諶淑婷. 改制直轄市 利弊互見 Lưu trữ 2014-12-23 tại Wayback Machine. 《國語日報》. 2009-07-06 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  236. ^ Loa Iok-sin、Jenny W. Hsu and Rich Chang. City upgrades draw mixed reaction. 《台北時報》. 2009-06-25 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  237. ^ 李順德. 文化古都/台南縣市 火速升格. 《聯合報》. 2009-06-30 (Chữ Hán phồn thể).
  238. ^ 政府組織 Lưu trữ 2014-07-14 tại Wayback Machine. 行政院新聞局. [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  239. ^ 前言 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 中華民國內政部. 2010-12-12 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  240. ^ 《聯合報》. Premier Wu greenlights Taoyuan County upgrade. Taiwan Journal. 2010-12-14 [2014-03-14] (tiếng Anh).
  241. ^ 中華民國內政部和行政院研究發展考核委員會. 政府組織. 行政院. 2013-12-18 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  242. ^ Growth in United Nations membership, 1945-present. United Nations. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  243. ^ 第五章:安全理事会. 聯合國. [2014-02-23] (Chữ Hán giản thể).
  244. ^ 王榮川. 蔣經國先生的外交思想(一九七一—一九八八). 國防大學政治作戰學院. 2014-05-8 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  245. ^ 陸以正. 謝長廷先生 請先弄清歷史事實. 國家政策研究基金會. 2007-09-7 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  246. ^ 涂成吉 (ngày 1 tháng 8 năm 2008). 中華民國在聯合國的最後日子: 一九七一年台北接受雙重代表權之始末 (bằng tiếng Trung). 秀威出版社. tr. 第96頁至第97頁. ISBN 978-9862210574. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  247. ^ Eyal Propper. How China Views Its National Security Lưu trữ 2012-03-25 tại Wayback Machine. Israel Council on Foreign Relations. 2000-05-12 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  248. ^ 許慶雄. 臺灣的國際法地位. 台灣國家定位論壇. 2001 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  249. ^ |Nicaragua chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loanhttps://znews.vn/nicaragua-cham-dut-quan-he-ngoai-giao-voi-dai-loan-post1282497.html
  250. ^ 邦交國. Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). [2019-9-20] (Chữ Hán phồn thể).
  251. ^ Nicaragua chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan|https://znews.vn/nicaragua-cham-dut-quan-he-ngoai-giao-voi-dai-loan-post1282497.html
  252. ^ 蕭琇安. 第七場【現代國際法講堂】─ 蕭琇安研究員:國際法「承認理論」的新視野. 中華民國國際法學會. 2012-12-18 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  253. ^ “Taiwan brief” (bằng tiếng Anh). Department of Foreign Affairs and Trade (Australia). tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  254. ^ 邵宗海 (1998). 兩岸關係: 兩岸共識與兩岸岐見 (bằng tiếng Trung). 五南文化. tr. 第413頁至第416頁. ISBN 978-9571115306. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  255. ^ Pobzeb Vang (ngày 12 tháng 4 năm 2008). Five Principles of Chinese Foreign Policies (bằng tiếng Anh). Bloomington, USA: AuthorHouse. tr. 46. ISBN 978-1434369710. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  256. ^ Jean-Marie Henckaerts (ngày 12 tháng 9 năm 1996). International Status of Taiwan in the New World Order:Legal and Political Considerations (bằng tiếng Anh). Boston: Martinus Nijhoff Publishers. tr. 96–97. ISBN 978-9041109293. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  257. ^ 蘇永耀和陳慧萍. 外交休兵誤台 深陷主權危機. 《自由時報》. 2011-05-16 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  258. ^ 林梳雲. 中未休兵沒活路 外交成效露馬腳. 《玉山周報》. 2011-02-22 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  259. ^ 陳隆志. 台灣與聯合國─回顧與展望. 台灣新世紀文教基金會 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  260. ^ 吳志中. 消失中之國家主權—兼論馬政府放棄推動台灣入聯. 台灣新世紀文教基金會 [2016-1-5] (Chữ Hán phồn thể).
  261. ^ 李敏智、施浚龍和謝侑道. 美國對中華民國在聯合國政策之演變 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 東海大學. 2010-06-15 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  262. ^ Taiwan and the United Nations. New Taiwan. 2004-02-24 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  263. ^ Taiwan. UNPO. 2008-03-25 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  264. ^ Messages from Directors. Taiwan Foundation for Democracy. [2014-02-27] (tiếng Anh).
  265. ^ 宣布加註「TAIWAN」之新版護照將於八月一日起接受預約申請記者會答詢紀要. 中華民國外交部. 2003-07-28 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  266. ^ Taiwan insists on ‘Chinese Taipei’. The China Post. 2008-07-25 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  267. ^ 林家榮. 我國參與經濟合作暨發展組織(OECD)農業活動之現況與展望 Lưu trữ 2016-03-23 tại Wayback Machine. 行政院農業委員會 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  268. ^ 李姿慧和王家俊. 等42- 台返國際民航組織. 《蘋果日報》]. 2013-09-14 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  269. ^ 陳隆志. 台灣與聯合國專門機構. 台灣新世紀文教基金會. 2010-03-30 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  270. ^ Vì sao Trung Quốc không giải phóng được Đài Loan? Lưu trữ 2018-01-21 tại Wayback Machine, 01/11/2013, Báo Đời sống và Pháp luật
  271. ^ 陳民峰. 一個九二共識各自表述. 法國國際廣播電台. 2015年11月8日 [2016年1月24日] (phồn thể).
  272. ^ 陳榮驤. 台商對中國大陸經濟發展之貢獻. 國立臺北大學. 2010-12-31 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  273. ^ 兩岸經貿「積極管理、有效開放」配套機制. 行政院大陸委員會. 2006-03-22 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  274. ^ 第三章 我國公民投票法立法過程之探討. 國立政治大學 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  275. ^ 王鵬捷. 馬16字箴言 黨政高層:強調正視現實. 《中央日報》. 2009-07-27 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  276. ^ Sophie Yu和Jane Macartney. Direct flights between China and Taiwan mark new era of improved relations. 《泰晤士報》. 2008-12-16 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  277. ^ 王鵬捷. 两岸直接三通今日全面启动 掀开历史新页. 中國新聞社. 2008-12-15 [2016-1-25] (Chữ Hán phồn thể).
  278. ^ 馬英九"非國與國"特殊關係論引關注. BBC中文網. 2008-09-4 [2015-1-27] (phồn thể).
  279. ^ 行政院大陸委員會. 兩岸關係. 行政院. 2014-03-14 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  280. ^ 馬英九:兩岸不是國與國關係 Lưu trữ 2016-02-02 tại Wayback Machine. 《大公報》. 2015-05-26 [2016-1-27] (phồn thể).
  281. ^ “Impulsa Taiwan la reconciliación” (bằng tiếng (tiếng Tây Ban Nha)). Organizacion Editorial Mexicana}. ngày 2 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  282. ^ 就職演說 馬:一國兩區是兩岸最理性務實定位 Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine. ETtoday 東森新聞雲. 2012-05-20 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  283. ^ 陳民峰. 一個九二共識各自表述. 法國國際廣播電台. 2015-11-8 [2016-1-24] (phồn thể).
  284. ^ 张红日. 蔡英文接受美国媒体专访 对"九二共识"表态. 觀察者網. 2016-7-22 [2017-2-18] (Chữ Hán giản thể).
  285. ^ a b 國務院臺灣事務辦公室. The One-China Principle and the Taiwan Issue(2000) Lưu trữ 2016-03-05 tại Wayback Machine. 中華人民共和國國務院. 2005-07-27 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  286. ^ Taiwan 'embassy' changes anger China. BBC. 2002-02-26 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  287. ^ 張芳明. 日英文報吁國際尋求解決之道 協助台灣入聯. 多維新聞. 2007-09-30 [2014-02-23] (phồn thể).
  288. ^ 鄭浩中. 聖露西亞搭上台灣不舍大陸 兩岸凱子外交熱打. 阿波羅新聞網. 2007-04-26 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  289. ^ 我們對一國兩制之看法. 行政院大陸委員會. 1998-07-23 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  290. ^ 和平統一‧一國兩制 Lưu trữ 2016-01-29 tại Wayback Machine. 中華人民共和國政府. 2005-07-29 [2014-02-23] (phồn thể).
  291. ^ The Washington Post. "China's Threats" Lưu trữ 2012-01-07 tại Wayback Machine. Formosan Association for Public Affairs. 2000-02-23 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  292. ^ 第五章 反分裂國家法的規範性與對台政策走向. 國立政治大學. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  293. ^ a b c 中華民國國防部. 國防. 行政院. 2014-03-13 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  294. ^ a b 2004 National Defense Report. Taipei: Ministry of National Defense of the Republic of China. Year 2004: tr 89-90 (tiếng Anh).
  295. ^ 許紹軒. 馬雖釋善意 陳肇敏︰中對台飛彈續增. 《自由時報》. 2008-08-27 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  296. ^ a b M. Taylor Fravel. Towards Civilian Supremacy: Civil-Military Relations in Taiwan's Democratization. SAGE出版集團. 2002 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  297. ^ Committed to Taiwan. The Wall Street Journal. 2001-04-26 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  298. ^ 陳布雷. 《蔣介石先生年表:一八八七年十月三十一日至一九七五年四月五日》. 臺灣臺北: 國防部政治作戰局. 1978. (Chữ Hán phồn thể).
  299. ^ 松田康博. 《蔣介石的領導風格與遷台戰略》. 中國香港: 商務印書館. 2009-12-. (phồn thể).
  300. ^ Michael Swaine、James Mulvenon and Kevin Pollpeter (ngày 29 tháng 11 năm 2001). Tawian's Foreign and Defense Policies: Features and Determinants (bằng tiếng Anh). Rand Publishing. tr. 65. ISBN 978-0833030948. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  301. ^ Taiwan Yearbook 2004 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tháng 10 năm 2004. ISBN 978-9570182194. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  302. ^ William Bishop. Women Take Command. Taiwan Today. 2004-01-01 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  303. ^ Taiwan Yearbook 2005 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tháng 10 năm 2005. ISBN 978-9860028980. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  304. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Compulsory Military Service Lưu trữ 2015-07-08 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-04-23 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  305. ^ Military alternative in Taiwan. BBC. 2000-05-01 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  306. ^ 中華民國國家發展委員會. 中華民國103-國家發展計畫. 行政院. 2014-03-12 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  307. ^ 寇謐將. The myth: a professional military in five years. Taipei Times. 2009-03-21 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  308. ^ Lawrence Chung. Taiwan to end conscription, cut force's size. 《南華早報》. 2009-03-10 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  309. ^ 彭博通訊社. Taiwan to shorten conscription term to one year. Taiwan News. 2008-12-3 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  310. ^ 陸軍軍官學校 Lưu trữ 2013-04-13 tại Wayback Machine. 中華民國陸軍軍官學校. [2015-12-13] (Chữ Hán phồn thể).
  311. ^ 空軍官校簡介. 中華民國空軍軍官學校. 2015-04-15 [2015-12-13] (Chữ Hán phồn thể).
  312. ^ Michael Swaine、James Mulvenon and Kevin Pollpeter (ngày 29 tháng 11 năm 2001). Tawian's Foreign and Defense Policies: Features and Determinants (bằng tiếng Anh). Rand Publishing. ISBN 978-0833030948. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
  313. ^ 第二節 國防財力 Lưu trữ 2012-09-26 tại Wayback Machine. 中華民國國防部. 2011 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  314. ^ 台灣關係法 Lưu trữ 2014-02-12 tại Wayback Machine. 美國在臺協會. 1979-1-1 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  315. ^ Stephen J. Yates. The Taiwan Relations Act After 20 Years: Keys to Past and Future Success. 美國傳統基金會. 1999-04-16 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  316. ^ 美國對台軍售大事記. 美國之音. 2013-07-10 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  317. ^ Jean-Pierre Cabestan. France's Taiwan Policy: A Case of Shopkeeper Diplomacy. Canadian Energy Research Institute. 2001-1 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  318. ^ AP. Taiwan trying to shore up weapons support. USA TODAY. 2004-09-24 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  319. ^ Kelly Her (ngày 1 tháng 12 năm 2005). “Privatization Set in Motion” (bằng tiếng Anh). Taiwan Review. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
  320. ^ 國民所得統計摘要. 行政院主計總處. 2015-8 [2015-08-16] (Chữ Hán phồn thể).
  321. ^ 許松根. 出口擴張與產業升級:戰後台灣的個案研究. 淡江大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  322. ^ 王立德和陳智偉. 第二章 台灣的出口概況. 國立政治大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  323. ^ 顏真真. 續創新高! 4-外匯存底增至4191.99億美元. 今日新聞網. 2014-05-3 [2014-12-18] (Chữ Hán phồn thể).
  324. ^ 王立德和陳智偉. 我外匯存底 12-續創新高. 《蘋果日報》. 2013-1-5 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  325. ^ 顏真真. 外匯存底. 中華民國中央銀行. 2015-7 [2015-08-16] (Chữ Hán phồn thể).
  326. ^ CIA. RESERVES OF FOREIGN EXCHANGE AND GOLD Lưu trữ 2007-06-13 tại Wayback Machine. The World Factbook. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  327. ^ 5. Report for Selected Countries and Subjects. IMF [2014-02-28] (tiếng Anh).
  328. ^ The Global Competitiveness Report 2014–2015. World Economic Forum. 2015- (tiếng Anh).
  329. ^ 中華民國經濟部. 進出口貿易量. 行政院. 2015-03-23 [2015-08-16] (Chữ Hán phồn thể).
  330. ^ 李櫻穗. 產業結構變遷與服務業發展策略之研究 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 國立空中大學. 2013 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  331. ^ 表二:各業產值概況. 中華經濟研究院. [2015-08-16] (Chữ Hán phồn thể).
  332. ^ 第三章 中小企業的發展. 國立政治大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  333. ^ 經濟部技術處. 2008 White Paper on Taiwan Industrial Technology. 臺灣臺北: 中華民國經濟部. 2008-: 第5頁 (tiếng Anh).
  334. ^ 中華民國進口貿易前五十名國家. 中華民國經濟部 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  335. ^ 中華民國出口貿易前五十名國家. 中華民國經濟部 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  336. ^ Phil Harding. Taiwan's Grand Hotel welcome for Chinese visitors. BBC. 2010-1-23 [2014-02-28] (tiếng Anh).
  337. ^ Peter Morris. Taiwan business in China supports opposition Lưu trữ 2011-05-13 tại Wayback Machine. Asia Times Online. 2004-02-4 [2014-02-28] (tiếng Anh).
  338. ^ 邱曉嘉. 產業外移的危機與轉機 Lưu trữ 2010-03-12 tại Wayback Machine. 國家政策研究基金會. 2000-09-31 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  339. ^ Yang Ya-Hwei. Coping with Asian financial crisis: The Taiwan experience. Seoul Journal of Economics. 1998-1-1 (tiếng Anh).
  340. ^ 〈社論〉"產業外移中國,台灣熄火"的警訊出現了!. 《自由時報》. 2005-07-22 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  341. ^ 陳水扁"執政"8- 島內失業率平均超過4% Lưu trữ 2019-12-08 tại Wayback Machine. 華夏經緯網. 2008-05-23 [2015-08-16] (phồn thể).
  342. ^ 蕭旭岑. 盛治仁國民黨中常會演說:41%民眾認失業肇因台商西進. 苦勞網. 2007-06-21 [2014-02-27] (Chữ Hán phồn thể).
  343. ^ a b c Government Information Office, Executive Yuan. Telecommunications. 臺灣臺北: The Republic of China Yearbook 2009. 2009- (tiếng Anh).
  344. ^ 公路分類 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 中華民國交通部 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  345. ^ 中華民國 100 年交通部公路總局統計年報. 中華民國交通部. 2012-8 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  346. ^ 李奇. 第三波高速路即將陸續上線 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 中華民國國家發展委員會. 2007-09-14 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  347. ^ 中華民國交通部. 陸運. 行政院. 2013-08-1 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  348. ^ 陳世圯和凃維穗. 花東快速公路為發展東部經濟之重要基層建設. 國家政策研究基金會. 2013-03-6 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  349. ^ 雪山隧道命名 Lưu trữ 2015-09-23 tại Wayback Machine. 國立交通大學. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  350. ^ a b c Government Information Office, Executive Yuan. Transportation. The Republic of China Yearbook 2009. 2009- (tiếng Anh).
  351. ^ 中華民國交通部. 臺鐵. 行政院. 2014-03-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  352. ^ 民國102-(1-至12-) Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine. 臺灣鐵路管理局 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  353. ^ 中華民國交通部. 南北高速鐵路. 行政院. 2014-03-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  354. ^ 中華民國交通部. 捷運. 行政院. 2014-03-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  355. ^ a b 中華民國交通部. 海運. 行政院. 2014-03-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  356. ^ 台灣地區國際港附近海域海氣象現場調查分析研究 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 交通部運輸研究所. 2003-6 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  357. ^ 高雄港首度輸天津 全球排名掉到13. 《中國評論》. 2012-02-10 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  358. ^ 中華民國交通部. 空運. 行政院. 2014-03-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  359. ^ 交通環境資源處. 交通部. 行政院. 2013-02-18 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  360. ^ 陳奕志. 高鐵通車一年對運輸業的影響. 國家政策研究基金會. 2008-02-12 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  361. ^ Current Situation Lưu trữ 2016-03-03 tại Wayback Machine. Bureau of Energy. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  362. ^ 臺北自來水事業處市政品質意見調查. 國立臺北大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  363. ^ History. 台灣自來水公司. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  364. ^ Chunghwa Post Co., Ltd. Company Profile. Yahoo Finance. [2014-02-28] (tiếng Anh).
  365. ^ 主要股東. 中華電信. 2014 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  366. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Telecommunications Lưu trữ 2012-03-12 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-27 [2014-02-28] (tiếng Anh).
  367. ^ 台灣科學普及發展史 Lưu trữ 2017-10-24 tại Wayback Machine. 國立成功大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  368. ^ 第十六章 台灣的科技發展與成就. 中國文化大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  369. ^ 中央研究院物理研究所和行政院國家科學委員會 (ngày 3 tháng 9 năm 2010). 《台灣科技產業驚嘆號》 (bằng tiếng Trung). 遠流出版公司. ISBN 978-9573265672.
  370. ^ 遨遊星際 今年…從工博館開始 Lưu trữ 2016-03-07 tại Wayback Machine. 國立科學工藝博物館 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  371. ^ 公會簡介 Lưu trữ 2018-07-03 tại Wayback Machine. 台灣科學工業園區科學工業同業公會 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  372. ^ 六大新興產業 Lưu trữ 2014-07-15 tại Wayback Machine. 中華民國國家發展委員會. 2009-10-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  373. ^ 中華民國內政部. 人口. 行政院. 2014-03-12 [2014-09-8] (Chữ Hán phồn thể).
  374. ^ 一點問題都沒有 內政部:林書豪百分百是中華民國國民 Lưu trữ 2015-07-09 tại Wayback Machine. ETtoday 東森新聞雲. 2012-07-23 [2014-09-8] (Chữ Hán phồn thể).
  375. ^ 外勞資訊通. 新北市政府勞工局. 2011-9 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  376. ^ 鄭弘斌. 台灣人的構成. 臺灣海外網. [2014-03-2] (Chữ Hán phồn thể).
  377. ^ Government Information Office, Executive Yuan. 族群. 行政院. 2014-04-9 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  378. ^ 現住原住民人口數按性別、原住民身分及族別分 Lưu trữ 2018-08-02 tại Wayback Machine. 中華民國原住民族委員會. 2014-7 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  379. ^ 內政部戶政司. 現住原住民人數 Indigenous People Lưu trữ 2017-06-20 tại Wayback Machine. 中華民國內政部. 2014-02-10 [2014-03-2] (Chữ Hán phồn thể).
  380. ^ An Overview of Taiwan’s Indigenous Groups. Government Information Office, Executive Yuan. 2006 [2014-03-2] (tiếng Anh).
  381. ^ 居住臺閩地區外籍人口概況. 行政院主計總處. 2010 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  382. ^ “Từ 'cô dâu Việt' đến 'cư dân mới'.
  383. ^ 教育部國語推行委員會簡介 Lưu trữ 2012-07-02 tại Wayback Machine. 國家教育研究院. [2014-03-02] (Chữ Hán phồn thể).
  384. ^ a b Government Information Office, Executive Yuan. Languages. The Republic of China Yearbook 2011. 2011 (tiếng Anh).
  385. ^ a b 陳貞臻. 我國小學國語科課程標準之演變及其內涵分析(1902-1993). 臺灣臺北: 國立臺灣師範大學 (Chữ Hán phồn thể).
  386. ^ 洪惟仁. 台灣的語言政策何去何從 Lưu trữ 2014-12-27 tại Wayback Machine. 各國語言政策研討會. [2014-03-2] (Chữ Hán phồn thể).
  387. ^ 邱湘雲. 閩客方言比較的文獻的回顧與展望 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 國立成功大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  388. ^ Lynn F. Lee. Languages in Taiwan Today. Government Information Office, Executive Yuan (tiếng Anh).
  389. ^ 林怡珍. 婚姻與族群邊界-以馬祖旅台人士為例 Lưu trữ 2014-11-07 tại Wayback Machine. 輔仁大學. 2012-11 [2014-03-2] (Chữ Hán phồn thể).
  390. ^ 中華民國內政部. 語言. 行政院. 2012-05-10 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  391. ^ Elizabeth Zeitoun and Ching-Hua Yu. The Formosan Language Archive: Linguistic Analysis and Language Processing Lưu trữ 2011-07-20 tại Wayback Machine. Computational Linguistics and Chinese Language Processing. 2005-06-2 [2014-03-2] (tiếng Anh).
  392. ^ 行政院主計總處. 6歲以上本國籍常住人口在家使用語言情形. 中華民國統計資訊網. 2010 [2014-03-2] (Chữ Hán phồn thể).
  393. ^ 藍順德 (2006). 教科書政策與制度 (bằng tiếng Trung). 五南文化. tr. 第127頁. ISBN 978-9571141084. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  394. ^ “Taiwan to make English an official second language next year”. 27 tháng 8 năm 2018.
  395. ^ “Taiwan Yearbook 2006”. Government of Information Office. 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2007.
  396. ^ a b c d 國際信息局. 美國國務院發布《2002-度國際宗教自由報告》 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine. 美國在台協會. 2002-10-8 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  397. ^ 國際信息局. 2009-國際宗教自由報告 -- 台灣部分 Lưu trữ 2016-03-12 tại Wayback Machine. 美國在台協會. 2009-10-28 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  398. ^ Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor. 2009-國際宗教自由報告 -- 台灣部分. 美國國務院. 2009-10-28 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  399. ^ Government Information Office, Executive Yuan. 22. Religion. Taiwan Yearbook 2011. 2006 [2014-03-8] (tiếng Anh).
  400. ^ Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor (ngày 17 tháng 11 năm 2010). “Taiwan” (bằng tiếng Anh). United States Department of State. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2014.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  401. ^ 台灣民間信仰 台灣發展概況. 世界宗教博物館 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  402. ^ 黃俊傑. 儒家思想對中國宗教的作用及其世界意義. 國立臺灣大學 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  403. ^ 宗教信仰 Lưu trữ 2017-10-27 tại Wayback Machine. 交通部觀光局 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  404. ^ 楊惠南. 台灣民間宗教的中國意識. 台灣教授協會 [2014-03-8] (Chữ Hán phồn thể).
  405. ^ Michael Stainton (2002). “Presbyterians and the Aboriginal Revitalization Movement in Taiwan” (bằng tiếng Anh). Cultural Survival. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2014.
  406. ^ 中央通訊社. 15,000 temples Lưu trữ 2011-04-29 tại Wayback Machine. Taiwan News. 2008-07-28 [2014-03-8] (tiếng Anh).
  407. ^ Alison Hsiao. Ministry of Health and Welfare completes restructuring. Taipei Times. 2013-07-24 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  408. ^ Tsung-Mei Cheng. Taiwan’s New National Health Insurance Program: Genesis And Experience So Far. Health Affairs. 2003-5 [2014-03-15] (tiếng Anh).
  409. ^ 衛生福利部中央健康保險署 Lưu trữ 2019-05-17 tại Wayback Machine. 衛生福利部中央健康保險署. [2014-03-15] (Chữ Hán phồn thể).
  410. ^ 中華民國衛生福利部. 全民健康保險. 行政院. 2014-03-20 [2014-03-15] (Chữ Hán phồn thể).
  411. ^ 中華民國衛生福利部. 101-國人主要死因統計結果 Lưu trữ 2016-03-13 tại Wayback Machine. 衛生福利部國民健康署. 2013-06-6 [2014-03-15] (Chữ Hán phồn thể).
  412. ^ 陳梅英和林惠琴. 生育率全球最低 未來台灣將又老又窮. Yahoo! News. 2014-11-11 [2014-12-4] (Chữ Hán phồn thể).
  413. ^ 中華民國衛生福利部. 健康指標. 行政院. 2014-03-20 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  414. ^ 游能俊. 台灣人60歲以上,每五人就有一位糖尿病. 《康健雜誌》. 2014-1-24 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  415. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Social Welfare Lưu trữ 2012-03-12 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-27 [2014-03-15] (tiếng Anh).
  416. ^ Alexander Pevzner. Convenience Stores Aim at Differentiation. United States Chamber of Commerce. [2014-03-15] (tiếng Anh).
  417. ^ “Đài Loan - những điều trong thấy - Kỳ 2: Những cửa hàng tiện lợi”.
  418. ^ a b 中華民國衛生福利部. 醫療照顧體系. 行政院. 2014-03-20 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  419. ^ Government Information Office, Executive Yuan. Public health. Taipei: The Republic of China Yearbook 2009. 2009 (tiếng Anh).
  420. ^ 中華民國衛生福利部. 傳統中醫. 行政院. 2014-03-20 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  421. ^ 中華民國衛生福利部. 傳染病防治與健康促進. 行政院. 2014-03-20 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  422. ^ 中華民國衛生福利部. 食品藥物管理. 行政院. 2014-03-20 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  423. ^ The Story of Taiwan-Education Taiwan's Educational Development and Present Situation. Government Information Office, Executive Yuan. [2014-03-18] (tiếng Anh).
  424. ^ Grace Mak and Gerard Postiglione (25 tháng 3 năm 1997). Asian Higher Education: An International Handbook and Reference Guide (bằng tiếng Anh). Westport, USA: Greenwood Publishing Group. tr. 346–348. ISBN 978-0313289019.
  425. ^ a b 中華民國教育部. 教育制度. 行政院. 2014-03-25 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  426. ^ 中華民國教育部. 教育發展. 行政院. 2014-04-2 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  427. ^ 中華民國教育部. 教育現況. 行政院. 2014-04-2 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  428. ^ 亞洲百大大學排名 台灣13所上榜. 《蘋果日報》. 2014-06-19 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  429. ^ Gary W. Phillips (17 tháng 11 năm 2007). “Chance Favors the Prepared Mind:Mathematics and Science Indicators for Comparing States and Nations” (PDF) (bằng tiếng Anh). American Institutes for Research. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  430. ^ Anthony Lawrance. Betting on Taiwan's future with the Nankang software park. Taipei Times. 1999-11-1 [2014-03-18] (tiếng Anh).
  431. ^ Kevin Bucknall (6 tháng 1 năm 2002). Chinese Business Etiquette and Culture (bằng tiếng Anh). C&M Online Media. tr. 15. ISBN 978-0917990441.
  432. ^ 留學人數創新高 Lưu trữ 2011-10-01 tại Wayback Machine. 中華民國教育部. 2008-04-24 [2014-03-18] (Chữ Hán phồn thể).
  433. ^ 《聯合早報》. 大学排名落后马国学生出国留学者激增 Lưu trữ 2019-03-05 tại Wayback Machine. 出國在線. 2009-12-21 [2014-02-23] (Chữ Hán giản thể).
  434. ^ 中華民國教育部. 終身教育. 行政院. 2014-04-3 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  435. ^ a b c Government Information Office, Executive Yuan. Mass Media. 臺灣臺北: The Republic of China Yearbook 2009. 2009- (tiếng Anh).
  436. ^ 黃國治. 春來春又去──報禁解除20- Lưu trữ 2017-02-20 tại Wayback Machine. 《台灣光華雜誌》. 2008-1 [2014-03-18] (Chữ Hán phồn thể).
  437. ^ a b c 中華民國文化部和國家通訊傳播委員會. 大眾傳播. 行政院. 2014-04-3 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  438. ^ Taiwan profile: Media. BBC. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  439. ^ a b 陳如嬌和葉濬明. 蚵仔煎贏珍奶 台灣美食之冠. 《蘋果日報》. 2007-06-1 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  440. ^ a b 郭忠豪. 這座島嶼,胃納如洋 ─ 變遷中的台灣食物 Lưu trữ 2019-02-23 tại Wayback Machine. 《人籟論辨月刊》. 2013-09-2 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  441. ^ The Cuisine of Taiwan. Wokme.com Asian Cooking Guide. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  442. ^ 台灣的漁業 Lưu trữ 2018-08-13 tại Wayback Machine. 國立海洋生物博物館. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  443. ^ 楊紀代. 美食點滴:民以食為天. 《大紀元時報》. 2010-10-28 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  444. ^ 張瓊方 (1 tháng 2 năm 1997). “飲食革命──素食正流行]. 《台灣光華雜誌》” (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  445. ^ 林珮萱. 最愛逢甲夜市,最不滿意環境清潔 Lưu trữ 2017-12-16 tại Wayback Machine. 《遠見雜誌》. 2013-9 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  446. ^ 交通部觀光局 (2013). “10大夜市美食排行榜” (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  447. ^ Sean Paajanen. Bubble Tea Lưu trữ 2011-01-11 tại Wayback Machine. About.com. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  448. ^ 張炎憲. 台灣歷史發展的特色 Lưu trữ 2016-04-10 tại Wayback Machine. 吳三連台灣史料基金會. 2005-1-5 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể)
  449. ^ 行政院發言人辦公室 (1 tháng 11 năm 2013). The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tr. 208. ISBN 978-9860384178.
  450. ^ 施並錫和蔡淑雅. 台灣與西方藝術的千絲萬縷 Lưu trữ 2012-07-17 tại Wayback Machine. 國立交通大學. 2006-05-01. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  451. ^ 徐亞湘. 三角作用:現代化、政治力與市場機制多層影響下的20世紀台灣戲曲 Lưu trữ 2018-08-06 tại Wayback Machine. 中華戲劇學會. 2007. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  452. ^ 呂松穎. 解嚴後台灣美術的多元面貌. 國立臺灣美術館. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  453. ^ 陳昭瑛 (1 tháng 10 năm 2009). 臺灣文學與本土化運動 (bằng tiếng Trung). 國立臺灣大學. ISBN 978-9860197495. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  454. ^ Jeanne Deslandes. Dancing shadows of film exhibition: Taiwan and the Japanese influence. La Trobe University. 2000-11-1 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  455. ^ 行政院發言人辦公室 (1 tháng 11 năm 2013). The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tr. 211–213. ISBN 978-9860384178.
  456. ^ a b 中華民國文化部. 藝術文化. 行政院. 2014-1-16 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  457. ^ 行政院發言人辦公室 (1 tháng 11 năm 2013). The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tr. 209–211. ISBN 978-9860384178.
  458. ^ Bradley Winterton. Hardcover: US: Taiwan’s secret weapon. Taipei Times. 2010-1-24 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  459. ^ Stephanie Donald、Michael Keane and Yin Hong (23 tháng 8 năm 2002). Media in China: Consumption, Content and Crisis (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Routledge. ISBN 978-0700716142.
  460. ^ Ying Zhu (11 tháng 11 năm 2008). TV Drama in China (bằng tiếng Anh). Hong Kong: The University of Hong Kong. ISBN 978-9622099401.
  461. ^ “台灣電影如何面對韓國、大陸等國之競爭壓力?” (bằng tiếng Trung). 文化部影視及流行音樂產業局. 14 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
  462. ^ 吳坤墉. 三大洲影展──從歐洲看台灣電影 Lưu trữ 2017-02-20 tại Wayback Machine. 《台灣光華雜誌》. 1999-3 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  463. ^ Ministry of Foreign Affairs, Republic of China (Taiwan). Cinema Lưu trữ 2012-03-12 tại Wayback Machine. Government Information Office, Executive Yuan. 2010-05-26 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  464. ^ The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office. 1 tháng 11 năm 2013. tr. 第213頁至第215頁. ISBN 978-9860384178.
  465. ^ 李光真. 熱血. 《商業周刊》. 2011-06-29 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  466. ^ 歷年來臺旅客統計 Lưu trữ 2010-06-01 tại Wayback Machine. 交通部觀光局. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  467. ^ 98-來臺旅客居住地統計 Lưu trữ 2014-04-27 tại Wayback Machine. 交通部觀光局. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  468. ^ 交通部觀光局. 交通部觀光局所屬13處國家風景區介紹. 行政院. 2014-03-25 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  469. ^ 陳宗玄. 臺灣主要觀光遊憩區遊客人數概況與發展分析. 朝陽科技大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  470. ^ 經濟部水利署. 台灣溫泉資源之未來展望 Lưu trữ 2017-09-23 tại Wayback Machine. 國立成功大學 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  471. ^ Recreation Farms Lưu trữ 2019-02-03 tại Wayback Machine. 交通部觀光局. [2014-02-23] (tiếng Anh).
  472. ^ 林淑媛. 再造篇》六大產業…終極考驗. 《經濟日報》. 2009-05-16 (Chữ Hán phồn thể).
  473. ^ Markets Open up for Medical Tourism to Taiwan Lưu trữ 2019-03-27 tại Wayback Machine. Taiwan Holidays. 2010-10-22 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  474. ^ 台北101. 交通部觀光局 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  475. ^ 交通部觀光局. 最新之觀光統計. 行政院. 2014-03-21 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  476. ^ 國立故宮博物院. 交通部觀光局 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  477. ^ AFP. Taiwan to loan art to China amid warming ties. Google Newa. 2010-09-22 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  478. ^ a b Government Information Office. Tourism. The Republic of China Yearbook 2009. 2009- (tiếng Anh).
  479. ^ a b Joseph Yeh. Taiwan Baseball a new rallying point for national pride Lưu trữ 2015-07-12 tại Wayback Machine. culture.tw. 2008-09-30 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  480. ^ 陳志祥. 兄弟洪家退場 中職快速通過. 中時電子報. 2014-1-8 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  481. ^ 關於中職 Lưu trữ 2015-08-21 tại Wayback Machine. 中華職業棒球大聯盟. [2014-03-15] (Chữ Hán phồn thể).
  482. ^ 行政院發言人辦公室 (1 tháng 11 năm 2013). The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tr. 229–230. ISBN 978-9860384178.
  483. ^ a b c d e 教育部體育署. 運動. 行政院. 2014-04-3 [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  484. ^ 2007 USA Baseball World Cup Schedule. USA Baseball. 2007 [2014-02-26] (tiếng Anh).
  485. ^ 林宏翰. 直升大聯盟 王維中將寫下歷史. 中央通訊社. 2014-03-26 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  486. ^ Audrey Wang (1 tháng 6 năm 2008). “A Passion for Hoops” (bằng tiếng Anh). Taiwan Review. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2014.
  487. ^ AP. At Only 22, Tseng Wins Fifth Major. The New York Times. 2011-07-31 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  488. ^ AFP. Victorious Tseng takes No. 1 ranking. Taipei Times. 2011-02-14 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  489. ^ AP. Stacy Lewis wins, now No. 1 in world. ESPN. 2013-03-18 [2014-02-23] (tiếng Anh).
  490. ^ 體育運動政策白皮書. 中華民國教育部. 2013-06-25 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  491. ^ 英雄聯盟TPA擊敗韓國AZF隊 世界為台灣喝采 Lưu trữ 2018-08-04 tại Wayback Machine. ETtoday新聞雲. 2012-10-13 [2015-07-5] (Chữ Hán phồn thể).
  492. ^ 世界冠軍然後呢?台灣電競產業缺重視. 中央通訊社. 2015-03-15 [2015-07-5] (Chữ Hán phồn thể).
  493. ^ 2-08:歷史上的今天 Lưu trữ 2018-08-12 tại Wayback Machine. 中央通訊社. 2013-09-17 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  494. ^ Jennifer Dobner. Taiwan flags in S.L. ruffle a few feelings. Deseret News. 2002-02-10 [2014-02-27] (tiếng Anh).
  495. ^ 行政院發言人辦公室 (1 tháng 11 năm 2013). The Republic of China Yearbook 2013 (bằng tiếng Anh). Government Information Office, Executive Yuan. tr. 228. ISBN 978-9860384178.
  496. ^ 2009-高雄世運會官網 Lưu trữ 2013-07-06 tại Archive.today. 財團法人2009世界運動會組織委員會基金會. [2014-02-23] (Chữ Hán phồn thể).
  497. ^ 王樹衡. 逾80個國家、近4,000名選手報名參賽,臺灣首度舉辦奧林匹克家族相關賽事. 中時電子報. 2009-3 [2014-02-26] (Chữ Hán phồn thể).
  498. ^ Joseph Yeh. Taipei to host 2017 Summer Universiade. China Post. 2011-12-1 [2014-02-23] (tiếng Anh).

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Chính phủ
Tổng quan
Khác